tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-08-2017

  • Cập nhật : 04/08/2017

Trung Quốc sợ biến thành Nhật Bản

Giới chức Trung Quốc kìm hãm đà mua sắm toàn cầu của các công ty tư nhân lớn do lo ngại rơi vào bi kịch của Nhật thập niên 90.

Đầu năm nay, nhóm cố vấn kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã thực hiện một nghiên cứu để tìm ra cách giúp Trung Quốc tránh lặp lại bi kịch của Nhật Bản từ thập niên 90 đã khiến nước này rơi vào vài thập kỷ giảm phát.

Báo cáo này nghiên cứu mọi vấn đề, từ Thỏa ước Plaza về tiền tệ đến bong bóng bất động sản và tình hình dân số khiến Nhật Bản trở thành quốc gia già nhất châu Á, Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết. Cuối cùng, một trong những đề xuất của báo cáo đã được giới chức thực hiện là kìm hãm đà mua sắm toàn cầu của các công ty tư nhân lớn nhất nước.

Các lãnh đạo Trung Quốc đã thảo luận việc này trong một cuộc họp hồi tháng 4. Sau đó, báo giới nước này đồng loạt truyền đi lời cảnh báo của ông Tập, rằng ổn định tài chính là điều thiết yếu với tăng trưởng kinh tế.

Đến tháng 6, nhiều tin tức bắt đầu xuất hiện, rằng giới chức ngân hàng đề nghị các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về các khoản vay nước ngoài cho Dalian Wanda, Anbang Insurance, HNA, Fosun International và Li Yonghong - ông chủ câu lạc bộ bóng đá AC Milan. Giới chức cũng chỉ đạo hạn chế cho vay tràn lan, giảm đầu cơ chứng khoán và các sản phẩm quản lý tài sản lãi suất cao.

cong ty dalian wanda cua ty phu wang jianlin dang bi han che vay no. anh: reuters

Công ty Dalian Wanda của tỷ phú Wang Jianlin đang bị hạn chế vay nợ. Ảnh: Reuters

Jim O’Neill - cựu kinh tế trưởng tại Goldman Sachs Group đánh giá các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc luôn tìm cách tránh sai lầm của nước khác, đặc biệt là Nhật Bản. “Anh có thể nhìn thấy điều đó qua các nỗ lực liên tiếp nhằm kiềm chế bong bóng bất động sản của Trung Quốc, vì họ không muốn bong bóng vỡ như Nhật Bản”, ông nói.

Đầu tuần này, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc - Qian Keming cũng cho biết trước báo giới rằng các công ty Trung Quốc phải thận trọng khi đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, khách sạn và bất động sản. Động thái trên phản ánh lo ngại của giới chức Trung Quốc, rằng các công ty nước này đã đi vay quá nhiều từ ngân hàng quốc doanh, đe dọa đến hệ thống tài chính và khả năng kiểm soát của giới chức.

Năm ngoái, giá trị các thương vụ M&A quốc tế của Trung Quốc đã lên kỷ lục 246 tỷ USD năm ngoái. Tuy nhiên, chính sách kiềm chế mới nhất đã có tác động rất nhanh chóng. Số thương vụ ở nước ngoài nửa đầu năm nay giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái, Bloomberg cho biết.

Nghiên cứu cảnh báo Trung Quốc đang đi vào vết xe đổ của Nhật Bản hồi thập niên 80. Khi đó, Nhật là cường quốc sản xuất sau nhiều năm tăng trưởng với tốc độ hai chữ số. Việc người Nhật mua mọi thứ, từ sân golf Pebble Beach, Columbia Pictures đến Rockefeller Center ở New York là ví dụ cho thấy hậu quả khi các công ty có tiền tệ mạnh và khả năng đi vay với chi phí rẻ khi giá bất động sản trong nước tăng.

Khi ấy, mối quan hệ về tài chính, công ty và Chính phủ khiến dòng vốn được phân bố không hợp lý, gây lãng phí đầu tư. Tăng trưởng càng được đẩy cao bởi tín dụng rẻ cuối thập niên 80, nhưng cũng đồng thời khiến khối nợ tăng vọt, và đẩy giá chứng khoán, bất động sản lên. Khi "nền kinh tế bong bóng" này vỡ vụn đầu thập niên 90, ngành tài chính đã gần như đi ngang. Nhật Bản từ đó vẫn chưa thể về như cũ.

Trung Quốc giờ đang nỗ lực để các công ty không lặp lại những sai lầm đó. Nhưng họ cũng phải đảm bảo tăng trưởng GDP 6,5% năm nay để đạt mục tiêu xây dựng “xã hội thịnh vượng” năm 2020. Vì thế, khả năng Trung Quốc hoàn thành cả hai việc này vẫn còn là một câu hỏi.

“Họ thực sự muốn giảm đòn bẩy trong nền kinh tế, nhằm hạn chế áp lực tài chính trong ngắn hạn”, Logan Wright - Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Rhodium Group nhận xét, “Nhưng chúng ta vẫn chưa rõ liệu giới chức Trung Quốc có thực sự chuẩn bị cho các hậu quả kinh tế dài hạn khi hệ thống tài chính tăng trưởng chậm hơn sau này”.(Vnexpress)
-----------------------------

Hàng Việt 'mang chuông' đi đánh ở Thái Lan

10 doanh nghiệp Việt Nam thuộc 6 ngành hàng đã 'mang chuông đi đánh xứ người' khi tham gia Hội chợ quốc tế ASEAN - Ấn Độ diễn ra từ ngày 2 đến 5 tháng 8 tại Bangkok, Thái Lan.

doanh nghiep viet nam tham gia hoi cho quoc te asean an do (dien ra tu ngay 2 den ngay 5-8 tai bangkok, thai lan)

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế ASEAN Ấn Độ (diễn ra từ ngày 2 đến ngày 5-8 tại Bangkok, Thái Lan)

Các doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia vào Ngôi Nhà chung quốc gia để quảng bá hình ảnh quốc gia, nét đặc trưng về văn hoá cũng như ẩm thực, du lịch...

Ngôi nhà chung Việt Nam khá nổi bật trong khu vực triển lãm với sự trình bày bắt mắt về Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” từ các doanh nghiệp đã đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế (từ Organic tới Global Gap, HACCP, ISO, VietGap...).

Khu vực sản phẩm hữu cơ sáng rực, trưng bày gạo hữu cơ với gạo của Trung An, Viễn Phú Coop Organic.

Nhãn hiệu Vinamit giới thiệu sản phẩm trái cây hữu cơ sấy lạnh thu hút nhiều quan tâm của khách tham quan khi dùng thử.

Một số gian hàng khác cũng nổi bật với bộ sưu tập gia vị Minh Long 1, dừa Lương Quới, gạo hữu cơ Sài Gòn Coop, Trung An, Viễn Phú 

Có 49 chỉ dẫn địa lý trong đó đặc trưng nhất là nước mắm Phú Quốc có chứng dẫn địa lý đã được EU công nhận cũng được giới thiệu với bạn bè quốc tế. 

Chương trình ẩm thực quốc gia với những gia vị 3 miền từ cuộc thi Chiếc thìa vàng, Bộ sưu tập các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam, Đồ sứ quốc bảo của Việt Nam đã tặng quốc khách (gốm sứ Minh Long).

Khu gian hàng của 10 doanh nghiệp dẫn đầu các ngành thực phẩm giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, đối tác tiềm năng của khu vực.

Có thể thấy các doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm như Vinamilk, Vinamit, Cỏ May, Bích Chi, Ca cao Việt Nam bên cạnh Minh Long, Thiên Long, Điện Quang, Qui Phúc, Biti’s...

Ngòai ra còn có gian hàng của ABCD Mekong (giới thiệu sản phẩm bốn địa phương An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) với một số mặt hàng tiêu biểu mặt nạ dừa, sen sấy khô, khăn choàng, mắm, khổ qua rừng, bưởi da xanh…

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tại Ngôi nhà chung, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, kể rằng Tham tán thương mại Việt Nam Trần Thị Thanh Mỹ tại Thái Lan  tỏ ra tâm đắc nhất là tấm bản đồ chỉ dẫn địa lý của toàn Việt Nam.

Bà Thanh Mỹ cũng cho biết lần đầu tiên thấy bản đồ đầy đủ thế này và nhìn nhiều sản phẩm được sưu tầm ở đây.

Nhiều thương nhân Thái thì săm soi bộ sưu tập gia vị rất mới của sứ Minh Long.

Nhưng giàu cảm xúc nhất trong vị trí người làm xúc tiến, theo bà Hạnh, là việc trưng bày nước mắm Phú Quốc thứ thiệt, sản phẩm thực sự có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và cả EU.     

Mời các bạn theo dõi một số hình ảnh các gian hàng Việt Nam tham dự Hội chợ quốc tế ASEAN - Ấn Độ.(Tuoitre)
--------------------------

Jeep ra mắt chiếc xe đầu tiên sản xuất ở Ấn Độ

Hãng ô tô biểu tượng Mỹ chính thức ra mắt Compass 2017, chiếc xe Jeep đầu tiên được sản xuất tại Ấn Độ.

chiec compass 2017 anh chup man hinh cnn

Chiếc Compass 2017 ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNN

Theo CNN, sự kiện này đánh dấu một bước cam kết mới của Jeep tại Ấn Độ, nơi trước đây Jeep đã bán những dòng xe, bao gồm Wrangler và Cherokee, nhưng tất cả đều được nhập khẩu từ Mỹ.

“Việc mở rộng sản xuất sang một trong những thị trường lớn nhất thế giới như Ấn Độ sẽ thúc đẩy tăng trưởng và sự phát triển của chúng tôi”, Paul Alcala, người đứng đầu các hoạt động của Jeep tại khu vực châu Á, nói.

Fiat Chrysler (FCAU), công ty mẹ của Jeep, cho biết họ đã nhận được 5.000 đơn đặt hàng trước cho mẫu xe mới này chỉ trong hơn một tháng. Dây chuyền sản xuất Compass được “lăn bánh” trong một nhà máy lắp ráp Ranjangaon gần Pune, thành phố nổi tiếng về sản xuất ô tô của Ấn Độ.

Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định sản xuất thế hệ xe Jeep dũng mãnh dòng SUV ở đất nước Nam Á được cho là câu trả lời cho lời kêu gọi “Make in India” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dành cho các doanh nghiệp Mỹ. Điều này cũng làm cho chiến dịch kêu gọi đầu tư do chính phủ các quốc gia tiến hành trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt khi trước đó vài tháng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” nhằm hạn chế việc mua sản phẩm, cũng như thuê nhân lực từ nước ngoài. Tuy nhiên, phía Jeep nói rằng quyết định của họ được đưa ra trước khi Tổng thống Trump nhậm chức.

Ấn Độ đã bán được gần 3 triệu chiếc xe trong năm ngoái và sẵn sàng vượt Nhật Bản để trở thành thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới vào năm 2020. Không chỉ có Jeep mà nhiều thương hiệu ô tô toàn cầu như Volkswagen, Peugeot, Citroen và Kia cũng đã tăng cường sự hiện diện của họ tại quốc gia này trong vài tháng qua.(THanhnien)
-------------------------

Dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 32.000 tỷ đồng

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 3/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các bộ ngành thúc đẩy gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi có Nghị quyết 30 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2017 chỉ đạo các giải pháp trọng tâm thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo yêu cầu của Chính phủ. Tiếp đó, ngày 28/4, Thống đốc NHNN cũng có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành nguồn vốn cho vay chương trình này. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Hiện dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch khoảng 32.000 tỷ đồng. Qua phản ánh của các ngân hàng thương mại, đây là chương trình mới triển khai từ tháng 3/2017, nên hiện các ngân hàng đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn các chi nhánh trong hệ thống triển khai chương trình. 

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, về phía khách hàng hiện đang tìm hiểu về gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao cụ thể còn đối chiếu tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch nên chưa nộp hồ sơ vay vốn. Do đó, đối tượng vay vốn nông nghiệp công nghệ cao chưa phát sinh vay ngân hàng. 

Về khó khăn trong thực hiện chương trình dẫn đến dư nợ cho gói tín dụng này chưa được đẩy nhanh, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đó là do số lượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. 

Bên cạnh đó, do chưa có công cụ phòng ngừa rủi ro, chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi và thị trường chưa ổn định nên người dân doanh nghiệp còn e ngại đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. 

Ngoài ra, do người dân và doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hình thành trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo vốn vay tại ngân hàng. 

Nhìn nhận thêm về gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, khó khăn nhất trong giải ngân gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao là việc doanh nghiệp tiếp cận đất đai. Chính phủ đã nhận được báo cáo đề xuất của Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Nam, UBND tỉnh Thái Bình cho thí điểm các địa phương thực hiện Nhà nước đứng lên thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại. Ban cán sự Đảng Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành báo cáo tập hợp, sau đó báo cáo Bộ Chính trị để tháo gỡ vấn đề này. 

Liên quan đến vấn đề ghi giá tài sản đầu tư trên đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã dự thảo thông tư liên quan đến vấn đề này và đang lấy ý kiến Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan. Trong thời gian sớm nhất sẽ ban hành thông tư này để góp phần thúc đẩy chương trình nông nghiệp công nghệ cao. 

“Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ sửa các thông tư liên quan đến tài sản đầu tư trên đất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp cũng như tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, chúng ta phải có các sản phẩm có quy mô, đặc biệt là sản phẩm chế biến mới giúp tiêu thụ được sản phẩm tốt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định. (TTXVN)
---------------------------------

Tiền vẫn đổ dồn vào các đại gia nhà đất

 Trong quý 2 vừa qua, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 184 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 72.000 căn hộ. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 195 dự án, với quy mô xây dựng 165.000 căn hộ. 

Thông tin trên vừa được Bộ Xây dựng khẳng định trong cuộc họp báo vào chiều qua (2/8). Cũng theo cơ quan này, tính chung 6 tháng qua, cả nước đã xây dựng được 5 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân trong các khu công nghiệp với hơn 1.200 căn. Đến nay, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 23m2 sàn/người, tăng 0,2m2 sàn so với năm 2016.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tình trạng mất cân đối cung cầu bất động sản vẫn diễn ra trong một số phân khúc. Trong đó, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu nhiều so với nhu cầu. Việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội còn chậm so với kế hoạch.

Đối với gói 2.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn, triển khai ngay việc cho vay trong năm nay.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Luật Nhà ở, Nghị định 100 của Chính phủ đã cơ bản hình thành khung chính sách và cơ chế để phát triển NOXH, nhưng vẫn còn tiếp tục phải hoàn thiện để thu hút mọi nguồn lực theo phương thức xã hội hóa.

Dân số TP.HCM lên đến gần 13 triệu người, và có đến 81.000 hộ cần NOXH trong giai đoạn 2016-2020. Do đó, Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp cần tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, chuyển hướng mạnh vào phân khúc vừa túi tiền và cần quan tâm phát triển nhà ở cho thuê giá rẻ để phục vụ nhu cầu người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị và người nhập cư. Việc phát triển mạnh phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ giúp tái cân bằng thị trường và giảm thiểu rủi ro trong thị trường bất động sản hiện nay.

Tuy nhiên, nhìn toàn cục thị trường bất động sản vẫn có tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn và có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.

Đồng thời đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp. Trong lúc phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền có tính thanh khoản cao, thì "cung" không đủ "cầu".(PLO)
------------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục