Đừng quá lo ngại áp lực tỷ giá, lãi suất
Sắp có “quà riêng” tái cơ cấu ngân hàng
Khơi nguồn tài chính cho công nghiệp hỗ trợ
Theo chân Volkswagen, Mercedes bị tố gian lận khí thải tại Mỹ
Tổng thống Mỹ lạc quan về triển vọng Quốc hội thông qua TPP
Tin kinh tế đọc nhanh 23-02-2016
- Cập nhật : 23/02/2016
Trung Quốc muốn sửa luật chứng khoán
Tân Hoa xã đưa tin quyết định đề cử chủ tịch mới của Ủy ban Điều tiết chứng khoán nhằm củng cố thị trường chứng khoán trồi sụt thất thường trong thời gian qua.
Ông Lưu Sĩ Dư 57 tuổi, có thời gian công tác lâu năm trong hệ thống ngân hàng trung ương. Tháng 10-2014, từ phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân TQ, ông được điều về Ngân hàng Nông nghiệp TQ giữ chức bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch.
Trong thời gian giữ chức phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân TQ, ông Lưu Sĩ Dư phụ trách quản lý giám sát lĩnh vực chi trả, đặc biệt là quản lý giám sát đối với tài chính qua mạng. Ngoài ra, ông còn tham gia thúc đẩy xây dựng thị trường trái phiếu liên ngân hàng, mở rộng phát triển quy mô lớn thị trường tài chính trực tiếp và xúc tiến quy mô trái phiếu doanh nghiệp.
Trang web Caijing.cn (TQ) nhận định đối với ông Lưu Sĩ Dư, giữ vai trò chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán TQ hoàn toàn không dễ dàng. Trước mắt có hai việc lớn cần phải hoàn thành là sửa đổi luật chứng khoán và cải cách hệ thống đăng ký.
Sau khi thị trường cổ phiếu TQ trải qua biến động bất thường, cải cách thị trường này là điều phức tạp gian nan. Lẽ ra công tác sửa đổi luật chứng khoán phải được đưa ra năm 2015 nhưng do thị trường cổ phiếu biến động nên công việc này đã bị chậm lại. Trong khi đó, cải cách hệ thống đăng ký thì cần phải có luật chứng khoán làm bảo đảm pháp luật.
Hệ thống đăng ký là việc hoàn toàn mới đối với thị trường vốn TQ. Cuối năm ngoái, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc đã trao quyền cho Hội đồng Nhà nước điều chỉnh phạm vi pháp luật thích hợp, trước khi chưa sửa đổi luật chứng khoán thì có thể điều chỉnh hệ thống đăng ký.
Trang web Caijing.cn ghi nhận thị trường chứng khoán TQ sau khi biến động vẫn còn suy yếu, do đó đẩy mạnh cải cách cần suy nghĩ thấu đáo khả năng tiếp nhận của thị trường, nếu không dễ xảy ra mạo hiểm. Vì thế, làm sao thúc đẩy ổn thỏa cải cách hệ thống đăng ký đồng thời giữ được thị trường vốn ổn định chính là thử thách đối với ông Lưu Sĩ Dư.
Trang web Caijing.cn cho rằng đối với việc kiến thiết lâu dài trong thị trường vốn, sửa đổi luật chứng khoán là công tác rất quan trọng. Đối với ông Lưu Sĩ Dư, ngoài hai nhiệm vụ cải cách hệ thống đăng ký và sửa đổi luật chứng khoán, công tác xây dựng chế độ mang tính cơ bản của thị trường vốn cũng đang chờ được giải quyết cấp bách. Thị trường đang mỏi mắt trông chờ ông làm thế nào ứng phó với những thử thách này.
Sửa Thông tư 36 sẽ gây bất lợi cho thị trường bất động sản
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có công văn góp ý về dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo HoREA, các năm gần đây, dư nợ tín dụng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước cũng là điều bình thường do thị trường bất động sản mới vừa phục hồi từ cuối năm 2013 cho đến nay sau một thời kỳ bị khủng hoảng đóng băng kéo dài. Bên cạnh nguồn cung tín dụng, còn có nguồn kiều hối về TP HCM năm 2015 khoảng 5,5 tỉ USD, trong đó có khoảng 23% chuyển vào thị trường bất động sản. Nhìn toàn cục thì hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc theo hướng tinh, mạnh, vững chắc hơn, và hoạt động tín dụng của toàn hệ thống vẫn đang trong ngưỡng an toàn.
Hơn nữa, trong năm 2015 các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trên thị trường bất động sản thành phố chiếm khoảng 15%, chủ yếu trong phân khúc bất động sản loại khá hoặc cao cấp, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm "bong bóng" bất động sản năm 2007 (lúc đó, nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp chiếm đến khoảng trên dưới 70%).
Hiệp hội nhận thấy thị trường bất động sản đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Mà nguồn vốn huy động từ khách hàng phần lớn lại có nguồn gốc từ tín dụng ngân hàng. Trong khi thị trường vốn Việt Nam vẫn đang thiếu các nguồn vốn khác như các quỹ đầu tư (kể cả quỹ đầu tư mạo hiểm), quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán...
Đặc biệt, hoạt động đầu tư phát triển, kinh doanh bất động sản là hoạt động có tính chất trung hạn, dài hạn nhưng trên thực tế chưa có cơ chế đầy đủ để tạo lập nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn. Chưa kể, nếu được vay trung hạn, dài hạn thì lãi suất lại cao hơn lãi suất vay ngắn hạn, trong khi ở các nước khác thì ngược lại, lãi suất vay trung hạn, dài hạn thấp hơn lãi suất vay ngắn hạn.
Do đó, HoREA cho rằng nếu sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%; và thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250% có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản mới vừa phục hồi hơn 2 năm.
“Điều này chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại), các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản (có thể làm sụt giảm nguồn cung, làm tăng dự án dở dang, sản phẩm dở dang), và trên thực tế có thể sẽ tác động bất lợi đến người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp đô thị, và cũng sẽ tác động đến các ngành, nghề có liên quan đến thị trường bất động sản và công ăn việc làm của người lao động” - HoREA nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó đó, HoREA đề nghị chưa sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN thời điểm hiện nay do thông tư mới được triển khai thực hiện 1 năm và đang phát huy tác dụng tích cực đến nền kinh tế và góp phần củng cố đà phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp nên cần được tiếp tục thực hiện; các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, kiểm soát lạm phát đang được giữ vững; và thị trường chưa có nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2016.
Gởi 30 email đến thương vụ mà không thấy hồi âm
Thiếu thông tin, doanh nghiệp khó tiếp cận thị trường. Đổi mới phương thức hoạt động thương vụ và công tác thị trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế...
“Đã có doanh nghiệp tỉnh Cần Thơ gởi 30 email đến thương vụ mà không thấy hồi âm. Nếu hệ thống tham tám chỉ có một người như hiện nay thì rất khó để có được hiệu quả nhân lực trong công tác cung cấp thông tin, chia sẻ thị trường với doanh nghiệp”- ông Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, thông tin.
Đổi mới phương thức hoạt động thương vụ và công tác thị trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế là những đề nghị mà các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đưa ra trong hội nghị tham tán thương mại năm 2016, tổ chức sáng 22-2 tại TP.HCM, do Bộ Công thương phối hợp cùng UBND TP.HCM thực hiện.
Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng bộ Công thương, cứ hai năm một lần hội nghị tham tán, công sứ, thương vụ phụ trách lĩnh vực kinh tế-văn hóa ở các nước mới được tổ chức.
Ghi nhận sự đóng góp của các tham tán công tác ở nước ngoài trong vai trò đầu mối tìm kiếm khách hàng, hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tranh chấp thương mại với DN nước sở tại, ông Tú cho rằng vai trò của các tham tán, công sứ hoạt động ở nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập rất sâu như hiện nay, mà VN đang là một trong những thành tố vô cùng quan trọng trong diễn biến, hoạt động của nền kinh tế toàn cầu.
Ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều là vừa và nhỏ, nên việc tiếp cận công nghệ, thông tin thị trường quốc tế vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, bản thân doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược phát triển một cách có định hướng, mục tiêu cụ thể hơn. Cách làm tự phát, manh mún, không có những kế hoạch tiếp cận thị trường một cách bài bản, khoa học, sẽ khó có cơ hội trụ được trong xu thế phát triển kinh tế mới như hiện nay.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia hội nghị đều cho rằng, mong mỏi lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là nhận được sự hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường từ các thương vụ, tham tán thương mại một cách nhiệt tình, hiệu quả hơn.
Dù rất thông cảm về vấn đề nguồn nhân lực còn mỏng, ít tại các thương vụ đang hoạt động ở nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp cũng đề nghị các thương vụ, tham tán cần thay đổi cách hoạt động xúc tiến thương mại, cũng như cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin để các doanh nghiệp có được nhiều cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài nhiều hơn nữa.
Nhật “bật đèn xanh” mở thêm cửa cho nông sản Việt
Sau xoài cát chu và thanh long ruột trắng, Chính phủ Nhật đang có tín hiệu “bật đèn xanh” cho một số nông sản khác của VN xuất khẩu vào thị trường này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán thương mại VN tại Nhật, xác nhận thông tin trên và cho biết “vấn đề hiện nay chỉ còn là thời gian”.
Theo ông Dũng, từ trước đến nay, Nhật chưa bao giờ đề cập đến mặt hàng mới, nhưng sau khi Hiệp định chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết, chính phía Nhật chủ động gợi ý cho VN đưa hàng mới vào Nhật.
“Đây là điều vô cùng quan trọng. Chính họ gợi ý hãy đưa cho họ danh sách những mặt hàng mà chúng ta muốn đưa vào Nhật sắp tới là gì”, ông Dũng thông tin.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay Thương vụ VN tại Nhật phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT đang bàn bạc, xây dựng kế hoạch để có danh mục nông sản hợp lý và đạt được hiệu quả cao.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, trước đây công tác xúc tiến thương mại hay tập trung vào các ngành lớn, hoặc thông qua các sự kiện, hội thảo được tổ chức. Nhưng thực tế tại Nhật hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ở các địa phương của Nhật đang đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP của Nhật, có quy mô khoảng 3,8 triệu doanh nghiệp, với nhiều ngành nghề rất phù hợp với điều kiện, hoạt động của doanh nghiệp trong nước.
Do vậy, sắp tới thương vụ VN tại Nhật sẽ tiếp cận thành phần doanh này một cách sâu hơn nữa để có thêm thông tin cung cấp cho doanh nghiệp trong nước.
Bất động sản hạng sang TP HCM so găng quyết liệt
Khảo sát của VnExpress, khá nhiều đại gia địa ốc Sài Gòn đang chuẩn bị những sản phẩm cao cấp, giá "khủng" bậc nhất từ trước tới nay để tung ra trong năm Bính Thân, trong đó có cả những tên tuổi lần đầu gia nhập phân khúc. Các dự án có điểm chung là vị trí cực kỳ đắc địa tại khu vực quận I.
Những ngày đầu xuân, Chủ tịch sáng lập Sacomreal - Đặng Hồng Anh chia sẻ năm 2016 doanh nghiệp dự kiến mỗi tháng tung ra ít nhất một dự án nhà ở, tổng số hàng hóa đưa ra thị trường ước tính 2.400 căn, đủ mọi phân khúc từ trung cấp đến cao cấp, tăng 1.000 căn so với năm 2015. Đặc biệt, năm mới sẽ có cả nhà ở hạng sang tại quận I giá bán trong ngưỡng 70-80 triệu đồng/m2 trở lên. "Phân khúc này trước nay chúng tôi chưa từng làm nhưng sẽ quyết tâm theo đuổi trong năm 2016 và kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn mạnh mẽ", ông Hồng Anh nói.
Novaland là tên tuổi quen thuộc trên thị trường bất động sản với phân khúc căn hộ trung và cao cấp trong suốt 3 năm qua cũng có bước chuyển mình trong năm mới. Phó tổng giám đốc Bùi Cao Nhật Quân cho biết, năm nay doanh nghiệp lên kế hoạch sẽ thực hiện dự án phức hợp trên đường Thi Sách, quận I, trong đó gồm căn hộ, officetel và khách sạn, giá bán dự kiến khoảng 5.000-6.000 USD một m2. "Tuy đây không phải là dự án lớn nhất nhưng sản phẩm có vị trí đẹp nhất và giá bán cũng thuộc hàng cao nhất của công ty từ trước tới nay", ông Quân cho hay.Một dự án khác cũng được chờ đợi là khu phức hợp The One của Bitexco nằm đối diện chợ Bến Thành qua vòng xoay Quách Thị Trang. Dù hiện nay, chủ đầu tư khá kín tiếng trong quá trình hoàn thiện nhà mẫu và chưa công bố giá bán nhưng theo dự báo của giới kinh doanh địa ốc, đây sẽ là những sản phẩm hạng sang cực đắt. Ngoài ra, một đại gia địa ốc khác cũng đang chuẩn bị dự án bên bờ sông Sài Gòn để tung ra trong năm 2016. Giá bán dự án này cũng thuộc ngưỡng cả trăm triệu đồng mỗi m2 vì vị trí có một không hai tại khu trung tâm hiện hữu TP HCM.
Bất động sản hạng sang tại TP HCM được dự báo sẽ có cuộc rượt đuổi bung hàng lớn nhất từ trước tới nay. Ảnh: C.H
Tại buổi gặp mặt báo chí tháng 1/2016, CBRE Việt Nam tiết lộ khu lõi trung tâm đẹp nhất Sài Gòn sẽ có khoảng 8 dự án hạng sang được chào hàng trong năm 2016, giá cao nhất có thể lên đến 7.500 USD một m2. Nguồn cung các dự án cao cấp và hạng sang ước tính có thể tăng 20% so với năm 2015. Theo nhận định của đơn vị này, đã rất lâu thị trường bất động sản TP HCM chưa có dự án nào được chào bán với mức giá cao như vậy.
Nhiều năm qua, từ chỗ chỉ có một vài tên tuổi theo đuổi dòng sản phẩm luxury (cao cấp), nay đô thị 10 triệu dân này đang nổ ra cuộc chạy đua đầy kịch tính ở phân khúc bất động sản "siêu đắt đỏ" với sự góp mặt của khá nhiều ông lớn. Tuy nhiên, bên cạnh bề nổi hào nhoáng vẫn có không ít tảng băng chìm. Đó là động thái rút lui, bán tháo và cả tình trạng ế ẩm của không ít dự án được định vị là hạng sang.
Điển hình là ngày 20/1, Capella Holdings tuyên bố giảm giá 45% giá bán 39 căn hộ còn lại trong dự án The One Sài Gòn tọa lạc tại số 45-47 Đặng Thị Nhu, quận I, là một trong những dự án hiếm hoi đã hoàn thiện nằm trong vùng lõi trung tâm hiện hữu của thành phố. Từ mức giá 5.500-6.000 USD mỗi m2 vào năm 2010, các căn hộ được bán vét giảm còn 3.200-4.000 USD một m2, diện tích mỗi căn từ 49,5-148 m2.
Giải thích cho quyết định giảm giá này, Giám đốc kinh doanh Công ty Capella Holdings, Nguyễn Đình Toàn trần tình dự án có khoảng 96 căn mở bán từ năm 2010. Với mức giá 5.500-6.000 USD một m2, chủ đầu tư từng kỳ vọng sẽ thu lợi cao nhưng 5 năm chỉ bán được 45 căn, lãi suất ngân hàng ăn hết lợi nhuận. "Rút kinh nghiệm xương máu nhiều năm quan sát thị trường, chúng tôi quyết định đại hạ giá 38 căn còn lại để xả hàng nhanh, tránh viễn cảnh tồn kho bán không được thì ngân hàng tiếp tục ăn cụt cả vốn lẫn lãi", ông giãi bày.
Giảm giá sâu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp doanh nghiệp bán được 20 căn trong vòng một tháng. Như vậy, lượng căn hộ còn tồn đọng của The One Saigon rút xuống còn 18 căn. Được biết động thái bán tháo này của doanh nghiệp nhằm chuyển mục tiêu đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn để tập trung phát triển và đầu tư vào lĩnh vực khác: ẩm thực, nhà hàng, hội nghị tiệc cưới, bar, sky Bar…
Ngoài ra, trên một tuyến đường đẹp và đắt đỏ nhất TP HCM vẫn còn đó những căn hộ triệu USD bán nửa thập niên chưa hết dù số lượng sản phẩm khá hạn chế. Ngay cả dự án ban đầu được định vị là hạng sang nằm trên hòn đảo giữa lòng Sài Gòn nay đã chuyển hẳn sang tư duy đầu tư mới. Nếu giai đoạn một của dự án là những căn hộ luxury diện tích lớn thì gần 10 năm sau, chủ đầu tư tỏ ra am hiểu thị trường sâu hơn. Điều này thể hiện qua việc các căn hộ vẫn duy trì chất lượng cao nhưng diện tích điều chỉnh nhỏ lại để giá cả phù hợp với người mua nhà tại TP HCM.
Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá: "Cuộc đua bung hàng bất động sản hạng sang trong thời gian tới chắc chắn sẽ là những màn rượt đuổi đầy kịch tính, khốc liệt và khó đoán hơn so với phần còn lại của thị trường".
Ông Nghĩa phân tích, kịch tính ở chỗ sau 7-8 năm khủng hoảng và phải chờ 1-2 năm hồi phục, tức là gần một thập niên trôi qua, thị trường bất động sản mới lại chứng kiến cuộc so găng được dự báo là rất sôi động của các dự án hạng sang. Đây là tín hiệu tích cực vì nó chứng tỏ thị trường đang có bước tiến dài. Cùng với thanh khoản lên cao và liên tục lập kỷ lục, các doanh nghiệp đang tự tin hơn bao giờ hết vươn đến nhóm sản phẩm có chất lượng và đẳng cấp vượt trội. Hiệu ứng của tín hiệu này có thể đến từ việc Việt Nam đã nỗ lực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Ông cũng thừa nhận, phần khốc liệt của cuộc đua này đáng phải trăn trở. Sự khốc liệt nằm ở tính minh bạch và ổn định của thị trường vẫn đang là dấu hỏi lớn. Khốc liệt vì nguồn cung bất động sản hạng sang cũ và mới đang phải so găng nhau để bán được hàng, chủ yếu phục vụ giới thượng lưu, giàu có chỉ chiếm không quá 3% dân số cả nước. Thêm vào đó, mặc dù tất cả các dự án này đều hội tụ ở khu đất kim cương thuộc lõi trung tâm thành phố bài toán cạnh tranh về giá, thương hiệu, đẳng cấp cũng khó tránh khỏi.
Theo chuyên gia này, xét cho cùng nhà ở hạng sang chỉ là cuộc đua giành thị phần thuần túy của các doanh nghiệp lớn, tiềm lực tài chính vững mạnh. Phân khúc này đắt đỏ nhất vì vị trí đẹp nhất và cũng chỉ phục vụ duy nhất giới nhà giàu. "Do đó, dù cuộc đua có khốc liệt đến đâu, các biến động kinh tế có diễn ra theo chiều hướng nào thì đây cũng là phân khúc ít bị ảnh hưởng nhất", ông Nghĩa nhận định.