Xoài Việt Nam sẽ là loại quả thứ 6 được phép nhập khẩu vào Mỹ
Năng suất lao động của Mỹ sụt giảm, một lý do nữa để Fed giữ lãi suất thấp
Nguồn cung cà phê VN hạn hẹp, khách hàng tăng cường mua của Indonesia
Xuất khẩu thủy sản Ấn Độ dự kiến tăng 15%
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 10-08-2016
- Cập nhật : 10/08/2016
Kinh tế Trung Quốc vật lộn với bong bóng
Tiền tiếp tục đổ vào bong bóng đầu cơ với một lý do chính: sự thiếu vắng cơ hội đầu tư sinh lời trong nền kinh tế thực của Trung Quốc.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc một năm trước thu hút sự chú ý của cả thế giới nhưng cuối cùng cũng tác động không đáng kể đến thị trường toàn cầu. Bất chấp “nỗi đau” của hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ, sự thật là thị trường chứng khoán vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Thăng trầm của thị trường chứng khoán thực sự chưa bao giờ đe dọa nền kinh tế đại lục, huống hồ là hệ thống tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng thị trường toàn cầu sẽ cảm thấy dễ thở. Tuy chứng khoán giảm, song nhiều bong bóng về trái phiếu và bất động sản của Trung Quốc lại đang tăng - 2 thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế đại lục. Câu hỏi là liệu giới chức Trung Quốc có thể xử lý cuộc khủng hoảng mới tốt hơn trước kia hay không.
Những người tin rằng Trung Quốc có thể kiểm soát an toàn những bong bóng - được thổi phồng bằng các khoản nợ -đang tăng nhanh cho rằng giới chức Trung Quốc không chỉ “giỏi” bằng những người đồng cấp khác trên toàn thế giới mà họ còn “tài giỏi hơn”. Tuy vậy, những sự kiện năm ngoái khiến nhiều người hoài nghi.
Trong nửa đầu năm 2105, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cho phép các đòn bẩy tăng trưởng không giới hạn. Khi thị trường đạt đỉnh và yêu cầu bảo chứng (margin call) thúc đẩy đà giảm, các nhà quản lý tài chính, quan chức an ninh và truyền thống gần như bất lực trong việc ngăn chặn đà lao dốc này.
Trung Quốc cần tìm cách hạn chế tín dụng mà không đẩy thị trường lao dốc. Việc thắt chặt quy định và yêu cầu vốn lớn hơn đối với sản phẩm quản lý tài sản là sự khởi đầu. Nhưng nếu tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng nhanh hơn so với GDP, sẽ rất khó để tranh luận rằng yếu tố cơ bản đối với sự ổn định đã được thiết lập.
Để có bằng chứng cho thấy những vấn đề vẫn chưa được giải quyết, hãy xem xét các thị trường tài sản khác của Trung Quốc. Một số nhà phân tích có thể dự đoán rằng sau cú sốc của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ cẩn trọng hơn. Sự bùng nổ và vỡ bong bóng chứng khoán được nối tiếp với một chu kỳ tương tự trên thị trường kim loại - từng chứng kiến giá thép tăng 80%. Tăng đặt cược vào thị trường thu nhập cố định đồng nghĩa rằng lợi tức tiếp tục giảm, ngay cả khi mối nguy vỡ nợ tăng lên.
Có thể tạm gạt thị chứng khoán sang một bên khi Trung Quốc vẫn coi đây là "hoạt động phụ", nhưng không thể nói như vậy với thị trường thu nhập cố định hay thị trường bất động sản. Chứng khoán chiếm khoảng 7% tổng lượng vốn huy động của doanh nghiệp; thị trường trái phiếu chiếm khoảng ¼. Việc mất khả năng thanh toán trái phiếu và việc phát hành bị huy bỏ trong những tháng gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động.
Chưa một vấn đề nào được giải quyết. Tiền tiếp tục đổ vào bong bóng đầu cơ - đầu tiên là vào chứng khoán, sau đó là vào kim loại, trái phiếu và bất động sản - với một lý do chính: sự thiếu vắng cơ hội đầu tư sinh lời trong nền kinh tế thực của Trung Quốc. Bất chấp việc cắt giảm lãi suất, các công ty Trung Quốc vẫn lưỡng lực trong việc vay tiền và đầu tư. Các hãng tư nhân cắt giảm đầu tư khiến gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dồn vào các doanh nghiệp nhà nước.
Bất kỳ giải pháp khả thi nào đều gây ra tổn thương nhất định. Tương tự khó khăn mà các nhà quản lý tài chính đang đối mặt, giới chức Trung Quốc phải cân bằng chi phí ngắn hạn và lợi ích dài hạn của công cuộc cải tổ doanh nghiệp. Cắt giảm công suất và mở cửa hơn nữa thị trường sẽ tác động đến các doanh nghiệp nhà nước - hiện đang là động lực duy nhất thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng nếu không làm như vậy, các biện pháp kích thích sẽ tiếp tục thổi phồng bong bóng đầu cơ.(NCĐT/Bloomberg)
ASEAN và Canada khởi động đối thoại chính sách thương mại
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada (giữa, váy trắng). (Ảnh: Kim Dung/Vietnam+)
Ngày 8/8, Bộ Các vấn đề quốc tế của Canada cho biết nước này và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức khởi động đối thoại chính sách thương mại thường niên, một diễn đàn tập trung thảo luận về thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác thương mại và các biện pháp giảm bớt rào cản thương mại.
Hai bên đã đạt được bước tiến trên tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Canada tại Lào hồi tuần trước.
Tại hội nghị, hai bên cũng nhất trí sẽ chuẩn bị các điều khoản tham chiếu cho nghiên cứu khả thi về những giá trị của Thỏa thuận Thương mại tự do (FTA) song phương. Nghiên cứu này sẽ giúp chỉ ra những cơ hội cũng như thách thức trong việc xây dựng và triển khai FTA.
Theo Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Chrystia Freeland, ASEAN là khu vực phát triển nhanh và năng động, đồng thời cũng là một trong những thị trường lớn với hơn 600 triệu dân. Việc thiết lập cơ chế đối thoại chính sách thương mại hàng năm và ký kết FTA song phương sẽ giúp đưa quan hệ đối tác ASEAN-Canada lên tầm cao mới thông qua việc tăng cường gắn kết và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế.
Bà khẳng định đẩy mạnh quan hệ thương mại với ASEAN là một phần trong chính sách tạo việc làm, tăng trưởng và thịnh vượng cho tầng lớp trung lưu tại Canada. ASEAN là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất và năng động nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, vì vậy Ottawa muốn mở thị trường này cho người dân Canada.
Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Canada, Bộ trưởng Freeland đã công bố khoản hỗ trợ 13 triệu đôla Canada cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của ASEAN. Số tiền này sẽ giúp các chính phủ ASEAN nâng cao năng lực hoạch định chính sách và xây dựng các chương trình liên quan đến phát triển SMEs, nhất là các doanh nghiệp của phụ nữ.
Hiện tại, ASEAN là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ sáu của Canada, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 21,4 tỷ đôla Canada trong năm ngoái. Hợp tác về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa hai bên cũng ngày càng phát triển.(TTXVN)
Xuất khẩu thép tháng 7 của Trung Quốc giảm 6% so với tháng 6
Số liệu sơ bộ từ Tổng Cục Hải quan cho thấy Trung Quốc đã xuất khẩu 10,3 triệu tấn thép trong tháng 7, đây là mức cao thứ 2 tính cho tới thời điểm này sau 10,94 triệu tấn của tháng 6. Số liệu xuất khẩu tháng 7, được công bố hôm 8/8 cho thấy giảm 5,9% so với tháng 6 nhưng vẫn tăng 5,9% so với năm ngoái.
Do đó, trong 7 tháng đầu năm nay cả nước đã xuất tổng cộng 67,41 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm trước.
Các nhà xuất khẩu đã chứng kiến xuất khẩu tháng này tiếp tục giảm do ít đơn hàng hơn được ký kết trong tháng 5 và 6, khi giá thép xuất khẩu sụt giảm vì thị trường trong nước suy yếu. Tuy nhiên, hầu hết đều tin rằng khối lượng giao dịch đã cải thiện kể từ tháng 7, và do đó khối lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc có lẽ cũng sẽ bắt đầu tăng từ tháng 9.
Mặt khác, khối lượng thép nhập khẩu trong tháng 7 đạt 1,13 triệu tấn, giảm 0,9% so với tháng 6, nhưng vẫn tăng 7,6% so với năm ngoái. Trung Quốc đã nhập khẩu 7,59 triệu tấn trong 7 tháng đầu năm nay, giảm 1,4% so với nửa đầu năm ngoái.
Do đó, xuất khẩu ròng của Trung Quốc trong tháng 7 đạt 9,17 triệu tấn, giảm 6,4% so với tháng 6 nhưng tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ròng của cả nước đạt tổng cộng 59,82 triệu tấn, tăng 9,9% so với năm trước.(ST)
Các nhà máy Trung Quốc cố gắng cắt giảm sản lượng cho sự kiện G20
Các nhà máy thép nằm cách thành phố Hàng Châu 300 km, địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, đang chuẩn bị cắt giảm hoặc ngưng sản xuất, mặc dù họ vẫn chưa được thông báo phải làm như vậy.
Thông thường, khi tổ chức một sự kiện quốc tế, Trung Quốc sẽ hạn chế hoạt động thiêu kết, luyện than, xây dựng, sản xuất hóa dầu và ximăng để cắt giảm khí thải nhằm đảm bảo bầu không khí trong lành. Các khu công nghiệp nằm cách khu vực tổ chức sự kiện trong vòng 300 km thường bị ảnh hưởng, và trong trường hợp này nó sẽ tác động tới các nhà sản xuất ở Thượng Hải cũng như tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây và An Huy.
Những dự đoán về việc tạm ngưng sản xuất và thiếu nguồn cung là chất xúc tác cho một đợt tăng giá thép giao sau trong năm nay, giống như trước khi diễn ra Hội chợ triễn lãm làm vườn ở Đường Sơn và lễ tưởng niệm lần thứ 40 trận động đất cũng ở thành phố này.
Đại diện từ nhà máy Ningbo Iron & Steel (Ninggang), nằm cách Hàng Châu chưa tới 200km, cho biết nhà máy đã lên kế hoạch đưa một trong hai lò nung của mình vào bảo trì từ cuối tháng 8 cho tới khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 05/9.
Lò nung dung tích 2.500 mét khối có thể sản xuất khoảng 6.000 tấn thép cán nóng mỗi ngày nhưng với dự kiến tạm ngưng gần 15 ngày sẽ ảnh hưởng nhỏ đến tổng sản lượng của nhà máy. “Ban đầu, chúng tôi đã lên kế hoạch bảo trì lò nung vào tháng 11 vì vậy chúng tôi chỉ thực hiện sớm hơn mà thôi”.
Theo thống kê chính thức, sản lượng thép ở Chiết Giang tương đối nhỏ, với sản lượng 6 tháng đầu năm nay đạt 6,56 triệu tấn, giảm 20,7% so với năm ngoái, chiếm chỉ 1,7% tổng sản lượng của cả nước.
Meishan Iron & Steel ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô có thể tạm ngưng việc thiêu kết của mình trước Hội nghị.
Các đại diện đến từ Nanjing Iron & Steel (Nangang) tỉnh Giang Tô và Maanshan Iron & Steel (Magang) ở An Huy cho biết họ đã không nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ chính quyền địa phương để hạn chế sản lượng. Nhưng họ cũng đã chuẩn bị cho một số xáo trộn trong sản xuất trong khoảng thời gian diễn ra hội nghị từ 4-5/9.
Trước những sự kiện như vậy thì cần phải giảm hoạt động thiêu kết, các nhà máy thường tích trữ nguyên liệu hoặc phôi thanh bán thành phẩm và phôi tấm để hạn chế tối đa sản lượng thép thành phẩm. “Việt kiểm soát an ninh và ô nhiễm được đặt lên hàng đầu của chương trình nghị sự G20, và cả hai đều có ý nghĩa chính trị ở Trung Quốc, nhất là khi tình trạng dư cung thép đã được thảo luận một cách sôi nổi tại nhiều sự kiện quốc tế thu hút sự chú ý của công chúng”.
Đại diện Magang cho rằng sản lượng thép của Trung Quốc sẽ tăng sau sự kiện này khi hầu hết các nhà máy đã kết thúc hoạt động bảo trì vào mùa hè.(ST)