Ban trọng tài xét xử vụ kiện Biển Đông gồm các thẩm phán, chuyên gia về luật biển và luật quốc tế, trong đó có 4 người châu Âu và một người Ghana.
5 câu hỏi về tòa xử vụ kiện 'đường lưỡi bò'
- Cập nhật : 11/07/2016
Tòa Trọng tài Thường trực là tòa trọng tài lâu đời nhất trên thế giới. Tòa đang xem xét 116 vụ kiện, trong đó có vụ kiện của Philippines đối với "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông.
Philippines năm 2013 đệ đơn kiện Trung Quốc về yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương đưa ra nhằm đòi chủ quyền với Biển Đông lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan. Manila cho rằng yêu sách của Bắc Kinh là vô giá trị và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Dưới đây là 5 câu hỏi ngắn về tòa án ít được biết tới này, theo AFP.
PCA là gì?
PCA là tổ chức liên chính phủ lâu đời nhất được thiết lập để giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua tòa trọng tài "và những biện pháp hòa bình khác".
PCA ra đời năm 1899 trong Hội nghị Hòa bình Hague đầu tiên do Sa hoàng Nga Nicholas II triệu tập. Tòa dựa vào các hợp đồng, thỏa thuận đặc biệt và nhiều hiệp ước khác nhau, như những hiệp ước do Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), để giải quyết tranh chấp.
Tòa còn có sự hiện diện thường trực tại quốc gia Đông Phi Mauritius và có thể tổ chức điều trần khắp thế giới.
Những vụ kiện tại PCA?
Tòa trọng tài thuộc PCA đã ra hơn 70 phán quyết trong quá khứ và đang xem xét 116 vụ kiện. Những vụ mới kết thúc bao gồm tranh chấp biên giới giữa Eritrea và Ethiopia, ra phán quyết có lợi cho Mauritius trong vụ kiện với Anh liên quan đến khu vực bảo vệ sinh vật biển ở Quần đảo Chagos
PCA gần đây cho phép Ấn Độ triển khai một dự án thủy điện trên sông Kishenganga trong vụ kiện với Pakistan, quốc gia lo ngại dự án sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng nước ở hạ lưu.
PCA có phải là một "tòa án"?
PCA không phải là một tòa án với các thẩm phán chuyên ra phán quyết. Thay vào đó, nó bao gồm nhiều tòa trọng tài cho từng vụ kiện. Các phiên điều trần đều kín, trừ khi hai bên có tranh chấp chấp nhận công khai.
PCA hoạt động như thế nào?
Khi các biện pháp ngoại giao đều thất bại, hai quốc gia có thể đưa tranh chấp ra tòa trọng tài thông qua PCA.
Các vụ kiện được xử lý dựa trên một thỏa thuận sẵn có, nằm trong một hiệp ước hoặc hợp đồng, rằng nếu có tranh chấp phát sinh thì nó có thể được giải quyết thông qua tòa trọng tài.
Khi quá trình xử lý bắt đầu, một tòa trọng tài sẽ được thiết lập, gồm một, ba hoặc 5 thành viên. Trong vụ kiện "đường lưỡi bò", tòa trọng tài gồm 5 thành viên do thẩm phán Thomas A. Mensah, người Ghana, lựa chọn.
Phán quyết từ tòa trọng tài có ràng buộc?
Tất cả phán quyết đều là ràng buộc với các bên trong tranh chấp và phải được thực thi ngay lập tức.
Các chuyên gia cho rằng quá trình thực thi là "Gót chân Achilles" của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, những quốc gia phớt lờ hoặc coi thường phán quyết từ PCA có nguy cơ mất uy tín và coi như bị đánh bại trong "tòa án dư luận thế giới".
Như Tâm
Theo Vnexpress