Ấn Độ và Nhật Bản cam kết đồng lòng về biển Đông
41 dân thường thiệt mạng vì không kích của Nga tại Aleppo
Taliban táo tợn đánh khu ngoại giao đoàn ở Kabul
Thủ lĩnh tối cao IS đến Libya
Nga bắn cảnh cáo tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ
Tin thế giới đọc nhanh sáng 09-07-2016
- Cập nhật : 09/07/2016
Hàn-Mỹ triển khai lá chắn tên lửa, Trung Quốc ‘nổi đóa’
Yonhap đưa tin, quyết định trên được đưa ra sau năm tháng thương thảo giữa Seoul và Washington về khả năng triển khai hệ thống tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc nhằm nâng cao khả năng phòng vệ của liên minh trước đe dọa tên lửa và hạt nhân đang gia tăng của Triều Tiên.
Liên minh Mỹ-Hàn đã bắt đầu quá trình thảo luận ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa hồi đầu tháng 2.
“Hàn Quốc và Mỹ đưa ra quyết định nhất trí về triển khai hệ thống THAAD được xem là một hành động phòng vệ nhằm đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc và nhân dân chúng tôi trước vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.
Bộ còn cho biết thêm việc triển khai THAAD nhằm bảo vệ năng lực quân sự của liên minh gồm hai nước Mỹ-Hàn.
Bộ nói Hàn Quốc và Mỹ đang làm việc chặt chẽ với nhau để hệ thống THAAD được triển khai càng sớm càng tốt. Nhóm làm việc chung của liên minh hiện đang trong giai đoạn cuối của việc đề xuất địa điểm để triển khai hệ thống THAAD.
“Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt quá trình triển khai lá chắn tên lửa THAAD” – tuyên bố Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết, đồng thời nói rằng hệ thống này sẽ không hỗ trợ việc “giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.(PLO)
Báo Trung Quốc tuyên bố sẽ không lùi bước ở Biển Đông
Global Times hôm nay đăng bài xã luận tuyên bố Trung Quốc sẽ không lùi bước ở Biển Đông và sẽ giáng trả nếu bị tấn công.
Global Times, ấn phẩm phụ của tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay đăng bài viết tuyên bố sẽ không lùi bước nếu gặp phải "khiêu khích trắng trợn" từ phía Mỹ và Philippines.
Báo Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ "giáng trả" nếu Philippines tiếp tục leo thang căng thẳng. "Bãi cạn Scarborough có thể sẽ được biến thành tiền đồn quân sự. Trung Quốc cũng có thể đánh chìm, kéo đi chiếc tàu đổ bộ cũ mà Philippines đang dùng làm căn cứ tại Bãi Cỏ Mây", Global Times viết. Bãi cạn Scarborough ở gần Philippines nhưng bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012.
Tuần qua, hải quân Mỹ cho biết ba tàu khu trục Spruance, Stethem và Momsen đã tuần tra gần Scarborough và các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, trong khi cụm tàu sân bay chiến đấu USS Ronald Reagan cũng đang có mặt ở Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng đây là thông điệp thể hiện quyết tâm duy trì tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông được Washington gửi tới Bắc Kinh và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Trong bối cảnh Tòa trọng tài chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 12/7, Trung Quốc đang ráo riết thực hiện các hoạt động lôi kéo, vận động dư luận quốc tế, đồng thời tổ chức tập trận trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông.
Tờ China Daily của Trung Quốc cũng kêu gọi nước này "chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống" bởi phán quyết của tòa là "mối đe dọa ngày càng tăng" với Bắc Kinh.
Trước đó, Global Times từng có bài viết kêu gọi Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh ở Biển Đông. "Mặc dù Trung Quốc không thể theo kịp Mỹ về sức mạnh quân sự trong tương lai ngắn hạn, Trung Quốc cần có khả năng để buộc Mỹ trả giá", tờ báo viết. Hôm 5/7, Trung Quốc đã phải đính chính thông tin này, khẳng định Bắc Kinh "luôn vì hòa bình" trong vấn đề Biển Đông.
Nga, Trung Quốc phản đối lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc
Mỹ - Hàn Quốc hôm 8-7 quyết định sẽ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Seoul để chống lại mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Theo tiết lộ của một quan chức quốc phòng Hàn Quốc, việc lựa chọn vị trí đặt THAAD được thực hiện trong vài tuần tới và hệ thống tên lửa trị giá 800 triệu USD này dự kiến hoạt động vào cuối năm 2017. Để xoa dịu những tiếng nói phản đối, tuyên bố chung của 2 Bộ Quốc phòng Mỹ - Hàn nhấn mạnh THAAD chỉ tập trung phòng vệ trước các mối đe dọa hạt nhân, tên lửa từ Triều Tiên chứ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác.
Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Yoo Jeh-seung (phải) bắt tay với Tham mưu trưởng các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Trung tướng Thomas Vandal, sau cuộc họp báo về triển khai THAAD ngày 8-7 Ảnh: REUTERS
Trung Quốc dù ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mới nhất của Liên Hiệp Quốc nhưng lại phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, lấy lý do hệ thống sẽ phá hoại sự cân bằng an ninh trong khu vực mà vẫn không đạt được mục tiêu chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, lý do thật sự là Bắc Kinh lo ngại radar của THAAD có thể theo dõi khả năng quân sự của mình. “Trung Quốc biết rõ THAAD ở Hàn Quốc không nhằm vào họ. Chỉ là Bắc Kinh không thích hệ thống vũ khí Mỹ được đưa đến quá gần nước này” - ông Yoo Dong-ryol, Viện trưởng Viện Dân chủ Tự do Triều Tiên (Hàn Quốc), giải thích.
Cùng quan điểm với Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định chiến lược toàn cầu. Nga - Trung đặc biệt lo ngại cán cân sức mạnh ở Thái Bình Dương sẽ nghiêng về Mỹ sau bước đi này.
Cũng trong ngày 8-7, Bình Nhưỡng chỉ trích việc Mỹ lần đầu tiên đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào danh sách trừng phạt là “lời tuyên chiến” và dọa cắt đứt mọi kênh liên lạc hiện có với Washington nếu lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ. Đáp lại, một quan chức Mỹ cùng ngày cho biết Washington đang yêu cầu các nước khác giảm thuê lao động Triều Tiên để làm suy yếu dòng ngoại tệ của Bình Nhưỡng.
Hải quân Mỹ có thể dùng côn trùng để dò bom
Hải quân Mỹ đang nghiên cứu việc sử dụng côn trùng trong hoạt động dò tìm các loại bom mìn.
Văn phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ mới đây quyết định cấp cho các nhà khoa học thuộc đại học Washington ở St Louis, Missouri 750.000 USD trong vòng ba năm để nghiên cứu huấn luyện châu chấu thực hiện các hoạt động dò tìm bom và các thiết bị nổ khác, theo Defense One.
Theo các chuyên gia Mỹ, dù không có khứu giác nhạy bén như chó nghiệp vụ, hệ thống nơron thần kinh đơn giản của châu chấu có thể giúp các binh sĩ dễ dàng điều khiển và kiểm soát chúng trong các hoạt động dò bom mìn.
Bên cạnh đó, các "chiến sĩ" côn trùng này có thể phát hiện những phản ứng hóa học bất thường tại các khu vực nguy hiểm, như trong các hầm mỏ, và báo về cho người điều khiển đang ở vị trí an toàn từ khoảng cách khá xa.
"Sự nhạy cảm với hoá chất ở loài côn trùng này đặc biệt phát triển. Chúng có thể phát hiện ra mùi mới và định vị nguồn phát chỉ trong vòng vài trăm mili giây", Baranidharan Raman, kỹ sư y sinh, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định.
Ngoài châu chấu, ong cũng là côn trùng từng được các chuyên gia quân sự huấn luyện để thực hiện các hoạt động dò tìm bom, mìn và các thiết bị nổ khác.
Thế giới đang “soi” Bắc Kinh
Các quan chức Mỹ hôm 7-7 kêu gọi sự tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, dự kiến đưa ra 5 ngày sau đó.
Tại một cuộc điều trần trước quốc hội, ông Abraham Denmark, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á, kêu gọi tất cả bên liên quan tránh có hành động, tuyên bố khiêu khích. Mỹ đang hỗ trợ nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề biển Đông bằng cách thể hiện “sự răn đe đáng tin cậy”.
Tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối tàu cá Philippines tại bãi cạn Scarborough vào ngày 12-6-2016 Ảnh: FORBES
Trong khi đó, nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban về các lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, nhấn mạnh thế giới đang theo dõi xem Trung Quốc có hành xử trách nhiệm trong hệ thống quốc tế và Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Bắc Kinh không làm như thế. Cũng tại cuộc điều trần, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Colin Willett, khẳng định Mỹ sẽ không ngần ngại trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và tuân thủ cam kết hiện có với các đồng minh và đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Denmark không cho biết việc Trung Quốc quân sự hóa bãi cạn Scarborough (chiếm của Philippines) có gây hại lợi ích an ninh quốc gia Mỹ hoặc dẫn đến phản ứng quân sự của Washington để bảo vệ đồng minh Manila trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước hay không.
Dù vậy, đây là một trong những vấn đề Mỹ khó có thể lảng tránh bởi Trung Quốc không ít lần bóng gió sẽ xây tiền đồn quân sự trên bãi cạn Scarborough để phản ứng phán quyết của PCA.