Người Việt 'rót tiền' mua trái cây ngoại; Doanh nghiệp du lịch: Háo hức chờ đếm... lợi nhuận; Cơ hội lớn của ngành sản xuất bông Việt Nam; Báo cáo việc làm nhấn chìm giá vàng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-08-2017
- Cập nhật : 05/08/2017
Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Mỹ đang cân nhắc khởi động cuộc điều tra có thể dẫn đến một loạt biện pháp trả đũa thương mại đối với Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị có động thái mạnh mẽ về khía cạnh thương mại đối với Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ ngày càng tỏ ra lo ngại trước nỗ lực do chính quyền Bắc Kinh dẫn đầu nhằm biến nước này thành thế lực đi đầu trong lĩnh vực vi mạch, ô tô, điện tử và các công nghệ then chốt khác của tương lai. Cụ thể, trong vòng vài ngày nữa, chủ nhân Nhà Trắng sẽ có quyết định đáp trả những hành vi thương mại bị Mỹ cho là không lành mạnh, vốn được Trung Quốc áp dụng lâu nay để đạt lợi thế kinh doanh trước cường quốc kinh tế số một thế giới, theo Đài CNBC ngày 2.8 dẫn lời một số quan chức giấu tên của Washington.
Trong khi đó, nguồn tin của Reuters cho biết Tổng thống Trump đang cân nhắc khả năng yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khởi động cuộc điều tra liên quan đến các cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Một khi nhận được mệnh lệnh từ tổng thống, văn phòng Đại diện thương mại Mỹ sẽ mất ít nhất khoảng vài tháng để hoàn tất báo cáo. Dựa trên kết quả thu được, tổng thống Mỹ có thể đơn phương áp đặt các mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, hủy bỏ giấy phép hoạt động hoặc thực hiện những biện pháp giới hạn mậu dịch khác để trả đũa thương mại. Quy trình này được tiến hành theo điều 301 của luật Thương mại 1974, với mục tiêu bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ trước “những hành vi thương mại gian lận” của nước ngoài. Vào thập niên 1980, Mỹ đã viện dẫn điều luật này để tăng thuế đối với xe máy, thép và các mặt hàng khác của Nhật Bản.
Trong một động thái hiếm hoi cho thấy sự đồng thuận lưỡng đảng, ba thượng nghị sĩ có thế lực của đảng Dân chủ đã lên tiếng thúc giục Tổng thống Trump nhanh chóng có hành động đối với Trung Quốc. Theo Reuters, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer gây áp lực buộc vị tổng thống đảng Cộng hòa hãy bỏ qua khâu điều tra và chuyển thẳng sang giai đoạn trừng phạt Bắc Kinh. “Chúng ta nên xử lý họ”, ông Schumer tuyên bố. Cùng quan điểm với ông Schumer là các thượng nghị sĩ Ron Wyden, đứng đầu phe Dân chủ tại Ủy ban Tài chính Thượng viện; Sherrod Brown, lãnh đạo Dân chủ tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện.
Reuters hôm qua dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nhấn mạnh Bắc Kinh “phản đối các hành vi đơn phương và bảo hộ mậu dịch dưới bất kỳ hình thức nào”. Về vấn đề này, Tân Hoa xã cũng dẫn thông báo chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này luôn cam kết tuân thủ các quyền về sở hữu trí tuệ.(Thanhnien)
------------------------------------
Không cần Trung Quốc, Ấn Độ tự xây 'Con đường tơ lụa' mới
Ấn Độ mới đây đưa ra ý tưởng về một hành lang vận tải mới nhằm thay thế cho dự án 'Một vành đai - một con đường' của Trung Quốc.
Theo hãng thông tấn Sputnik, hành lang được đề xuất, hay còn được biết đến với tên gọi là "Hành lang bắc - nam", sẽ trải dài từ Ấn Độ đến Nga, thông qua Iran và khu vực Trung Á, nối liền Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương với biển Caspian. Theo đó, Iran sẽ trở thành điểm nối quan trọng và là đối tác chính trong dự án này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, nhà phân tích chính trị Iran Pir Mohammad Mollazehi đã nói về những lợi ích tiềm năng của dự án đầy hứa hẹn giữa Ấn Độ, Iran và Nga này. “Điều làm cho Hành lang bắc - nam trở nên quan trọng như vậy là nó sẽ giảm tới 30% chi phí vận chuyển cũng như thời gian đi lại. Iran, Nga và Ấn Độ đang thảo luận về việc sử dụng cảng Chabahar hoặc cảng Bender Abbar để đưa hàng đến các cảng khác của Iran trên biển Caspian”, ông Pir Mohammad Mollazehi cho biết.
Ông Mollazehi cũng nói thêm rằng Ấn Độ đang tìm kiếm cách để phân phối hàng hóa bằng đường sắt hoặc đường bộ đến Nga và châu Âu. “New Delhi có thể sẽ xây dựng một tuyến đường sắt giữa Chabahar và Bender Abbas nhằm vận chuyển hàng hóa đến Khorasan ở đông bắc Iran, sau đó chuyển tiếp đến Trung Á. Chúng tôi hi vọng Ấn Độ sẽ hành động tích cực hơn trong dự án này, đồng thời đầu tư nhiều hơn cho sự phát triển của cảng Chabahar, một cửa ngõ quan trọng đến Afghanistan và Trung Á. Mặt khác, Ấn Độ đang cần một hành lang vận tải tới Nga, châu Âu và Nga cũng có thể phân phối hàng hóa của mình thông qua Hành lang bắc - nam nhanh hơn và rẻ hơn”, ông Pir Mohammad Mollazehi lưu ý.
Theo các chuyên gia “Con đường tơ lụa" mới của Ấn Độ là lời đáp trả dứt khoát cuối cùng dành cho Bắc Kinh khi họ đã nhiều lần ngỏ ý mời New Delhi tham gia vào dự án “Một vành đai - một con đường”, sáng kiến mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2013 nhằm mục đích phát triển cơ sở hạ tầng cũng như tăng cường quan hệ giữa các quốc gia Á - Âu.(Thanhnien)
-----------------------
Toyota quay lưng với nhân tài từ Thung lũng Silicon
Hãng ô tô Nhật Bản Toyota Motor rất hăng hái trong việc tuyển mộ nhân tài. Công ty này vừa tung ra chiến dịch tiếp thị nhắm đến các chuyên gia công nghệ thông tin và kỹ sư phần mềm.
Theo Bloomberg, Toyota đang hăng hái tìm kiếm chuyên viên và kỹ sư ở khu dọc theo tuyến đường sắt Nambu, nơi tập trung trung tâm nghiên cứu của các hãng công nghệ lớn nhất xứ sở mặt trời mọc. “Chúng tôi muốn kỹ sư từ vùng Nambu Line hơn là kỹ sư đến từ Thung lũng Silicon”, một poster đặt tại nhà ga Mukaigawara viết. Đây là lối ra được dành riêng cho nhân viên của hãng NEC Corp.
Cuộc tìm kiếm tài năng của Toyota là không bình thường ở một quốc gia mà chuyện tuyển dụng suốt đời vẫn là tiêu chuẩn ở nhiều doanh nghiệp lớn. “Việc một công ty Nhật Bản có tiếng như Toyota đặt rõ mục tiêu hướng đến các thị trường nhân tài cụ thể hoặc chạy chiến dịch quảng cáo tại những vùng cụ thể là rất hiếm. Việc một hãng như Toyota tích cực thu hút nhân tài nói lên rất nhiều điều về những gì họ cần trong môi trường thị trường hiện tại”, Casey Abel, Giám đốc điều hành hãng tuyển dụng HCCR K.K. ở Tokyo (Nhật Bản) cho biết.
Toyota đang đối mặt với nhiều áp lực trong bối cảnh hãng phải tìm kiếm tài năng công nghệ thông tin toàn cầu nhằm mở rộng sự phát triển vào mảng công nghệ ô tô tự lái và trí tuệ nhân tạo (AI).
Chuyên gia Zhou Lei, đối tác tại Deloitte Tohmatsu Consulting cho hay: “Khi ô tô trở nên thông minh hơn, các hãng sản xuất ô tô cần kỹ thuật phần mềm mạnh hơn để tung ra sản phẩm. Họ vốn mạnh về kỹ thuật cơ khí song khi nhắc đến sự kết nối và phần mềm, các hãng sản xuất đồ điện tử, truyền thông và di động là những đối tượng thích hợp để chuyển giao khả năng của mình cho các nhà sản xuất ô tô”.
Lương bổng cho các chuyên gia công nghệ ở Thung lũng Silicon tăng lên nhờ sự xuất hiện của Uber Technologies và Tesla. Đây là lý do vì sao Toyota và Honda Motor săn nhân tài trong nước, nơi lương bổng dành cho chuyên viên IT là 6 triệu yen Nhật/năm, tương đương 54.500 USD/năm, chỉ bằng khoảng một nửa so với lương chuyên viên Mỹ, theo nghiên cứu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Khu vực dọc tuyến đường Nambu ở Tokyo vẫn chưa tạo ra start-up nào thuộc tầm cỡ thế giới và trái lại, một vài hãng còn đang lao dốc. Tập đoàn Toshiba, công ty có trung tâm nghiên cứu trong khu vực, dự báo lỗ 995,2 tỉ yen trong năm tài khóa vừa qua và đang bán mảng doanh nghiệp bán dẫn để bù hàng tỉ USD lỗ trong mảng kinh doanh điện hạt nhân. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông và điện tử NEC thì báo lợi nhuận hoạt động thấp nhất trong tám năm.
Toyota dù doanh thu không xuất sắc trong năm nay vẫn là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất khi xét về lợi nhuận hoạt động ở Nhật Bản. Nhà sản xuất ô tô dự kiến báo cáo lợi nhuận quý đầu năm trong hôm nay 4.8. Giới chuyên gia của Bloomberg ước tính lợi nhuận hoạt động của Toyota hạ 15% so với cách đây một năm, xuống còn 548,2 tỉ USD.(Thanhnien)
-------------------------
Đầu tư tối thiểu 2 tỉ USD, casino mới hút khách
Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa đưa ra báo cáo về ngành kinh doanh casino tại Việt Nam với những nhận định rất lạc quan: Du lịch Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn từ chính sách mở cửa cho người Việt vào chơi tại sòng bạc trong nước.
Bộ phận phân tích SSI đánh giá trong số casino đang hoạt động, Grand Hồ Tràm Strip có quy mô lớn nhất với 90 bàn chơi nhưng lại không đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2016. Còn casino Crowne tại Đà Nẵng nổi tiếng là nơi dành cho khách đánh bạc VIP từ Trung Quốc. Luồng khách này đến chơi bài chủ yếu qua các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến Đà Nẵng theo hình thức thuê chuyến, vào mùa cao điểm có thể lên đến 130 chuyến bay/tuần. Cả nước hiện có 7 sòng bài, 3 sòng bài sắp đi vào hoạt động, trong đó có 2 sòng bài quy mô lớn tại Vân Đồn (Quảng Ninh) do Sun Group đầu tư và sòng bài tại Phú Quốc (Kiên Giang) do Vingroup đầu tư.
SSI cũng dẫn số liệu từ Viện Phát triển bền vững vùng cho thấy tổng doanh thu năm 2014 từ các casino đang hoạt động tại Việt Nam là 1.379 tỉ đồng, nộp thuế 336 tỉ đồng.
Không phải casino nào ở Việt Nam cũng có lãi. Theo Tập đoàn Donaco (Úc), lợi nhuận sau thuế từ kinh doanh khách sạn và sòng bài nằm trong khách sạn 5 sao Aristo International (Lào Cai) với hơn 40 bàn chơi game đạt 3,67 triệu USD trong năm 2016. Dự án này được khởi công năm 2011 và đi vào hoạt động từ năm 2015. Trong khi đó, nhà đầu tư rót tiền vào một trong những sòng bài hợp pháp sớm nhất ở Việt Nam là casino Đồ Sơn (hoạt động từ năm 1995, có 17 bàn chơi) nhiều năm nay liên tục thua lỗ. Còn tại Quảng Ninh, sòng bài của Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia (mã chứng khoán: RIC) đặt tại TP Hạ Long báo lỗ 18,55 tỉ đồng năm 2016. Nửa đầu năm 2017, RIC tiếp tục báo lỗ 32 tỉ đồng, chủ yếu từ kinh doanh sòng bạc. Cùng trên địa bàn Quảng Ninh, casino Lợi Lai đặt tại Móng Cái có quy mô nhỏ (8 bàn chơi) lại kinh doanh có lãi.
Đến nay, hoạt động kinh doanh của các sòng bài Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào khách chơi là người nước ngoài. Theo Nghị định 03/2017, từ ngày 15-3-2017, thí điểm cho người Việt vào chơi tại một số casino trong nước và Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định cụ thể casino nào được thực hiện thí điểm trong 3 năm. Kèm theo đó là những điều kiện rất chặt chẽ về người chơi như phải đủ 21 tuổi trở lên, có thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng (hoặc nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 3). Khác với khách quốc tế, người Việt muốn vào casino phải mua vé chơi theo ngày là 1 triệu đồng hoặc vé tháng là 25 triệu đồng.
Tuy nhiên, chủ trương cho người Việt vào chơi tại casino trong nước đến nay vẫn chưa được thực hiện vì chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia quốc tế về kinh doanh sòng bài, nhận định casino đã trở thành một ngành công nghiệp đem lại nhiều lợi nhuận cho các chính phủ Singapore, Mỹ và gần đây, Nhật Bản còn có chủ trương xem đây là một trong những đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại châu Á, "thiên đường" casino đã được thiết lập tại Singapore, Macau…, song không phải không có cơ hội cho Việt Nam thu hút người chơi đến các sòng bài đang được đầu tư theo tiêu chuẩn mới, vốn đầu tư tối thiểu 2 tỉ USD. Không chỉ thu hút đầu tư, khu phức hợp giải trí có casino sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn khi cung cấp thêm dịch vụ giải trí cho du khách cả trong nước và quốc tế.(NLĐ)