Chạy đua Tông Thống Mỹ: Bà Clinton vượt lên ông Trump
Nguy cơ cao tấn công khủng bố ở Nam Phi
Ukraina bắt nghi phạm khủng bố âm mưu tấn công Euro 2016
Đức ủng hộ Nga xích lại gần không gian kinh tế châu Âu
Một loạt thủ lĩnh đảng cầm quyền Brazil bị tố nhận hối lộ
Trung Quốc làm trò tại Shangri-La
- Cập nhật : 05/06/2016
Tờ rơi tiếng Hoa gồm những nội dung xuyên tạc về Biển Đông mà Trung Quốc phát cho các đại biểu tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh: V.T.
Trước đó chiều 3-6, ngay sau cuộc tiếp xúc song phương với đoàn quốc phòng Việt Nam, đoàn Trung Quốc đã phát tờ rơi gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, cung cấp thông tin xuyên tạc sự thật cho rằng toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc cho các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Nuốt trọn Biển Đông
Tờ rơi được phát có nội dung tuyên truyền những luận điệu sai trái của nước này về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Nội dung tờ rơi này cho rằng các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa (là Trường Sa của Việt Nam). Bốn quần đảo này đều hợp thành lãnh thổ của Trung Quốc.
Về quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc trắng trợn viết: “Một số nước xung quanh Biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa hiện nay và Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên và khai thác quần đảo Trường Sa”.
“Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa từ xa xưa đã được thiết lập, bất kỳ nước nào khác cũng không thể yêu cầu chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nếu không sẽ đi ngược lại nghĩa vụ của mình đối với việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác” - tờ rơi xuyên tạc.
Cũng trong tờ rơi này, Trung Quốc cho rằng vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan. ASEAN là một tổ chức khu vực, không thể tham gia phán quyết với tư cách là một đương sự trong tranh cãi này.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phóng viên của báo Asahi (Nhật Bản) về hành vi phát tờ rơi tuyên truyền sai trái về Biển Đông do đoàn Trung Quốc thực hiện tại Shangri-La - Ảnh: Quỳnh Trung
Tuyên truyền lén lút
Chiều 4-6, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có buổi trao đổi với báo chí nước ngoài bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Khi được hỏi về tập tài liệu mà Trung Quốc phát tán bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 3-6, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết ông chưa kịp nghiên cứu kỹ tập tài liệu này và chưa rõ nội dung cụ thể ra sao.
Tuy nhiên, ông Vịnh cho rằng: “Tôi không biết ai là người phát tán tập tài liệu này. Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ không phát tán tài liệu đó vì đây là một diễn đàn mở, minh bạch, thế giới đều lắng nghe. Có việc gì thì lên diễn đàn nói, đừng nên phát tờ rơi như thế này”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Ken Jimbo (ĐH Keio, Tokyo, chuyên gia của Viện nghiên cứu toàn cầu Canon), đồng tình cho rằng không nên có hành động tuyên truyền lén lút như thế tại một diễn đàn đối thoại mở như Shangri-La.
“Những gì mà tôi nghe nói thì Trung Quốc sẽ tiếp tục tỏ ra cứng đầu trong việc thể hiện những yêu sách chủ quyền, không chịu nhượng bộ và rất khó xảy ra chuyện họ nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp biển đảo” - học giả người Nhật nói.
Còn ông Jonathan D. Pollack, thành viên nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á ở Washington, nói tất cả chúng ta đều biết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là gì. Vấn đề là làm sao để ngăn các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa các nước trở thành một cuộc đối đầu về quân sự, điều đó mới thật là nguy hiểm.
Ông Pollack nhận định: “Tôi không nghĩ việc Trung Quốc phát tờ rơi tuyên truyền là quan trọng, vì ngay cả khi các quan chức quốc phòng Trung Quốc phát biểu tại Shangri-La năm nay thì cũng khó thuyết phục mọi người tin vào những gì họ nói”.
* GS Ken Jimbo:
Hình ảnh Trung Quốc suy yếu
Trung Quốc đang lên kế hoạch chiến lược để bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài. Dù Trung Quốc có bác bỏ thì phán quyết này cũng góp phần làm suy yếu hình ảnh của Trung Quốc vì không tuân theo một trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc quốc tế.
Trung Quốc luôn nói họ ủng hộ tự do hàng hải, trật tự pháp lý quốc tế nhưng tại sao họ lại bác bỏ phán quyết của tòa án chứ?! Làm vậy sẽ khiến họ lâm vào một tình thế tồi tệ và khó tìm đường thoát.
Shangri-La nên có tiếng nói chung
Trả lời báo chí nước ngoài chiều 4-6, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng tình hình Biển Đông không khác nhiều lắm so với những năm qua, ngoài hai điểm đáng chú ý.
Đầu tiên, điểm tương đối tích cực là vấn đề Biển Đông thu hút sự chú ý hơn của thế giới, sự chú ý này thiên về hướng mong muốn cho hòa bình ổn định ở khu vực này, mong muốn cho luật pháp quốc tế được áp dụng một cách minh bạch.
Điểm còn lại đáng quan ngại hơn là có sự phát triển về các hoạt động quân sự trên Biển Đông, hoạt động bồi đắp các đảo đá, các dấu hiệu trên Biển Đông nhiều hơn.
Ông Vịnh cho rằng đây là dấu hiệu cần phải quan tâm và nếu tình hình Biển Đông không giải quyết thấu đáo và có trách nhiệm thì nó sẽ diễn ra theo xu hướng xấu đi.
Về các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, ông Vịnh cho rằng mọi hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông của tất cả các nước cần cân nhắc rất kỹ, vì nếu không kiềm chế thì đến một lúc nào đấy các hoạt động quân sự sẽ nhiều lên, dẫn đến xung đột, va chạm, tạo ra những tình huống bất thường không kiểm soát được.
“Nhân dịp Đối thoại Shangri-La, chúng tôi mong muốn bàn giải pháp tăng cường quốc phòng song phương với các nước, đồng thời trao đổi với họ về các vấn đề cùng quan tâm. Có một điểm chung mà tất cả các đoàn đều hi vọng là Shangri-La nên có một tiếng nói chung để giảm bớt các thách thức ở khu vực, đem lại hòa bình và ổn định cho mọi quốc gia” - thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.
Theo Tuoitre.vn