tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 05-08-2017

  • Cập nhật : 05/08/2017

Malaysia lo ngại Thái Lan, Việt Nam vượt trước trong “cuộc đua” CMCN 4.0

Theo Giám đốc điều hành Knowledgecom, có chín trụ cột công nghệ xác định diện mạo công nghiệp 4.0: Robot tự lập, thực tế mô phỏng và thực tế tăng cường, tích hợp theo chiều dọc và chiều dọc, Internet vạn vật trong ngành công nghiệp, an ninh mạng, điện toán đám mây, sản xuất bổ sung, chuỗi cung ứng và phân tích dữ liệu lớn.

ong s t rubaneswaran

Ông S T Rubaneswaran

Theo công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) "là giai đoạn tiếp theo trong quá trình số hóa của ngành chế tạo, được thúc đẩy bởi bốn sự đột phá: Một là sự gia tăng đáng kinh ngạc của số lượng dữ liệu, sức mạnh tính toán và kết nối, đặc biệt là các mạng diện rộng công suất thấp mới; Hai là khả năng phân tích và khả năng tình báo kinh doanh đã có bước tiến đột phá; Ba là sự xuất hiện các hình thức tương tác mới giữa máy và con người như các giao diện cảm ứng và các hệ thống thực tế tăng cường; và Bốn là những cải thiện trong việc truyền dẫn các chỉ dẫn số hóa tới thế giới vật lý, chẳng hạn như các robot tiên tiến và in ba chiều".

Điều đó có vẻ như là những từ ngữ hỗn độn, nhưng thực tế là CMCN 4.0 sẽ đưa hoạt động sản xuất lên cấp độ mới, tăng năng suất lao động đồng thời giảm chi phí cho các công ty.

Một sáng kiến của khu vực công -  tư ở Malaysia sẽ mở ra cho các công ty địa phương một thực tiễn mới, thông qua đào tạo nhân viên trong các ngành công nghiệp cũng như sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng địa phương.

Đào tạo lực lượng lao động cho 4.0

Chương trình đào tạo bắt đầu vào tháng 4 năm 2016 đang được tiến hành bởi nhà cung cấp dịch vụ đào tạo công nghệ địa phương gồm Knowledgecom Sdn Bhd và Trung tâm Phát triển Kỹ năng Penang (PSDC).

Hai nhà cung cấp dịch vụ đào tạo đang làm việc chặt chẽ với Bộ Nhân lực, Bộ Công nghiệp và Ngoại thương, Quỹ Phát triển Nguồn Nhân lực, Nhóm Kế hoạch Kinh tế, Tập đoàn Kinh tế kỹ thuật số Malaysia, Tập đoàn Talent Malaysia....

Theo ông S T Rubaneswaran- Giám đốc điều hành Knowledgecom, có chín trụ cột công nghệ xác định diện mạo công nghiệp 4.0. Đó là: robot tự lập, thực tế mô phỏng và thực tế tăng cường, tích hợp theo chiều dọc và chiều dọc, Internet vạn vật trong ngành công nghiệp, an ninh mạng, điện toán đám mây, sản xuất bổ sung (ví dụ in 3D), chuỗi cung ứng và phân tích dữ liệu lớn.

Theo ông, trên toàn thế giới, hầu hết các công ty đều nhắc đến các trụ cột nhưng thường ở dạng riêng lẻ mà không phải là một một khối. Bình luận về lý do tại sao các công ty Malaysia cần công nghiệp 4.0, Rubaneswaran nói rằng nó có thể giúp các công ty loại bỏ tình trạng tổn thất, giảm chi phí, tăng nền tảng khách hàng và vượt lên các đối thủ cạnh tranh.

Ông hình dung ra tương lai: "20 năm tới, sẽ không có nhân viên làm việc trên các dây chuyền lắp ráp, mọi thứ sẽ được tự động hóa”.

"Trong vòng 50 năm tới, khi chúng ta điều khiển được trí thông minh nhân tạo, máy tính sẽ trở nên phổ biến hơn. Các công ty sẽ cần phải thay đổi các quy trình và đào tạo mọi người để giúp họ chuyển đổi. Nếu không được đào tạo, các công ty kinh doanh theo cách mà họ vẫn tiến hành trong vòng 10 năm trước sẽ có thể trở nên lỗi thời ".

Do đó, ông nói rằng, tại các công ty địa phương, những nhà quản lý cấp cao nên có một chính sách về CN  4.0 và đội ngũ quản lý cấp trung cần được đào tạo để thực hiện chính sách này.

Rubaneswaran cũng tin rằng CN 4.0 sẽ làm cho Malaysia không còn phụ thuộc  vào lao động nước ngoài có tay nghề thấp.

"Chúng ta cần phải nâng trình độ tay nghề công nhân địa phương lên mức trung bình, do đó sẽ có nhiều việc làm cho người Malaysia. Hiện có tới ba triệu lao động nước ngoài ở Malaysia, vậy mà lại có khoảng 300.000 đến 400.000 người Malaysia thất nghiệp ".

Rubaneswaran thừa nhận rằng, đó sẽ không phải là một quá trình dễ dàng, với những thách thức chính là văn hoá nơi làm việc và thay đổi phương thức quản ly. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng hầu hết các nước sẽ tiến tới CN 4.0, do đó Malaysia cần thay đổi càng nhanh càng tốt.

"Myanmar, Thái Lan và Việt Nam sẽ vượt lên trong cuộc chơi. Thái Lan có một khuôn khổ chính sách 4.0 và cũng như Việt Nam, đó là một quốc gia nông nghiệp, sẽ dễ dàng chuyển đổi sang nền sản xuất 4.0 so với Malaysia, nơi vẫn có nhiều hệ thống ở mức 2.0 và 2.5 " -  ông nói.

Rubaneswaran lưu ý rằng, ngày nay, những công nghệ xuất hiện ở châu Âu và các nước phát triển khác, có thể cùng một lúc hiện diện ở châu Á. "Các công ty có thể chuyển biến nhanh hơn nếu họ đã sẵn sàng cho 4.0, họ có thể cung cấp các sản phẩm tuỳ biến với chi phí thấp hơn", ông nói thêm.

Với sáng kiến của khu vực công - tư, Knowledgecom và PSDC tiến hành đào tạo năm trong số chín trụ cột công nghệ được đề cập ở trên. Đào tạo bao gồm hội nhập theo chiều ngang và dọc, Internet vạn vật công nghiệp, an ninh mạng, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn.

Khoản tài trợ này đến từ Bộ Nguồn Nhân lực dành cho đào tạo, trong khi ngân sách dành cho các ngành công nghiệp đến từ Bộ Công nghiệp và Ngoại thương, ông chia sẻ.

"Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu cung ứng chuỗi đào tạo. Chúng tôi đang nhắm mục tiêu từ nay đến cuối năm tổ chức 50 địa điểm ở tám tiểu bang, hiện tại chúng tôi mới có hơn 26 điểm hiện đang trải rộng trên sáu tiểu bang. Ở mỗi bang đều có một trung tâm kỹ thuật, trường cao đẳng và trung tâm đào tạo", ông giải thích..

Sáu tiểu bang đó là Penang, Perak, Johor, Negeri Sembilan, Sabah và Sarawak. Đến nay, hơn 500 người đã được đào tạo bao gồm các nhà quản lý bậc trung trong các ngành công nghiệp, sinh viên đại học năm thứ ba hoặc năm thứ tư, cũng như sinh viên bách khoa chuẩn bị tốt nghiệp, những người sau đó được nhận vào thực tập ở các công ty sau khi đào tạo.

Theo Rubaneswaran, cho đến nay, trong số 150 công ty đã nhận được chương trình đào tạo, 58% là các tập đoàn đa quốc gia và 28% doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Đến cuối năm, chúng tôi sẽ đào tạo được tổng cộng 1.500 người của khoảng 400 công ty. (Viettimes)
---------------------------

Thế Giới Di Động chuẩn bị 2.500 tỷ đồng để mua lại chuỗi điện máy và dược phẩm

Ông Nguyễn Đức Tài, CT HĐQT Thế Giới Di Động, cho biết đang chờ xin cổ đông duyệt khoản tiền 2.500 tỷ đồng để mua lại chuỗi điện máy và dược phẩm.

ong nguyen duc tai, ct hdqt the gioi di dong,  nguon anh: ict news

Ông Nguyễn Đức Tài, CT HĐQT Thế Giới Di Động, Nguồn ảnh: ICT News

Kế hoạch mua lại các chuỗi điện máy và dược phẩm của Thế Giới Di Động đã được "lên nòng". Ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cho biết đang chuẩn bị gửi thư cho cổ đông để xin ý kiến duyệt số tiền 2.500 tỷ đồng để chốt việc này.

Nếu được cổ đông đồng ý, việc mua lại các chuỗi điện máy và dược phẩm sẽ diễn ra ngay do mọi thứ đàm phán đã gần như xong, chỉ chờ được duyệt chi.

"Mọi người nghiên cứu có thể sẽ biết được Thế Giới Di Động sắp mua chuỗi điện máy nào, tuy nhiên vì chuyện bảo mật nên chưa thể công bố", ông Tài nói trong sự kiện tổ chức cho các nhà môi giới đầu tư hôm nay 3/8.

Trước đó, một nhà môi giới cho rằng chuỗi Điện máy Xanh vẫn chưa lấn sân được thị trường miền Bắc, đặc biệt ở các khu vực trung tâm Hà Nội. Ông này hỏi ông Tài liệu có kế hoạch nào mua lại chuỗi điện máy ở Hà Nội hay không.

Trong sự kiện này, chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cũng cho biết đã tiếp xúc với nhiều chuỗi cửa hàng dược phẩm. Kế hoạch mua lại chuỗi dược phẩm cũng đã được "lên nòng" như kế hoạch mua lại hệ thống điện máy.

"Chúng tôi đang chờ xin ý kiến cổ đông, mình tôi không quyết được. Nếu cổ đông không đồng ý thì kế hoạch phải lùi lại", ông Tài nói.

Trước đây Thế Giới Di Động chuẩn bị 500 tỷ đồng cho việc M&A, tuy nhiên kế hoạch sáp nhập của họ có vẻ lớn hơn nhiều khi đang xin ý kiến cổ đông tăng số tiền này lên 2.500 tỷ đồng. (ICT News)
--------------------------------------

Lượng tiền mặt của Apple vượt ngưỡng 260 tỷ USD

Khoảng 94% số tiền trên hiện đang ở bên ngoài nước Mỹ, và CEO Tim Cook luôn ủng hộ việc giảm thuế để có thể hồi hương khoản tiền này.

nguon anh: mnmcdn.com

Nguồn ảnh: mnmcdn.com

Lượng tiền mặt của Apple đã một lần nữa tăng lên trong quý II/2017, chạm mức kỷ lục mới 261,5 tỷ USD, so với mức 256,8 tỷ USD trong quý I. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số tiền này đã tăng 13% .

Số tiền đó đủ để mua lại toàn bộ một hãng công nghệ lớn khác là Oracle mà vẫn còn dư ra 54 tỷ. Nó cũng đủ để Apple mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Wal-Mart hoặc hãng viễn thông AT&T, theo giá trị  vốn hóa thị trường hiện nay.

Luong tien mat  cua Apple vuot nguong 260 ty USD

Biểu đồ giá cổ phiếu Apple. Nguồn: Google Finance

Ngoài các khoản đầu tư được đánh giá cao vào dịch vụ gọi xe Didi và thương hiệu tai nghe Beats, Apple hiếm khi thực thực hiện các thương vụ bom tấn. Thay vào đó, Apple thường ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Công ty này dành 2,94 tỷ USD cho R&D trong quý II, tăng từ mức 2,56 tỷ USD năm ngoái.

Giám đốc tài chính của Apple là Luca Maestri nói với các nhà phân tích rằng có tới 246 tỷ USD (chiếm 94%) trong tổng lượng tiền mặt 261,5 tỷ của công ty hiện đang ở bên ngoài nước Mỹ.

Apple đã đầu tư vào một loạt các công ty con trên toàn thế giới: Một cửa hàng mới tại Dubai đã trở thành trung tâm trong chiến lược bán lẻ mới của Apple, theo như ghi nhận tại một cuộc hội thảo với giới phân tích. Tại cuộc hội thảo này, CEO Tim Cook cũng cho biết doanh số bán iPad của Apple trong quý II tăng trưởng ở mức 2 con số tại các thị trường trọng điểm như như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp và Trung Quốc.

Nhưng Apple cũng phải đối mặt với khoản thuế khổng lồ nếu muốn hồi hương lượng tiền mặt ở nước ngoài. Do vậy, CEO Tim Cook luôn là người ủng hộ mạnh mẽ nhất về cải cách thuế - bao gồm một đề xuất từ Tổng thống Donald Trump là giảm thuế một lần cho việc hồi hương tiền. Một khi hồi hương, số tiền đó có thể được Apple dùng để  mua một công ty khác hoặc trả cổ tức.

Tim Cook cũng nói rằng Apple đang đầu tư 1 tỷ USD  cho hoạt động sản xuất công nghệ cao ở Mỹ, cũng như đầu tư vào các nguồn lực của Mỹ như ngành giáo dục. Apple cũng tuyên bố chi trả cổ tức 63 xu/cp vào quý III/2017.

Theo Cook, Apple cũng sẽ có "một số điều cần nói" vào cuối năm nay về việc có tới 2/3 nhân viên của Apple làm việc tại Mỹ, tuy nhiên doanh thu của Apple tại xứ cờ hoa chỉ chiếm 1/3 tổng doanh thu.

Cổ đông Ross Gerber đến từ công ty quản lý tài sản Gerber Kawasaki cho biết ông muốn Apple mở rộng ra các ngành nghề khác thông qua M&A. Ông nói trong chương trình Closing Bell của CNBC: "Tôi nghĩ rằng Apple cần đa dạng hóa vì họ không thể đặt tất cả mọi hy vọng vào iPhone 8".(NCĐT)
---------------------------

Ngành du lịch “ngóng” chính sách dài hơi

Hiện nay có 3 vấn đề quan trọng mà du lịch Việt Nam cần ưu tiên, đó là quảng bá Việt Nam tới các thị trường trọng điểm; nới lỏng hơn nữa chính sách cấp thị thực và xây dựng môi trường du lịch thân thiện.

Từ năm 2016 đến nay, trong bối cảnh nông nghiệp và công nghiệp – xây dựng liên tục suy giảm hoặc tăng trưởng chậm lại, thì lĩnh vực dịch vụ đã liên tục duy trì mức đóng góp cao nhất vào GDP và ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Sự bật tăng mạnh mẽ của khu vực này có đóng góp không nhỏ của ngành du lịch cùng tác động lan toả mạnh mẽ nhất với tất cả các lĩnh vực khác trong khu vực dịch vụ như bán buôn bán lẻ, lưu trú và ăn uống, vận tải hành khách, tài chính - ngân hàng và bảo hiểm…

Khi du lịch trỗi dậy

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 7,2 triệu lượt người, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế cho thấy, ngành du lịch thực sự khởi sắc từ năm 2016 sau khi chính sách cấp thị thực (visa) được nới lỏng từ tháng 7/2015. Theo đó, Chính phủ Việt Nam miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha). Trong năm này, lần đầu tiên Việt Nam đạt mốc 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng tuyệt đối kỷ lục 2 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể các nguồn thu gián tiếp vào các ngành khác.

Nới lỏng chính sách đã ngay lập tức mang lại tăng trưởng cho ngành du lịch

Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, tổng số lượt khách từ 5 quốc gia này tăng trung bình 15,4% trong vòng 12 tháng kể từ khi chính sách miễn thị thực được ban hành. Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 333.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng cao đối với thị trường xa, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Bên cạnh đó, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch đến từ các thị trường này cao gấp đôi chi tiêu trực tiếp và gián tiếp của khách du lịch đến từ các thị trường gần, ước tính khoảng 1.316 USD/ khách.

Nhờ đó, trong năm 2016, lượng khách 5 nước Tây Âu tăng thêm tới 87.000 lượt, mang lại tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa hơn 124 triệu USD. Tổng thu tăng thêm từ lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 238 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, với thị trường xa, đó là mức tăng trưởng rất lớn vì những thị trường này tăng không dễ như những thị trường gần. Số lượng du khách từ các thị trường này tuy không đông như những du khách ở khu vực gần nhưng thời gian lưu trú dài ngày (ít nhất từ 15 ngày đến 1 tháng) và mức chi tiêu cao, đem lại lợi ích lớn không chỉ cho ngành du lịch mà cả những ngành nghề khác.

Cú hích đánh thứctiềm năng

Mặc dù ngành du lịch đang khởi sắc mạnh mẽ, song theo ông Nguyễn Văn Tuấn, mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 với 18-20 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp cho GDP hơn 10% rất cần các chính sách đồng bộ và dài hơi.

Ông Trần Trọng Kiên, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh khuyến nghị, hiện nay có 3 vấn đề quan trọng mà du lịch Việt Nam cần ưu tiên, đó là quảng bá Việt Nam tới các thị trường trọng điểm; nới lỏng hơn nữa chính sách cấp thị thực; và xây dựng môi trường du lịch thân thiện.

Ông Kiên cho rằng, chính sách về thị thực nếu được tiếp tục tháo gỡ sẽ tạo ra sự đột phá cho du lịch Việt Nam. Vì vậy, ngay từ lúc này cần đặt ra tính toán nếu Việt Nam miễn thị có tác động như thế nào với nền kinh tế, cũng như DN cần làm gì. “Cần đánh giá cụ thể về các tác động của chính sách này trước khi trình lên Thủ tướng kiến nghị tháo gỡ, sửa đổi để có chính sách dài hơi thay vì chỉ áp dụng thí điểm như hiện nay”, ông Kiên nói.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch kiến nghị, chúng ta đã chọn các thị trường tập trung để thu hút khách quốc tế có mức chi trả cao khi tới Việt Nam, đó là châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Úc – New Zealand. Vậy khâu quảng bá sẽ phải tập trung vào các thị trường mục tiêu này, chính sách visa cũng sẽ tập trung cho thị trường này và kéo theo các vấn đề an toàn, chất lượng du lịch, sự thân thiện của điểm đến cũng sẽ hướng tới nhóm khách mục tiêu.

Nhận định rằng các DN du lịch chỉ còn chờ chính sách mở ra để tính chuyện đi đường dài, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel phân tích, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ mang về khoảng 35 tỷ USD/năm, cùng với 2 triệu việc làm, vì vậy đầu tư của Chính phủ phải tương xứng mới đánh thức được tiềm năng phát triển của ngành này. Theo ông Kỳ, Chính phủ cần đầu tư vào các chương trình nghiên cứu quốc tế, xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; xúc tiến mở rộng thị trường; nới lỏng cấp visa. Và các chính sách khi đã đưa ra là phải ổn định, lâu dài. “Hiện nay chúng ta mới miễn thị thực cho một số quốc gia trong vòng 1 năm, trong khi đáng ra phải cam kết từ 2-3 năm mới đủ dài và ổn định để các DN du lịch tính toán bán tour”, ông Kỳ phân trần.

Cũng vì chính sách còn chưa ổn định và lâu dài nên khả năng phát triển của DN du lịch hiện nay còn hạn chế. Theo các DN trong ngành, tình hình phát triển hiện nay còn manh mún, chính sách chưa thực sự có những ưu đãi về thuế, tài chính, vốn… nên lợi nhuận mang lại còn hạn chế, chưa tạo ra tích lũy để DN lớn lên. Những điểm nghẽn này rất cần sớm tháo gỡ để ngành du lịch tận dụng bệ đỡ chính sách nhằm mở rộng đầu tư, sớm mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế.(Thoibaonganhang)

Trở về

Bài cùng chuyên mục