Những tài nguyên thiên nhiên vô cùng cần thiết cho con người như đất, rừng, nước, dầu mỏ, than đá,... sẽ sớm cạn kiệt trong tương lai, theo Exploredia.
Tham vọng 4.0 của Trung Quốc có thể đảo lộn trật tự thương mại toàn cầu
- Cập nhật : 09/09/2018
Khi Tổng thống Trump đến Bắc Kinh ngày 7/11/2017, ông nói rất nhiều về thép và xe hơi. Tuy nhiên, điều mà quan chức Washington cũng như các công ty lớn trên thế giới lo lắng là kỷ nguyên 4.0 có thể giúp Trung Quốc thâu tóm công nghệ tương lai.
Cách đây 3 năm, Trung Quốc công bố một kế hoạch đầy tham vọng: Made in China 2025. Trong một thập kỷ, Bắc Kinh sẽ xây dựng một đế chế để thống trị các công nghệ tiên tiến như vi mạch tiên tiến, trí tuệ nhân tạo và ô tô điện. Trung Quốc đang tận dụng lợi thế về thị trường người dùng công nghệ lớn nhất thế giới trên chính đất nước họ.
Cái giá cho việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – sẽ là mối quan hệ đối tác hoặc quyền sở hữu trí tuệ. Điều thu hút những nhà đầu tư lớn trên thị trường quốc tế chính là lợi nhuận cùng với cơ hội gia nhập thị trường lách được những luật lệ thương mại của Hoa Kỳ.
Năm 2016, các quan chức ở Washington bắt đầu gây cản trở việc Trung Quốc mua công nghệ cao cấp. Một doanh nghiệp Mỹ đã tìm cách giúp đỡ một đối tác Trung Quốc bất chấp những trở ngại đó. Công ty, Advanced Micro Devices, lách luật bằng cách không bán các vi mạch mà lại bán bản thiết kế vi mạch độc quyền của họ. Đối tác Trung Quốc có quyền ứng dụng công nghệ đó để tạo ra các vi mạch của riêng mình. Thiết bị vi mạch tiên tiến đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Advanced Micro Devices.
Các quy tắc thương toàn cầu đang thay đổi - và Trung Quốc và Hoa Kỳ đang chạy đua để tạo ra một tương lai với tầm nhìn của riêng họ. Điều này có thể gây ra những thay đổi lớn trong luật lệ thương mại của nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21. Tiền tệ, các phát minh, và ảnh hưởng của chúng đến kinh tế sẽ bị giám sát gắt gao hơn rất nhiều.
Ngay cả trước đây, Trung Quốc cũng đã bị ám ảnh với việc tiếp thu công nghệ nước ngoài. Đó được hiểu như cách để kết thúc một thời kỳ đen tối và khôi phục sức mạnh của Trung Quốc. Nhưng Made in China 2025 tham vọng hơn tất cả những mục tiêu của họ trong quá khứ. Một chính sách công nghiệp quốc dân nhằm giành lấy quyền lực và mở rộng tầm ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc ra toàn cầu.
Trung Quốc đang dốc hàng tỷ đô la vào đầu tư vào nghiên cứu trong nước, cũng như mua công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Bắc Kinh đã đầu tư hơn 100 tỷ đô la cho một công ty nghiên cứu các chất bán dẫn. Và một kế hoạch khác dự kiến thực hiện vào năm 2030, nhằm mục đích phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, trị giá 150 tỷ đô la.
Những nỗ lực của Trung Quốc khiến một số quan chức chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu phải đánh giá lại cách Hoa Kỳ tiếp cận thương mại. Các nhà lập pháp đang tạo ra hệ thống luật lệ khắt khe hơn về mua hàng công nghệ - điều mà Trung Quốc tỏ ra rất tích cực. Họ cũng đang điều tra liệu Trung Quốc có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không.
Wilbur L. Ross Jr., Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cho biết: "Một vài công ty Mỹ đang có xu hướng chia sẻ công nghệ với các nước có tiềm năng là đối thủ cạnh tranh của chúng ta". Có vẻ như "đối thủ" mà ông đề cập đến ở đây chính là Trung Quốc. "Tôi không nghĩ đó là một ý kiến hay. Tôi nghĩ đó là tư duy thiển cận, họ từ bỏ công nghệ chỉ để tăng thêm 20-25% doanh thu".
Trung Quốc đang phụ thuộc phần lớn công nghệ của họ vào các quốc gia phương Tây. Thậm chí là cả những hệ thống cấp cao như máy tính của chính phủ, ngân hàng và phòng thí nghiệm cũng đều sử dụng chip từ Intel và Qualcomm, phần mềm từ Microsoft hoặc Oracle, một sự phụ thuộc mà họ coi đó là lỗ hổng rất lớn.
Chính phủ Trung Quốc đang hi vọng sẽ thay đổi điều đó. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một think tank của Đức: "Trung Quốc đang nỗ lực để khuyến khích các doanh nghiệp: họ chi 45 tỷ đô la cho các công ty nội địa vay với lãi suất ưu đãi, 3 tỷ đô la đầu tư cho công nghệ và hàng tỷ đô la đã được chi trong các hỗ trợ tài chính khác."
"Made in China 2025 sẽ được chú trọng và đầu tư đáng kể, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương", Kai-Fu Lee, một nhà đầu tư nổi tiếng ở Bắc Kinh cho biết.
Mục tiêu không đơn giản là chiến thắng Hoa Kỳ. Họ đang chuẩn bị cho một tương lai khi các ngành sản xuất giá rẻ không còn đủ sức duy trì sự năng động của nền kinh tế Trung Quốc. Họ muốn nắm bắt các ngành công nghiệp đòi hỏi chuyên môn cao mà không làm ô nhiễm môi trường.
Trung Quốc đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đáp ứng gần 75% nhu cầu nội địa đối với robot công nghiệp và hơn 30% nhu cầu về chip điện thoại thông minh. Các mục tiêu khác bao gồm những chiếc xe ô tô sử dụng năng lượng điện và các thiết bị y tế cao cấp.
Mục tiêu cho Made in China 2025 đã được tham khảo từ một kế hoạch của chính phủ Đức gọi là Industrie 4.0, đòi hỏi phát triển công nghệ tự động hóa và sự phát triển của các nhà máy tự động sử dụng rất ít nhân công. Và tham vọng thống lĩnh nền kinh tế thế giới của Trung Quốc ngày nay cũng được truyền cảm hứng từ nước Đức.
Năm ngoái, một nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc có tên Midea đã bất ngờ đạt được thỏa thuận mua lại Kuka - một công ty robot tiên tiến tại Đức với giá 3,9 tỷ USD. Thỏa thuận này khiến Midea trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực tự động hóa - nổi tiếng với tủ lạnh và nồi cơm điện.
"Quan hệ đối tác của chúng tôi với Kuka thực ra là về việc cải tiến toàn bộ nhà máy", Irene Chen, phát ngôn viên của Midea cho biết.
Trường hợp không thể mua được công nghệ, chính phủ Trung Quốc vẫn muốn các doanh nghiệp tiếp thu nó từ các công ty nước ngoài thông qua giao dịch hoặc thậm chí là chấp nhận những luật lệ khắt khe hơn.
Họ sẽ sớm yêu cầu các công ty ô tô nước ngoài sản xuất xe điện ngay ở tại Trung Quốc, nếu họ muốn tiếp tục bán các loại xe chạy bằng xăng trong thị trường Trung Quốc – thị trường xe hơi lớn nhất thế giới hiện nay. General Motors, Volkswagen và các doanh nghiệp khác đã cạnh tranh gay gắt để thành lập liên doanh với các đối tác Trung Quốc.
"Luật bảo vệ an ninh mạng được ban hành vào năm 2017 cho phép Bộ An ninh Quốc gia nắm quyền đánh giá an ninh công nghệ được bán hoặc sử dụng ở Trung Quốc", theo lời James A. Lewis, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Luật này có thể khiến các công ty bị lộ một số thông tin tuyệt mật nhất của họ.
"Tại một số công ty, các quan chức an ninh Trung Quốc đi thị thực kinh doanh tiến hành kiểm tra các "clean room" của công ty đó tại Hoa Kỳ", ông Lewis nói. Các công ty cho rằng, việc kiểm tra đó cần được giám sát để hạn chế việc các quan chức này có thể "ăn cắp công nghệ".
Tuy nhiên nếu các công ty đó có thị phần lớn ở Trung Quốc, họ vẫn sẽ phải chấp nhận sự kiểm tra đó, ông Lewis nói. "Mọi người đều sợ bị trả đũa. Không ai muốn mất thị trường khổng lồ Trung Quốc."
Cleanroom – "phòng sạch" là một phòng mà nồng độ của hạt lơ lửng trong không khí bị khống chế. Nó được xây dựng và sử dụng trong một kết cấu sao cho sự có mặt, sự sản sinh và duy trì các hạt trong phòng được giảm đến tối thiểu và các yếu tố khác trong phòng như nhiệt độ, độ ẩm, áp suất đều có thể khống chế và điều khiển. Cleanroom thường được sử dụng trong quá trình sản xuất công nghiệp chuyên ngành hoặc nghiên cứu khoa học, bao gồm cả sản xuất dược phẩm và bộ vi xử lý.
Rất thận trọng, Hoa Kỳ đã sử dụng các quy tắc hiện hành để ngăn chặn việc Trung Quốc thâu doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia. Nhưng nhiều quy tắc tóm các trong số đó không ngăn chặn được triệt để các giao dịch, như trường hợp của Advanced Micro Devices.
Liên doanh A.M.D với đối tác Trung Quốc là một tòa nhà kính đặt tại thành phố Thành Đô - được gọi là Công viên phần mềm Tianfu. Công viên đại diện cho tầm nhìn của Bắc Kinh về tương lai. Dưới một dãy những tòa tháp văn phòng, khách sạn và khu chung cư, cây cối và vỉa hè chất cứng với những chiếc xe đạp. Văn phòng của các công ty sáng tạo nhất của Trung Quốc, như Huawei và Tencent, đặt ở ngay bên cạnh các đối thủ cạnh tranh nước ngoài của họ, như SAP và Accenture.
Bên trong một trong những tòa tháp kính, A.M.D. hợp tác với đối tác Trung Quốc của họ, một công ty có tên là Sugon, để sản xuất những con chip mới. Với thỏa thuận gần 300 triệu đô la, A.M.D. đã đồng ý cấp phép công nghệ sản xuấy chip cho Sugon để sản xuất chip cho các máy chủ. Bởi vì A.M.D. kiểm soát sự liên doanh này, công nghệ được coi là vẫn thuộc về Hoa Kỳ.
Tuy nhiên A.M.D. đánh dấu mối quan hệ đối tác thứ hai cho phép công ty Trung Quốc kiểm soát liên doanh. Liên doanh đó hoạt động trên các ứng dụng như tích hợp chip với máy chủ. Hai liên doanh này nằm trên tầng 11 và 12 của tòa nhà.
Các chuyên gia cho rằng quan hệ đối tác kép có thể giúp Trung Quốc phát triển một thế hệ siêu máy tính mới. Trung Quốc đã chế tạo những chiếc máy tính tốc độ nhanh nhất thế giới, nhưng họ chạy trên những con chip cây nhà lá vườn - không thể đọc được những phần mềm phổ biến cho các siêu máy tính.
Với sự giúp đỡ của A.M.D., các chuyên gia cho rằng, Sugon có thể phát triển những con chip giúp các siêu máy tính của Trung Quốc linh hoạt hơn, thay vì phải mua chúng từ các công ty nước ngoài. "Chúng tôi đã làm việc rất rõ ràng với các quan chức chính phủ Hoa Kỳ về chiến lược và chi tiết cụ thể của hàng hóa công nghệ, đó được phân loại là hàng hóa được phép xuất khẩu", một phát ngôn viên của A.M.D. cho biết trong một tuyên bố gửi qua email.
Ông nói thêm rằng các bộ xử lý cũng có hiệu suất thấp hơn mẫu mà A.M.D. bán ở Mỹ. Các giám đốc điều hành tại Thành Đô cho biết có sự tách biệt rõ ràng giữa hai liên doanh, và liên doanh kiểm soát bở Trung Quốc thì không liên quan đến phát triển chip.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, Zhang Yunquan - một nhà nghiên cứu chính phủ hàng đầu và là người đứng đầu Trung tâm Supercomputing Quốc gia ở Tế Nam, Trung Quốc, cho biết Sugon có thể sử dụng liên doanh để chế tạo vi mạch siêu máy tính. Theo các chuyên gia, siêu máy tính như vậy sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết kế hệ thống vũ khí thế hệ mới.
"Khi họ lần đầu tiên công khai quan hệ đối tác, tôi đã bị sốc", Stacy Rasgon - một nhà phân tích bán dẫn trả lời Sanford Bernstein. "Bạn cho rằng sở hữu trí tuệ và liên doanh sẽ thuộc quyền kiểm soát của CFIUS (Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ)?" ông Rasgon nói "Nên là như vậy chứ, nhưng đáng ngạc nhiên là không".
Có lẽ một số thành viên của chính quyền Trump cần phải đọc một cuốn sách của hai đại tá Không quân Trung Quốc được gọi là: "Chiến tranh không hạn chế" (Unrestricted Warfare). Cuốn sách cho rằng Trung Quốc không cần phải tuân theo quân đội Hoa Kỳ. Thay vào đó, Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế của nền kinh tế toàn cầu và Internet để hạ gục Hoa Kỳ - đối thủ chính của họ.
Một số quan chức Mỹ tìm thấy trong đó định hướng cho các kế hoạch của Trung Quốc. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đang đề xuất để củng cố luật tiếp quản của Mỹ để đánh giá lại các thỏa thuận về kinh tế cũng như cơ sở an ninh quốc gia.
Họ cũng xem xét lại các điều luật về cấp phép và liên doanh. Đại diện thương mại Hoa Kỳ cũng đã đưa ra một cuộc điều tra về việc liệu các công ty Trung Quốc có ăn cắp tài sản trí tuệ hay không.
Greg Levesque - giám đốc điều hành của Pointe Bello - một công ty nghiên cứu ở Washington, và là cựu giám đốc điều hành của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung, nói: " Các công ty Mỹ đang bán đi chính lợi thế cạnh tranh của họ".
Những thay đổi như vậy có thể tác động thông qua thế giới công nghệ. Các khoản đầu tư từ Trung Quốc thường là lớn hơn và lại ít ràng buộc hơn. Một số công ty công nghệ cho rằng điều đó sẽ thúc đẩy cho sự đổi mới. Đầu tư của Trung Quốc cho khoa học và nghiên cứu cũng đang tăng lên giữa thời điểm mà chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia khác thì lại cắt giảm.
Tuy nhiên, nhiều công ty Mỹ lo sợ việc lách luật cuối cùng sẽ để lại hậu quả khôn lương. Hoa Kỳ từng tin rằng đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới, nơi giám sát các tranh chấp thương mại toàn cầu, sẽ khiến Trung Quốc tuân theo các quy tắc. Nhưng W.T.O. đã tỏ ra bất lực với các vấn đề liên quan đến công nghệ.
Thông điệp đã rõ ràng: các công ty Mỹ có nguy cơ bị đánh bật ra khỏi thị trường.
Ông Jeremie Waterman, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết: "Made in China 2025 dường như đánh bật tất cả các khái niệm về lợi thế so sánh và thâu tóm các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao về Trung Quốc.
"Nếu Made in China 2025 đạt được mục tiêu của mình," ông nói, "trong tương lai, Hoa Kỳ và các nước khác có thể sẽ phải xuất khẩu những thứ như dầu, gas, thịt bò và đậu tương sang Trung Quốc".
Theo Nguyễn Thái Quỳnh Trang/Trí thức trẻ/NDH