tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-08-2016

  • Cập nhật : 09/08/2016

Brexit tác động lớn đến ngành dệt may

EU là một trong những thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 12% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, sự việc Anh rời khởi EU (Brexit) đã có tác động không nhỏ đến xuất khẩu dệt may Việt Nam tại thị trường này. Hiện có khoảng 2.000 DN gia công cho ngành Dệt may đã phá sản vì mất lợi thế cạnh tranh về giá.

65% DN gia công gặp khó

Đánh giá về những tác động của Brexit đến Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Kinh tế nước Anh và EU chắc chắn trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ Brexit, nhu cầu tiêu dùng trong xã hội nói chung cũng như nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm từ Việt Nam sang EU sẽ giảm đi. Trong đó, có thể thấy rõ nhất ở các ngành xuất khẩu chủ đạo của nước ta sang EU như dệt may, giày da…”.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành Dệt may, với những tác động không nhỏ đến từ Brexit, Việt Nam rất khó để giữ vững thị phần 3,45% của mình tại thị trường EU. Trong đó cụ thể, đối với các DN sản xuất sản phẩm dệt may thuộc phân khúc chất lượng cao chỉ chịu sự tác động nhẹ, vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng thường niên từ 20 - 40%.

Ngược lại, đối với những DN làm gia công thì rõ ràng sự tác động là không nhỏ. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Việc Anh rút khỏi EU thực sự là một vấn đề đối với ngành Dệt may Việt Nam. Thứ nhất, một số đơn hàng xuất khẩu vào Anh đang bị chững lại. Thứ hai, giá trị đồng Bảng Anh và đồng EU khi mất giá cũng giảm sức mua và tất nhiên, thị trường sản phẩm dệt may sẽ bị ảnh hưởng. Thứ ba, một số đơn hàng gia công tại thị trường EU đã bị sụt giảm trong vòng hơn một tháng qua.

Đáng lo ngại hơn là các DN làm gia công chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Do đó, khoảng 65% DN gia công gặp khó đã có tác động không nhỏ tới xuất khẩu dệt may của Việt Nam nói chung.

Cũng theo ông Giang, sự kiện Brexit làm cho kế hoạch sản xuất và xuất khẩu dệt may của các DN trong nước phải thay đổi. Trước mắt, chúng ta đã thấy rõ những tác động, khi cả quý II vừa qua kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước chỉ tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2015, giảm một nửa so với mức tăng trưởng trung bình 10% của ngành Dệt may. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của ngành này trong nhiều năm qua.

Theo các chuyên gia dự báo, trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 29,5 - 30 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 31 tỷ USD.

Mất lợi thế cạnh tranh về giá

Một vấn đề cũng đáng lo ngại là thời gian gần đây, hàng dệt may Việt Nam vào EU liên tục tăng giá. Tính đến nay, giá bán lúc cao nhất đã lên đến 40% do đồng Bảng Anh mất giá. Mặc dù tất cả các đối thủ của Việt Nam đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên do được hưởng ưu đãi thuế quan bằng 0% nên giá cả hàng hóa của một số nước vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn Việt Nam, ví như các nước láng giềng Lào,

Campuchia, Mianmar… Chính yếu tố này đã khiến cho việc thuê gia công ở các nước này hấp dẫn hơn Việt Nam và đang có sự dịch chuyển các đơn hàng từ nước ta sang các nước này.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Các nước như Lào, Campuchia… được liệt vào nhóm nước chậm phát triển nên thuế xuất vào EU gần như bằng 0%. Trong khi đó, thuế của Việt Nam vào EU ở mức 9%. Tạm thời khi FTA Việt Nam – EU chưa có hiệu lực thì rõ ràng, lợi thế cạnh tranh của nước ta vẫn ở mức yếu hơn. Được biết, năm 2015,

Campuchia đã vượt Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 5 vào EU, chiếm tỷ trọng 3,64%, còn Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 6 với thị phần 3,45%.

Cũng theo các chuyên gia, qua vụ Brexit và những biến động tỷ giá ở EU đã cho chúng ta thấy rằng, dệt may Việt Nam sẽ thua nếu cạnh tranh về giá. Ít nhất sau 2 năm nữa, khi FTA Việt Nam – EU đi vào thực tiễn thì phân khúc gia công đơn giản của Việt Nam mới có cơ may lấy lại được lợi thế cạnh tranh.

Theo số liệu thống kê, tính đến nay đã có 40% DN nhỏ và vừa (khoảng 2.000 DN) làm gia công đơn giản đã phá sản. Nhiều chuyên gia lo ngại, liệu số DN làm gia công đơn giản còn lại có vượt qua được khó khăn trước mắt để duy trì hoạt động trong vòng 2 năm tới, chờ đợi được đến khi các FTA có hiệu lực hay không?

Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến năm 2018 đơn hàng dệt may của nước ta sẽ rất khó khăn. Trước tình hình đó, cuối tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi công văn lên Chính phủ và Bộ Công thương kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các DN trong ngành. Trong đó, kiến nghị giảm lộ trình tăng tiền lương tối thiểu, thay vì kế hoạch thực hiện năm 2018 thì chuyển sang năm 2020; đồng thời giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

Theo ông Vũ Đức Giang, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và hiệp hội, các DN nên chủ động tìm kiếm thị trường mới như Nga, Đông Âu, Trung Đông; tăng cường tạo sự đột phá tại một số thị trường tiềm năng như Mỹ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật…

Đặc biệt các DN cần tính đến bài toán cắt giảm chi phí, tăng năng suất để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Đã đến lúc phải tiến đến việc đưa tỷ lệ gia công xuống thấp, có chiến lược thực hiện nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất sản phẩm phân khúc hàng chất lượng cao…

7 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015 và bình quân ngành Dệt may xuất khẩu khoảng gần 2 tỷ USD/tháng.(TBTC)

Sản lượng công nghiệp của Đức phục hồi trở lại vào cuối quý 2

Sản lượng công nghiệp Đức tăng nhẹ so với dự kiến trong tháng 6, một tín hiệu tích cực vào cuối một quý yếu kém khi sự sụt giảm trong xây dựng đã kiềm chế sản lượng.
Theo Bộ Kinh tế sản lượng công nghiệp tăng 0,8% trong tháng 6, cao hơn dự báo chung trong thăm dò của Reuters chỉ tăng 0,7%.
Bộ Kinh tế cho biết “dựa vào sự phát triển nhẹ của các đơn hàng tương lai, sự phát triển đi lên vừa phải trong lĩnh vực công nghiệp được dự báo trong những tháng tới”
Số liệu tháng 5 được điều chỉnh tăng lên thành giảm 0,9% từ mức giảm 1,3% trước đó. Trong quý 2 tính tổng thể, sản lượng công nghiệp giảm 1,0%.
Bộ cho biết sản lượng xây dựng giảm 4,3% trong quý 2 là liên quan tới thời tiết sau một mùa đông ôn hòa nhưng tình trạng trong lĩnh vực này vẫn tích cực.(Vinanet)

Đăng cai Olympic 2016 trở thành gánh nặng tài chính với Brazil

Trước kia, Đại hội thể thao thế giới (Olympic) thường là dịp để các thành phố đăng cai quảng bá hình ảnh của mình ra trường quốc tế, ví như trường hợp của Tokyo năm 1964 hay Seoul năm 1988.
Bảy năm về trước, Rio de Janeiro khi giành quyền đăng cai Olympic 2016 chắc cũng đã “ôm mộng” về một viễn cảnh như vậy. Tuy nhiên, thực tế khác xa với mộng tưởng.
 
Vào thời điểm năm 2009, kinh tế Brazil được xếp vào hàng “siêu sao” thế giới, sánh ngang với các cường quốc kinh tế như Nga, Ấn Độ,... Nhưng giờ đây, cùng một lúc, nước này phải oằn mình hứng hàng loạt “cơn gió ngược”, từ khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, đến dịch Zika...
 
Kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8% trong năm ngoái, và dự báo tiếp tục suy giảm 3,2% trong năm nay. Nếu đúng như dự báo, đây là lần đầu tiên kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1930, kinh tế Brazil suy thoái hai năm liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc khủng hoảng giá các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của nước này.
 
Nhớ lại những năm 2000, khi Brazil vươn lên nước có mức thu nhập trung bình, người dân Brazil đã “vung tay quá trán”, đổ xô đi vay tiền để sắm ôtô, iPhone... Giờ đây, giống như người Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, người dân Brazil đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
 
Olympic 2016 càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi chính quyền Rio de Janeiro đã phải vắt kiệt tài chính trang trải cho công tác chuẩn bị sự kiện này, để rồi buộc Chính phủ Brazil cũng phải vào cuộc “gánh vác” cùng, khiến cho tình trạng tài chính nước này càng trầm trọng hơn. Chi phí cho sự kiện này được ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD.
 

Theo đánh giá mới đây của các nhà phân tích tại ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS, “trong phần lớn các trường hợp, các nước đăng cai tổ chức Olympic sẽ bị thua lỗ, ngay cả khi tính đến các lợi ích kinh tế trong dài hạn”.(VN+)

Thâm hụt thương mại tháng Sáu của Mỹ lập “đỉnh” của 10 tháng

Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng Sáu đã tăng lên mức cao nhất của 10 tháng trong bối cảnh nhu cầu trong nước ngày một tăng và giá dầu đi lên khiến kim ngạch nhập khẩu tăng, trong khi đồng USD mạnh vẫn đang là yếu tố cản trở tăng trưởng xuất khẩu. 
Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại trong tháng Sáu đã tăng 8,7% lên 44,5 tỷ USD, mức thâm hụt lớn nhất kể từ tháng 8/2015, và cao hơn mức dự đoán thâm hụt 43,1 tỷ USD mà các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Anh Reuters đưa ra trước đó. 
Tháng Sáu cũng được đánh dấu là tháng thứ 3 liên tiếp thâm hụt thương mại của Mỹ tăng. 
Trong tháng Sáu, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đã tăng 1,9% lên 227,7 tỷ USD, đặc biệt kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tăng gần 20% lên 13,3 tỷ USD do giá dầu cao. 
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 0,3% lên 183,2 tỷ USD, đáng chú ý là xuất khẩu ôtô giảm 4% xuống 12,2 tỷ USD. 
Về trao đổi thương mại song phương, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục tăng, ở mức 29,8 tỷ USD, mức thâm hụt cao nhất kể từ tháng 11/2015, song thâm hụt thương mại của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) giảm 4,4% xuống 12,8 tỷ USD. 
Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ đang khởi sắc mạnh. Báo cáo việc làm mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 7/2016, nền kinh tế đầu tàu thế giới đã tạo thêm 255.000 việc làm mới, vượt xa mức dự đoán của các chuyên gia. 
Thu nhập bình quân theo giờ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đứng ở mức 4,9%. 
Số liệu điều chỉnh cũng cho thấy, số việc làm mới trong tháng Năm và tháng Sáu tăng tổng cộng thêm 18.000 so với các báo cáo công bố trước đó. 

Diễn biến tích cực trên thị trường lao động phần nào làm gia tăng đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới.(Vietnam+)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-08-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-08-2016

    Nguồn cung yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm Việt Nam
    Shopee gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam
    Đức tiêu thụ mạnh cà phê Việt
    Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đáng thất vọng cho thấy nhu cầu trong nước ảm đạm

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-08-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-08-2016

    Nguyên liệu dược nhập khẩu phải khai báo hóa chất
    Thái Lan giành lại vị trí quán quân thế giới về xuất khẩu gạo
    Nghịch lý đường tồn kho nhưng giá cao
    Thừng ngoại trói thừng nội

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 10-08-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 10-08-2016

    Kinh tế Trung Quốc vật lộn với bong bóng
    ASEAN và Canada khởi động đối thoại chính sách thương mại
    Xuất khẩu thép tháng 7 của Trung Quốc giảm 6% so với tháng 6
    Các nhà máy Trung Quốc cố gắng cắt giảm sản lượng cho sự kiện G20

  • Tin kinh tế đọc nhanh 10-08-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh 10-08-2016

    OPEC họp vào tháng 9 nhằm tìm cách bình ổn thị trường dầu mỏ
    Airbus bị điều tra tham nhũng
    Mỹ chuộng nghêu, sò Việt Nam hơn hàng Trung Quốc
    Vú sữa Việt Nam sắp vào thị trường Mỹ

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 09-08-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 09-08-2016

    Doanh nghiệp dệt may “rối” vì thiếu đơn hàng
    Apple nhảy vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
    Hủy hợp đồng mua ống nước gang dẻo Trung Quốc 
    Đại gia Y tế Việt Nhật lỗ 1.300 tỷ đồng sau kiểm toán
    Bán hàng miễn thuế ở Tân Sơn Nhất thu 86 tỷ đồng mỗi tháng

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-08-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-08-2016

    Thị trường lao động Mỹ khởi sắc, số việc làm tăng vượt dự đoán
    Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 7/2016 đạt mức cao nhất năm 2016
    Xuất khẩu cá tra tăng 5,4% trong nửa đầu năm 2016
    Tháng 7 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Na Uy tăng 15%

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 09-08-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 09-08-2016

    Thổ Nhĩ Kỳ duy trì thuế chống bán phá giá săm lốp xe máy Việt Nam
    Đến 15/7: Sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker đạt trên 8,5 triệu tấn
    Doanh nghiệp cà phê sợ mất thị phần xuất khẩu
    Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc tăng mạnh

  • Tin kinh tế đọc nhanh 09-08-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh 09-08-2016

    ASEAN tăng cường hợp tác toàn diện với đối tác Nhật Bản
    Yếu tố tăng lãi suất tại Mỹ “hâm nóng” thị trường vàng
    Thép từ Trung Quốc và Nga “gặp khó” tại thị trường châu Âu
    Iran lên kế hoạch xuất khẩu dầu mỏ dài hạn với đối tác châu Âu

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-08-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-08-2016

    Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
    Thị trường phân bón dự báo tiếp tục suy yếu
    Giá vàng Ấn Độ giảm mạnh, xuống dưới 31.000 Rupee/10gram
    Thái Lan lo ngại giá gạo xuất khẩu buộc phải sụt giảm

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-08-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-08-2016

    The Economist: Việt Nam có “con đường khó khăn hơn phía trước”
    Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm
    Bổ sung nhóm sản phẩm cá phile đông lạnh xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á-Âu
    Sản lượng dầu thô Iraq trong tháng 7 tăng lên 4,632 triệu thùng/ngày