Các động thái quân sự và ngoại giao gần đây của Trung Quốc thể hiện nỗi lo lắng của Bắc Kinh trước thời điểm tòa trọng tài đưa ra phán quyết về Biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 09-07-2016
- Cập nhật : 09/07/2016
Đua chức Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ mới
Bà Christiana Figueres, một nhà ngoại giao Costa Rica, cựu giám đốc Cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, vừa được Costa Rica đề cử trở thành ứng cử viên thứ 12 cho vị trí tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ mới.
Theo Reuters, việc đề cử bà Figueres là hoàn toàn bất ngờ và mang tính nước rút trước thời điểm Hội đồng bảo an chốt danh sách và bỏ phiếu kín vòng đầu tiên vào cuối tháng này.
Tổng thống Costa Rica, Luis Guillermo Solis, đã dành những lời có cánh cho ứng cử viên của nước mình.
“Liên Hiệp Quốc và thế giới cần một tổng thư ký là người có thể kết nối, một người có thể lắng nghe và cố vấn, có thể giúp giải quyết các tranh chấp, xây dựng các hiệp định và lường trước được những khó khăn. Bà Christiana Figueres đã chứng minh được mình là một người như vậy”.
Trước khi được đề cử trở thành ứng cử viên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, bà Figueres là thư ký điều hành Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu liên tục trong suốt sáu năm.
Một số nhà ngoại giao nhấn manh việc hơn 190 nước ký vào thỏa thuận lịch sử chống biến đổi khí hậu ở Paris hồi tháng 12 năm ngoái có một phần công sức của bà Figueres.
Là ứng cử viên gần như và có thể là cuối cùng, bà Figueres không đơn độc bởi bà không phải là ứng cử viên nữ duy nhất.
Những ứng cử viên nữ khác bao gồm tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova (Bulgaria), cựu bộ trưởng ngoại giao Croatia - Vesna Pusic, cựu bộ trưởng ngoại giao Moldova - Natalia Gherman, cựu thủ tướng New Zealand, giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc - bà Helen Clark, Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Susana Malcorra.
Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 nước sẽ bỏ phiếu kín không chính thức vào ngày 21-7.
Việc bỏ phiếu có thể sẽ kết thúc vào tháng 9 hoặc tháng 10 để chọn ra một ứng cử viên chính thức cho cuộc bình bầu trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là lá phiếu của năm nước thường trực Hội đồng Bảo an gồm Anh, Nga, Pháp, Mỹ và Trung Quốc khi ứng cử viên phải nhận được sự đồng ý của 5/5 nước.
Các ứng cử viên sẽ có buổi tranh luận trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 12-7.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hiện tại, ông Ban Ki Moon, người Hàn Quốc, sẽ chính thức hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay sau hai nhiệm kỳ năm năm liên tiếp kể từ năm 2006.(TT)
Bất chấp Brexit, Anh sắp gửi hàng trăm quân tới sát sườn Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon vừa thông báo London sẽ triển khai 650 binh sĩ tới Đông Âu nhằm giúp NATO ngăn chặn Nga đe dọa các nước Baltic (gồm Estonia, Latvia và Lithuania).
Ông Fallon cho biết một tiểu đoàn 500 binh sĩ sẽ được gửi đến Estonia, 150 người còn lại triển khai tới Ba Lan.
“Các nước NATO ở khu vực Đông Âu cảm thấy áp lực rất lớn từ Nga sau khi nước này tập trận, bay qua không phận của họ. Tôi nghĩ rằng (Tổng thống Putin) đang chứng tỏ sức mạnh của mình. Ông ấy muốn Nga được coi là cường quốc thế giới và đó là lý do tại sao một liên minh như NATO là cực kỳ quan trọng” – ông Fallon nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết thêm London có nhiệm vụ trấn an các nước bằng việc tiếp tục hỗ trợ NATO.
Hôm 6-7, Nga có sự điều động binh sĩ tại căn cứ gần Kaliningrad, một tiền đồn quan trọng giữa Ba Lan và Lithuania. Động thái này làm dấy lên lo ngại một cuộc đối đầu về quân sự giữa Moscow và NATO trong tương lai gần.
Sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea tháng 3-2014, NATO nhiều lần tái khẳng định cam kết triển khai 4 tiểu đoàn mới ở Đông Âu. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh sự cần thiết phải phản ứng trước hành động của Nga đối với các nước láng giềng. Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw - Ba Lan ngày 8 và 9-7 dự kiến thông qua quyết định chính thức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel mô tả kế hoạch nói trên của NATO là một “khái niệm phòng thủ sâu”, cũng như tán thành sự hiện diện quân sự gần biên giới Nga là biện pháp răn đe cần thiết.
Từ trái qua: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker họp báo tại Ba Lan hôm 8-7. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, hôm 8-7, Bộ trưởng phụ trách vấn đề mua sắm quốc phòng Anh Philip Dunne tuyên bố quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) không làm thay đổi cam kết của Anh: London vẫn là một đối tác mạnh mẽ của NATO.
Phát biểu tại triển lãm hàng không quân sự lớn nhất thế giới Royal International Air Tattoo, ông Dunne khẳng định Anh sẽ không “chui vào vỏ ốc”: “Anh vẫn là đối tác quốc tế lớn nhất về chương trình máy bay chiến đấu F-35 của tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ), với khoảng 15% thành phần mỗi máy bay được sản xuất bởi các công ty ở Anh”.
Mặt khác, ông Dunne tin rằng London sẽ tiếp tục là một đối tác cung cấp quốc phòng và an ninh mạnh nhất ở châu Âu dù vẫn còn quá sớm để dự báo tác động của sự kiện Brexit.
Cùng ngày 8-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo NATO “đứng vững” trước một nước Nga đang trỗi dậy về quân sự, bất kể ảnh hưởng của việc Anh rời EU.
Trong một bài báo đăng trên tờ Financial Times, ông Obama nói mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh sẽ tồn tại lâu dài. “Tôi không nghi ngờ rằng Anh sẽ vẫn là một trong các thành viên có khả năng nhất của NATO. Chúng ta cần tăng cường việc bảo vệ các đồng minh ở Trung và Đông Âu, tăng cường khả năng răn đe cũng như phục hồi nhằm chống lại các mối đe dọa mới, bao gồm các cuộc tấn công mạng” – ông Obama nhấn mạnh.
Về quan hệ với Nga, ông Obama vừa hối thúc các giải pháp ngoại giao, đối thoại với Nga vừa khuyến khích đồng minh duy trì trừng phạt cho đến khi Nga "tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine".
Cáo buộc Mỹ 'tuyên chiến', Triều Tiên sẵn sàng đáp trả
Theo hãng tin Reuters, chính quyền Bình Nhưỡng ngày 7-7 cảnh báo đang chuẩn bị các động thái đáp trả mạnh tay nhất đối với Washington. Trước đó, Mỹ đã lần đầu tiên đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên vào "sổ đen" về các vấn đề nhân quyền. Triều Tiên cáo buộc hành động này của Mỹ không khác gì một "lời tuyên chiến".
Mỹ đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào "sổ đen" những nhân vật vi phạm nhân quyền tại Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên mô tả hành động "trừng phạt" ông Kim Jong-un là một "tội ác ghê gớm" đối với đất nước này. "Nước Mỹ dám cả gan bôi nhọ nhân phẩm của nhà lãnh đạo tối cao". Bản thông cáo của KCNA lớn tiếng cảnh cáo Mỹ "không biết sợ hổ dữ" khi đưa ra bản danh sách này.
"Đây là hành vi thể hiện sự thù địch ghê tởm nhất và là một lời tuyên chiến thẳng thừng đối với Triều Tiên. Động thái này vượt ngoài cả các đối đầu về vấn đề nhân quyền" - tờ KCNA khẳng định.
Đáp lại tuyên bố này, chính phủ Mỹ đã ra tuyên bố đề nghị Bình Nhưỡng kiềm chế không đưa ra các phát ngôn hay hành động gây tăng căng thẳng trong khu vực.
Ngày 6-7 vừa qua, Mỹ đã lần đầy tiên đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm đến các công dân Triều Tiên nào vi phạm nhân quyền tại nước này. Có năm bộ và cơ quan chính phủ, cùng 11 nhân vật chính trị Triều Tiên bị Mỹ đưa vào danh sách đen, trong đó có cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Sắc lệnh này có hiệu lực đóng băng các tài sản nằm trong phạm vi quyền tài phán của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon, bày tỏ mong muốn Trung Quốc sẽ tạo áp lực để Triều Tiên hợp tác trong các vấn đề nhân quyền quốc tế.
Nga “thay máu” lực lượng không quân ở Syria
Moscow đã quyết định gửi thêm máy bay tiên tiến, bao gồm trực thăng vũ trang K-52 tới Syria nhằm tăng cường khả năng của các nhóm quân sự Nga đang chiến đấu chống khủng bố tại đây.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuriy Ivanovich Borisov tuần này cho biết phi đội máy bay mới sẽ thay thế các máy bay ném bom Su-25 sắp trở về nước sau khi kết thúc sứ mệnh.
Ka-52 (NATO gọi là Hokum-B) là thế hệ trực thăng 2 chỗ ngồi phù hợp với nhiều địa hình ở Syria. Được đánh giá là một trong những loại trực thăng tiên tiến nhất trên thế giới. Ka-52 rất cơ động, thể hiện ở khả năng đột ngột thay đổi góc độ và hướng bay mà không cần thiết lập trước.
Hệ thống quản lý chiến đấu vượt trội giúp Ka-52 dễ dàng liên lạc và trao đổi dữ liệu với các máy bay khác cũng như trạm kiểm soát mặt đất. Hệ thống này còn đóng vai trò trung tâm chỉ huy cho lực lượng không quân và bộ binh khi họ tham chiến.
Ka-52 có 6 giá treo bên ngoài, tích hợp các loại vũ khí như tên lửa chống tăng Vikhr và Vikhr-M, tên lửa không đối không Igla-V, bom, rốc-két. Tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser trang bị trên Ka-52 có tầm bắn lên tới 8 km và khả năng xuyên giáp dày 950 mm. Trực thăng còn sở hữu bộ vỏ cao cấp giúp chống lại hỏa lực từ mặt đất.
Ngoài Ka-52, Hải quân Nga hôm 7-7 thông báo triển khai tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tới Địa Trung Hải, đối diện bờ biển Syria. Vào tháng 10, Moscow bắt đầu phát động chiến dịch quân sự chống lại các tổ chức khủng bố ở Syria, đặc biệt là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tàu Đô đốc Kuznetsov chở theo 15 tiêm kích Su-33 và chiến đấu cơ MiG-29K/KUB, 10 trực thăng Ka-52K, Ka-27 và Ka-31.
Trang Debka cho biết lý do Nga ưu tiên triển khai trực thăng thay vì chiến đấu cơ tới Syria hay máy bay ném bom vì sắp tới, không quân Nga – Mỹ có thể phối hợp để chống IS. Khi Mỹ rút tất cả tàu sân bay khỏi Địa Trung Hải cho đến tháng 10 tới, Đô đốc Kuznetsov sẽ là tàu sân bay duy nhất hoạt động ở vùng biển này.
Ngoài ra, kể từ khi Nga – Thổ Nhĩ Kỳ làm lành vụ Ankara bắn hạ máy bay Su-24 của Moscow, Nga không còn cần phải duy trì phi đội chiến đấu cơ tại Syria để chống lại không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Đánh bom liều chết ở Iraq, ít nhất 35 người thiệt mạng
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công tối 7-7 khiến ít nhất 35 người chết và hơn 60 người khác bị thương.
Reuters dẫn nguồn tin từ an ninh địa phương cho biết, quả bom thứ nhất phát nổ bên ngoài khu lăng mộ, gần một nhóm cảnh sát đang túc trực khoảng 11g tối (giờ địa phương).
Vụ nổ đã tạo một khoảng trống cho các tay súng khác xông vào bên trong khu lăng mộ và xả súng.
Lợi dụng lúc đồng bọn đang bắn loạn xạ vào lực lượng an ninh, một tên mang theo dây bom, tiến vào trong khu đền thờ rồi kích nổ giữa đám đông đang tập trung làm lễ Eid al-Fitr.
Tên mang bom thứ ba bị cảnh sát hạ gục trước khi y kịp kích nổ đai đeo bom. Đạn pháo cũng được bắn dồn dập về khu vực lăng mộ trong suốt thời gian xảy ra vụ tấn công.
Trong khi đó, RT dẫn một nguồn tin chưa được xác nhận cho hay, ít nhất ba kẻ đánh bom liều chết khác đã bị cảnh sát bắt giữ sau đó. Kiểm tra hiện trường, nhà chức trách cũng phát hiện thêm hai dây đai đeo bom chưa kịp phát nổ.
Ngay sau vụ tấn công, Moqtada al-Sadr - một giáo sĩ có thế lực của Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq đã đưa lực lượng dân quân đến bảo vệ khu vực xung quanh lăng mộ của Sayid Mohammed.
Vụ tấn công nhắm vào lăng Sayid Mohammed bin Ali al-Hadi một lần nữa làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột sắc tộc giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni tại Iraq.
Hồi năm 2006, một vụ tấn công nhắm vào đền thờ của Imam Ali al-Hadi và một ngôi đền khác thờ con trai ông đã làm bùng lên một làn sóng bạo lực sắc tộc với mức độ gần như nội chiến tại Iraq.
Vụ tấn công tối 7-7 một lần nữa cho thấy IS dù mất đất và bị đánh bật ra nhiều vị trí trọng yếu tại Iraq nhưng vẫn đủ sức tấn công các mục tiêu bên ngoài khu vực mà chúng kiểm soát.
Cuối tuần trước, một vụ đánh bom liều chết bằng xe tải tại một trung tâm mua sắm chủ yếu của người Shiite ngay tại thủ độ Baghdad đã khiến ít nhất 292 người thiệt mạng. Đây được xem là vụ đánh bom đẫm máu nhất tại Iraq kể từ khi Mỹ can thiệp vào quốc gia này năm 2003.(TT)