Chứng khoán toàn cầu chao đảo vì cảnh báo của FED
Hàn Quốc ngừng cấp điện, nước cho khu công nghiệp Kaesong
Giá dầu Mỹ bắt đáy mới 13 năm
Tài chính thế giới lại rối loạn
Khởi động nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-02-2016
- Cập nhật : 11/02/2016
Thách thức điều hành tỷ giá năm 2016
Thách thức điều hành tỷ giá trong năm 2016 là rất lớn khi Fed đã chính thức nâng lãi suất trong ngày 16-12-2015, kết thúc giai đoạn 7 năm lãi suất được duy trì ở mức gần 0%. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ rất khó có thể tiếp tục đưa ra được một cam kết cứng nhắc đối với tỷ giá.
Nhận định trên được các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra trong Báo cáo chiến lược 2016. Theo đó, BVSC dự báo, tỷ giá USD/VND năm 2016 sẽ tăng 3-4%. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở dự báo cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đạt thặng dư khoảng 5 tỷ USD, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1%, và thị trường tài chính quốc tế không có những biến động lớn và bất ngờ, chẳng hạn đến từ Trung Quốc tiếp tục phá giá CNY.
Trong khi đó, Báo cáo triển vọng 2016 của Công ty Chứng khoánVietcombank (VCBS) đưa ra dự báo VND sẽ giảm giá khoảng 4 – 5% so với USD trong năm 2016. Theo đó, nếu xét riêng các yếu tố trong nước, không có yếu tố rõ ràng nào có thể gây áp lực lớn cho tỷ giá trong năm 2016.
Cụ thể, tâm lý đầu cơ ngoại tệ thông qua nhiều biện pháp và can thiệp hợp lý của NHNN được kỳ vọng sẽ bị hạn chế đáng kể. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân và kiều hối được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng tích cực. Ngoài ra, thâm hụt thương mại 2016 cũng được kỳ vọng sẽ không quá đột biến và ở mức vừa phải (2 - 3 tỷ USD).
Do đó, áp lực từ phía bên ngoài tiếp tục là yếu tố lớn nhất tạo nên rủi ro tỷ giá trong năm 2016, đặc biệt là đồng USD mạnh lên cùng lộ trình tăng lãi suất của FED và khả năng đồng CNY tiếp tục lao dốc. Với cách tiếp cận tương đối thận trọng đi cùng lộ trình tăng lãi suất theo hướng chậm và từ từ của FED, các chuyên gia VCBS đánh giá yếu tố đồng USD mạnh lệ theo lộ trình tăng lãi suất của FED có thể đã được thị trường chuẩn bị và phòng ngừa. Trong khi đó, yếu tố đồng CNY lao dốc được nhìn nhận là yếu tố khó lường và đem lại nhiều rủi ro hơn, đặc biệt khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và hiện giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu trong năm 2015.
Đồng quan điểm như trên, Báo cáo chiến lược 2016 của Công ty Chứng khoán Maritime Bank cũng nhìn nhận áp lực tỷ giá từ các yếu tố bên ngoài là rất lớn. Tuy nhiên các yếu tố nội lực như FDI, kiều hối và dự trữ ngoại hối sẽ đủ đáp ứng những biến động bên ngoài mà không gây tổn hại đến nền kinh tế. Theo đó, mức độ biến động có thể bằng hoặc thấp hơn năm 2015.
Vào ngày cuối cùng của năm 2015, NHNN đã chính thức công bố cơ chế điều hành tỷ giá mới theo đó tỷ giá trung tâm USD/VND sẽ được công bố hàng ngày. Tuy nhiên, tỷ giá thực tế trên thị trường ngoại hối trong những tuần đầu giao dịch vẫn chủ yếu xoay quanh biên độ giới trên của tỷ giá trung tâm, cho nên thị trường vẫn còn hoài nghi về tính chỉ báo, dẫn dắt của cơ chế tỷ giá mới.
Từ thực tế đó, các chuyên gia của BVSC cho rằng, NHNN chắc chắn sẽ có lộ trình cho cơ chế tỷ giá trung tâm thực sự linh hoạt trong năm 2016. Cụ thể, tỷ giá trung tâm cần được điều chỉnh linh hoạt hơn nữa trong năm 2016, để chỉ số này thực sự có vai trò định hướng, dẫn dắt trên thị trường ngoại hối. Các bên tham gia thị trường sẽ chỉ tin tưởng tỷ giá trung tâm nếu tỷ giá thực tế giao dịch trong ngày xoay quanh ở cả cận trên và cận dưới của tỷ giá trung tâm, chứ không chỉ chủ yếu tập trung ở cận trên như trong tuần đầu giao dịch đầu tiên với cơ chế tỷ giá mới.
Điều này cũng gắn chặt với cam kết chống đô la hóa khi NHNN chính thức loại bỏ USD trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và tổ chức, cá nhân. Như vậy, tỷ giá linh hoạt sẽ là cơ sở quan trọng để NHNN có thể thực hiện cam kết chống đô la hóa trên thực tế, khi giao dịch với USD trong nền kinh tế được chuyển từ quan hệ tín dụng sang quan hệ mua bán trên thị trường ngoại hối.
Những dự án giao thông “đình đám” sẽ hoàn thành năm 2016
Chỉ tính riêng trong tháng 1/2016, ngành giao thông đã hoàn thành và đưa vào khai thác 2 dự án giao thông lớn.
Năm 2016 đã và sẽ có nhiều dự án giao thông lớn được hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong số này, Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông; Dự án mở rộng sân bay Đà Nẵng… là 2 dự án khiến Tư lệnh ngành giao thông - Bộ trưởng Đinh La Thăng phải liên tục đưa ra các chỉ đạo quyết liệt.
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang
Đầu năm 2016, ngành giao thông đã “trình làng” tin vui: Lễ thông xe Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang được tổ chức vào ngày 3/1/2016, tại TP Bắc Giang.
Dự án theo hình thức hợp đồng BOT này là phân đoạn trong tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn có chiều dài 45,8 Km, đi qua 3 tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang. Với vận tốc thiết kế 100km/h thì đoạn đường từ Hà Nội đi Bắc Giang đã được rút ngắn chỉ còn khoảng 45 phút.
Đồng thời, dự án cũng sẽ rút ngắn hành trình cho các đoàn tàu trên tuyến, khi một số nút giao đồng mức đã được xoá bỏ, đảm bảo an toàn trong quá trình đi lại hai bên đường sắt của người dân địa phương.
Dự án Hầm Đèo Cả
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả có tổng chiều dài 13,4km, được thiết kế 4 làn xe (mỗi làn rộng 3,75m) nằm trên Quốc lộ 1A nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Trong đó, hầm Đèo Cả dài 3.900 mét, hầm Cổ Mã dài 500 mét, đường dẫn và các cầu trên tuyến dài 9km.
Khi hầm đèo Cả hoàn thành, quãng đường qua đèo sẽ giảm 1/2, thời gian qua đèo giảm 1/4, chịu được trọng tải lớn và an toàn cho các loại phương tiện giao thông.
Dự án mở rộng nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng. Vị trí nhà ga quốc tế mới được đề xuất nằm bên phải nhà ga hiện hữu, trên phần đất nhà ga cũ và nhà ga hàng hóa cùng một số công trình khác của sân bay Đà Nẵng. Nhà ga mới có tổng diện tích khoảng 40.000m2 sàn, có sân đỗ đồng bộ để đáp ứng công suất 4 triệu hành khách/năm.
Khẳng định đây là dự án hết sức cấp bách, cần phải được triển khai và hoàn thành sớm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo chủ đầu tư phải khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo để hoàn thành dự án trong quý I/2017.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Đây là dự án gây nhiều tranh cãi từ thiết kế - độ dốc, sự cố trong quá trình thi công tới việc đội vốn “khủng”. Dự án do Tổng thầu Trung Quốc thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, có hồ sơ thiết kế do tư vấn là Công ty TNHH Tổng viện nghiên cứu thiết kế xây dựng đô thị Bắc Kinh lập, đã được tư vấn thẩm tra là Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI và chủ đầu tư là Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ thiết kế.
Tuyến đường sắt đi trên cao dài 13 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm với 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu depot rộng 19,6 ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.
Đến thời điểm này, dự án phải điều chỉnh vốn rất lớn với tính toán của tư vấn TEDI, được Viện Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm tra là 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD, tức là tăng gần 1,6 lần so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Phần lớn trong tổng số tiền vốn bị “vống” lên của dự án (248/315 triệu USD) nằm ở các chi phí thuộc hợp đồng với tổng thầu EPC (Trung Quốc).
Đến cuối năm 2015, theo báo cáo, dự án đã hoàn thành gần 70% khối lượng. Ban quản lý dự án Đường sắt đã đưa ra tiến độ hoàn thành phần xây lắp dự án trước 30/6/2016 (trừ ga Cát Linh và một phần khu depot) để ngày 30/9/2016 bắt đầu căn chỉnh, chạy thử đồng bộ, đảm bảo hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án trước ngày 31/12/2016 và đưa vào vận hành khai thác từ Quý I/2017.
Để có được điều này, Bộ GTVT đã phải liên tục rà soát, kiên quyết thay thế các Nhà thầu phụ yếu kém về năng lực, kinh nghiệm đang tham gia thực hiện Dự án để bổ sung, thay thế bằng các Nhà thầu phụ có năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công.
Bộ GTVT còn buộc lãnh đạo của Tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam để trực tiếp điều hành Dự án. Hiện nay, Tổng thầu EPC đã cử một Phó Tổng Giám đốc sang Việt Nam để trực tiếp điều hành và đã bổ sung thêm 2 công ty con sang Việt Nam để tham gia thi công.
Lãnh dạo Bộ GTVT cũng đồng thời yêu cầu Tổng thầu phải kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành cho các Nhà thầu phụ để đảm bảo năng lực tài chính cho các đơn vị tham gia thực hiện Dự án
Phải giảm thiểu tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh trong giới ngân hàng
Sắp tới, một số ngân hàng yếu kém, lãi suất huy động còn cao tiếp tục cần tái cơ cấu triệt để hơn nữa để giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và tạo ra các định chế tài chính lớn hơn để cạnh tranh với khu vực.
Năm 2015 là năm cuối cùng của Đề án 254 (Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015), hệ thống tài chính ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, hoạt động ổn định, lành mạnh hơn.
Liệu rằng năm 2016, thị trường tài chính tiếp tục có nhiều triển vọng như năm qua hay không, nhân dịp đầu xuân mới Bính Thân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực.
PV: Ông nhận định thế nào về bức tranh hệ thống ngân hàng trong năm qua?
TS. Cấn Văn Lực: Hệ thống ngân hàng trong năm qua đã ghi nhận nhiều điểm tích cực. Về cơ bản, hệ thống ngân hàng đã tái cơ cấu xong giai đoạn 1. Các ngân hàng yếu kém bắt đầu hoạt động có hiệu quả và có lợi nhuận. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống giảm mạnh, đẩy về dưới 3%, từ mức 17,2% năm 2012, trong số này có 58% TCTD tự xử lý và 42% bán cho VAMC.
Lợi nhuận ngân hàng đã tăng dần từ năm 2012 về đây song vẫn ở mức thấp. Chỉ số ROE năm 2013 khoảng 5,2%, năm 2014 là 5,5-5,6%, năm 2015 vào khoảng 6% trong khi đó bình quân khu vực ở trên 10%.
Điểm sáng thứ ba về thanh khoản. Tín dụng tăng trưởng năm 2015 đạt gần 18% là tương đối cao, huy động vốn tăng trưởng 16%, hệ số cho vay/huy động ở ngưỡng 89%, nhích hơn 2014 nhưng vẫn dưới ngưỡng 90%, về cơ bản là ổn định.
Thứ tư, lãi suất trong năm qua đã giảm 1,5-2% ở các kỳ hạn khác nhau. Lãi suất giảm, tình hình kinh tế tăng trưởng tích cực, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện, tín dụng cũng là một điểm nhấn trong năm 2015, tăng cao nhất trong 5 năm gần đây và quan trọng hơn dòng tín dụng nắn vào những chỗ cần thiết như 5 lĩnh vực ưu tiên đặc biệt là cho vay lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao tăng vọt hơn 40%.
Một điểm khác, mặc dù tỷ giá có nhiều biến động, tâm lý thị trường còn nặng nề tại các thời điểm nhất định tuy nhiên hoạt động hệ thống ngân hàng vẫn ổn định.
Ngoài ra, về quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro, NHNN đã quyết liệt hơn trong việc yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng thông qua việc ban hành Thông tư 36.
Với nỗ lực trong năm qua, bước sang năm 2016, bài toán đặt ra cho hệ thống tài chính ngân hàng có đơn giản hơn năm trước không, thưa ông?
Rõ ràng năm qua, hệ thống ngân hàng đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc tuy nhiên theo tôi vẫn còn một số hạn chế, thách thức mà ngành ngân hàng cần tập trung xử lý trong thời gian tới.
Thứ nhất, về nợ xấu, mặc dù các TCTD đã bán cho VAMC khoảng 240 nghìn tỷ và VAMC mới xử lý hơn 9% như vậy vẫn còn hơn 200 nghìn tỷ tiếp tục cần xử lý.
Thời gian qua, cơ quan điều hành cũng đã cố gắng tháo gỡ thể chế vướng mắc liên quan tới việc ban đầu hình thành thị trường mua bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo,…
Từ nay đến năm 2020, gói nợ xấu này hy vọng sẽ được xử lý cơ bản, phù hợp với tiến độ quốc tế cần khoảng 7 năm để xử lý.
Một số ngân hàng yếu kém, lãi suất huy động còn cao tiếp tục cần tái cơ cấu triệt để hơn nữa để giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và tạo ra các định chế tài chính lớn hơn để cạnh tranh với khu vực.
Bước sang năm 2016, với dự báo nền kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn, Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội hội nhập tốt hơn và đặc biệt liên quan đến cải cách kinh doanh, tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ đạt ít nhất bằng năm 2015. Trong đó, hệ thống tài chính ngân hàng sẽ tiếp đà tăng trưởng, đặc biệt sau khi đã hoàn thành giai đoạn đầu tái cơ cấu và hội nhập sâu hơn.
Ông nhận định ra sao về thị trường chứng khoán, bảo hiểm và trái phiếu cũng như triển vọng thị trường vốn của chúng ta trong năm nay?
Thị trường chứng khoán năm qua trải qua rất nhiều biến động nhưng tính chung cả năm vẫn tăng trưởng khá cao, khoảng 6,1%. Trong khi đó chỉ có một vài thị trường trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, khu vực EU,… tăng trưởng thấp hơn. Chỉ số chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương năm qua cũng chỉ tăng 2-3%. Một số nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippines,… đều suy giảm.
Năm qua, thị trường chứng khoán tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, lành mạnh hóa, qua đó giảm số lượng các công ty chứng khoán yếu kém, đã có thêm một số sáng kiến mới, chỉ số mới, sản phẩm mới cho chứng khoán để năm nay vận hành, thị trường phái sinh dự kiến thiết lập.
Tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn ở mức độ biến động cao do hội nhập nên chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường bên ngoài đặc biệt là Trung Quốc, cộng với việc giá dầu giảm mạnh tác động đến nhóm cổ phiếu dầu khí giảm đáng kể do yếu tố tâm lý.
Thị trường bảo hiểm tăng trưởng khá tốt trong năm qua. Theo tính toán sơ bộ của tôi, doanh thu bảo hiểm năm qua tăng 17% cả nhân thọ và phi nhân thọ và thị trường còn phát triển hơn nữa. Điều này chứng tỏ thu nhập của người dân tốt hơn và doanh nghiệp và người dân đã quan tâm hơn về bảo hiểm. Chỉ số doanh thu phí bảo hiểm so với GDP cuối năm 2015 là 1,8%, tăng so với mức 1,3% năm 2013.
Tuy nhiên, so với ASEAN thị trường bảo hiểm của chúng ta vẫn còn rất khiêm tốn, phát triển nhưng chưa bền vững, chưa bài bản, cạnh tranh chưa thực sự sòng phẳng.
Về thị trường trái phiếu, thị trường này tăng trưởng tích cực trong những năm vừa qua. Cuối năm 2015, quy mô thị trường trái phiếu chiếm 21% GDP. Song, thị trường vẫn có 3 nhược điểm chính: Quy mô nhỏ bé trong khi có nước trong khu vực lên tới 100% GDP; Thị phần chủ yếu là TPCP chiếm đến 80%; Hoạt động hỗ trợ cho trái phiếu chưa được phát triển như xếp hạng tín nhiệm, công bố thông tin, thủ tục liên quan đến thẩm định, phát hành, doanh nghiệp tư vấn cho phát hành trái phiếu chưa phải là nhiều và chuyên nghiệp.
Tựu chung lại, thị trường vốn năm nay sẽ tích cực hơn năm 2015 nhưng sẽ đối mặt với bài toán phức tạp hơn với 4 yếu tố chính: diễn biến và áp lực của tỷ giá còn lớn; lãi suất giảm được tiếp là cực kỳ khó khăn; kịch bản giá dầu dự kiến tiếp tục giảm tác động đến ngân sách và một số chính sách điều hành, trong đó theo tôi yếu tố tích cực sẽ lớn hơn tiêu cực; thị trường chứng khoán thế giới đặc biệt từ thị trường Trung Quốc sẽ tác động đến Việt Nam…
Nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên vượt ngưỡng 19.000 tỷ USD
Ngày 9/2, Bộ Tài chính Mỹ cho biết nợ liên bang của Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt quá ngưỡng 19.000 tỷ USD.
Báo Bưu điện Washington (Washington Post) dẫn báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho hay nợ quốc gia của nước này tính tới ngày 29/1/2016 đã vượt mốc 19.012 tỷ USD.
Với dân số hơn 300 triệu hiện nay, trung bình mỗi người dân Mỹ sẽ phải “gánh trên vai” khoản nợ khoảng 60.000 USD.
Tổng nợ quốc gia hiện nay của Mỹ tương đương xấp xỉ 103% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, trong đó 13.700 tỷ USD là nợ công, còn lại khoảng 5.300 tỷ USD là nợ chính phủ.
Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, từ mức khoảng 10.800 tỷ USD thời điểm Tổng thống Barack Obama nhậm chức hồi năm 2009 lên mức kỷ lục như hiện nay.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, tốc độ tăng nợ liên bang có thể tiếp tục tăng và tháng 11/2015 vừa qua Quốc hội Mỹ đã phải bỏ phiếu nâng trần nợ công của chính phủ, có hiệu lực tới tháng 3/2017./.
Nợ công của Nhật ở mức gần 1.045.000 tỷ yen
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, tính tới cuối tháng 12/2015, nợ của Chính phủ Nhật Bản đứng ở mức 1.044.590 tỷ yen (khoảng 9.100 tỷ USD), giảm 9.930 tỷ yen so với 3 tháng trước đó.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn dự kiến nợ chính phủ sẽ đạt mức kỷ lục 1.087.300 tỷ yen vào cuối tài khoá 2015 (kết thúc ngày 31/3/2016) do chi phí an sinh xã hội tăng cao trong bối cảnh xã hội Nhật Bản già hoá nhanh chóng.
Bộ Tài chính cho biết số nợ này bao gồm 902.200 tỷ yen trái phiếu chính phủ, 55.050 tỷ yen tiền vay chủ yếu từ các tổ chức tài chính, và 87.340 tỷ yen hối phiếu và tín phiếu chính phủ thời hạn dưới 1 năm.
Như vậy, tính tới ngày 31/12/2015, nợ chính phủ trên đầu người -tức là số nợ của chính phủ mà mỗi người dân Nhật Bản phải gánh- là 8,24 triệu yen (tính trên dân số Nhật Bản là 126,82 triệu người vào ngày 1/1/2015).
Tổng số nợ này cao hơn gấp đôi Tổng sản phẩm trong nước (GDP) danh nghĩa của Nhật Bản trong tài khoá 2013 (489.600 tỷ yen). Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu tài chính 3 tháng một lần theo chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./.