Ấn Độ giải thích lý do hàng hóa Trung Quốc siêu rẻ; Ngừng bay, Air Mekong và Indochina Airlines vẫn nợ đầm đìa; Hơn 200 container biến mất: Xử lý nghiêm hải quan vi phạm; Bắt 1 nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng Agribank
Tin kinh tế đọc nhanh 02-08-2017
- Cập nhật : 02/08/2017
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
Đó là thông tin được Tổng cục Thống kê công bố tại Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2017.
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu của cả nước ước tính đạt 118,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 71,4 tỷ USD, tăng 28,1%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng cục Thống kê cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 31,7 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 26,7 tỷ USD, tăng 50,8%; ASEAN đạt 16 tỷ USD, tăng 19,7%; Nhật Bản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,6%; EU đạt 6,8 tỷ USD, tăng 14,8%; Hoa Kỳ đạt 5,5 tỷ USD, tăng 22,7%.
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước trong 7 tháng ước tính đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 14,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 83,0 tỷ USD, tăng 20,3%.
Như vậy, tính chung 7 tháng năm 2017, Việt Nam nhập siêu 3,08 tỷ USD, bằng 2,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,69 tỷ USD. (TCTC)
----------------------
Nhật Bản đầu tư hơn 4.800 triệu USD vào Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 4.808,3 triệu USD, chiếm 37,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Singapore với 2.815,7 triệu USD, chiếm 21,8%; Hàn Quốc 1.937,5 triệu USD, chiếm 15%; Trung Quốc 1.221,3 triệu USD, chiếm 9,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 552,1 triệu USD, chiếm 4,3%; CHLB Đức 322,3 triệu USD, chiếm 2,5%.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 7 ước tính đạt 25.679,1 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 140,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN trong tháng 7 cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn này trong 7 tháng năm nay còn chậm.
Các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, bảo đảm kế hoạch đề ra.
Cũng trong 7 tháng năm 2017 có 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,1 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 7 tháng đạt 21,9 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 7 tháng năm nay, cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Thanh Hóa có số vốn đăng ký lớn nhất với 3.054,5 triệu USD, tiếp đến là Nam Định 2.125,9 triệu USD, Kiên Giang 1.337,8 triệu USD, Bình Dương 1.043,3 triệu USD, TP. Hồ Chí Minh 744,1 triệu USD, Tây Ninh 694,2 triệu USD, Hà Nội 582,4 triệu USD… (DBND)
-----------------------------
Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ 7 tháng đầu năm 2017
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 6/2017 đạt 17.795 triệu USD, thấp hơn 5 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 7, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 17,50 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,90 tỷ USD, giảm 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,60 tỷ USD, giảm 1%.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm so với tháng trước: Dầu thô giảm 23,5%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 5,2%; điện thoại và linh kiện giảm 4%; giày, dép giảm 3,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 2,7%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 tăng 17,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 19,9%.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 14,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 83,0 tỷ USD, tăng 20,3%.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 22,6 tỷ USD, tăng 15%; dệt may đạt 14,2 tỷ USD, tăng 8,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,6 tỷ USD, tăng 43,3%; giày, dép đạt 8,4 tỷ USD, tăng 12,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 6,9 tỷ USD, tăng 29,5%; thủy sản đạt 4,3 tỷ USD, tăng 18,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,3 tỷ USD, tăng 12,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4 tỷ USD, tăng 20%; cà phê đạt 2,1 tỷ USD, tăng 8,3% (lượng giảm 16%); rau quả đạt 2 tỷ USD, tăng 44,4%; dầu thô đạt 1,8 tỷ USD, tăng 36,1% (lượng tăng 12,3%).
Một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Hạt tiêu đạt 803 triệu USD, giảm 18% (lượng tăng 21,1%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 569 triệu USD, giảm 7,5% (lượng giảm 0,3%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 7 tháng đạt 23,4 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 21,5 tỷ USD, tăng 12,8%; Trung Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 42,6%; ASEAN đạt 12,3 tỷ USD, tăng 27,1%; Nhật Bản đạt 9,6 tỷ USD, tăng 20,6%; Hàn Quốc đạt 7,6 tỷ USD, tăng 26,4%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 6/2017 đạt 18.087 triệu USD, cao hơn 87 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 7, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 17,8 tỷ USD, giảm 1,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,7 tỷ USD, giảm 1,2%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 tăng 23,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 20%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 26%.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 118,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 71,4 tỷ USD, tăng 28,1%.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 21,4 tỷ USD, tăng 37,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,2 tỷ USD, tăng 27,4%; điện thoại và linh kiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 30,6%; vải đạt 6,5 tỷ USD, tăng 9,2%; sắt thép đạt 5,2 tỷ USD, tăng 16,7% (lượng giảm 18,6%); chất dẻo đạt 4,1 tỷ USD, tăng 24,4% (lượng tăng 15,2%); xăng dầu đạt 3,9 tỷ USD, tăng 32,3% (lượng tăng 4%); kim loại thường đạt 3,1 tỷ USD, tăng 20% (lượng giảm 13,4%); sản phẩm chất dẻo đạt 2,9 tỷ USD, tăng 21,5%; sản phẩm hóa chất đạt 2,5 tỷ USD, tăng 19,4%; hóa chất đạt 2,3 tỷ USD, tăng 32,6%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 11,8%.
Về thị trường nhập khẩu 7 tháng năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 31,7 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 26,7 tỷ USD, tăng 50,8%; ASEAN đạt 16 tỷ USD, tăng 19,7%; Nhật Bản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,6%; EU đạt 6,8 tỷ USD, tăng 14,8%; Hoa Kỳ đạt 5,5 tỷ USD, tăng 22,7%.
Cán cân thương mại thực hiện tháng 6 nhập siêu 292 triệu USD; tháng 7 ước tính nhập siêu 300 triệu USD. Tính chung 7 tháng năm 2017 nhập siêu 3,08 tỷ USD, bằng 2,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,69 tỷ USD.(TCTK)
-------------------------------------------
Xuất khẩu sang thị trường Australia, New ZeaLand: Phải nâng cao chất lượng sản phẩm
Khi xuất khẩu sang thị trường Australia, New Zealand, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện của thị trường. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo Phổ biến thông tin thị trường Australia, New Zealand và tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, diễn ra ngày 28/7.
Nhiều tiềm năng
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong vòng 6 năm (2010-2016), kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia đã tăng 1,26 lần, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm.
Tính riêng năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,2 tỷ USD (tăng 6,5% so với năm 2015), trong đó kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,9 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 2,3 tỷ USD.
Đối với thị trường New Zealand, kim ngạch thương mại hai chiều từ 2011-2016 bình quân tăng khoảng 26,7%/năm. Năm 2016, kim ngạch đạt 707 triệu USD, tăng 0,4% so với năm 2015, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 358 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 349 triệu USD.
Có sự chuyển biến tích cực từ hai thị trường trên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương Nguyễn Phúc Nam là do AANZFTA có hiệu lực ngày 1/1/2010 với nhiều ưu đãi, đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Cụ thể, năm 2015, Australia đã dành cho Việt Nam khoảng 96% tổng số dòng thuế về mức 0,5%. Việt Nam cũng đã tận dụng quy tắc xuất xứ để xuất khẩu sang Australia, New Zealand, tuy nhiên, vẫn chưa đạt như kỳ vọng mà vẫn ở mức trung bình.
Đáp ứng tốt các điều kiện xuất khẩu
Đại diện Bộ Công thương cho biết, Australia, New Zealand và Việt Nam có cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu bổ sung cho nhau. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như sữa, da nguyên liệu; than đá, trái cây và có tiềm năng xuất khẩu nông sản bởi Australia, New Zealand ở bán cầu Nam, Việt Nam lại ở bán cầu Bắc, điều kiện khí hậu trái ngược nhau nên các sản phẩm theo mùa sẽ bổ sung cho nhau.
Tuy nhiên, Việt Nam mới xuất khẩu chủ yếu thủy sản chế biến. Dệt may, giày dép, hạt điều đang chiếm ưu thế tại thị trường Australia nhưng chủ yếu mới xuất khẩu điều nhân.
Theo ông Nam, Australia là nước thuộc nhóm quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới do đó yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm là điều tất yếu.
Đây là thị trường còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu, quan trọng là phải đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu.
Để thúc đẩy xuất khẩu sang hai thị trường đầy tiềm năng này, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Bộ Công thương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm thủy sản…
Làm thế nào để Australia và New Zealand công nhận các giấy chứng nhận Việt Nam cấp và hỗ trợ cho Việt Nam về kỹ thuật để xây dựng và công bố các vùng sạch bệnh, hỗ trợ trong khâu kiểm bệnh, kiểm dịch.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội thảo, diễn đàn tăng cường phổ biến các thông tin, cơ hội xuất nhập khẩu thị trường Australia và New Zealand...
Theo các chuyên gia, Hiệp định AANZFTA đang được triển khai và trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực và toàn cầu sẽ giúp quan hệ thương mại Việt - Australia - New Zealand phát triển mạnh hơn nữa.
Vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và cạnh tranh được với hàng hóa của các quốc gia khác. (DBND)