tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 10-07-2016

  • Cập nhật : 10/07/2016

Giám đốc NASA tin có người ngoài hành tinh

Người đứng đầu cơ quan không gian Mỹ NASA, Charles Bolden nói rằng ông tin vào sự tồn tại của người ngoài hành tinh, theo tờ báo Anh The Express.

khi nao nhan loai se gap nguoi ngoai hanh tinh. anh minh hoa: sputnik

Khi nào nhân loại sẽ gặp người ngoài hành tinh. Ảnh minh họa: Sputnik

"Tôi đánh giá cao khả năng tồn tại của sự sống trên các hành tinh khác. Tôi thực sự tin rằng một ngày nào đó con người sẽ phát hiện các hình thức hiện chưa rõ của sự sống bên ngoài Trái đất. Điều này sẽ xảy ra nếu không ở trong Hệ mặt trời của chúng ta, thì sẽ ở một trong số hàng tỷ thiên hà trong vũ trụ ", ông Bolden nói.

Ngoài ra, ông cho biết căn cứ quân sự huyền thoại ở Nevada, được gọi là "Vùng 51", không hiện diện người ngoài hành tinh nào và sẽ không bao giờ có.

"Tôi đã ở đó, nó là một căn cứ quân sự bình thường mà tại đó các nghiên cứu khác nhau được tiến hành. Tôi không hề nhận thấy đống đổ nát của phi thuyền không gian hay những gì còn lại của người ngoài hành tinh", người đứng đầu NASA nói.

Trước đây, các nhà khoa học NASA đã thông báo rằng bầu khí quyển của sao Hỏa trong quá khứ chứa "nhiều ôxy"


IS có thể đã thành lập một tiểu đoàn ở Philippines

Những phần tử khủng bố trung thành với IS tại Philippines có thể đã thành lập một tiểu đoàn nhằm duy trì các hoạt động cực đoan trong khu vực.

phien quan abu sayyaf tai philippines de doa hai con tin nguoi nuoc ngoai. anh: ibtimes

Phiến quân Abu Sayyaf tại Philippines đe dọa hai con tin người nước ngoài. Ảnh: IBTimes

New Straits Times hôm nay dẫn lời tiến sỹ Rohan Gunaratna, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu tội phạm chính trị và khủng bố thuộc đại học Nanyang, Singapore cho biết trong một nỗ lực nhằm tăng cường lực lượng, các phần tử khủng bố người Malaysia tại Philippines đã thành lập một tiểu đoàn có tên Katibah Al-Muhajir, nhằm lôi kéo những người ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo tiến sĩ Rohan, tiểu đoàn này được thành lập trong bối cảnh chiến lược tuyển quân từ Đông Nam Á tới Trung Đông của IS gặp nhiều khó khăn. Trong một đoạn video tuyên truyền được đăng tải hồi tháng 6, IS đã kêu gọi những người ủng hộ tổ chức này không cần phải đến Syria và Iraq nếu việc này gặp bất lợi, thay vào đó hãy đến Philippines.

Theo các thông tin tình báo, đến nay tiểu đoàn này đã tuyển mộ được khoảng 10 người Malaysia. Sở chỉ huy của tiểu đoàn đặt tại Basilan, một tỉnh đảo của Philippines trong khu vực tự trị Mindanao, nơi có người Hồi giáo chiếm đa số.

Bán đảo Sulu thuộc Mindanao, thành trì của phiến quân Philippines, đã được IS lựa chọn là "vùng đất của vương triều Hồi giáo". Các phiến quân và phần tử cực đoan Đông Nam Á đang có xu hướng đến Philippines thay vì tới Syria và Iraq.

"Philippines là địa bàn quan trọng có thể dễ dàng đến các nước khác như Indonesia, Malaysia, Singapore, vì miền nam Philippines nằm ở trung tâm khu vực", tiến sỹ Gunaratna khẳng định.

Cảnh sát Malaysia, đặc biệt là lực lượng cảnh sát chống khủng bố SB-CTD, đang xác minh những thông tin do tiến sỹ Gunaratna tiết lộ.


Kalashnikov cung cấp tàu đổ bộ và tấn công cho Bộ Quốc phòng Nga

Tập đoàn “Kalashnikov” nằm trong Liên hiệp tập đoàn Nhà nước “Rostec” đã xúc tiến cung cấp lô hàng đầu tiên gốm các tàu đổ bộ BK-16 và tàu tấn công BK-10 phục vụ cho lực lượng đặc nhiệm thuộc Bộ Quốc phòng Nga, - như thông báo mới đây của bộ phận báo chí thuộc tập đoàn.

 
tau do bo bk-16. anh: sputnik

Tàu đổ bộ BK-16. Ảnh: Sputnik

 

"…Đây là nhóm tàu chiến đấu duy nhất được thiết kế theo sáng kiến ​​riêng của tập đoàn phối hợp với các chuyên gia từ cơ cấu công lực LB Nga và bao gồm những phương tiện vận chuyển-đổ bộ mới nhất như tàu BK-16 và tàu tấn công BK-10", — thông cáo cho biết.

Khả năng phát triển tốc độ đạt tới 40 hải lý và tầm bơi xa đảm bảo không dưới 400 dặm cho phép tàu thực hiện những nhiệm vụ đa dạng khác nhau.

"Trong năm 2015, tàu đã vượt qua thành công các bài kiểm nghiệm và đã được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga. Với những đặc tính kỹ thuật và trang bị của nó, các con tàu của chúng tôi không  hề thua kém các mẫu tương tự nước ngoài, đồng thời lại có ưu điểm vượt trội về mức giá", Tổng Giám đốc tập đoàn, ông Alexey Krivoruchko nhấn mạnh.


Bố trí đánh chặn tên lửa từ Hàn Quốc

Nga tuyên bố có thể triển khai hệ thống tên lửa để trả đũa Mỹ và Hàn Quốc.

11 giờ ngày 8-7 (giờ địa phương) tại Seoul, quân đội Hàn Quốc và Mỹ cùng thông báo đã chính thức triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mang tên “Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối” (THAAD) tại Hàn Quốc.

Hệ thống này bao gồm một dàn phóng do Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc quản lý.

Hai bên bắt đầu đàm phán về hệ thống này từ ngày 7-2. Hệ thống có chức năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung vào giai đoạn cuối.

Thông báo khẳng định mục đích triển khai nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo từ CHDCND Triều Tiên.

Ông Yoo Jeh-seung, Giám đốc Văn phòng Các chính sách thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, giải thích hai nước đang cố gắng thông báo địa điểm triển khai hệ thống trong những tuần tới sau khi nhóm công tác hỗn hợp Mỹ-Hàn kết thúc nghiên cứu về vấn đề này.

Hệ thống đánh chặn tên lửa ở giai đoạn cuối. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Ông cho biết: “Chúng tôi dự kiến hệ thống THAAD sẽ đi vào hoạt động trễ nhất vào cuối năm 2017 và chúng tôi cố gắng rút ngắn thời gian chuẩn bị”.

Nhóm công tác hỗn hợp Mỹ-Hàn đã xác định yếu tố quân sự của hệ thống, giờ chỉ còn xác định vị trí triển khai bảo đảm hoạt động tác chiến tốt, bảo vệ môi trường, sức khỏe và an ninh.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho rằng hệ thống sẽ được bố trí ở khu vực miền Trung hoặc tỉnh Gyeonggi.

Về phía Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, tướng Thomas Vandal tuyên bố: “Triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc là quyết định then chốt để cải thiện năng lực phòng thủ của các đồng minh đối với tên lửa Triều Tiên”.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố: “Các vụ thử hạt nhân, bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa đã đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Hàn Quốc”.

Đảng Saenuri cầm quyền thông báo khen ngợi quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa. Dù vậy, các đảng đối lập lại khẳng định triển khai hệ thống này sẽ làm gia tăng căng thẳng liên Triều.

Đảng Minjoo (đảng đối lập chính) cho rằng nhân dân và các đảng đối lập thảo luận chưa cặn kẽ về hệ thống này và có thể dẫn đến nguy cơ xung đột ngoại giao với Nga và Trung Quốc.

Đảng này cho rằng Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc.

Đảng Nhân dân phản đối: “Chính phủ phải chọn giữa bỏ hệ thống THAAD để Trung Quốc gây sức ép với Bình Nhưỡng hoặc tạo cớ để Triều Tiên tấn công Hàn Quốc”.

Hàn Quốc và Mỹ nhấn mạnh hai nước chỉ sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc vào mục tiêu duy nhất là đối phó với đe dọa từ Triều Tiên và không nhắm vào bên thứ ba nào.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ làm phương hại đến tình hình cân bằng khu vực”.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng bất luận vì lý do gì, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc cũng có tác động tiêu cực đến tình hình ổn định thế giới, đe dọa làm gia tăng căng thẳng và tạo ra các vấn đề mới ở bán đảo Triều Tiên.

Ủy ban Quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga thông báo Nga có thể triển khai hệ thống tên lửa ở phía đông để trả đũa.


Cam kết chi 1 tỷ USD/năm hỗ trợ quân đội Afghanistan

Ngày 9/7, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết các nước đồng minh NATO đã cam kết với Mỹ rằng họ sẽ chi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm trong vòng 3 năm tới để hỗ trợ cho quân đội Afghanistan.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Phát biểu tại cuộc họp báo trong ngày thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Ba Lan, ông Stoltenberg nói: "Chúng tôi đã sẵn sàng chi 1 tỷ USD, ngoài những cam kết của Mỹ".

Về sứ mệnh của NATO huấn luyện các lực lượng vũ trang Afghanistan, Tổng Thư ký Stoltenberg nêu rõ NATO "sẵn sàng ở lạ sau năm 2016". Dự kiến sứ mệnh này sẽ tiếp tục trong năm 2017 với 12.000 binh sĩ NATO và Mỹ.

Về mối quan hệ với Nga, khi được hỏi nội dung thảo luận giữa 28 nhà lãnh đạo NATO tại Hội nghị thượng đỉnh, ông Stoltenberg cho biết các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí duy trì một chính sách thống nhất đối với Nga là răn đe và đối thoại. Ông Stoltenberg nói: "Thông điệp chính là liên minh (NATO) đoàn kết, sát cánh bên nhau".

Ông Stoltenberg cũng khẳng định hiện NATO "không thấy có bất kỳ mối đe dọa trước mắt nào nhằm vào bất cứ đồng minh nào" trong liên minh quân sự này. Ông nhấn mạnh "Nga không phải là một đối tác chiến lược của NATO, nhưng hai bên cũng không ở trong tình trạng Chiến tranh Lạnh".


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục