Đại sứ Philippines tại Séc, ông Victoriano Lecaros cảnh báo với tàu sân bay và các vũ khí hiện đại, Trung Quốc có thể làm những gì họ muốn, bất chấp luật pháp và dư luận thế giới.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 23-07-2016
- Cập nhật : 23/07/2016
Phán quyết 'đường lưỡi bò' phủ bóng hội nghị ASEAN tại Lào
Các chuyên gia cho rằng ASEAN khó lòng ra được tuyên bố chung về phán quyết 'đường lưỡi bò' của Tòa Trọng tài, nhưng ít nhất sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc được tổ chức ngày 14/6 tại Côn Minh, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các cuộc họp liên quan sẽ diễn ra ngày 23-26/7 tại Vientiane, Lào.
Đây sẽ là hội nghị khu vực đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng tài ngày 12/7 ra phán quyết, tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông.
Cây bút Ben Otto của WSJ nhận xét rằng các nước thành viên ASEAN và Mỹ đã phản ứng khá thận trọng với phán quyết của tòa. Họ ra những tuyên bố kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng chưa thúc ép Trung Quốc rút lại yêu sách chủ quyền phi lý của mình trên Biển Đông.
Điều này có nghĩa là chương trình nghị sự tại Lào - nước chủ nhà của một loạt cuộc họp ASEAN năm nay, sẽ bấp bênh hơn so với bình thường. ASEAN từ lâu đã chia rẽ về tình hình Biển Đông, khi các quốc gia nhỏ như Campuchia bị cáo buộc ngăn khối đưa ra lập trường thống nhất về vấn đề này, và các nước khác cũng sợ làm mất lòng một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của họ.
Khi Campuchia chủ trì Hội nghị ASEAN năm 2012, Trung Quốc đã vận động nước này để tránh đề cập đến vấn đề Biển Đông, khiến ASEAN lần đầu tiên trong 40 năm không ra được tuyên bố chung sau cuộc họp chính của các ngoại trưởng. Hồi tháng 6, Campuchia ra tuyên bố, nói rằng họ không ủng hộ việc Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông và sẽ phản đối bất cứ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết.
Hiện chưa rõ Lào, quốc gia giáp với Trung Quốc và nhận được lượng lớn đầu tư lớn từ Bắc Kinh trong những năm gần đây, có lái chương trình nghị sự ASEAN chệch ra khỏi vấn đề hóc búa đối với Trung Quốc hay không.
Các nhà ngoại giao khu vực cho biết Trung Quốc đã vận động nhiều nước để tránh ra tuyên bố chính thức đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài hoặc luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, họ cũng cho biết một số nước ASEAN đang thúc đẩy để vấn đề này giành được nhiều sự chú ý hơn. I. Derry Aman, giám đốc đối tác đối thoại và hợp tác liên khu vực của Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết Jakarta sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận về Biển Đông tại cuộc họp, bao gồm cả việc đề cập đến vấn đề này trong tuyên bố bế mạc.
"Đây là một cuộc đàm phán, vì vậy điều quan trọng là chúng ta đưa vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung", ông Aman nói. Ông nhắc đến hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia vào năm 2012 và nói: "Chúng tôi phải tránh tình huống như thế xảy ra một lần nữa".
Khó đề cập đến phán quyết
Trung Quốc không có vai trò chính thức trong giai đoạn đầu của hội nghị cuối tuần này, nhưng vào sáng 24/7, họ sẽ sẽ hội đàm với khối ASEAN. Ngày 25/7, Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác dự kiến cùng ASEAN tham gia hội nghị ngoại trưởng Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN 27 thành viên – một hội nghị về an ninh.
Một người am hiểu về kế hoạch của các nước thành viên ASEAN cho biết một số nhà ngoại giao đặt hy vọng cao vào hội nghị, hy vọng rằng nó sẽ đưa ra tuyên bố "chưa có tiền lệ" về địa chính trị sau phán quyết của Tòa Trọng tài.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong khu vực hoài nghi về khả năng này. "Tôi nghĩ rằng may ra thì ASEAN sẽ đề cập gián tiếp đến phán quyết trong tuyên bố cuối cùng của họ, chứ chưa nói đến là có cách tiếp cận mới", Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Ishak Yusof tại Singapore, nhận xét.
Theo Diplomat, Termsak Chalermpalanupap, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Ishak Yusof ở Singapore nhận xét rằng các ngoại trưởng tham dự AMM lần thứ 49 là một nhóm tương đối thiếu kinh nghiệm. Chỉ ba người trong số họ (ông Retno Marsudi của Indonesia, ông Anifah Aman của Malaysia, và ông Phạm Bình Minh của Việt Nam) đã tham dự Hội nghị AMM lần thứ 48 tại Kuala Lumpur tháng 8 năm ngoái. Mối quan hệ của họ vẫn chưa phát triển. Người chủ trì, Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith, chỉ vừa nhậm chức được 4 tháng.
Trong bối cảnh đó, ASEAN dễ bị can thiệp và thao túng bởi bên ngoài. Ngoại trưởng Lào sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn từ tất cả các bên, đặc biệt là về việc nói gì và tránh đề cập gì về vấn đề Biển Đông trong thông cáo chung của AMM, và tuyên bố của Chủ tịch Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Ông cho rằng ASEAN sẽ khó lòng đưa ra được tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài, vì có bất đồng ý kiến trong nội bộ, nhưng ông nhấn mạnh thực tế rằng phán quyết vốn đã ràng buộc pháp lý với tất cả các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bao gồm cả Trung Quốc.
Chalermpalanupap cho rằng ít nhất, ASEAN có thể nhắc lại những nguyên tắc ủng hộ hòa bình về vấn đề Biển Đông, lên tiếng ủng hộ cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Philippines và Trung Quốc. Họ cũng có thể yêu cầu sự hỗ trợ của các nước bên ngoài, nhất là những đối tác đối thoại của ASEAN như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và EU, để khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp và đề cao tính thượng tôn pháp luật trong vấn đề Biển Đông.
Ông Storey thì cho rằng hội nghị những ngày sắp tới sẽ không phải là dịp để thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc. "Trung Quốc chưa sẵn sàng thoả hiệp trước khi tòa ra phán quyết và chắc chắn bây giờ cũng không", ông nói thêm.(Vnexpress)
Máy bay Nga không kích căn cứ Mỹ ở Syria
Máy bay Nga đã không kích một căn cứ quân sự bí mật của Mỹ và Anh ở đông nam Syria, báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ. Sự việc xảy ra vào ngày 16-6.
Căn cứ này có liên quan đến CIA, là nơi tập trung các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Anh thực hiện chiến dịch chống khủng bố ở Syria, giúp bảo vệ vùng đệm ở Jordan khỏi sự xâm lấn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mỹ đã theo dõi thấy một máy bay Nga tiến về căn cứ và thả một quả bom chùm xuống căn cứ. Sau trận không kích đầu tiên, trung tâm điều khiển chiến dịch không kích của Mỹ có trụ sở ở Qatar đã liên lạc với trung tâm chỉ huy không kích của Nga ở Syria báo tình hình, đề nghị Nga ngưng không kích căn cứ này.
Tuy nhiên máy bay Nga lại tiếp tục không kích căn cứ lần nữa vào 90 phút sau đó. Các phi công Nga đã không đáp lại lời kêu gọi của Mỹ qua kênh liên lạc giữa hai bên trong trường hợp khẩn cấp.
Ban đầu các quan chức Nga phân trần với Bộ Quốc phòng Mỹ rằng Nga nghĩ đó là một căn cứ của IS, tuy nhiên Mỹ bác bỏ lời bào chữa này. Nga sau đó nói rằng phía Jordan bật đèn xanh cho Nga không kích căn cứ này, tuy nhiên Mỹ đã kiểm tra lại và không có sự cho phép nào từ phía Jordan.
Sau đó nữa, trung tâm chỉ huy không kích của Nga ở Syria nói rằng họ không thể chỉ đạo máy bay Nga ngưng không kích vì Mỹ không cung cấp rõ tọa độ của căn cứ.
Theo Wall Street Journal, ít nhất bốn người thiệt mạng trong vụ không kích, nhưng không có binh sĩ của cả Mỹ và Anh. Một ngày trước thời điểm căn cứ bị ném bom, Anh đã rút khoảng 20 binh sĩ ra khỏi căn cứ. Hiện phía Anh chưa bình luận.
Hãng tin Fox News (Mỹ) dẫn nhận định của các quan chức quân đội và tình báo Mỹ rằng hành động này là một phần trong chiến dịch của Nga nhằm làm áp lực để Mỹ đồng ý hợp tác chặt hơn với Nga trong không kích tại Syria.
Dù vụ không kích này làm xấu đi quan hệ giữa Nga với Bộ Quốc phòng Mỹ và CIA, tuy nhiên theo Wall Street Journal, hiện Văn phòng tổng thống và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đang nghiên cứu khả năng thỏa hiệp.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ và Nga đã thống nhất một thỏa thuận hợp tác không kích Mặt trận Nursa - Chi nhánh Al-Qaeda ở Syria, bất kể phản đối từ Bộ Quốc phòng Mỹ và CIA. Nga đồng ý ngưng không kích vào các mục tiêu phe nổi dậy và can thiệp để quân đội Syria hạn chế chiến dịch không kích. Hai bên hiện đang đàm phán tiến tới thống nhất các địa điểm ở Syria mà Nga cần phải tham vấn Mỹ và phải được Mỹ đồng ý trước khi thực hiện không kích.
Theo Wall Street Journal, Văn phòng tổng thống và Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc Mỹ hợp tác không kích Mặt trận Nursa ở Syria với Nga sẽ giúp bảo vệ tốt hơn các đồng minh ở Syria. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng và CIA lại cho rằng Mỹ đã lép vế trước Nga trong thỏa thuận này, cho rằng Mỹ cần đối đầu với Nga hơn nữa.
Bắn hạ Su-24 của Nga là một phần trong âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Trong khi Phó Chủ tịch đảng AKP cầm quyền cho rằng phi công đã tự ý quyết định bắn hạ máy bay Su-24 của Nga, một chính trị gia khác của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng hành động này là một bộ phận của cuộc đảo chính quân sự tối 15/7 vừa qua.
Sự cố đã khiến quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng trong nhiều tháng, thúc đẩy Nga áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tới khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan viết thư xin lỗi nhà lãnh đạo Nga về sự cố trên và bày tỏ nguyện vọng muốn nối lại quan hệ song phương, quan hệ kinh tế thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu trở lại tiến trình bình thường hóa.
Những tín hiệu “rã đông” toàn diện quan hệ Nga-Thổ tiếp tục xuất hiện khi Phó Chủ tịch đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền kiêm người phát ngôn của APK, Nghị sĩ Quốc hội Yasin Aktai tiết lộ với hãng tin Sputnik của Nga ngày 21/7 rằng phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã tự ý quyết định bắn hạ máy bay Su-24 của Nga trong sự cố hồi tháng 11 năm ngoái.
Tiếp đó, vào ngày 22/7, theo news-front.info, một nghị sĩ Quốc hội khác của Thổ Nhĩ Kỳ là ông Metin Kulunk đã tiết lộ thêm rằng sự kiện chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị bắn rơi ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là một âm mưu, là bước chuẩn bị cho cuộc đảo chính không thành nổ ra vào tối 15/7 vừa qua.
Theo báo điện tử “Đa chiều”, những tiết lộ liên tiếp của giới chức AKP có thể là hành động hữu ý. Nó gần giống với những đồn đoán xuất hiện trong dân gian rằng “cuộc đảo chính quân sự lần này ở Thổ Nhĩ Kỳ được phát động sau khi Tổng thống Erdogan viết thư xin lỗi người đồng cấp phía Nga về sự kiện máy bay Su-24 bị bắn rơi, trở thành cái cớ để cải thiện quan hệ Nga-Thổ”.
Phi cơ Triều Tiên hạ cánh khẩn cấp vì bị cháy
Một phi cơ Air Koryo của Triều Tiên phải hạ cánh khẩn cấp xuống tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, do bị cháy.
Xinhua hôm nay dẫn lời một hành khách cho biết máy bay gặp nạn khi đang bay từ Bình Nhưỡng, Triều Tiên, đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Khói tràn ngập cabin trong khoảng 30 phút, buộc hành khách phải sử dụng mặt nạ dưỡng khí. Nhà chức trách tại sân bay ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh nói phi cơ hạ cánh an toàn và không có người bị thương.
Đường bay Bình Nhưỡng - Bắc Kinh của Air Koryo thường sử dụng phi cơ Tu-204 của Nga. Loại phi cơ hai động cơ tầm trung này có thể chở được 140 hành khách.
Theo AFP, Air Koryo thường bị xếp cuối trong hệ thống đánh giá của Skytrax đối với hãng hàng không thương mại nhưng lại có hồ sơ an toàn tốt, chỉ xảy ra một tai nạn chết người trong hơn 30 năm. Giới phê bình cho rằng hồ sơ này được xây dựng dựa trên một dịch vụ rất hạn chế vì Air Koryo chỉ bay đến ba khu vực ở Trung Quốc và thành phố Vladivostok, Nga.
Tổng Thư ký NATO: Trump thách thức sự thống nhất của NATO
Các đồng minh Mỹ tại NATO sẽ phải chia sẻ chi phí quân sự nhiều hơn với Mỹ, đại diện tổng thống Cộng hòa Donald Trump khẳng định thế trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo New York Times (Mỹ) ngày 21-7.
Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 45 phút, ông Trump cho biết sẽ xem lại cam kết bảo vệ đồng minh NATO nếu bị tấn công dựa theo thái độ đóng góp chi phí quân sự cho khối của nước đó, dù nước đó có đang bị Nga tấn công. Ông Trump sẽ buộc các đồng minh chia sẻ chi phí quân sự mà Mỹ phải gồng vai gánh vác trong hàng thập kỷ, sẽ hủy các hiệp ước mà ông đánh giá không có lợi cho Mỹ và sẽ định nghĩa lại khái niệm đối tác của Mỹ.
Nhắc tới Điều 5 trong Hiệp ước 1949 thành lập NATO yêu cầu các thành viên có nghĩa vụ tự động bảo vệ nước thành viên khác khi nước đó bị tấn công, ông Trump phản pháo: “Họ có hoàn thành nghĩa vụ với chúng ta không? Nếu họ thực hiện nghĩa vụ, thì câu trả lời là có.”
“Họ có nghĩa vụ phải chịu chi phí. Rất nhiều nước NATO hiện không đóng góp chi phí quân sự” - ông Trump nói với New York Times.
Khi được hỏi liệu Mỹ có hỗ trợ ba nước vùng Baltic: Estonia, Latvia, Lithuania – tham gia NATO năm 2004 – nếu bị Nga tấn công hay không, ông Trump không trả lời: “Tôi không muốn nói tôi sẽ làm gì vì tôi không muốn ông Putin biết điều này.”
Mỹ hiện tại chịu 22% ngân sách hằng năm của NATO, gấp đôi Anh và Pháp. Đức là nước đóng góp nhiều thứ hai, 15%.
Tuyên bố của ông Trump nhận nhiều phản ứng trái chiều. Ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng bất bình vì tuyên bố này. Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnel cho rằng ông Trump đã sai khi nói Mỹ sẽ không ngay lập tức bảo vệ đồng minh NATO khi đồng minh bị tấn công.
“Tôi không đồng ý điều này. NATO là liên minh quân sự quan trọng nhất trong lịch sử thế giới. Tôi muốn đảm bảo các đồng minh NATO rằng nếu bất kỳ nước nào bị tấn công chúng tôi sẽ bảo vệ họ.”
Theo chuyên gia Xenia Wickett, Giám đốc Chương trình về nước Mỹ tại tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Chatham House (Anh), thực ra ông Trump chỉ là lặp lại các lo ngại trước đây của các bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama (Robert M. Gates, Leon E. Panetta, Ashton B. Carter).
“Mỹ không muốn tiếp tục choàng ngân sách NATO như hiện tại. Thực ra điều này không mới dù lần này ông Trump làm dữ. Điều đáng ngại là cách thể hiện của ông Trump lại làm lợi cho các đối thủ của NATO hơn là lợi cho liên minh” -chuyên gia Xenia Wickett nhận định.
Tổng thống Obama và nhiều quan chức Mỹ nhiều năm nay cũng kêu gọi các đồng minh NATO đóng góp nhiều hơn, nhưng không tới nỗi đe dọa như ông Trump.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO hai tuần trước ở Ba Lan, Tổng thống Obama vẫn trấn an các đồng minh châu Âu “trong bất kỳ thời điểm nào dù xấu hay tốt, châu Âu vẫn luôn có thể trông cậy vào Mỹ.”
Về phần mình, 28 thành viên NATO đều cam kết sẽ thực hiện chỉ tiêu chi 2% GDP cho quân sự tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales năm 2014 và ở Ba Lan mới đây.
Tuyên bố của ông Trump gây lo ngại lớn trong NATO khi đến vào lúc NATO đang đối mặt nhiều vấn đề: sự cứng rắn của Nga, quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu của Anh, gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại nhiều nước.
Nhiều quan chức châu Âu lo ngại nước Mỹ dưới thời Trump sẽ rời bỏ các cam kết an ninh mà Mỹ đã thực hiện với NATO từ chiến tranh thế giới thứ 2.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ không can thiệp vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ, tuy nhiên ông rất lo ngại về tuyên bố của ông Trump.
“Sự thống nhất giữa các thành viên là giá trị cốt lõi của NATO. Điều này tốt cho an ninh châu Âu và cũng tốt cho an ninh Mỹ. Chúng ta bảo vệ lẫn nhau. Chúng ta đã kiểm chứng điều này ở chiến trường Afghanistan khi hàng chục ngành binh sĩ châu Âu, Canada và Afghanistan cùng sát cánh kề vai với binh sĩ Mỹ”, New York Times dẫn tuyên bố của ông Stoltenberg.
“Hai cuộc chiến tranh thế giới đã cho thấy hòa bình ở châu Âu quan trọng thế nào với an ninh của Mỹ” - theo ông Stoltenberg.
Cũng theo ông Stoltenberg, đó tới giờ điều Điều 5 trong Hiệp ước 1949 mới được kích hoạt một lần: sau sự kiện Mỹ bị khủng bố ngày 11-9-2001.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định thống nhất giữa các đồng minh là giá trị cốt lõi của NATO. (Ảnh: AP)
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon, tuyên bố của ông Trump không thỏa đáng, vì “Điều 5 Hiệp ước 1949 là một cam kết vô điều kiện, nó không đi kèm điều kiện hay cảnh báo nào.”
Carl Bildt, cựu Thủ tướng Thụy Điển, lo ngại tuyên bố của ông Trump gây nguy hiểm cho ổn định toàn cầu khi có thể kích thích các nước như Nga, Trung Quốc khi nghĩ rằng Mỹ sẽ không theo đuổi cam kết bảo vệ đồng minh.
Ông Toomas Hendrik Ilves, Tổng thống Estonia viết trên Twitter rằng Estonia là một trong năm nước NATO thực hiện đúng chỉ tiêu chi 2% GDP cho chi tiêu quân sự. Bốn nước khác là Mỹ, Anh, Ba Lan, Hy Lạp. Tổng thống Ilves cũng cho biết Estonia tham gia đưa quân sang Afghanistan theo Điều 5.
Ông Artis Pabriks, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Latvia – có biên giới với Nga – viết trên Twitter “Một khi Trump đã đặt câu hỏi về sự thống nhất của NATO theo Điều 5 thì việc ông ta trở thành tổng thống Mỹ là sự nguy hiểm với an ninh vùng Baltic.”
Bà Dalia Grybauskaite, Tổng thống Lithuania thì nhanh chóng trấn an người dân “Không cần quan tâm ai là tổng thống tiếp theo của Mỹ, chúng tôi tin ở Mỹ. Mỹ luôn bảo vệ các nước bị tấn công, và sẽ vẫn làm thế trong tương lai.”
“Lithuania cũng như các nước Baltic khác sẽ làm tất cả những gì có thể. Chúng tôi sẽ hiện đại hóa lực lượng vũ trang, và sẽ đạt chỉ tiêu chi 2% GDP cho quân sự vào năm 2018. Tôi không nghĩ không cần thiết phải đặt nặng lời nói của ứng viên tổng thống Trump. Chúng tôi biết Mỹ sẽ vẫn là đối tác quan trọng nhất của mình.”
Hoàn toàn trái ngược với phản ứng của các thành viên NATO, tuyên bố của Trump lại nhận được sự hoan nghênh tại Nga. Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov bày tỏ sự ủng hộ ông Trump khi đưa ra hai quan điểm của bà Clinton – củng cố quan hệ với các đồng minh chống Nga, và của ông Trump – chỉ phản ứng với các đe dọa thực sự.(PLO)