tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 05-08-2017

  • Cập nhật : 05/08/2017

Nước Anh có thể sẽ mất 40.000 việc làm ngành ngân hàng vì Brexit

Một nửa số công việc trong ngành ngân hàng đầu tư tại Anh có thể biến mất trong vài năm tới nếu chính phủ Anh tiếp tục theo đuổi Brexit cứng.

nguon anh: aib.ie

Nguồn ảnh: aib.ie

Theo ước tính từ hãng tư vấn Oliver Wyman, có tới 40.000 công việc trong ngành ngân hàng đầu tư có thể sẽ được chuyển từ London sang các trung tâm tài chính khác của châu Âu, do các ngân hàng tìm cách duy trì quyền tiếp cận thị trường châu Âu một khi Anh rời khỏi khối EU vào năm 2019.

Một số ngân hàng, bao gồm cả Citigroup, UBS và Barclays, đã thông báo kế hoạch di chuyển hàng nghìn việc làm từ Anh sang các công ty con mới trên khắp EU. Các công ty dịch vụ tài chính đã được cho thời hạn là ngày 14/7 để đệ trình kế hoạch dự phòng của mình cho Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).

Ban đầu, những động thái này dự kiến sẽ chuyển 12.000-17.000 việc làm ngành ngân hàng ra khỏi London. Tuy nhiên, con số này có thể tăng lên 40.000 trong dài hạn, khi các ngân hàng không chắc chắn về quy chế thanh toán bù trừ (clearing), cũng như tìm cách cải thiện sự hợp tác giữa các nhân viên.

"Mặc dù một số ngân hàng sẽ tranh thủ Brexit để tái cơ cấu và mở rộng ra khắp Châu Âu, đa phần các ngân hàng đều muốn giảm thiểu chi phí và sự gián đoạn hoạt động bằng cách di chuyển càng ít càng tốt", báo cáo của Oliver Wyman bình luận.

"Tuy nhiên, trong trung hạn, các áp lực sẽ tăng lên và có thể khiến các ngân hàng tăng sự hiện diện của họ tại EU theo thời gian".

Theo ước tính của Oliver Wyman, ngành ngân hàng bán buôn (wholesale banking) bao gồm bán hàng, hoạt động tự doanh và ngân hàng đầu tư, hiện tạo ra 80.000 việc làm ở Anh. Oliver Wyman ước tính rằng ngành dịch vụ tài chính tại Anh, bao gồm cả các công ty bảo hiểm và các ngân hàng bán lẻ, sẽ mất từ 31.000 đến 35.000 việc làm trong trung hạn.

Điều này sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn không chỉ cho ngành ngân hàng mà cả nền kinh tế Anh nói chung.

Dịch vụ tài chính là một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào GDP của Anh, chiếm khoảng 22% GDP của thủ đô London.

Thủ tướng Anh Theresa May đã thúc đẩy kế hoạch "Brexit cứng" (Hard Brexit), vốn sẽ  làm mất đi quyền tiếp cận thị trường chung của đảo quốc sương mù và chấm  dứt việc tự do hóa dòng lao động nhập cư giữa Anh và EU. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond đã đề xuất một 'giai đoạn chuyển tiếp' lên đến 3 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp khi nước Anh rời khỏi EU.

Tuy nhiên, báo cáo của Oliver Wyman nhấn mạnh rằng ngành dịch vụ tài chính sẽ không thể đợi cho đến khi đó thì mới quyết định cần làm gì.

Báo cáo nói: "Chính phủ Vương quốc Anh đã đưa ra một cam kết rõ ràng cho một giai đoạn chuyển đổi. Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt của các cuộc đàm phán Brexit sẽ là về các khoản tiền cần thanh toán khi Anh rời khỏi EU, vấn đề biên giới với Ireland và tình trạng của những công dân EU tại Anh".

Báo cáo của Oliver Wyman được đưa ra ngay sau khi Deutsche Bank (Đức) trao đổi thỏa thuận thuê địa điểm cho trụ sở mới của mình tại London vào thứ Ba. Các cuộc thảo luận về hợp đồng cho thuê 25 năm được xem là một sự ủng hộ cho London. Tuy nhiên, Deutsche Bank cũng đã thông báo rằng rằng sẽ có hàng ngàn việc làm được chuyển sang Frankfurt như một phần trong kế hoạch di chuyển bộ phận kinh doanh chứng khoán.(NCĐT)
-------------------------------

Nếu không thay đổi, tôm xuất khẩu Việt Nam sẽ mất dần thị phần và lâm vào tình trạng "giải cứu"

Theo một quan chức cấp cao thuộc Cục Thú y Việt Nam nhận định nếu ngành công nghiệp nuôi tôm không thay đổi sớm thì ngành này sẽ lâm vào tình cảnh phải giải cứu.

Tại buổi hội thảo về thành lập chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 7 Tiến sĩ Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y đã đặc biệt cảnh báo về vấn đề này. Ông Đông cho biết việc doanh thu từ xuất khẩu tôm tăng trong những năm gần đây đã tạo nên tâm lý tự mãn về những thách thức mà ngành công nghiệp đang phải đối mặt như ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, bệnh dịch và những chính sách thương mại lớn.

Điểm đáng chú ý là giá trị xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 3,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên riêng đối với mặt hàng xuất khẩu tôm trong quý I lại bị chững lại.

Các hàng rào kỹ thuật về những quy định liên quan đến kiểm dịch và tồn dư kháng sinh từ các nước nhập khẩu đã trở thành mối đe dọa lớn đối với hệ thống xuất khẩu tôm hiện tại của Việt Nam.

Theo Cục Thú y, đến nay có 6 nước (bao gồm Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả rập Saudi, Mexico và Brazil) hoặc là đã tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín hoặc sẽ áp dụng việc lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (bao gồm các bệnh: Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp tính, Đầu vàng, Taura, Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô và bệnh Hoại tử cơ) hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với các lô tôm chưa qua nấu chín của Việt Nam.

Giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang 6 nước này khoảng trên 2 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 800 triệu USD tương đương chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Do đó, các biện pháp mà các nước này đưa ra có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu tôm của Việt Nam. Các nước đã lập luận nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn dịch bệnh thì không những phòng được các loại mầm bệnh xâm nhiễm vào nước họ; bản thân người nuôi tôm của Việt Nam sẽ không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong suốt quá trình nuôi, do đó sản phẩm thu hoạch sẽ có chất lượng cao và bảo đảm các chỉ tiêu an toàn dịch bệnh.

Doanh nghiệp kêu khó

Các chuyên gia và nhà xuất khẩu tôm tỏ ra quan ngại sâu sắc về những yêu cầu về kiểm dịch. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sẽ rất khó để các nhà xuất khẩu có thể đáp ứng những yêu cầu này trong thời gian ngắn.

Các doanh nghiệp kêu "khó" có thể đáp ứng quy định trong thời gian ngắn

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn thủy sản Việt-Úc cho biết tỷ lệ cá thể tôm sống ở các trại nuôi tôm của Việt Nam rất thấp chỉ từ 25-30% do phương pháp nuôi trồng thiếu chuyên nghiệp. Ông nhận định thêm tôm của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh nhờ giá và những quy định mới đồng nghĩa các nhà xuất khẩu không thể muốn bán với giá nào thì bán.

Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá đối với đợt rà soát hành chính lần 9 của tôm Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều chỉnh mức thuế đối với tôm Việt Nam. Do Việt Nam chưa được Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường nên Hoa Kỳ phải sử dụng một nước thay thế có nền kinh tế tương tự để tính toán.

Quyết định này có nghĩa là các nhà nhập khẩu được lựa chọn phải chịu mức thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu cao hơn trong khoảng thời gian 12 tháng bắt đầu từ tháng 2 năm 2013 (đợt rà soát hành chính lần thứ 9). Mức thuế đã tăng từ 1,16% lên 1,42% do Tòa yêu cầu xác định lại mức thuế.

Do vậy, những áp lực từ bên ngoài buộc ngành công nghiệp nuôi tôm phải thay đổi.

Cục Thú y đã phát động chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc đáp ứng các yêu cầu về nhập khẩu. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá thờ ơ và chỉ có một số nhỏ các doanh nghiệp tham gia chương trình này.

Với quy mô sản xuất vừa và nhỏ, nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước nhìn chung vẫn chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc đầu tư cơ sở vật chất để bảo vệ tôm khỏi các dịch bệnh.

Cộng đồng doanh nghiệp chế biến tỏ ra hết sức lo lắng trước những quy định về kiểm dịch vì các chỉ tiêu về dịch bệnh thuộc khâu nuôi. Các chỉ tiêu này rất khó kiểm soát vì nếu khâu nuôi không dùng kháng sinh sẽ không loại bỏ được mầm bệnh có ở khắp nơi.

Một số chuyên gia ngành nhận định nếu Việt Nam không nhanh chóng thay đổi và áp dụng các biện pháp phòng chóng dịch bệnh cho tôm thì các nhà xuất khẩu chắc chắn sẽ phải đối mặt với khó khăn vô cùng lớn, thậm chí lâm vào tình cảnh giải cứu.(NDH)
----------------------------

Tiếp tục công cuộc tái cấu trúc, Eximbank giảm hơn phân nửa Phó Tổng giám đốc

Eximbank chấp thuận cho 4 Phó Tổng giám đốc nghỉ việc, thôi chức danh Phó tổng giám đốc và bổ nhiệm chức danh Giám đốc cấp cao đối với 5 người.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB) cho biết liên quan đến dự án tái cấu trúc, ngày 04/8/2017 HĐQT đã thông qua việc thay đổi nhân sự Ban điều hành cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của dự án tái cấu trúc Eximbank.

Cụ thể, HĐQT chấp thuận cho 4 Phó Tổng giám đốc được nghỉ việc theo nguyện vọng gồm ông Lê Hải Lâm, ông Nguyễn Quốc Hương, ông Nguyễn Quang Triết và bà Bùi Đỗ Bích Vân.

Đồng thời, thôi chức danh Phó Tổng giám đốc và bổ nhiệm chức danh Giám đốc cấp cao đối với 5 nhân sự. Ông Nguyễn Văn Hào làm Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Trung Tây Nguyên, ông Lê Anh Tú làm Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực miền Bắc, ông Bùi Văn Đạo làm Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực miền Tây Nam Bộ, ông Yutaka Moriwaki làm Giám đốc cấp cao kiêm Trưởng Ban dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank, ông Masashi Mochizuki làm Giám đốc cấp cao phụ trách khách hàng Nhật Bản và phòng Định chế tài chính.

Ngoài ra, HĐQT còn quyết định thay đổi chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của ông Trần Tấn Lộc thành Phó Tổng giám đốc và bổ nhiệm ông Võ Quang Hiền – Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp lớn làm Phó Tổng giám đốc.

Theo báo cáo thường niên 2016 công bố ngày 18/4/2017 thì Ban Tổng giám đốc của Eximbank gồm có Tổng giám đốc ông Lê Văn Quyết và 15 Phó Tổng giám đốc.

Sau khi 9 Phó Tổng hoặc nghỉ việc hoặc đổi chức danh thành Giám đốc cao cấp và bổ nhiệm thêm 1 Phó Tổng mới thì Ngân hàng đang có 7 Phó Tổng giám đốc gồm ông Trần Tấn Lộc, ông Đào Hồng Châu, bà Đinh Thị Thu Thảo, bà Văn Thái Bảo Nhi, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, ông Cao Xuân Lãnh và người mới là ông Võ Quang Hiền.(NDH)
------------------------

Toyota có thể sắp mở nhà máy 1,6 tỷ USD ở Mỹ

Hãng sản xuất ôtô Nhật Bản Toyota và đối thủ đồng hương Mazda dự định ngày 4/8 sẽ công bố kế hoạch mở một nhà máy liên doanh lắp ráp xe trị giá 1,6 tỷ USD tại Mỹ - nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters.

Nhà máy trên sẽ có công suất 300.000 xe mỗi năm, trong đó mỗi hãng chiếm một nửa sản lượng. Khi đi vào hoạt động vào năm 20121, nhà máy sẽ sử dụng khoảng 4.000 lao động - nguồn tin cho biết.

Nếu được xây dựng, nhà máy này sẽ là một thắng lợi lớn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vận động tranh cử với lời hứa sẽ hồi sinh ngành sản xuất và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho công nhân ô tô Mỹ.

Nguồn tin đề nghị giấu tên nói địa điểm mà Toyota và Mazda dự định mở nhà máy tại Mỹ vẫn chưa được quyết định. Tuy nhiên, theo nguồn tin, nhà máy này sẽ lắp ráp xe Toyota Corolla và một mẫu xe đa dụng của Mazda.

Hôm thứ Năm, tờ báo Nhật Bản Nikkei nói Toyota sẽ thâu tóm cổ phần khoảng 5% trong Mazda để phát triển công nghệ xe điện và hai hãng sẽ cùng mở một nhà máy ở Mỹ. Nguồn tin của Reuters xác nhận hai hãng dự định hợp tác về xe điện trong tương lai.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 4/8, cả Toyota và Mazda đều từ chối bình luận về những thông tin trên.

Toyota là hãng xe lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ nhì thế giới về doanh số trong năm 2016. Trong những năm gần đây, hãng này đã đẩy mạnh việc lập liên minh với các đối thủ đồng hương nhỏ con hơn, tạo ra một xu hướng hợp nhất trong ngành công nghiệp ô tô Nhật.

Một nhà máy mới của Toyota và Mazda ở Mỹ có thể sẽ trở thành phần thưởng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các bang vùng Midwest và phía Nam của nước này vốn đang muốn tăng số lượng việc làm trong ngành sản xuất.

Kế hoạch về nhà máy này được hé lộ trong bối cảnh nhu cầu ô tô ở Mỹ suy giảm. Năm nay, doanh số dòng xe Corolla của Toyota tại Mỹ đã giảm gần 9%.

Tại khu vực Bắc Mỹ, Toyota lắp ráp xe Corolla tại Canada và bang Missisissppi. Vào năm 2015, hãng cũng đã công bố kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất xe Corolla ở Canada sang một nhà máy mới trị giá 1 tỷ USD ở Mexico.

Hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Trump chỉ trích việc Toyota nhập khẩu xe hơi từ Mexico vào Mỹ. Ông cảnh báo sẽ đánh thuế mạnh đối với Toyota nếu hãng này lắp ráp xe Corolla cho thị trường Mỹ tại nhà máy ở Mexico.

“Toyota nói sẽ mở nhà máy mới ở Baja, Mexico để sản xuất xe Corolla bán sang Mỹ. Không đời nào! Hãy mở nhà máy ở Mỹ hoặc là phải đóng thuế cao”, ông Trump nói trên Twitter.

Tuy nhiên, kể từ sau đó, vị Tổng thống Cộng hòa đã chuyển sang khen ngợi các kế hoạch đầu tư vào Mỹ của Toyota. Cuối tháng 1, Toyota tuyên bố có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tháng trước, ông Trump đánh giá cao việc Toyota hoàn tất việc mở trụ sở mới cho thị trường Bắc Mỹ tại Texas. “Chúng ta muốn trở thành thủ phủ ngành xe hơi của thế giới một lần nữa, và chúng ta đang có những bước tiến để đạt được mục tiêu đó”, ông nói.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục