Trần Anh mở đại siêu thị điện máy lớn nhất miền Bắc
Đức kêu gọi châu Âu “bảo vệ bản thân” trước thép Trung Quốc
EIA: Tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ 7 liên tiếp
Dành tối thiểu 10% sản lượng khí mỏ Cá Voi Xanh để phát triển hóa dầu
Đến 2020, cao tốc Bắc-Nam phải hoàn thành
Tin kinh tế đọc nhanh 10-08-2016
- Cập nhật : 10/08/2016
OPEC họp vào tháng 9 nhằm tìm cách bình ổn thị trường dầu mỏ
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 8/8 thông báo đã triệu tập cuộc họp không chính thức của các nước thành viên vào tháng 9 tới tại Algeria nhằm tìm cách bình ổn thị trường dầu mỏ.
Cuộc họp sẽ diễn ra bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế tại Algeria từ ngày 26 đến 28/9.
OPEC nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và luôn thận trọng thảo luận với tất cả các nước thành viên về các cách thức và biện pháp nhằm khôi phục lại sự ổn định và số lượng đơn đặt hàng trên thị trường dầu mỏ.
Chủ tịch OPEC Mohammed Bin Saleh Al-Sada tái khẳng định quan điểm của tổ chức này rằng nhu cầu dầu mỏ trên thế giới sẽ tăng trong quý 3 và 4 của năm nay.
Theo ông Al-Sada, OPEC đánh giá sự sụt giảm giá dầu mới đây và sự biến động của thị trường hiện nay chỉ là tạm thời và do lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu thấp và hàng tồn kho dư thừa, cũng như ảnh hưởng của việc Anh quyết định rời EU đối với thị trường dầu thô.
Tăng trưởng kinh tế trở lại tại các nước tiêu thụ dầu sẽ kích cầu dầu mỏ trong thời gian còn lại của năm 2016 trong khi nguồn cung dầu mỏ sẽ giảm và dẫn đến giá dầu tăng.
Ông Al-Sada nhấn mạnh rằng cần đầu tư nhiều hơn vào sản xuất dầu để đáp ứng nhu cầu đang tăng và bù đắp sản lượng đang giảm tại các giếng dầu hiện nay.
Trong báo cáo hàng tháng công bố hồi tháng 7 vừa qua, OPEC dự báo sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC giảm xuống 56 triệu thùng/ngày trong năm 2016 từ mức 57 triệu thùng ngày hồi năm 2015.
Dự kiến, trong năm 2017, sản lượng này giảm tiếp xuống còn 55,9 triệu thùng/ngày, một phần do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục giảm do những nhà sản xuất dầu đá phiến cần giá cao hơn mức 45-50 USD/thùng hiện nay để tồn tại. (Vietnamplus)
Airbus bị điều tra tham nhũng
Văn phòng Chống gian lận Nghiêm trọng (SFO) của Anh vừa mở cuộc điều tra các cáo buộc "gian lận, hối lộ và tham nhũng" tại mảng hàng không dân dụng của Airbus.
Tin tức trên được Airbus công bố hôm qua (7/8). Các cáo buộc liên quan đến các hoạt động trái quy tắc của các tư vấn viên thuộc bên thứ 3.Hãng sản xuất máy bay có trụ sở tại Pháp này cho biết đang phối hợp với cơ quan điều tra Anh. Việc này được tiến hành từ tháng trước.
Hồi tháng 4, giới chức Anh đã phong tỏa đơn xin cấp tín dụng xuất khẩu của Airbus, cho đến khi hãng này đảm bảo hoạt động của họ với các "đại lý nước ngoài" là đúng quy định.
Tín dụng xuất khẩu được nhiều Chính phủ sử dụng để hỗ trợ các hãng xuất khẩu. Nó được thực hiện bằng cách bảo lãnh các khoản vay ngân hàng cho đối tác mua hàng nước ngoài. Năm ngoái, Airbus đã sử dụng công cụ này với 6% các đơn hàng chuyển đi.
Việc điều tra này là một cú giáng mới vào Airbus. Tháng trước, báo cáo tài chính nửa năm đầu cho thấy hãng thiệt hại 1,4 tỷ euro vì các vấn đề với A350 và máy bay vận tải quân sự A400M. Các chi nhánh nước ngoài của Airbus vài năm nay cũng đã bị cáo buộc tham nhũng. Còn từ đầu năm, cổ phiếu hãng này đã mất giá 15,7%.
Mỹ chuộng nghêu, sò Việt Nam hơn hàng Trung Quốc
Nửa đầu năm, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh của Việt Nam sang Mỹ tăng 78,3% so với cùng kỳ 2015.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 40,86 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2015. EU, Mỹ, Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu chính sản phẩm này, chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 3 thị trường chính trên thì tại Mỹ các sản phẩm như nghêu, sò,... của Việt Nam đang được ưa chuộng hơn so với các sản phẩm của Trung Quốc, Chile...
Cụ thể, nửa đầu năm, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh sang Mỹ đạt 4,67 triệu USD, tăng 78,3% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng trưởng mạnh trong nhiều tháng, Mỹ đã soán vị trí thứ 2 về nhập khẩu hàng hóa này của Nhật Bản và thời gian tới có xu hướng gia tăng nhập mặt hàng nghêu từ Việt Nam, trong khi lại giảm nhập sản phẩm này từ các nhà cung cấp lớn như Trung Quốc, Chile...
Khác với xu hướng đi lên trên, tại châu Âu, Nhật Bản, Asean tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm này có chiều hướng giảm quanh mức 4-12% so với cùng kỳ 2015.
6 tháng đầu năm, xuất khẩu nhuyễn thế hai mảnh sang châu Âu đạt 26,06 triệu USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ 2015. Còn thị trường Nhật Bản xuất khẩu chỉ đạt 4,22 triệu USD, giảm 12,4%. Hiện nay, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản và chiếm tỷ trọng 43-65% tổng giá trị nhập.
Riêng thị trường Asean, trong nửa đầu năm Việt Nam chỉ xuất được 1,79 triệu USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2015. Theo một số doanh nghiệp, nguyên nhân xuất khẩu sụt giảm là do nguồn cung nguyên liệu trong nước không nhiều nên các doanh nghiệp chú trọng đưa hàng xuất sang các thị trường có giá tốt hơn.
Vú sữa Việt Nam sắp vào thị trường Mỹ
Sau thanh long, chôm chôm, vải và nhãn, Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa tiếp tục cho phép nhập khẩu thêm trái vú sữa của Việt Nam vào nước này trong quý IV năm nay.
Bộ Công Thương Việt Nam vừa cho biết, theo đề nghị của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam thì Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã hoàn tất bản Báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại để đánh giá những nguy cơ liên quan đến việc nhập khẩu trái vú sữa tươi từ Việt Nam vào Mỹ. Trên cơ sở của bản báo cáo phân tích này, cơ quan quản lý Mỹ đã kết luận trái vú sữa tươi từ Việt Nam là an toàn để nhập khẩu.
Theo đó, trái vú sữa Việt sẽ được nhập khẩu như hàng hóa thương mại.Mỗi chuyến hàng xuất khẩu vú sữa tươi đều phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục bảo vệ thực vật Việt Nam cấp, và phải được xử lý đúng quy định theo mục 7 phần 305 của Luật về các quy định của Liên bang (CFR). Mỗi chuyến hàng xuất khẩu đều là đối tượng kiểm tra ngay khi cập cảng vào Mỹ.
Vú sữa sẽ là loại quả thứ 5 của Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ, dự kiến từ quý IV năm nay.