IS mất 12% lãnh thổ trong nửa đầu năm 2016
Tổng thống Venezuela thay Tư lệnh Hải quân và Phòng vệ
Con trai Osama bin Laden thề trả thù nước Mỹ
Tân tổng thống Philippines đi máy bay dân dụng, ngồi ghế phổ thông
Nhà bình luận chính trị Campuchia bị bắn chết khi đang uống cà phê
Tin thế giới đọc nhanh 10-07-2016
- Cập nhật : 10/07/2016
Anh bác kiến nghị đòi trưng cầu lại Brexit
Chính phủ Anh cho biết sẽ không có cuộc trưng cầu lần hai về việc nước này rời khỏi EU, dù có hơn 4 triệu người muốn bỏ phiếu lại.
"Thủ tướng và Chính phủ đã nói rõ rằng chỉ có một cuộc trưng cầu chung và như thủ tướng đã nói, quyết định cần được tôn trọng", Reuters hôm nay dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh (FO) cho biết.
FO, cơ quan giúp Đạo luật trưng cầu dân ý được thông qua, nhấn mạnh việc cần làm lúc này là "phải chuẩn bị cho quá trình rời khỏi EU và chính phủ cam kết bảo đảm kết quả tốt nhất có thể cho người dân trong các cuộc đàm phán".
Trên internet, khoảng 4,1 triệu người Anh đã ký vào đơn kêu gọi thực hiện cuộc trưng cầu lần hai về việc Anh rời EU.
Trong cuộc trưng cầu hôm 23/6, tỷ lệ ủng hộ "Anh rời EU" lớn hơn tỷ lệ người ủng hộ Anh ở lại là 52% so với 48%, tương ứng 17,4 triệu người và 16,1 triệu người.
Cả hai ứng viên đang được xem xét thay thế chức thủ tướng của ông David Cameron đều cho rằng kết quả trưng cầu đầu tiên không nên bị nghi vấn và Brexit cần được thực hiện.
"Brexit có nghĩa là Brexit", bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ, nói.
Ứng viên này là người từng ủng hộ Anh ở lại EU nhưng không phải là người đứng đầu chiến dịch "Ở lại".
Đối thủ của bà May là Andrea Leadsom, Bộ trưởng Năng lượng, một trong những người ủng hộ Brexit, cho rằng Anh sẽ phát triển thịnh vượng khi không còn là thành viên của EU.
Mỹ yêu cầu các nước cắt giảm lao động Triều Tiên
Vương Nghị "bật lại" Tổng thư ký LHQ về giải pháp Biển Đông
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các bên tránh bất kỳ leo thang hiểu lầm có thể khiến an ninh và phát triển trong khu vực bị nguy hiểm. Song Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng chính Philippines mới là bên làm leo thang tranh chấp và căng thẳng.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ở thăm Bắc Kinh ngày 7.7, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng, tất cả các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần giải quyết khác biệt của họ một cách hòa bình, "tránh bất kỳ leo thang hiểu lầm có thể khiến an ninh và phát triển trong khu vực bị nguy hiểm".
Đáp lại, ông Vương nói chính phủ Trung Quốc cũng muốn "giải pháp hòa bình", nhưng lên án "các nỗ lực từ chối đối thoại, hoặc đơn phương viện đến trọng tài mà không có sự nhất trí của bên kia.
"Cách tiếp cận này không giúp đem lại giải pháp hòa bình cho tranh chấp, mà ngược lại chỉ làm leo thang tranh chấp và căng thẳng" - Vương Nghị nói.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 6.7, ông Vương Nghị "thúc giục Mỹ tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền, thận trọng với những lời nói và hành động, không có bất kỳ hành động nào xâm phạm chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc" - Tân Hoa xã viết.
Ông Vương Nghị nói rằng, bất kể phán quyết của Tòa thế nào, "Trung Quốc sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải hợp pháp, đồng thời bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định".(LĐ)
Mỹ hy vọng Trung Quốc tiếp tục hợp tác trong vấn đề Triều Tiên
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 7/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trong việc trừng phạt Triều Tiên.
Tuyên bố của ông Kerry được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh chỉ trích các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.
Phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm thủ đô Kiev của Ukraine, khi được hỏi về việc liệu các biện pháp trừng phạt có hiệu quả hay không khi không có sự giúp đỡ của Trung Quốc, ông Kerry cho biết đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 6/7 về việc hợp tác trong vấn đề Triều Tiên.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định: "Sự can dự của Trung Quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác như trong những tháng vừa qua, đặc biệt với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà chúng tôi đã thông qua, trong đó Trung Quốc đã ủng hộ và gia tăng đáng kể các hành động của mình nhằm vào Triều Tiên."
Ngoại trưởng Kerry cũng nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng quay lại bàn đàm phán với Triều Tiên nhằm thuyết phục quốc gia Đông Bắc Á này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố phản đối việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương sau khi Mỹ lần đầu tiên công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào ông Kim Jong-Un.
Iraq giành căn cứ lớn từ IS, tiến đến giải phóng Mosul
Thủ tướng Iraq tuyên bố quân đội chính phủ đã giành được căn cứ không quân quan trọng ở phía bắc, một bước đi quan trọng để đẩy phiến quân ra khỏi Mosul.
Ông Haider al-Abadi hôm nay cho biết chiến thắng tại căn cứ không quân ở thị trấn Qayara là một bước đi quan trọng trong chiến dịch truy đuổi IS ra khỏi Mosul được chờ đợi từ lâu, AP đưa tin.
Thủ tướng Iraq cũng kêu gọi người dân trong thành phố "sẵn sàng giải phóng các khu vực của mình".
Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq, nằm cách thủ đô Baghdad khoảng 360 km về phía tây bắc. Thành phố này bị IS kiểm soát hồi năm 2014, sau khi chúng chiếm giữ nhiều phần ở bắc và tây Iraq. Hồi tháng ba năm nay, quân đội chính phủ Iraq đã mở chiến dịch nhằm truy đuổi IS khỏi các khu vực ở nam và đông nam Mosul và dần cắt các nguồn cung vào thành phố.
Tuy nhiên giới quan sát cho rằng việc giành lại Mosul không diễn ra sớm, mặc dù Iraq có liên quân do Mỹ dẫn đầu hỗ trợ bằng các cuộc không kích và cả lực lượng theo dòng Shiite ủng hộ.
Quân đội Iraq tháng trước đã đẩy lui IS ra khỏi Fallujah, sau khi phiến quân kiểm soát thành phố hơn hai năm qua. IS vẫn đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq ở phía bắc và tây.