Tăng lương tối thiểu vùng 2018: Doanh nghiệp ở thế “tiến, thoái lưỡng nan”?; Siêu dự án 65.000 tỷ của “chúa đảo” Tuần Châu ở TP.HCM đang ra sao?; Người Việt đổ tiền mua nhà tại Mỹ, còn người châu Á rót tiền mua bất động sản Việt; PVN hút được 9,23 triệu tấn dầu trong 7 tháng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-08-2017
- Cập nhật : 05/08/2017
Bị Nga chơi gác, EU tung đòn trừng phạt
Liên minh châu Âu (EU) đã bổ sung các cá nhân và công ty Nga vào danh sách trừng phạt do liên quan đến việc đưa tuốc-bin khí của tập đoàn Siemens đến bán đảo Crimea.
Đây là 4 tuốc-bin khí, vốn được bàn giao cho một dự án nhiệt điện ở bán đảo Taman thuộc miền Nam nước Nga, nhưng sau đó lại được chuyển tới bán đảo Crimea trong mùa hè năm 2016.
Ban lãnh đạo EU đến nay vẫn không đồng tình với việc Crimea sáp nhập trở lại Nga, nên đã ra các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Theo hãng tin Reuters, trong vụ việc được cho là bị Nga qua mặt, sau khi thảo luận, EU đã quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào ba công dân Nga, trong đó có Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Andrei Cherezov và quan chức thuộc bộ này Evgeny Grabchak, cùng 3 công ty Nga liên quan đến vụ việc trên.
Các cá nhân này sẽ bị cấm đi vào lãnh thổ của EU và các tài sản nếu có ở EU sẽ bị đóng băng.
Trong số 3 công ty bị liệt vào danh sách trừng phạt có 2 công ty của Nga thực hiện hợp đồng thầu đưa các tuốc-bin khí tới Crimea.
Tháng 7 vừa qua, Đức đã yêu cầu EU đưa thêm 4 cá nhân và công ty của Nga vào danh sách trừng phạt do vụ việc 4 tuốc-bin khí của tập đoàn Siemens được đưa vào sử dụng tại bán đảo Crimea.
Hành động này bị coi là vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng giao nhận của tập đoàn Siemens cũng như các quy định của EU.
Do đó, một số quan chức Bộ Năng lượng Nga và công ty đứng ra chịu trách nhiệm vận chuyển các tuốc-bin khí trên tới Crimea đã bị đề nghị bổ sung vào danh sách trừng phạt.
Hôm 21-7 vừa qua, tập đoàn công nghiệp Siemens của Đức tuyên bố sẽ rút khỏi, bằng cách bán số cổ phần nhỏ trong công ty liên doanh Interautomatika của Nga do bất đồng liên quan tới vấn đề này, đồng thời phong tỏa việc giao nhận thiết bị sản xuất điện cho các công ty nhà nước của Nga.
Siemens cũng sẽ chấm dứt thỏa thuận cấp phép cho thiết bị sản xuất điện mà tập đoàn đã ký với nhiều công ty Nga, đồng thời đang cân nhắc khả năng hợp tác giữa các công ty chi nhánh của tập đoàn và nhiều tổ chức khác trên thế giới liên quan đến giao dịch hàng hóa với Nga.
Tập đoàn Siemens cũng đã tiến hành khởi kiện tại Nga để đòi đưa 4 tuốc-bin về lại nơi xuất phát và có thể thu mua lại chúng.
Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Liên bang Nga hồi năm 2014, vùng lãnh thổ này đã bị EU áp đặt các lệnh trừng phạt về công nghệ năng lượng.
Vừa qua, khi Mỹ đơn phương quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, EU cũng đã lên tiếng đe dọa có bước đi phản ứng của mình nếu các biện pháp của Mỹ gây ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty EU đang có dự án gắn với Nga.(Tuoitre)
-------------------------
Vũ khí hóa thương mại
Mặc dù phủ nhận có sự nhập nhằng giữa kinh tế và chính trị, song từ lâu Trung Quốc đã sử dụng thương mại để trừng phạt các nước khước từ đề nghị của mình
Quyết định trừng phạt kinh tế cứng rắn nhằm vào Hàn Quốc gần đây vì triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là ví dụ mới nhất chứng minh việc Bắc Kinh sử dụng thương mại như một vũ khí chính trị.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi ngang qua một tàu chở hàng gần Hồng Kông Ảnh: BLOOMBERG
Chính phủ Trung Quốc giúp đỡ và sau đó tận dụng sự phụ thuộc kinh tế của các nước để buộc họ ủng hộ chính sách đối ngoại của mình. Các hình phạt về kinh tế của Trung Quốc bao gồm từ hạn chế nhập khẩu, tẩy chay không chính thức hàng hóa của một quốc gia nào đó đến ngừng xuất khẩu mặt hàng chiến lược (như đất hiếm) và khuyến khích biểu tình trong nước nhằm vào các doanh nghiệp nước ngoài cụ thể. Một số biện pháp khác là đóng băng hoạt động du lịch và ngăn đánh bắt cá. Tất cả đều được sử dụng cẩn trọng để tránh gây hại đến lợi ích kinh tế của Trung Quốc.
Mông Cổ là trường hợp điển hình của việc chịu sức ép địa - kinh tế sau khi tiếp đón lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 11 năm ngoái. Trung Quốc là điểm đến của 90% hàng xuất khẩu Mông Cổ. Sau khi áp đặt các mức phí khắc nghiệt lên hàng hóa Mông Cổ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng rằng "hy vọng Mông Cổ thuộc lòng bài học này và thực hiện nghiêm túc lời hứa" không mời lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lần nào nữa.
Trường hợp gây chú ý hơn là việc Trung Quốc trả đũa thương mại Na Uy sau khi giải Nobel Hòa bình năm 2010 được trao cho nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba. Kết quả là hoạt động xuất khẩu cá hồi Na Uy sang Trung Quốc bị sụp đổ.
Vào năm 2010, Trung Quốc tận dụng sự độc quyền trong khai thác đất hiếm trên toàn cầu để gây tổn hại thương mại Nhật Bản và phương Tây bằng lệnh cấm xuất khẩu không thông báo trước. Đến năm 2012, khi tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bùng phát trở lại, Trung Quốc một lần nữa sử dụng thương mại như một vũ khí chiến lược, khiến Tokyo thiệt hại hàng tỉ USD.
Tương tự, vào tháng 4-2012, sau vụ đụng độ gần bãi cạn Scarborough ở biển Đông, Trung Quốc bắt nạt Philippines không chỉ bằng cách điều động các tàu tuần tra mà còn khuyến cáo công dân mình không du lịch Philippines và ngừng nhập khẩu chuối từ nước này đột ngột, khiến nhiều nông dân phá sản. Trong lúc cộng đồng quốc tế hướng sự chú ý về diễn biến thương mại nói trên, Trung Quốc lặng lẽ chiếm quyền kiểm soát bãi cạn.
Hành động trả đũa thương mại vì THAAD không phải là lần đầu Trung Quốc nhắm vào Hàn Quốc. Hồi năm 2000, Seoul tăng thuế nhập khẩu đối với tỏi Trung Quốc để bảo vệ nông dân trong nước và Bắc Kinh đáp trả bằng việc cấm nhập khẩu điện thoại và nhựa của Hàn Quốc. Trả đũa nhằm vào các sản phẩm không liên quan của đối phương không chỉ giúp Trung Quốc thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước mà còn bảo đảm Hàn Quốc phải chịu thiệt hại nhiều hơn.
Trung Quốc sẽ không dùng biện pháp này trong trường hợp có thể mất mát nhiều hơn, như cuộc đối đầu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới hiện nay. Do đó, thay vì ngừng giao dịch thương mại vùng biên - động thái có thể khiến Ấn Độ trả đũa bằng kinh tế, Trung Quốc chặn đường của người hành hương Ấn Độ đến những khu vực linh thiêng ở Tây Tạng. Trong trường hợp vượt trội về thương mại, Trung Quốc không ngần ngại ra tay. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc của các nước có lãnh đạo gặp Đạt Lai Lạt Ma đã giảm nhanh chóng với mức 8,1%-16,9%. Kết quả, hầu hết quốc gia, trừ Ấn Độ và Mỹ, đã tránh gặp chính thức lãnh đạo tinh thần này.
Thực tế là Trung Quốc đang trở thành một "bạo chúa" thương mại bất chấp các quy tắc quốc tế. Các vi phạm của Bắc Kinh bao gồm duy trì những rào cản phi thuế quan để kìm hãm cạnh tranh nước ngoài, hỗ trợ xuất khẩu, ưu ái doanh nghiệp trong nước, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lạm dụng luật chống độc quyền và thu mua công ty nước ngoài để đem công nghệ của họ về nước.
Trung Quốc thậm chí còn xem các hiệp định song phương là công cụ để đạt được mục tiêu. Theo quan điểm của Bắc Kinh, không hiệp định nào có hiệu lực trừ khi nó phục vụ cho mục đích trước mắt.
Trớ trêu thay, Trung Quốc đã phát triển sức mạnh thương mại với sự giúp đỡ từ Mỹ, quốc gia đóng vai trò chủ chốt trong sự tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và giúp nước này hội nhập vào các thể chế toàn cầu. Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ từng được cho là sẽ chấm dứt kiểu thương mại bắt nạt của Trung Quốc. Tuy nhiên, chẳng những không có bất kỳ động thái nào chống lại quốc gia mà ông Donald Trump từ lâu chỉ trích là gian lận thương mại, tổng thống Mỹ còn giúp đưa Trung Quốc vĩ đại trở lại, trong đó có việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
TPP có thể kiềm chế tham vọng thương mại vô hạn của Trung Quốc bằng cách tạo ra một cộng đồng kinh tế vận hành theo thị trường và chơi theo luật. Nhưng để TPP thật sự phát huy hiệu quả trước Trung Quốc, hiệp định này cần sự tham gia của Ấn Độ và Hàn Quốc. (NLĐ)
-------------------------
Sẽ bán hơn 48 triệu cổ phần Vinamilk ở mức 7.000 tỉ đồng
Nếu thuận lợi, vào tháng 10 tới, Nhà nước sẽ bán 48,33 triệu cổ phần của Vinamilk và thu về khoảng 6.500 đến 7.000 tỉ đồng.
Chiều ngày 4-8, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã công bố lộ trình bán vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với tỉ lệ bán vốn tương đương 3,33% vốn điều lệ.
Thông tin được ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch SCIC, đưa ra tại buổi họp báo công bố lộ trình bán vốn Vinamilk trong năm 2017.
Dự kiến nếu thị trường thuận lợi thì SCIC dự kiến sẽ thu về 6.500 - 7.000 tỉ đồng.
Ông Chi cho biết con số 48,33 triệu cổ phần này nằm trong 3,6% vốn điều lệ mà SCIC chưa bán hết trong đợt chào bán năm 2016.
Cụ thể, năm 2016 SCIC định bán 9% cổ phần, đã bán thành công 5,4%.
Nếu bán được số đó trong năm nay, Chính phủ còn giữ lại tròn 36% vốn điều lệ (tức vẫn nắm vai trò là cổ đông lớn) mà SCIC đang làm đại diện vốn chủ sở hữu.
Ông Chi cho biết thời gian thực hiện giao dịch này sẽ gói gọn trong năm 2017, dự kiến mở bán vào tháng 10-2017 hoặc sớm hơn.
“Có nhiều yếu tố không thể định liệu được, nhưng rõ ràng thời điểm này đang tốt nên cố gắng tận dụng, tránh kéo dài để thị trường có biến động và rủi ro thì khó khăn, nên sẽ đẩy sớm giao dịch càng sớm càng tốt”, ông Chi nhận định.
Trong quá trình xây dựng phương án bán cổ phần lần này, SCIC cũng cân nhắc thực hiện quảng bá, giới thiệu ở các trung tâm tài chính.
Tuy nhiên, việc thực hiện ở đâu và thị trường nào thì ông Chi chưa tiết lộ mà cho biết sẽ "xem xét phương án nào hiệu quả nhất, thuận lợi nhất" để thực hiện.(Tuoitre)
---------------------------
Vì thủ tục, mất cơ hội xuất khẩu 100 tấn mỡ cá
Đã quá hạn để xuất khẩu lô mở cá sang Chile nhưng doanh nghiệp vẫn chưa biết và liên hệ được cơ quan thẩm quyền nào để xin cấp Giấy Chứng nhận xuất xứ hợp pháp cho lô hàng mỡ cá.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có Công văn số 105/2017 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hợp pháp sản phẩm mỡ cá xuất sang Chile sau khi nhận được phản ánh vướng mắc của công ty CP Vĩnh Hoàn về việc khó khăn không xin được Giấy chứng nhận xuất xứ hợp pháp (Certificate of Legal Origin).
Cụ thể, ngày 31-5-2017, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn ký hợp đồng để xuất khẩu 100 tấn mỡ cá vào thị trường Chile, dự kiến xuất hàng trong tháng 6-2017. Thủ tục nhập khẩu của Chile quy định phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hợp pháp (Certificate of Legal Origin).
Công ty Vĩnh Hoàn đã liên hệ và gửi công văn đến nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau bao gồm Cục Thú ý, Cục NAFIQAD, Tổng Cục Thủy Sản, Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI Cần Thơ, Sở Công Thương Tỉnh Đồng Tháp nhưng vẫn chưa có cơ quan nào xác nhận thẩm quyền và chấp nhận cấp chứng từ nói trên.
Thế nhưng, hiện đã quá hạn để xuất khẩu lô mở cá sang Chile nhưng Công ty Vĩnh Hoàn vẫn chưa biết và liên hệ được cơ quan thẩm quyền nào để xin cấp Giấy Chứng nhận xuất xứ hợp pháp cho lô hàng mỡ cá.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, hiện nay, trước quá trình cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, các doanh nghiệp thủy sản đang cố gắng để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước không chỉ với các sản phẩm thủy sản chính mà xuất khẩu cả các sản phẩm phụ phẩm từ quá trình chế biến thủy sản.
Điều này, vừa làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đồng thời giúp các DN tận dụng sử dụng hết nguồn nguyên liệu để sản xuất tại lợi nhuận cho công ty. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục để xuất khẩu sản phẩm phụ phẩm này.
Hiệp hội VASEP đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và có chỉ đạo kịp thời hướng dẫn cho các doanh nghiệp về thủ tục và cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hợp pháp kèm theo lô hàng khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản cũng như sản phẩm phụ phẩm vào thị trường Chile nói riêng và các thị trường khác nói chung để giúp doanh nghiệp phát triển thị trường mới cho sản phẩm phụ phẩm.(PLO)
----------------------------
TP HCM gỡ khó cho bất động sản
Tại hội nghị "Đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền TP HCM lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản" do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) phối hợp với Sở Xây dựng TP HCM tổ chức ngày 4-8, nhiều vướng mắc đã được doanh nghiệp nêu ra
Ông Dương Quốc Hùng, đại diện Công ty CP Địa ốc Thảo Điền, thuật lại hành trình 9 năm xin giấy phép để triển khai dự án nhà ở xã hội (chung cư cao tầng Nam Lý tại phường Phước Bình, quận 9) mới được UBND TP HCM chấp thuận đầu tư. Tiếp đó, khi doanh nghiệp (DN) chờ quyết định giao đất để thực hiện các thủ tục tiếp theo thì bị ngưng để thanh tra về đất đai. Ông Hùng cho biết đất làm dự án là của DN, nằm trong dự án Bắc Rạch Chiếc do Công ty CP Địa ốc 10 xây dựng hạ tầng kỹ thuật trục chính. Tuy nhiên, Công ty CP Địa ốc 10 không có đủ năng lực nên DN đã xin tách dự án ra nhưng vẫn bị dính thanh tra theo nhà đầu tư chính là công ty này.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho rằng dự án Bắc Rạch Chiếc triển khai rất chậm (Thủ tướng phê duyệt năm 2001 - PV), Công ty CP Địa ốc 10 chỉ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính, những dự án bên trong sẽ phân cho các nhà đầu tư thứ cấp và được nhà nước giao đất trực tiếp. Trường hợp Công ty CP Địa ốc Thảo Điền, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND TP ra quyết định giao đất nhưng UBND TP lại ra quyết định thanh tra đất đai. Thời gian tới, sở sẽ làm việc với thanh tra để sớm tháo gỡ cho DN.
Cũng liên quan đến dự án Bắc Rạch Chiếc, đại diện Công ty CP Him Lam cho biết một dự án có quy mô khoảng 3 ha của công ty tại đây còn lâu hơn, từ năm 2002 và cũng bị đình trệ. Nguyên nhân là nhà đầu tư chính không đủ năng lực để hoàn thiện hạ tầng trục chính bàn giao lại cho TP, để TP bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, khẳng định sẽ kiểm tra thông tin dự án nhà ở xã hội 9 năm chưa được cấp phép mà DN phản ánh có nguyên nhân từ đâu? Có phải chỉ do vướng mắc thủ tục hành chính hay nguyên nhân khác để dư luận được rõ.
Trao đổi với phóng viên bên lề cuộc đối thoại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng cơ quan quản lý nên thu hồi dự án Bắc Rạch Chiếc của Công ty CP Địa ốc 10 để trả lại cho các nhà đầu tư thứ cấp, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ngoài 2 DN phản ánh tại hội nghị, còn nhiều nhà đầu tư khác trong dự án Bắc Rạch Chiếc chịu chung số phận. (NLĐ)