Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia giàu có nhất với thị trường tiêu dùng đầy sức hấp dẫn với hàng triệu triệu phú đang muốn xài tiền để hưởng thụ thay cho việc chắt chiu, dành dụm.
Trung Quốc lấy Biển Đông làm xuất phát điểm đường kinh tế trên biển
- Cập nhật : 21/06/2017
Đề xuất 3 tuyến đường kinh tế trên biển, chính quyền Bắc Kinh đã lấy Biển Đông làm xuất phát điểm của 2 trong số này. Tham vọng mới của Trung Quốc là gì?
Sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc gồm "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa" (trên bộ, phía trên) và "Con đường tơ lụa trên biển" (phía dưới) - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Ngày 20-6, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc và Cục Hải sự Trung Quốc đã công bố "Tầm nhìn hợp tác trên biển trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai, Con đường" (BRI) tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Toàn văn tầm nhìn dài gần 10 trang nhưng chỉ nhắc đến 3 tuyến đường kinh tế biển xanh trong một đoạn ngắn. Phần còn lại nhắc đến những lợi ích của các quốc gia nằm trong 3 tuyến kinh tế, những cam kết của Trung Quốc và ưu tiên hợp tác.
Ba tuyến này là: tuyến Trung Quốc-Ấn Độ Dương-Châu Phi-Địa Trung Hải; tuyến Trung Quốc-Châu Đại Dương-Nam Thái Bình Dương và một tuyến kết nối với châu Âu thông qua Bắc Băng Dương.
Đáng chú ý, ngoại trừ tuyến Bắc Băng Dương, hai tuyến còn lại đều lấy Biển Đông làm xuất phát điểm. Trong đó, tham vọng nhất là tuyến số 1, đây cũng là tuyến đã được Bắc Kinh tích cực thúc đẩy trong suốt thời gian qua.
"Hợp tác trên biển sẽ tập trung vào việc xây dựng tuyến đường kinh tế biển xanh Trung Quốc-Ấn Độ Dương-Châu Phi-Địa Trung Hải, bằng cách kết nối Hành lang kinh tế bán đảo Trung Ấn (bao gồm Việt Nam - PV), chạy dọc Biển Đông rồi hướng sang phía tây, kết nối Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar", tuyên bố về tầm nhìn nêu rõ.
Cũng trong tuyên bố, Trung Quốc đã nêu ra 5 ưu tiên trong hợp tác với các quốc gia chạy dọc sáng kiến "Vành đai, Con đường" bao gồm: phát triển xanh, thịnh vượng từ biển, an ninh hàng hải, tăng trưởng sáng tạo và quản trị chung.
Trong đó, 3 ưu tiên đầu Bắc Kinh tỏ ra là một quốc gia có trách nhiệm khi kêu gọi hợp tác vì sự phát triển và lợi ích chung của các nước.
Cảng nước sâu Gwadar mà Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Pakistan rơi vào cảnh ế ẩm sau hàng tỉ USD đầu tư nhưng đã đi đúng hướng mà Bắc Kinh mong muốn: trở thành nơi đồn trú của tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Ảnh: Reuters
Đáng chú ý trong ưu tiên lấy lợi ích từ biển, Trung Quốc có đề cập tới việc tăng cường kết nối hàng hải thông qua một loạt các cảng biển của những quốc gia nằm trong BRI, "hướng tới một liên minh những cảng biển".
"Các công ty Trung Quốc sẽ được hướng dẫn tham gia vào việc xây dựng và vận hành các cảng. Những dự án xây dựng các tuyến cáp ngầm sẽ được thúc đẩy để tăng cường kết nối với thế giới", bản tuyên bố nêu rõ.
Một loạt các dự án đang được triển khai theo sáng kiến BRI đã được nêu ra trong tuyên bố như Khu kinh tế ven biển Malacca của Malaysia, cảng nước sâu Gwadar tại Pakistan, liên hợp dự án cảng biển - khu công nghiệp - thành phố Kyaukpyu ở Myanmar, cảng Colombo và giai đoạn 2 cảng Hambantota ở Sri Lanka, tuyến đường sắt kết nối Ethiopia và Djibouti,...
"Chúng tôi tôn trọng mức độ sẵn lòng của các quốc gia ven BRI, xem xét lợi ích của tất cả các bên (...) Chúng ta sẽ cùng nhau hoạch định, cùng nhau phát triển, cùng nhau chia sẻ trái ngọt từ việc hợp tác. Cùng nhau, chúng ta sẽ giúp các quốc gia đang phát triển đẩy lùi đói nghèo, thúc đẩy một cộng đồng cùng chia sẻ lợi ích", tuyên bố kêu gọi.
Giới quan sát nhận định, sau hàng năm trời quyết liệt thúc đẩy, cùng với việc tổ chức thành công thượng đỉnh BRI ở Bắc Kinh, Trung Quốc đang tiến thêm một bước nữa tới việc hiện thực hóa những cam kết, trấn an những quốc gia còn nghi ngại và lôi kéo những nước đang phân vân.
BẢO DUY
Theo Tuoitre.vn