"Cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,5%"
Lộ diện 2 cá nhân chi hơn 280 tỷ đồng mua 7% vốn tại ngân hàng Phương Đông
Việt Nam sẽ có sàn giao dịch mua bán nợ?
Tổng giám đốc Google nhận khoản tiền thưởng kỷ lục
Chính phủ Nga không xem xét khả năng làm suy yếu đồng ruble
Tin kinh tế đọc nhanh 12-02-2016
- Cập nhật : 12/02/2016
Tết xong, thị trường bán lẻ VN sẽ về tay người Thái?
Ngay sau thương vụ TCC Holding bỏ 3,5 tỷ USD để mua số cổ phần kiểm soát ở Big C Thái Lan (58,6% ) từ tập đoàn Casino (Pháp) với giá 252,88 baht (7,1USD) trên mỗi cổ phiếu được công bố, nhiều đồn đoán cho rằng đại gia Thái Lan này cũng sẽ là ông chủ mới của Big C VN.
Theo Reuters, trong phiên đấu giá đầu tiên của Casino hôm 5-2, TCC Holding đã trả cao hơn 11% so với giá đóng cửa cùng ngày của cổ phiếu Casino.
Thương vụ này giúp Casino cắt giảm một nửa số nợ và tiến đến mục tiêu huy động được 4 tỷ euro thông qua bán tài sản trong năm 2016. Dự kiến, giao dịch sẽ được hoàn tất trước ngày 31-3.
Theo Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, Big C là hệ thống siêu thị lớn thứ 2 ở Thái Lan với mức vốn hóa thị trường lên tới 4,49 tỷ USD.
TCC cũng là tập đoàn đã mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry ở VN từ nhà bán lẻ của Đức với giá 789 triệu USD. Thương vụ này bắt đầu từ năm 2014 nhưng mãi cuối năm ngoái mới công bố kết thúc.
Đây là kết quả tương đối bất ngờ khi mà trước đó, nhìn vào danh sách các ứng cử viên quan tâm đến chuỗi Big C Thái Lan, Central Group (Thái Lan) mới là gương mặt sáng giá.
Những người trong nghề đều biết Central Group được xem giữ thế thượng phong bởi tập đoàn bán lẻ này đang sở hữu cổ phần của Big C Supercenter Pcl ở Thái Lan. Central Group từng đánh tiếng mua lại 58,6% cổ phần của Casino nắm giữ trong Big C Thái Lan với giá 3,1 tỷ USD.
Tập đoàn này cũng sẵn sàng dự chi 800 triệu USD đến 1 tỷ USD để mua lại toàn bộ mảng kinh doanh Big C tại VN. Và nếu Big C VN rơi vào Central group thì khả năng Big C được giữ lại tên ở thị trường VN là rất lớn.
Thế nhưng, trong phiên đấu giá bán Big C VN vừa qua, Central Group đã thua cuộc. Casino Group cũng từng cho biết nếu chốt được giá tốt, họ sẽ quyết định bán gộp chuỗi Big C ở cả hai nước gồm Thái Lan và VN, nếu không thì tách ra.
Nhiều nguồn tin cho rằng, vài ngày tới, số phận của Big C VN cũng sẽ được công bố nhưng gần như 90% là Big C VN thuộc về tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Nếu Big C VN rơi vào tay của TCC Holding, thị trường bán lẻ VN gần như bị người Thái chi phối.
Theo số liệu gần đây của công ty nghiên cứu thị trương Kantar Worldpanel về thị trường bán lẻ xét ở góc độ thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) thị trường bán lẻ VN chủ yếu đang bị chi phối bởi ba nhà bán lẻ lớn là Saigon Co.op, Big C và Metro Cash & Carry.
Trong đó doanh thu của Saigon Co.op bằng xấp xỉ doanh thu của Big C và Metro cộng lại. Đầu tháng 1-2015, Metro Cash & Carry đã công bố hoàn tất thương vụ bán cho đại gia Thái Lan là Berli Jucker Public Company Limited (BJC) - công ty thành viên của TCC Group.
Nếu Big C tiếp tục vào tay của TCC , thị trường trường bán lẻ VN là sẽ cuộc đấu không cân sức khi một mình Saigon Co.op phải “chống đỡ” với đại gia Thái Lan.
Với kịch bản thị phần 50-50, cơ hội cho hàng Thái lẫn hàng VN là tương đương nhau cho dù đang ở ngay trên sân nhà VN, nhưng xét về tính cạnh tranh, những nhà cung cấp VN rõ ràng đang bị lép vế.
Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Hàng VN chất lượng TP.HCM lo ngại với những gì đang diễn ra chúng ta sẽ đa phần mất thị trường bán lẻ. Bởi nếu cả Big C và Metro đều thuộc tay người Thái thì rõ ràng doanh nghiệp VN đang bước vào sân chơi AEC khi mà phần lớn mạng lưới phân phối bán lẻ được giao cho những người chủ là nước ngoài
Hãy tưởng tượng, một Việt Nam không có hội nhập!
Quyết tâm hội nhập đã mang đến nhiều thành công cho Việt Nam với những cơ hội chưa từng có. Song vẫn còn những cơ hội mà Việt Nam đã bỏ lỡ và nếu biết tận dụng thì thành quả của hội nhập sẽ lớn hơn nhiều…
Sau hiệp định thương mại (FTA) đầu tiên được ký kết với ASEAN vào năm 1995, đến nay Việt Nam đã ký hàng loạt các FTA song phương, đa phương. Tuy nhiên, dấu mốc hội nhập được xem là quan trọng nhất là khi gia nhập WTO, Việt Nam tham gia sân chơi chung toàn cầu với 150 nước, với một luật chơi mang tính ràng buộc pháp lý cao.
Bởi vậy, Việt Nam phải điều chỉnh một cách tổng thể thể chế kinh tếtrên nhiều lĩnh vực. Đây cũng được xem là nền tảng cho Việt Nam khi tham gia vào các FTA thế hệ mới như Việt Nam – EU, TPP. Những Hiệp định này có tác động rất lớn đến thể chế kinh tế Việt Nam, đòi hỏi phải quyết liệt cải tổ nền kinh tế để khai thác được những cơ hội, đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Hội nhập là con đường đi đúng hướng đã làm thay đổi hoàn toàn Việt Nam sau 30 năm đổi mới. Thử tưởng tượng nếu Việt Nam không hội nhập sâu rộng, vươn mình ra khu vực và thế giới, làm bạn, làm đối tác với nhiều quốc gia, thì diện mạo của một đất nước đi lên từ chiến tranh, của những con người một thời chỉ biết cầm súng, sẽ không thể có nhiều thay đổi như hiện nay.
Thay đổi ngoạn mục trong xuất khẩu
TS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng một dấu ấn quan trọng nhất mà hội nhập mang lại cho Việt Nam đó là gia tăng xuất khẩu. Có hai mốc hội nhập quan trọng tác động đáng kể đến xuất khẩu đó là khi tham gia ASEAN và ký hiệp định BTA Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000.
Nếu như trước năm 1995 các nhà lãnh đạo Việt Nam còn lưỡng lự tham gia ASEAN vì đây là hiệp định FTA đầu tiên VIệt Nam tham gia và lo sợ những tác động tiêu cực của việc mở cửa thị trường khi hàng hóa trong nước kém tính cạnh tranh và ngân sách có thể bị thâm hụt do giảm thuế.
Tuy nhiên, thực tế mở cửa những năm sau đó đối với khu vực ASEAN cho thấy nền kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng như lo ngại khi ngân sách không bị ảnh hưởng đáng kể, thị trường trong nước không bị hàng hóa ASEAN tràn ngập, trong khi xuất khẩu của Việt Nam đi các nước trên lại tăng trưởng nhanh chóng.
Dẫn chứng, nếu như năm 1995 gia nhập ASEAN thì xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường mới này chỉ đạt 1 tỷ USD, thì đến năm 2000 con số này là 8,6 tỷ USD và đạt 18,5 tỷ USD năm 2013.
Mốc hội nhập thứ hai đáng chú ý tác động mạnh đến xuất khẩu là việc ký kết BTA với Việt Nam – Hoa Kỳ vào năm 2000. Đây là hiệp định đặt ra nhiều khó khăn với các nhà lãnh đạo Việt Nam, khi ký kết FTA với một quốc gia có vị thế đặc biệt, đứng đầu thế giới, có thể làm đảo lộn tập quán kinh tế Việt Nam, hoặc thậm chí là có thể tác động tiêu cực đến kinh tế.
Tuy nhiên, việc hội nhập với một nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mang lại thành quả cho Việt Nam khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định và xuất khẩu đi Hoa Kỳ tăng trưởng ngoạn mục sau khi ký kết. Năm 2000, năm ký kết BTA xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ đạt hơn 700 triệu USD thì 5 năm sau, con số này đã lên tới 6 tỷ USD và đến năm 2014 đã đạt gần 29 tỷ USD. Việt Nam cũng luôn xuất siêu sang Hoa Kỳ và đây là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam với con số xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong năm 2014.
…. Và những cú hích đầu tư FDI
Hội nhập cũng tạo nên những làn gió mới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Là một thị trường mới nổ và nhiều tài nguyên thiên nhiên, chi phí nhân công rẻ và dân số lớn với lực lượng lao động trẻ, Việt Nam đã thu hút được nhiều đầu tư FDI.
Nhìn lại lịch sử thu hút FDI, có thể thấy rõ hai làn sóng đầu tư là giai đoạn 1991 – 1997 và sau khi gia nhập WTO vào năm 2007. Nhiều tập đoàn tên tuổi lớn thế giới đã vào Việt Nam với hàng loạt các dự án tỷ USD, tạo nên chuỗi giá trị liên kết cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khu vực FDI đã có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, trước hết trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nếu tính trung bình giai đoạn 2001 – 2005, khu vực FDI chỉ mới chiếm 16% vốn đầu tư toàn xã hội thì giai đoạn 2006 – 2010 là 24,7% và 3 năm gần đây có giảm xuống 21,9%. Tương ứng, đóng góp của FDI cho GDP giai đoạn 2001 – 2005 chỉ là 14,6%, thì giai đoạn 5 năm tiếp theo con số này tăng lên là 18,1% và hai năm 2011 – 2012 đóng góp trung bình ở mức 18,5%.
Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI cũng đã ngày càng tăng lên, từ mức 50,9% trung bình giai đoạn 2001 – 2005 lên mức 55,6% giai đoạn 2006 – 2010 và đạt 62,6% giai đoạn 3 năm gần đây. Điều này cho thấy các nhà đầu tư chọn Việt Nam như một địa bàn sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tận dụng lợi thế từ các FTA mà Việt Nam tham gia.
Nộp ngân sách của khu vực FDI cũng có xu hướng ngày càng tăng, nếu năm 2001 nộp ngân sách của FDI mới chỉ dừng lại ở 373 triệu USD thì năm 2005 đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, tăng lên 3 tỷ USD năm 2010 và đạt 5 tỷ USD vào năm 2013, đóng góp 13% tổng ngân sách quốc gia năm 2013. Ngoài ra, khu vực FDI cũng tạo việc làm, tăng từ 1 triệu việc làm năm 2005 lên 2 triệu việc làm năm 2011 và 2013 là 2,2 triệu việc làm.
EU vạch kế hoạch thoát khỏi nguồn cung khí đốt của Nga
Báo Đức Deutsche Welle ngày 9/2 cho biết Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ thực thi 14 dự án năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) vào khí đốt Nga.
Để đạt mục tiêu này, cơ sở hạ tầng truyền dẫn khí đốt hiện có của EU sẽ được bổ sung thêm một số tuyến đường ống dẫn khí đốt mới.
Cụ thể, EU có kế hoạch khởi động sáu dự án ở các nước Baltic và khu vực Đông Nam Âu, vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga. Ví dụ, các nước Estonia, Latvia, Litva và Phần Lan sẽ kết nối với mạng đường ống toàn châu Âu.
Hungary có kế hoạch để xây dựng một tuyến đường ống dẫn từ Croatia, đồng thời Bulgaria và Romania sẽ nhận khí đốt từ Hy Lạp. Ngoài ra, còn có hai dự án nhằm cải thiện nguồn cung khí đốt giữa Tây Ban Nha,Bồ Đào Nha và Pháp.
EC đã xác định tất cả các phương án trong khuôn khổ chiến lược về tiếp nhận, vận chuyển và lưu trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng, là một phần của khái niệm an ninh năng lượng châu Âu.
Để làm điều này, EU đề xuất chín nước đóng vai trò như "các khu vực năng lượng," trong trường hợp khủng hoảng, có thể cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các nước láng giềng EU.
Hiện 1/3 nhu cầu khí đốt của EU được đảm bảo bằng nguồn cung khí đốt từ Nga. Về phần mình, Nga vẫn có ý định thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc-2, vốn bị đa phần các nước thành viên EU phản đối
Chứng khoán HongKong rớt thảm sau kỳ nghỉ lễ
Giá cổ phiếu của PetroChina Co. mất 5,9% trong khi cổ phiếu của Cnooc Ltd., công ty khác thác dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc cũng mất 6,9% giá trị. Cổ phiếu của HSBC Holdings Plc cũng xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm, chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 4,7%, mức giảm điểm mạnh nhất kể từ hồi tháng 8 năm ngoái. Thị trường tài chính Đại Lục còn tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ đến thứ Hai tuần sau.
"Việc chứng khoán HongKong giảm điểm là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, giá dầu liên tục đi xuống, kinh tế toàn cầu suy thoái cũng là những mối lo ngại của các nhà đầu tư", Steven Leung, giám đốc kinh doanh tại UOB Kay Hian nói.
Sự khác biệt giữa tỷ phú và người thường
Để trả lời cho câu hỏi: "Có phải các tỷ phú biết điều gì đó mà người bình thường không biết?" được đăng trên mạng xã hội hỏi đáp - Quora, Patrick Methieson – một nhà đầu tư mạo hiểm từng làm việc với nhiều tỷ phú đã trích dẫn một câu nói của Steve Jobs về tâm lý chung của tầng lớp này:
"Tất cả mọi thứ xung quanh mà bạn gọi là cuộc sống đều được tạo ra bởi những người không hề thông minh hơn bạn. Vì thế, bạn có thể thay đổi, tác động và tạo nên những thứ của riêng mình mà người khác vẫn sử dụng được".Methieson giải thích: "Các tỷ phú hiểu rằng thế giới này rất dễ bị tác động. Chỉ cần đủ động lực cố gắng và tài nguyên, con người thực sự có thể thay đổi thế giới. Suy nghĩ này trái ngược với hầu hết chúng ta, rằng thế giới không thể bị thay đổi".
Triệu phú tự thân Steve Siebold - người từng phỏng vấn hơn 1.200 người giàu nhất thế giới trước khi viết quyển sách "Người giàu suy nghĩ như thế nào", cũng từng khẳng định điều này.
Người giàu luôn có tư duy hành động và cũng luôn là người giải quyết vấn đề. "Trong khi đại đa số mọi người chờ đợi để chọn con số may mắn và cầu nguyện một cuộc sống thịnh vượng, thì những người vĩ đại chọn cách giải quyết vấn đề", ông Siebold viết.
Tuy nhiên, cũng như Jobs đã nói, điều này không có nghĩa người giàu có thông minh hơn người bình thường. Siebold cũng giải thích: "Họ chỉ đơn giản là người có đầu óc chiến lược hơn. Khi người giàu cần tiền, họ không băn khoăn việc này có thể làm hay không, mà sẽ bắt tay vào suy nghĩ ngay những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề. Và khi giải quyết được vấn đề càng lớn, bạn sẽ càng kiếm được nhiều tiền".
Tóm lại, "Ai cũng có thể trở nên giàu có. Học vấn hay nơi sống không giúp được gì cho bạn đâu. Chúng không phải là những thứ có thể đảm bảo giúp bạn giàu có hơn, mà đó là chính con người bạn", Siebold kết luận.