Kinh tế Trung Quốc vật lộn với bong bóng
ASEAN và Canada khởi động đối thoại chính sách thương mại
Xuất khẩu thép tháng 7 của Trung Quốc giảm 6% so với tháng 6
Các nhà máy Trung Quốc cố gắng cắt giảm sản lượng cho sự kiện G20
Tin kinh tế đọc nhanh 09-08-2016
- Cập nhật : 09/08/2016
ASEAN tăng cường hợp tác toàn diện với đối tác Nhật Bản
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 48 và các hội nghị liên quan, chiều 6/8 tại thủ đô Vientiane, Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Lào Khemmany Pholsena và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko.
Đoàn Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú làm Trưởng đoàn, đã tham dự hội nghị.
Bộ trưởng Hiroshige Seko đã hoan nghênh việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015 vừa qua, cho rằng điều này không chỉ sẽ giúp ASEAN trở thành một khu vực năng động và có tính cạnh tranh cao hơn mà còn giúp ASEAN hội nhập tốt hơn với nền kinh tế toàn cầu.
Các bộ trưởng hài lòng khi nhận thấy Nhật Bản tiếp tục giữ vững ngôi vị là đối tác kinh tế lớn thứ 2 và là nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đứng thứ 2 vào ASEAN.
Năm 2015, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa ASEAN và Nhật Bản đạt 239,4 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN.
Trong khi đó, FDI của Nhật Bản trong năm 2015 đổ vào ASEAN là 17,4 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng dòng vốn FDI của ASEAN trong năm.
Các bộ trưởng hoan nghênh việc hoàn tất các cuộc đàm phán về Thương mại dịch vụ, bao gồm các phụ lục về Tài chính và Viễn thông và Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (Hiệp định MNP) cũng như đàm phán đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); ghi nhận những nỗ lực tiếp diễn trong việc cải thiện việc thực thi Hiệp định AJCEP; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện cắt giảm thuế theo lộ trình AJCEP (TRS) và các Quy tắc cụ thể các mặt hàng (PSR) trong Hệ thống Hài hòa nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN.
Liên quan tới vấn đề này, các bộ trưởng đã giao cho các quan chức kinh tế cấp cao nỗ lực và linh hoạt hết sức để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng để hoàn tất chuyển đổi việc cắt giảm thuế theo lộ trình AJCEP sớm nhất có thể.
Các bộ trưởng đánh giá cao những tiến triển đã đạt được trong việc triển khai Lộ trình Hợp tác Kinh tế Chiến lược 10 năm ASEAN-Nhật Bản; hoan nghênh việc chỉnh sửa lại lộ trình trên cho phù hợp với thực tế và nhất trí sẽ đệ trình lộ trình sửa đổi này lên Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản.
Các bộ trưởng cũng chia sẻ quan điểm rằng ASEAN và Nhật Bản sẽ cùng nhau đáp ứng các mục tiêu của lộ trình thông qua việc tăng cường Hợp tác kinh tế, Hội nhập kinh tế của ASEAN và Hợp tác để hội nhập khu vực vào nền kinh tế toàn cầu; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong các trụ cột hợp tác khác nhau trong lộ trình như phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo thuận tiện cho thương mại, chuỗi cung cấp và kết nối…(Vietnamplus)
Yếu tố tăng lãi suất tại Mỹ “hâm nóng” thị trường vàng
Mở cửa phiên đầu tuần 8/8, giá vàng châu Á giao dịch gần mức đáy của phiên cuối tuần trước, khi giá kim loại quý này mất gần 2% trước áp lực của đồng USD mạnh và đồn đoán về khả năng Mỹ có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay lùi 0,1% xuống 1.333,8 USD/ounce vào lúc 7 giờ 55 theo giờ Việt Nam, sau khi đã có thời điểm giảm xuống 1.331,36 USD/ounce - mức thấp nhất kể từ ngày 29/7.
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố cho hay nền kinh tế nước này đã tạo thêm 255.000 việc làm mới trong tháng Bảy, cao hơn nhiều so với mức tăng 180.000 theo kết quả dự đoán của các chuyên gia phân tích do hãng tin Reuters khảo sát.
Thu nhập bình quân theo giờ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức 4,9%, củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng tăng tốc của nền kinh tế đầu tàu thế giới này.
Thông tin này cũng “hâm nóng” những đồn đoán về kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể diễn ra trong năm nay.
Thị trường kim loại quý khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ do lãi suất của nước này tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, đồng thời làm giảm nhu cầu đầu tư vào vàng.
Trong một thông tin khác, lượng vàng do quỹ giao dịch vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã tăng 0,73% lên 980,34 tấn trong phiên ngày 5/8.(VN+)
Thép từ Trung Quốc và Nga “gặp khó” tại thị trường châu Âu
EU đã áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc và Nga, sau khi các nhà sản xuất trong khối này khiếu nại họ đã bị đánh bật khỏi thị trường.
Theo Liên minh châu Âu (EU), các mức thuế chống bán phá giá vốn đã được công bố tạm thời hồi tháng 2/2016 sẽ được áp dụng trong 5 năm, giữa lúc liên minh này đang tìm cách đối phó với tình trạng dư thừa thép toàn cầu, chủ yếu do sản lượng lớn của Trung Quốc.
EU cũng cho biết họ có hơn 100 biện pháp bảo hộ thương mại và 37 trong số đó nhằm vào những sản phẩm thép nhập khẩu không công bằng với 15 sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), mức thuế đánh vào các sản phẩm thép cán nguội của Trung Quốc và Nga sẽ lần lượt dao động trong khoảng 19,7-22,1% và 18,7-36,1%.
Tuyên bố của EU nêu rõ: "Sau cuộc khủng hoảng dư thừa công suất sản xuất thép toàn cầu, EC đang áp dụng các công cụ bảo hộ thương mại nhằm tái lập một sân chơi bình đẳng giữa các nhà sản xuất của EU và nước ngoài".
Mới đây, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói rằng sản lượng thép dư thừa 600 triệu tấn của Trung Quốc đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thép trên thế giới và đó là lý do tại sao một số quốc gia và khu vực đã quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker cũng cho rằng lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc đang gây bất ổn trên thị trường thép châu Âu nói riêng và cả thế giới nói chung.(Bnews)
Iran lên kế hoạch xuất khẩu dầu mỏ dài hạn với đối tác châu Âu
Truyền thông Iran dẫn lời ông Mohsen Qamsari, Giám đốc bộ phận đối ngoại thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Iran (NIOC), cho biết nước này đang lên kế hoạch nhằm đảm bảo cho các phiếu bán dầu dài hạn với các đối tác châu Âu sau khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ.
Ông Mohsen nói rằng kế hoạch này sẽ chuyển dần từ các hợp đồng tiền mặt sang các thỏa thuận dài hạn. Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng các thỏa thuận dài hạn sẽ tạo ra sự ổn định cho hoạt động xuất khẩu dầu, từ đó bảo vệ tốt hơn các lợi ích quốc gia của nước này.
Sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran được dỡ bỏ hồi tháng Một năm nay, các công ty hàng đầu từ Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Pháp và Anh đã đạt được các hợp đồng mua dầu thô từ Iran, hầu hết trong số đó là các hợp đồng thanh toán ngay.
Các lệnh trừng phạt của Phương Tây đã làm cho sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, quốc gia Hồi giáo này đã thành công đáng kể trong nỗ lực giành lại những thị phần bị mất dưới tác động của các lệnh trừng phạt.
Hiện sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran đã vượt quá 2 triệu thùng/ngày. Phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Iran là sang các thị trường châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong khi đó, các số liệu do tờ Wall Street hồi tháng trước dẫn lời các quan chức dầu khí Iran cho thấy khối lượng dầu thô xuất sang châu Âu của nước này đã đạt 0,4 triệu thùng/ngày và con số này sẽ được nâng lên 0,7 triệu thùng/ngày trong vài tháng tới. (TTXVN)