Thổ Nhĩ Kỳ: Đuổi việc hơn 400 nhà báo của truyền thông đối lập
Ngoại trưởng Nga nêu những nguy cơ toàn cầu và cách giáng trả
Chính phủ Merkel cho rằng G8 biến mất vĩnh viễn
Đại sứ Ấn tại Hàn Quốc kêu gọi bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông
Nghị sĩ Mỹ đề nghị "đổi" Crimea lấy dỡ bỏ cấm vận Nga
Tin thế giới đọc nhanh trưa 30-04-2016
- Cập nhật : 30/04/2016
Trung Quốc lên kế hoạch hợp tác hàng hải ở Biển Đông
Kế hoạch này sẽ tập trung vào quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tại Đông Á, Xinhua hôm 28/4 dẫn lời Chen Yue, Phó giám đốc bộ phận hợp tác quốc tế của Cục Hải dương Trung Quốc, cho biết. Tuy nhiên, thời gian cụ thể của kế hoạch không được tiết lộ.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ điều tàu khu trục Lan Châu tham gia cuộc tập trận đa quốc gia ở Biển Đông từ 2/5 đến 12/5.
Cuộc tập trận an ninh hàng hải và chống cướp biển có sự tham gia của 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và 6 quốc gia khác. Khu vực biển diễn ra tập trận ở gần Singapore và Brunei.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông và có tuyên bố chồng lấn với 4 trong số 10 nước thành viên của ASEAN, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Hồi tháng hai, ASEAN từng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hoạt động cải tạo đất và những hành động làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông, đe dọa đến hòa bình, an ninh và sự ổn định của khu vực.
Cuối tuần qua, Trung Quốc nói đạt được thỏa thuận với ba nước Brunei, Campuchia và Lào, cho rằng tranh chấp trên Biển Đông "không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN". Tuy nhiên, Campuchia bác bỏ thông tin này, nói rằng "không có thỏa thuận hay các cuộc thảo luận nào".
Ukraine ra lệnh bắt giữ Tư lệnh hạm đội Biển Đen của Nga
Tòa án Kiev đã chấp thuận đề nghị của Công tố viên quân đội Ukraine về việc bắt giữ Đô đốc Aleksandr Vitko, Tư lệnh hạm đội Biển Đen của Nga.
Theo tờ Pravda, trước đó, ngày 22/4, Công tố viên quân đội Ukraine cho biết, họ đã cáo buộc ông Vitko gây ra những tội ác nghiêm trọng đối với Ukraine.
“Ông Vitko đã nhận được cáo buộc chính thức từ phía Công tố viên quân đội Ukraine thông qua một văn bản được hãng vận tải quốc tế DIMEX gửi cho ông tại Sevastopol vào ngày 18/4”, Tổng Công tố Ukraine cho biết.
Do ông Vitko không trình diện theo lệnh triệu tập của Tòa án Kiev, ông đã bị đưa vào danh sách truy nã của Ukraine vào ngày 26/4.
Trong khi đó, người phát ngôn Hạm đội Biển Đen cho biết, ông Vitko không nhận được bất kỳ văn bản hay giấy tờ nào liên quan đến vụ việc nói trên.
Theo tờ Pravda, Đô đốc Vitko bị cáo buộc gây tội ác nghiêm trọng vào khoảng thời gian từ 20/2-21/3/2014 với mục đích thay đổi biên giới của Ukraine. Theo đó, Công tố viên Ukraine cho rằng, ông Vitko là kẻ “đạo diễn và tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine”.
Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng cho rằng, đây là một hành động khiêu khích từ phía Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Đô đốc Vitko đang thực thi nhiệm vụ của mình cùng với hạm đội Biển Đen đồn trú tại Crimea.
Bộ Quốc phòng Nga cũng đã tiến hành một vụ điều tra hình sự liên quan đến hành động mà phía Nga coi là “vi phạm pháp luật” của Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã xét xử Đô đốc Vitko mà không hề tính đến việc ông Vitko là công dân Nga và chịu sự quản lý của Tổng Tư lệnh Quân đội và Bộ Quốc phòng Nga.
Ông Rostislav Ishchenko, Chủ tịch Trung tâm Dự đoán và Phân tích của Nga tuyên bố: “Nếu muốn truy tố một sĩ quan quân đội của nước láng giềng, bạn phải đánh bại nước đó và sau đó bắt giữ ông ta”
Mỹ cảnh báo Trung Quốc mất uy tín nếu phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế
Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague dự kiến trong vài tuần tới ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra, chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Phán quyết này được dự đoán là sẽ có lợi cho Philippines và có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực, bởi vì Trung Quốc, mặc dù đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, cho rằng tòa không có thẩm quyền xử vụ kiện này và từ chối tham gia.
Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm qua nói với hạ viện rằng Trung Quốc "không thể có cả hai", tức là vừa là nước thành viên của Công ước mà lại không tuân theo quy định, trong đó có việc "tuân thủ bất kỳ quyết định nào từ trọng tài quốc tế".
"Trung Quốc cần phải quyết định. Nếu họ định phớt lờ phán quyết, họ có nguy cơ gây tổn hại nặng nề đến uy tín của chính mình, khiến các nước trong khu vực xa lánh và thôi thúc các nước này gần gũi hơn với Mỹ", ông nói.
Washington đã liên tục vận động để thuyết phục các nước đồng ý rằng, phán quyết của tòa trọng tài, dự kiến đến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, phải được tuân thủ. Thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực không có quyền cưỡng chế, bắt các nước phải thực thi phán quyết, và phán quyết của tòa từng bị bỏ qua trong quá khứ.
Ông Blinken nói rằng Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành một tổ chức có sức mạnh lớn khi đối mặt với các vấn đề phức tạp như Biển Đông.
Ông nhắc đến hội nghị thượng đỉnh hồi tháng hai mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí rằng, các tranh chấp nên được giải quyết hòa bình và thông qua các phương pháp hợp pháp.
"Chúng tôi mong đợi rằng ASEAN, giống như họ đã làm tại hội nghị thượng đỉnh đó, sẽ bày tỏ sự ủng hộ đối với những nguyên tắc cơ bản, và chúng tôi muốn thấy điều đó xảy ra khi tòa trọng tài ra phán quyết", ông Blinken nói.
Trung Quốc cuối tuần qua nói rằng họ đạt được thỏa thuận với ba nước Brunei, Campuchia và Lào, cho rằng tranh chấp trên Biển Đông "không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN". Tuy nhiên, Campuchia bác bỏ thông tin này, nói rằng "không có thỏa thuận hay các cuộc thảo luận nào".
Tàu ngầm hạt nhân Nga bốc cháy ở Viễn Đông
Một tàu ngầm hạt nhân của Nga tại một xưởng sửa chữa, đóng tàu ở Vilyuchinsk, Kamchatka thuộc khu vực Viễn Đông hôm nay đã bất ngờ bốc cháy, hãng tin Sputnik cho biết.
Các bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội và truyền thông địa phương cho thấy khói bốc lên từ mũi tàu ngầm hạt nhân lớp Shchuka của Nga.
Hỏa hoạn xảy ra trong quá trình tháo dỡ thân tàu, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho biết. Thông báo nhấn mạnh thêm: “Trước khi con tàu được chuyển đến nhà máy này để tháo dỡ, toàn bộ hệ thống vũ khí và các trang thiết bị hạt nhân đã được dỡ bỏ. Do đó, sự cố này không đe dọa đến môi trường”.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời đại diện của nhà máy cho biết, đám cháy đã được khoanh vùng và hoàn toàn không gây mối đe dọa nào cả về mặt kỹ thuật và sinh thái.
Cháy sân bay Thượng Hải, 2 người chết
Đám cháy xảy ra tại tầng hầm của sân bay quốc tế Hồng Kiều, Thượng Hải lúc 7h sáng nay (6h giờ Hà Nội), theo People's Daily. Khu vực này đang được sửa chữa nâng cấp. Sân bay phải tạm dừng hoạt động trong lúc lực lượng cứu hỏa chữa cháy.
Sân bay hiện đã hoạt động bình thường trở lại. "Sự cố không gây ảnh hưởng đến hoạt động bay", Wang, một quan chức sân bay cho biết nhưng từ chối cho biết liệu đám cháy đã được kiểm soát hay chưa.
Đây không phải sự cố đầu tiên xảy ra ở sân bay Hồng Kiều. Hồi tháng 1, hai máy bay của hãng hàng không Trung Quốc Eastern Airlines va chạm khi đang di chuyển ngược chiều trên đường băng, khiến hai cánh của chúng bị sứt.
Ngày 24/8/2015, các đường băng bị ngập lụt khiến hàng nghìn hành khách mắc kẹt.