Những xu hướng nhà ở sẽ tăng tốc trong năm 2016
Ấn Độ lần thứ 9 điều tra hàng hóa của Việt Nam
Thiếu nguồn nguyên liệu, làng nghề chế biến hải sản gặp khó
Vẫn cho xuất hóa đơn khi bị cưỡng chế thuế
Cả ngành năng lượng bi quan về thị trường dầu mỏ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-02-2016
- Cập nhật : 13/02/2016
"Cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,5%"
Đây là một trong những thông tin ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD (VAMC) chia sẻ với chúng tôi nhân dịp đầu xuân Bính Thân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết năm 2015 là năm thành công ngoài mong đợi của VAMC và một trong những thành công nổi bật của ngành ngân hàng khi đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% trước thời gian dự kiến.
Vị lãnh đạo này chia sẻ, ngay từ đầu, VAMC đã xác định 2015 là năm then chốt trong vấn đề xử lý nợ xấu nên VAMC cùng với các TCTD đã xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu đặc biệt khoảng 80 nghìn tỷ đồng, tương đương số dư nợ gốc 100 nghìn tỷ đồng.
"Đến 31/12/2015, VAMC đã mua được 107 nghìn tỷ đồng, giá trị trái phiếu 99.180 nghìn tỷ, vượt chỉ tiêu đề ra. Lũy kế từ năm 2013 đến hết năm 2015, tổng nợ xấu VAMC đã mua là 245 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc với số trái phiếu phát hành là 207 nghìn tỷ góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Theo tôi được biết, ước tính tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2015 chỉ còn hơn 2,5%", đại diện VAMC phấn khởi chia sẻ.
Năm 2015, VAMC đặt kế hoạch thu hồi nợ 10 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đến cuối năm 2015, tổ chức này đã vượt kế hoạch hơn 70%. Cụ thể, kết quả phát mại tài sản, thu hồi nợ đạt 17.780 nghìn tỷ. Từ tháng 10/2013 đến hết 2015, tổng số nợ thu hồi, xử lý đạt 22.780 nghìn tỷ đồng, đã xử lý được hơn 9% tính trên nợ gốc, còn tính trên trái phiếu đặc biệt đạt trên 10%.
Ông Hùng đánh giá thời gian qua các TCTD đã tự khắc phục vượt qua được khó khăn thông qua những khoản nợ xấu tự xử lý; trích lập dự phòng rủi ro và bằng mọi biện pháp để thu hồi nợ.
Lộ diện 2 cá nhân chi hơn 280 tỷ đồng mua 7% vốn tại ngân hàng Phương Đông
Hai cá nhân này đã bỏ ra hơn 280 tỷ đồng để sở hữu 7,02% vốn cổ phần OCB.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã công bố kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, ngân hàng đã phân phối cho 2 cá nhân hơn 28 triệu cổ phiếu, chiếm 100% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán với giá bán 10 nghìn đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu được từ việc chào bán cổ phiếu là hơn 280 tỷ đồng.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang đã mua 14,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu sau khi mua là 3,63%. Ông Nguyễn Đức Toàn mua hơn 13,5 triệu cổ phiếu, tương ứng sở hữu 3,39% vốn. Trước đó, cả hai cá nhân này đều không sở hữu cổ phần tại ngân hàng OCB.
Ngoài ra, ngày 3/2/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo đã nhận được Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu số 12/2016/BC-HĐQT ngày 30/1/2016 của ngân hàng OCB.
Theo báo cáo, số lượng cổ phiếu OCB phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu thành công là 17,22 triệu cổ phiếu, tỷ lệ phát hành là 5%.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc OCB tăng vốn điều lệ từ 3.547 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ, OCB đã lên kế hoạch tăng vốn trong đó dự kiến phát hành thêm gần 953 tỷ đồng bao gồm 5% cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận năm 2014 và phát hành riêng lẻ 780,6 tỷ đồng cho đối tượng chọn lọc (không bao gồm cổ đông sở hữu mức cổ phần trọng yếu, thành viên HĐQT, thành viên BKS và Tổng giám đốc).
Việt Nam sẽ có sàn giao dịch mua bán nợ?
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ không được vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ có nguồn gốc hình thành từ quan hệ cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Các điều kiện để lập sàn giao dịch mua bán nợ tại Việt Nam đã bắt đầu định hình...
Ngân hàng Nhà nước đang làm đầu mối xây dựng dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ, trong đó có dịch vụ sàn giao dịch.
Trong khung pháp lý đang hoàn thiện này, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được xác định là một trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là việc thực hiện liên tục một trong các hoạt động liên quan đến việc mua bán nợ nhằm mục đích sinh lợi, gồm: hoạt động mua bán nợ, dịch vụ môi giới mua bán nợ, dịch vụ sàn giao dịch nợ và dịch vụ tư vấn mua bán nợ.
Theo dự thảo, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này.
Trong khi đó, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các công ty quản lý tài sản (AMC) thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này; trong đó, xem xét cho phép AMC được hoạt động như một doanh nghiệp mua bán nợ chuyên nghiệp (theo quy định hiện hành, AMC chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, không được mua nợ của tổ chức kinh tế và cá nhân), nhưng việc thành lập và hoạt động vẫn thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức (trừ doanh nghiệp), cá nhân có nhu cầu thực hiện hoạt động mua bán nợ thường xuyên, liên tục và nhằm mục đích sinh lời phải thành lập doanh nghiệp để thực hiện.
Theo đó, tổ chức (trừ doanh nghiệp), cá nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ quy định tại nghị định này thì được thực hiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ mà không cần phải cấp phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tổ chức, cá nhân được mua, bán nợ nhưng không phải là hoạt động thường xuyên liên tục thì thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
Một nội dung quan trọng của dự thảo nghị định là khung điều kiện đối với hoạt động dịch vụ sàn giao dịch nợ. Sàn giao dịch nợ là nơi tập trung, tiến hành thường xuyên các hoạt động giao dịch mua, bán nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ.
Dịch vụ sàn giao dịch nợ là việc cung cấp sàn giao dịch nợ, tổ chức việc mua bán nợ; giới thiệu, cung cấp thông tin về nợ cho các bên tham gia có nhu cầu giao dịch; kiểm tra hồ sơ, giấy tờ về nợ bảo đảm đủ điều kiện được giao dịch; làm trung gian cho các bên trao đổi, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán nợ.
Đối với việc kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, theo giải trình của tổ soạn thảo, mục đích quy định điều kiện nhằm cho phép một doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ sàn giao dịch nợ để dần hình thành thị trường mua, bán nợ tập trung. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ muốn thực hiện dịch vụ này phải đáp ứng thêm các điều kiện về vốn, nhân sự và kinh nghiệm.
Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 100 tỷ đồng; kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 1.000 tỷ đồng; kinh doanh các dịch vụ khác phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 10 tỷ đồng.
Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.
Đáng chú ý, dự thảo đưa ra quy định, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ không được vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ có nguồn gốc hình thành từ quan hệ cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Riêng với kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải đáp ứng điều kiện là đã hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ liên tục ít nhất 3 năm với mức doanh thu hoạt động (kê khai thuế) hằng năm tối thiểu là 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp đó phải có ít nhất 2 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán hoặc ít nhất 2 nhân viên có chứng chỉ thẩm định giá theo quy định của pháp luật; có quy chế hoạt động của sàn giao dịch nợ; có cơ sở, vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin phù hợp.
Tổng giám đốc Google nhận khoản tiền thưởng kỷ lục
Khoản phúc lợi mới nhất của Sundar Pichai là 199 triệu USD trả bằng cổ phiếu, được trao cho ông từ công ty mẹ Alphabet vào ngày 3/2.
Sundar Pichai, Tổng giám đốc Google, người từng là cánh tay phải của đồng sáng lập gia Larry Page đang trên con đường trở thành vị chuyên gia được trả lương cao nhất của một công ty giao dịch đại chúng. Khoản phúc lợi mới nhất của ông là 199 triệu USD trả bằng cổ phiếu, được trao cho ông từ công ty mẹ Alphabet vào ngày 3/2.
Khoản thưởng cao kỷ lục này bao gồm 273.328 cổ phiếu hạng C – cổ phiếu hạn chế, sẽ được trao vào các kỳ trả lãi quý năm 2019, nếu ông vẫn còn tại vị. Như vậy, khoản tiền 199 triệu USD có thể bị coi là đã bị khoá hiện tại tuy nhiên, ông không lo lắng về điều đó vì đã có cách quy đổi ra tiền mặt. Cùng ngày, ông bán 375 cổ phiếu phổ thông hạng A với giá 786,28 USD/cổ phiếu và 3.625 cổ phiếu vốn hạng C khác với giá 768,84 USD và thu về trên 3 triệu USD.
Google vẫn thường trao cổ phiếu thưởng cho các chuyên gia của mình mỗi 2 năm, điều này khuyế khích người được thưởng làm việc lâu dài cho công ty. Và sẽ rất thú vị để xem Pichai sẽ thu về ròng bao nhiêu tiền nếu ông ở lại Google đến năm 2019.
Chính phủ Nga không xem xét khả năng làm suy yếu đồng ruble
Phát ngôn viên của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, bà Natalia Timakova, ngày 11/2 đã bác bỏ thông tin trước đó của truyền thông rằng Nga chuẩn bị phá giá đồng ruble để bù đắp thâm hụt ngân sách do giá dầu giảm, đồng thời khẳng định Chính phủ Nga không xem xét khả năng làm đồng ruble yếu đi.
Bà Timakova được dẫn lời nói: "Kế hoạch như vậy là không thể, đây là tin hoàn toàn vô nghĩa, bởi tỷ giá giữa đồng ruble và các đồng tiền khác được xác định bởi (quy luật) cung-cầu (trên thị trường). Sự biến động của đồng ruble chủ yếu do giá dầu định đoạt."
Theo bà Timakova, chính sách ngân sách-thuế của chính phủ nhằm hướng tới giảm thâm hụt ngân sách và trong tương lai có thể làm đồng ruble vững lên.
Bộ Tài chính Nga cũng tuyên bố không đưa ra vấn đề giảm giá đồng ruble mà ngược lại đang soạn thảo các biện pháp nhằm củng cố ngân sách và giảm thâm hụt liên bang. Các biện pháp đó, theo Bộ Tài chính, sẽ góp phần hỗ trợ tỷ giá của đồng ruble.
Trước đó, ngày 10/2, hãng tin Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Nga đang thảo luận khả năng phá giá đồng ruble nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách do giá dầu lao dốc.
Ngày 10/2, trên sàn giao dịch Moskva, đồng ruble được giao dịch theo tỷ giá 78,52 ruble/USD và 87,99 ruble/euro trong bối cảnh giá dầu thô kỳ hạn Brent giao dịch tại London ở mức 30,96 USD/thùng. Tỷ giá chính thức do Ngân hàng trung ương Nga xác định ngày 11/2 là 79,07 ruble/USD và 89,22 ruble/euro.
Ngân sách Liên bang Nga năm nay được xác định trên cơ sở giá dầu ở mức 50 USD/thùng. Tổng thu ngân sách dự kiến ở mức 13.738 tỷ ruble; tổng chi 16.099 tỷ ruble; thâm hụt 2.361 tỷ ruble (3% GDP).
Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự tính với giá dầu ở mức 40 USD/thùng, thâm hụt ngân sách của LB Nga tăng lên 3.900 tỷ ruble./.