Thu giữ hơn chục ngàn đôi giày Trung Quốc nhái hàng Mỹ; Người Trung Quốc 'trục lợi' giá hồ tiêu; Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu; Dừng mỏ sắt Thạch Khê nguy cơ “mất trắng” 2.000 tỷ đồng vốn nhà nước
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-07-2017
- Cập nhật : 30/07/2017
Nhiều nơi vẫn làm thủy điện nhỏ
Trong khi nhiều dự án điện gió, mặt trời và sinh khối vẫn đang xếp hàng chờ đợi phê duyệt, không ít địa phương lại liên tục gửi kiến nghị xin làm hàng loạt dự án thủy điện nhỏ.
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo do Hiệp hội Năng lượng VN tổ chức ngày 28-7, nhiều địa phương và các chuyên gia cho rằng thủy điện nhỏ và vừa là một nguồn năng lượng tái tạo vẫn cần được tiếp tục khai thác trong thời gian tới.
Xin bổ sung các dự án bị loại!
Theo quy hoạch phát triển thủy điện, tỉnh Lào Cai được phê duyệt 123 công trình với tổng cộng trên 1.000 MW.
Sau khi Bộ Công thương chỉ đạo rà soát quy hoạch thủy điện, địa phương này đã đưa ra ngoài quy hoạch 54 công trình do có công suất nhỏ, vị trí nằm ở vùng núi cao, trong vùng lõi vườn quốc gia...
Tuy nhiên tại hội nghị, đại diện của Sở Công thương Lào Cai cho biết một số dự án thủy điện đã được đưa ra khỏi quy hoạch lại tiếp tục được nghiên cứu khảo sát, đánh giá để bổ sung quy hoạch.
Do đó, đến nay đã có 10 điểm thủy điện được UBND tỉnh cho phép các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu và bổ sung quy hoạch, với tổng công suất là 128 MW.
Tương tự, trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam có 32 dự án thủy điện nhỏ và vừa với tổng công suất 459,76 MW.
Địa phương này cho biết sẽ loại khỏi quy hoạch 2 dự án và dừng 1 dự án, hiện có 4 dự án đang được đầu tư và trong năm 2017 sẽ triển khai 14 dự án.
Sau khi loại 10 dự án ra khỏi quy hoạch, tỉnh Quảng Trị lại xin bổ sung 4 dự án. Riêng Đắk Lắk đã loại khỏi quy hoạch 13/22 công trình và 71/79 điểm có tiềm năng thủy điện, nhưng sau đó Bộ Công thương và UBND tỉnh Đắk Lắk bổ sung phê duyệt 6 dự án vào quy hoạch.
Dù bổ sung dự án vào quy hoạch, nhưng nhiều địa phương thừa nhận việc xây dựng các nhà máy thủy điện có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh, nếu không giải quyết thấu đáo sẽ để lại hậu quả.
Đó là những vấn đề như chiếm đất rừng, đền bù tái định cư, vận hành thủy điện làm ảnh hưởng đến hạ du trong mùa lũ, dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tính bền vững của cộng đồng, đời sống người dân...
Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cho biết sau nhiều bất cập như làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, xả lũ không đúng quy định..., hệ lụy của phong trào xây dựng thủy điện ồ ạt những năm 2011 - 2014, thời gian qua đã có hơn 400 dự án ra khỏi quy hoạch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh VN có nguy cơ thiếu điện năng, thủy điện là năng lượng sạch, tái tạo nên cần phải xem xét lại.
Theo ông Ngãi, các dự án còn có khả năng đầu tư tiếp, có công suất trên 30 MW trở lên, nên cho tiếp tục đầu tư với điều kiện đảm bảo quy trình, hạn chế tối đa phá rừng.
Ông Ngãi tính toán có thể khai thác thêm 300 - 400 dự án thủy điện nhỏ và vừa nữa với tổng công suất 3.000 - 4.000 MW, cung cấp khoảng 20 tỉ kWh.
Điện sạch gặp khó
Trong khi nhiều địa phương vẫn muốn làm thủy điện, các dự án điện tái tạo vẫn đang gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân. Đơn cử như tại Bình Thuận hiện có 19 dự án, nhưng đều chậm tiến độ khi triển khai.
Nguyên nhân là do giá mua điện hiện chỉ 7,8 cent/kWh, thấp hơn giá thành đầu tư, chưa đủ sức hấp dẫn để các tổ chức tín dụng cho vay vốn, nên các dự án thực hiện cầm chừng, kéo dài tiến độ.
Tương tự, một số dự án điện gió tại Bình Định đã có giấy chứng nhận đầu tư hàng chục năm nay và nhiều lần được gia hạn nhưng việc triển khai vẫn đang gặp khó khăn do cơ chế hỗ trợ giá điện gió còn thấp, không đảm bảo chỉ tiêu tài chính cho nhà đầu tư. Đối với lĩnh vực điện mặt trời, hiện đã có 20 nhà đầu tư đăng ký, nhưng địa phương này mới chỉ cấp phép cho một dự án.
Bạc Liêu cũng kêu gọi đầu tư vào điện gió và điện mặt trời, song mới chỉ có một dự án đi vào vận hành, còn lại chỉ có sáu nhà đầu tư đến xin nghiên cứu, tiếp cận, khảo sát đầu tư.
Theo lãnh đạo địa phương này, do chưa có quy hoạch quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo, suất đầu tư lại cao, giá bán thấp nên chưa thực sự hấp dẫn đầu tư...
Ngoài ra, theo ông Huỳnh Kim Lập - chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư xây dựng Thiên Tân, việc triển khai dự án còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục rườm rà, chưa được cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ.
Hơn nữa, suất đầu tư của năng lượng sạch khá cao nhưng giá bán điện lại thấp. Chẳng hạn, giá điện mặt trời chỉ có 9,35 cent/kWh, thấp hơn so với Thái Lan là 16 cent/kWh.
“Chưa kể những khó khăn trong đấu nối với đơn vị mua bán điện, nhà đầu tư không biết mua bán điện ở đâu, với cơ quan nào...” - ông Lập nói.
Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Ngãi, mức giá điện mặt trời 9,35 cent/kWh là mức giá tốt, đã hấp dẫn các nhà đầu tư.
Bởi chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đã giảm nhiều so với trước đây, chẳng hạn giá pin năng lượng đã giảm khoảng 14%/năm, giúp cho điện sản xuất từ năng lượng mặt trời đã có chi phí cạnh tranh với điện sản xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà không cần trợ cấp.
Tương tự nguồn điện gió cũng có rất nhiều tiềm năng để phát triển, quan trọng là cần có công nghệ hệ thống thiết bị để kết nối điện tái tạo với lưới điện...
Vấn đề quan trọng, theo ông Ngãi, Chính phủ cần sớm lập quy hoạch về phát triển năng lượng tái tạo, đo tốc độ gió, cường độ bức xạ mặt trời, tính toán khối lượng sinh khối để xác định đầu tư cho phù hợp.
“Ngoài ra, cần có chủ trương xây dựng khu công nghệ cao với sản xuất chế tạo thiết bị công nghiệp, năng lượng tái tạo; có hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư...” - ông Ngãi đề xuất.(Tuoitre)
---------------------------------
Hạ tầng có phát triển kịp khi Hà Nội dừng xe máy?
Các chuyên gia giao thông đô thị khẳng định hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng tốt chính là 2 yếu tố sẽ quyết định sự thành bại của việc hạn chế được phương tiện cá nhân . Khi phương tiện công cộng phủ rộng, kết nối thuận tiện cho việc đi lại, có lẽ người dân không khó khăn gì để từ bỏ phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, các dự án hạ tầng giao thông công cộng đều đang chậm tiến độ, đội vốn.
Khởi động từ năm 2004, đến nay sau 13 năm theo báo cáo mới nhất, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài hơn 13km đã hoàn thành được 94% khối lượng công việc. Trải qua nhiều lần chậm tiến độ, đội vốn và từng xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, dự án cũng đang gần về tới đích. Dự kiến đến tháng 11/2017, tuyến đường sắt này sẽ được vận hành thử và khai thác thương mại vào tháng 2/2018.
Tương tự, được khởi công lần đầu năm 2006, năm 2010 khởi công lần 2, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sau nhiều năm trì hoãn tiến độ hoàn thành đến 2016, 2017, 2018 rồi 2021. Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay, nhiều người lo ngại đến năm 2021 chưa chắc dự án này đã về đích đúng dự kiến. Ngoài chậm tiến độ, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km hiện cũng đã đội vốn lên gấp 1,5 lần.
Báo cáo tháng 6/2017 cho biết dự án đã hoàn thành được khoảng trên 30% khối lượng công việc, 85% các gói thầu đã xác định được nhà thầu. Tuy nhiên, nhiều gói thầu thực hiện được không quá 10% khối lượng, thậm chí, có gói chưa hoàn thành thiết kế kỹ thuật và chưa xong công tác đấu thầu.
Tại cả 2 dự án đường sắt đô thị hiện nay ở Hà Nội, nếu tính từ khi khởi động đến dự kiến hoàn thành đều mất hơn 10 năm, trung bình mỗi năm 1 dự án thi công được khoảng hơn 1km đường. Nếu cứ như vậy không biết mục tiêu xây dựng hàng trăm km đường sắt đô thị ở Thủ đô đến khi nào mới trở thành hiện thực?
Vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô hiện mới duy nhất có xe bus, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại. Để đưa vận tải hành khách công cộng đáp ứng từ 50 - 55% nhu cầu đi lại trong nội đô vào năm 2030 chắc chắn không phải là nhiệm vụ dễ dàng nếu Hà Nội không quyết liệt với các quyết sách để thực hiện và nếu như mỗi công trình giao thông sau khi được khởi công lại ì ạch với tiến độ như 2 dự án đường sắt đô thị hiện có ở Thủ đô hiện nay.(VTV)
--------------------
Bội chi ngân sách 61,8 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 584,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2% dự toán năm.
Trong đó thu nội địa 462,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,7%; thu từ dầu thô 24,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 96,1 nghìn tỷ đồng, bằng 53,4%.
Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 56 nghìn tỷ đồng, bằng 87,9% dự toán năm; thu thuế thu nhập cá nhân 43,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54,1%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 90,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6%; thu thuế bảo vệ môi trường 20,4 nghìn tỷ đồng, bằng 45,1%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 84,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 95 nghìn tỷ đồng, bằng 33,2%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 646,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 474 nghìn tỷ đồng, bằng 52,9%; chi trả nợ lãi 60,1 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8%; riêng chi đầu tư phát triển mới đạt 110,4 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán năm. Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 110 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% dự toán năm.
Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/7/2017, ngân sách nhà nước bội chi 61,8 nghìn tỷ đồng.(NDH)
-----------------------
Phát hiện đường dây làm giả sữa công thức Abbott tại Trung Quốc
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 3 thành phố Thượng Hải ngày 28/7 đã tuyên phạt 11 kẻ tham gia đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa công thức trẻ em giả mạo với mức án từ 3 đến 15 năm tù giam.
Theo cáo trạng, 5 bị cáo, gồm có Trần Minh Giang và Cốc Truyền Sinh, Phan Hưng Binh, Ngô Linh Kiệt và Đường Cảnh Hồng, đã sản xuất hàng chục nghìn hộp sữa bột giả mạo thiết kế và logo của hai thương hiệu Beingmate (Trung Quốc) và Abbott (Mỹ), sau đó đóng các loại sữa công thức giá rẻ và chất lượng thấp.
Số liệu của tòa án khẳng định hơn 15.000 hộp sữa công thức trẻ em giả mạo thương hiệu Abbott và 9.000 hộp sữa công thức trẻ em giả mạo thương hiệu Beingmate đã được đưa ra tiêu thụ tại nhiều thành phố thuộc khu vực phía Đông và miền Trung Trung Quốc thông qua các cơ sở kinh doanh trong hai năm 2014 và 2015.
Ngoài ra, 4 tên khác trong đường dây cũng tham gia hỗ trợ hoạt động sản xuất hộp sữa giả mạo và hai tên còn lại phụ trách hoạt động tiêu thụ phi pháp lượng sữa nói trên.
Với thủ đoạn phạm tội này, Trần Minh Giang và đồng bọn đã kiếm lời từ 1,2 triệu nhân dân tệ (khoảng 178.000 USD) đến 3,6 triệu nhân dân tệ (khoảng 534.000 USD).
Ủy ban Giám sát và Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm, cảnh sát và Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Thượng Hải đã được hãng Abbott trình báo về sự việc từ tháng 9/2015.
Các cơ quan chức năng sau đó đã truy tìm và thu hồi tất cả các sản phẩm giả mạo 2 thương hiệu sữa công thức trẻ em Abbott và Beingmate trên thị trường.
Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất bao bì Tế Ninh Kim Cốc có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông cũng đã bị tòa tuyên phạt 4 triệu nhân dân tệ (khoảng 594.000 USD) vì hành vi hỗ trợ Trần Minh Giang và đồng bọn sản xuất và tiêu thụ hàng giả.(Vietnam+)