Sau các cuộc đàm phán "maratông" suốt đêm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang đẩy hai miền Triều Tiên đến "miệng hố chiến tranh", cuối cùng Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã nhất trí được về việc tổ chức vòng đàm phán thứ hai.
Tin thế giới đọc nhanh 05-06-2016
- Cập nhật : 05/06/2016
Mỹ - Trung Quốc có thể rơi vào “cái bẫy Thucydides”
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung không chỉ là Biển Đông và tự do hàng hải, mà nó nằm trong lý thuyết chiến tranh mà sử gia Thucydides từng đúc kết trước Công nguyên…
Vào thứ Hai tuần tới (ngày 6/6) tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc sẽ diễn ra các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc về vấn đề an ninh và kinh tế.
Bắc Kinh kêu gọi Washington ngừng các hành động khiêu khích ở Biển Đông.
Phái đoàn Mỹ sẽ do Ngoại trưởng John Kerry dẫn đầu. Trước chuyến thăm của Mỹ, Bắc Kinh đã cáo buộc Washington không thực hiện cam kết giữ lập trường trung lập trong các vấn đề liên quan tới tranh chấp lãnh thổ và đã đứng về phía đồng minh của mình.
Theo các chuyên gia, hai bên sẽ không thể đạt được thỏa hiệp về vấn đề này. Dù vậy Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng các mối quan hệ về kinh tế và chính trị.
Bắc Kinh tức giận trước những vụ đột kích của máy bay quân sự và tàu chiến Mỹ tới những hòn đảo ở Biển Đông, đồng thời gọi các vụ đột kích này là hành động khiêu khích. Đáp trả lại, Mỹ nói rằng họ đang cố gắng đảm bảo quyền tự do hàng hải tại khu vực này.
Trước chuyến thăm của phái đoàn Mỹ tới Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) tuyên bố, Trung Quốc có mọi quyền để bảo vệ chủ quyền và lãnh hải của họ tại Biển Đông.
“Thực tế Mỹ không phải là một bên tham gia tranh chấp. Chính họ cũng thừa nhận không đứng về phía nào trong các cuộc tranh chấp về lãnh hải tại đây. Vì vậy chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ giữ đúng cam kết của mình” – ông Trịnh Trạch Quang nói.
Theo tờ China Daily, trong Đối thoại về kinh tế và chiến lược với Mỹ sắp tới Trung Quốc cũng sẽ nêu ra vấn đề liên quan tới Đài Loan và tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tờ Độc lập (Nga), nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga Alexander Larin nhận định “các bên sẽ không thể đi tới một thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc thì kiên quyết nắm quyền kiểm soát phần lớn đảo tại khu vực này và sẽ không rời khỏi đó trong bất kỳ trường hợp nào. Còn phía Mỹ cũng không thể từ bỏ việc triển khai máy bay quân sự, tàu chiến cũng như các máy bay trinh sát tới vùng biển này, vì: thứ nhất họ (Mỹ) quan tâm tới những hành động của Trung Quôc; thứ hai – họ phải thể hiện cho các đồng minh thấy rằng họ sẽ không lùi bước và bỏ rơi đồng minh của mình một chọi một với Trung Quốc”.
Chuyên gia Nga cho rằng, những nỗ lực này của Mỹ nhằm xây dựng quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương và Washington hiện cũng đạt được một số thành tựu nhất định. Mỹ không muốn quan hệ đối tác của mình gặp nguy hiểm. Và thực sự quan hệ này đang khiến Trung Quốc bị cô lập. Để kế hoạch hợp tác không bị phá hỏng Mỹ sẽ không từ bỏ các hành động quân sự của mình tại Biển Đông như hiện nay.
“Tương lai hiện lên rõ ràng như thế. Các bên mặc nhiên chấp nhận hiện trạng ở Biển Đông và sẽ phát triển quan hệ theo chiều hướng tránh các mâu thuẫn” – ông Larin kết luận.
Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga Sergei Rogov lại đưa ra đánh giá đáng báo động hơn về triển vọng quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Ông nhận định kim ngạch thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc hiện đạt 600 tỷ USD và Bắc Kinh đã trở thành chủ nợ (nhà đầu tư) chính của Washington. Vì vậy, hai siêu cường này rất có thể rơi vào “một cái bẫy Thucydides".
Nhà sử học Hy Lạp cổ đại khi viết về chiến tranh giữa Sparta và Athens đã ngụ ý rằng, nguyên nhân chính gây ra cuộc chiến Peloponnesian là do Sparta lo sợ sự lớn mạnh không ngừng của Athens sẽ là mối hiểm họa đối với họ (Sparta).
Giải thích về ‘cái bẫy Thucydides” các nhà chính trị học hiện đại định nghĩa: Đó là nỗi lo sợ của cường quốc thống trị trước những cường quốc mới nổi lên. Ông Rogov cho rằng Trung Quốc đã phát triển các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới, sản xuất khoảng 1.000 tên lửa tầm trung để tăng sức mạnh của Hải quân. Đáp lại, Washington cũng tăng cường hệ thống phòng thủ chống lại Bắc Kinh và áp dụng một số biện pháp quân sự tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Giáo sư Tao Venchzhao của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì nhận định dù bất kỳ ai trở thành Tổng thống Hoa Kỳ kế tiếp (sau ông Obama) thì Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì quan hệ như hiện nay, mặc dù có thể dưới tên gọi hay hình thức khác. Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ cố gắng mở rộng phạm vi hợp tác chiến lược và làm nguội tình hình căng thẳng tại Biển Đông.(infonet)
Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang "tự cô lập" tại Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ tạo ra "Vạn lý trường thành tự cô lập mình" khi tiếp tục các hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông.
Ông Carter khẳng định: "Các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang cô lập họ, vào đúng lúc toàn khu vực đang xích lại gần nhau". Ông cũng cảnh báo "nếu các hành động này tiếp diễn, kết quả là Trung Quốc tự xây một bức Vạn lý trường thành cô lập mình".
Trung Quốc đưa ra yêu sách "đường 9 đoạn" (hay còn gọi là đường lưỡi bò) phi lý, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, khiến các nước láng giềng Đông Nam Á phẫn nộ, đồng thời đặt họ đối đầu với Mỹ vì yêu sách này gây ảnh hưởng tới hoạt động đi lại vô hại tại vùng biển quốc tế theo quy định của Công ước luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982. Washington đã điều tàu tuần tra tới các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng ủng hộ duy trì tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Liên quan đến bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, Bộ trưởng Carter hối thúc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông để không làm phương hại tới tình hình an ninh khu vực.
Trước đó, truyền thông Hong Kong (Trung Quốc) đưa tin Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng một tiền đồn tại bãi cạn Scarborough, nằm cách bờ biển Philipines 230km, nơi Manila khẳng định nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ông Carter bày tỏ "hy vọng diễn biến này sẽ không xảy ra vì nó sẽ dẫn tới việc Mỹ và các nước khác phải hành động, không chỉ dẫn tới hậu quả là làm leo thang căng thẳng mà còn làm Trung Quốc bị cô lập thêm".
Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Carter cho rằng chìa khóa của an ninh khu vực là tăng cường hợp tác quân sự trên toàn khu vực và tuân thủ các "nguyên tắc cốt lõi" như giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp pháp lý và phát triển một "mạng lưới an ninh có nguyên tắc". Ông nhấn mạnh: "Chỉ khi mọi người chơi theo cùng một luật, chúng ta mới có thể tránh phạm sai lầm trong quá khứ".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng hưởng lợi từ các quan hệ quốc phòng tốt đẹp hơn, dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau và tránh nguy cơ xảy ra sự cố. Ông cho biết "Mỹ mong muốn mở rộng các thỏa thuận giữa hai quân đội với Trung Quốc không chỉ nhằm giảm nguy cơ mà còn tăng cường hợp tác thiết thực".
Đối thoại Shangri-La là diễn đàn then chốt để thảo luận và phân tích về các mối quan ngại an ninh và quốc phòng, trong khu vực và xa hơn nữa. Hơn 600 đại biểu đại diện cho các nước ASEAN, châu Á, châu Âu và Mỹ dự hội nghị an ninh cấp cao ở Singapore. Hơn 30 quốc gia đã cử phái đoàn tham dự, trong đó có ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng.
Nhật Bản cam kết giúp Đông Nam Á đối phó với các hành động nguy hiểm ở Biển Đông
Nhật Bản sẽ trợ giúp các quốc gia Đông Nam Á xây dựng năng lực an ninh để đối phó với các hành động đơn phương, nguy hiểm và ép buộc ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 4/6 tuyên bố, trong một bình luận rõ ràng nhằm vào Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 4/6 (Ảnh: Reuters)
“Ở Biển Đông, chúng ta đã chứng kiến hoạt động cải tạo đất nhanh và quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và dùng chúng cho mục đích quân sự”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 4/6, dù không nhắc đích danh Trung Quốc. “Không nước nào có thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề này”, ông nhấn mạnh.
Tokyo lo ngại rằng việc Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, nơi 5.000 tỷ USD thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm, có thể đe dọa an ninh quốc gia của Nhật Bản và đưa Bắc Kinh tiến gần hơn 1 bước trong việc mở rộng ảnh hưởng sang Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc đơn phương tuên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, một vùng biển với các hàng trăm hòn đảo nhỏ và bãi đá ngầm, và ngang ngược nói rằng nước này có quyền xây “các cơ sở phòng vệ” trên lãnh thổ tự nhận là của mình.
Trợ giúp các quốc gia Đông Nam Á
Để trợ giúp Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh, Nhật Bản đã trợ giúp các nước này cải thiện khả năng trinh sát, tiến hành các cuộc tập trận chung và hợp tác trong việc phát triển các thiết bị mới, Bộ trưởng Nakatani cho biết.
“Tôi cho rằng điều quan trọng là cần cải thiện khả năng của các quốc gia trong vùng... bằng cách kết hợp huấn luyện chung, trợ giúp xây dựng năng lực và hợp tác công nghệt, thiết bị quốc phòng”, ông Nakatani nói.
Hồi tháng 5, Nhật Bản đã công bố viện trợ quân sự nước ngoài trực tiếp đầu tiên, với thỏa thuận cho Philippines thuê 5 máy bay TC-90 King Air để sử dụng làm máy bay tuần tra. Manila cũng muốn dùng các máy bay tuần tra Lockheed Martin P3-C của Nhật đã qua sử dụng để theo dõi các tàu ngầm gần vùng biển nước này.
Nhật Bản cũng đang muốn tăng cường quan hệ quân sự với Indonesia, Việt Nam và các quốc gia khác quanh Biển Đông.
Máy bay Trung Quốc "hành động nguy hiểm"
Trong bài phát biểu hôm nay tại Singapore, ông Nakatani cũng miêu tả việc Trung Quốc chặn máy bay do thám quân sự của Mỹ gần đây là “đặc biệt nguy hiểm”. Ông đã tái khẳng định sự ủng hộ của Nhật Bản đối với các nỗ lực của Washington nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách đưa các tàu quân sự tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép.
Hồi tháng trước, 2 máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã áp sát máy bay EP-2 của Mỹ ở khoảng cách chỉ 15 mét gần đảo Hải Nam.
Tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài
Bộ trưởng Nakatani hôm nay còn kêu gọi tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tuân thủ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.
“Mọi phán quyết hay quyết định do các tòa án liên quan đưa ra phải được tất cả các bên tuân thủ đầy đủ theo luật pháp quốc tế liên quan”, ông nói.
Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố rằng Tòa Trọng tài không có quyền đưa ra phán quyết về các tranh lãnh thổ ở Biển Đông và nói sẽ không tuân thủ bất kỳ phán quyết nào.
Đối thoại Shangri-La, nơi quy tụ giới chức quốc phòng hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lần thứ 15 sẽ tiếp tục trong 2 ngày họp hôm nay và ngày mai.
Dân và cảnh sát đụng độ, 24 người chết ở Ấn Độ
Cuộc đụng độ mới đây giữa cảnh sát và những người chiếm giữ trái phép một khu đất công ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Trong số những người thiệt mạng có 2 cảnh sát.
Theo giới chức địa phương, đụng độ bùng phát từ hôm 2/6 khi cảnh sát tiến hành di dời khoảng 3.000 người ra khỏi khu đất của công viên Jawahar Bagh của thành phố Mathura, cách thủ đô New Delhi 140 km về phía Đông Nam, theo lệnh của tòa án. Những người này bị cáo buộc sinh sống trái phép trong công viên từ năm 2014.
Chiếm đóng đất công bất hợp pháp là hiện tượng phổ biến ở các thành phố Ấn Độ, nơi những người dân nghèo thường không có nơi an cư. Thông thường, nhà chức trách để cho những người lấn chiếm ở lại các khu vực đó vì họ được hậu thuẫn bởi những người có quyền lực, nhiều mối quan hệ và sẽ bỏ phiếu bầu cho các chính trị gia nhằm đổi lấy việc để yên cho những người lấn chiếm.
Lửa cháy gần khu vực xảy ra xung đột giữa cảnh sát và người chiếm đóng bất hợp pháp hôm 3/6. Ảnh: PTI
Ông Debashish Panda, quan chức bang Uttar Pradesh cho biết những người chiếm đóng bất hợp pháp đã nổ súng tấn công cảnh sát. Ban đầu cảnh sát chỉ dùng hơi cay và đạn cao su để khống chế nhưng sau khi 2 cảnh sát thiệt mạng thì phía cảnh sát cũng đã nổ súng đáp trả.
Một số quan chức địa phương khác nói rằng họ không rõ những người lấn chiếm chống cảnh sát đã thiệt mạng ra sao, song theo báo chí địa phương, ít nhất 11 người đã thiệt mạng trong một vụ cháy lớn khi diễn ra xung đột.
Cảnh sát trưởng bang Uttar Pradesh, ông Javeed Ahmed cho hay: “Họ bắn vào chúng tôi từ trên những ngọn cây, những người khác thì ném đá hay tấn công chúng tôi bằng gậy và đủ thứ vũ khí khác. Hai người của chúng tôi bị thương nặng và đã qua đời ở bệnh viện. Không lâu sau đó chúng tôi được yểm trợ và phản công, nhờ vậy đã giải tán được khu vực này”.
Giới chức địa phương tin rằng những người trên là thành viên của giáo phái Azad Bharat Vidhik Vaicharik, được truyền thông mô tả là một nhóm đang có những đòi hỏi như xóa bỏ chức vị Thủ tướng Ấn Độ, thay đổi đồng tiền chính thức và nhiên liệu giá rẻ. Ông Pradeep Bhatnagar, một quan chức địa phương, cho biết: “Lý tưởng của họ khá giống với nhóm Naxalites” đang tiến hành cuộc nổi dậy ở một số vùng miền Đông và Trung Ấn Độ trong suốt 4 thập kỷ qua.
Cảnh sát trưởng Ahmed cho biết những người chiếm đóng đã tự châm lửa đốt lều của mình trước khi bỏ đi sau cuộc đụng độ. Cảnh sát sau đó lục soát đã phát hiện những nhà hoạt động của nhóm này tàng trữ súng, lựu đạn và nhiều vũ khí khác.
Hàng trăm người đã bị cảnh sát bắt giữ do liên quan đến vụ bạo lực trên, trong đó 124 người đã bị buộc tội nổi loạn và giết người. “Chúng tôi đã xác định 4 thủ lĩnh của nhóm bất hợp pháp này. Chúng tôi đang truy lùng và sẽ sớm bắt giữ họ” - ông Amed tuyên bố.
Trung Quốc kêu gọi Nhật không cường điệu hóa vấn đề Biển Đông
Ngày 4/6, Đô đốc Tôn Kiến Quốc đã hối thúc Nhật Bản tôn trọng những lợi ích và quan ngại lớn của Trung Quốc và không can thiệp hoặc cường điệu hóa vấn đề Biển Đông.
Kêu gọi trên được ông Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đưa ra trong cuộc gặp Thứ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toru Mimura bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Tại đây, ông Tôn Kiến Quốc đã tái khẳng định lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Nhật Bản thận trọng và có những hành động rõ ràng nhằm cải thiện quan hệ song phương. Ông cho biết Trung Quốc coi trọng các quan hệ với Nhật Bản và mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại và liên lạc nhằm quản lý và khắc phục các bất đồng.
Về phần mình, Thứ trưởng Toru Mimura cho rằng quan hệ Nhật - Trung là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất đối với Nhật Bản. Ông nhấn mạnh đối thoại và liên lạc giữa hai nước sẽ giúp thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và cải thiện quan hệ song phương cũng như duy trì hòa bình, thịnh vượng khu vực và quốc tế.