Bộ trưởng thương mại các nước đồng thuận khả năng tiếp tục triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, trong khi phía Mỹ vẫn quyết "nói không" với TPP.
G7 chia rẽ thương mại nhưng thống nhất về Biển Đông
- Cập nhật : 29/05/2017
Bản tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển (G7) năm nay chỉ có 6 trang giấy so với 32 trang như năm ngoái.
G7 đang chờ quyết định của Mỹ về thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ có câu trả lời sau khi về nước - Ảnh: Reuters
Một tuyên bố chỉ có 6 trang giấy nhưng đã thể hiện được nhiều điều không chỉ trong nội bộ G7 mà còn của thế giới. Từ sự chia rẽ về biến đổi khí hậu đến những cái bắt tay nồng ấm thể hiện sự đoàn kết trong vấn đề thương mại, chống khủng bố và sự đơn độc khi nói đến cuộc khủng hoảng người nhập cư.
Hài lòng dù còn chia rẽ, khác biệt
“Chúng tôi không che giấu sự chia rẽ và khác biệt. Nó hiển hiện rõ ràng trong các cuộc đối thoại. Nhưng chúng tôi hài lòng về mọi thứ đã diễn ra dù vẫn còn nhiều vấn đề khác biệt với Mỹ” - Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni đã tuyên bố như thế sau khi kết thúc hội nghị ngày 27-5.
Mỗi nhà lãnh đạo G7 mang tâm thế và những dự định riêng khi đến hội nghị. Thực tế không cần đợi đến khi ông Gentiloni thừa nhận rằng G7 đang chia rẽ, trong bức tranh lớn đầy những mảng khác biệt và bất đồng của hội nghị năm nay mà ai nhìn vào cũng thấy, thương mại tất yếu trở thành điểm chung dù khá miễn cưỡng. Lãnh đạo G7 tuyên bố sẽ “chống lại tất cả các hình thức bảo hộ thương mại” và cam kết với một hệ thống thương mại quốc tế dựa trên quy tắc. Một cam kết đã gỡ gạc lại những thất vọng trước đó khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tỏ ra dửng dưng trước thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Giới quan sát nhận định hẳn ông Trump đã thể hiện sự nhượng bộ khi đồng ý đưa những câu chữ này vào bản tuyên bố bởi nó đối lập với thực tế ở Mỹ là ông đang hô hào sử dụng người Mỹ và mua hàng Mỹ. Thậm chí, ngay trước thềm hội nghị ở Taormina, nhà lãnh đạo Mỹ còn công kích Đức về thặng dư thương mại bất chấp nước này là đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Âu. “Chúng ta đang ở trong thế 6 chống 1. Không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ ở lại thỏa thuận Paris hay không” - Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận.
Ông Trump tuyên bố sẽ đưa ra quyết định có ủng hộ và thực thi thỏa thuận Paris hay không sau khi về nước, nhưng theo trang tin tức Axios ngày 28-5, vai trò tương lai của Mỹ trong thỏa thuận Paris đã được định đoạt ngay khi ông Trump rời hội nghị. Washington chắc chắn sẽ rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu có hiệu lực toàn cầu được 195 nước ủng hộ, Axios dẫn 3 nguồn thạo tin khẳng định tổng thống Mỹ đã nói như thế.
Điểm sáng: vấn đề Biển Đông
Gạt qua sự khác biệt trong nội bộ, tuyên bố chung của G7 thể hiện sự quan tâm của khối đến tình hình thế giới. Nói như một nhà bình luận quốc tế, ngoài vấn đề thương mại vốn khá miễn cưỡng, điểm sáng duy nhất trong hội nghị năm nay là sự nhất trí cao của G7 trong các vấn đề nóng quốc tế.
Bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, lãnh đạo G7 đã lên tiếng kêu gọi “phi quân sự hóa” các thực thể đang tranh chấp. Lời kêu gọi này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Trung Quốc.
Về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, G7 tuyên bố sẵn sàng “áp đặt thêm các biện pháp hạn chế” đối với Nga nếu tình hình tại Ukraine yêu cầu các nước phải làm điều này. Nhóm cũng bày tỏ sự quan ngại trước những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh sẵn sàng tăng cường các biện pháp đối phó Triều Tiên nếu nước này không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân.
Bảo Duy
Theo Tuổi Trẻ