Cảnh sát Thái Lan ngày 12-9 cho biết họ lần ra các nghi can liên quan đến vụ đánh bom chết người ở trung tâm Bangkok từ các dịch vụ chuyển tiền.
Tin thế giới đọc nhanh 23-07-2016
- Cập nhật : 23/07/2016
Trợ lý hàng đầu của Obama sẽ kêu gọi Trung Quốc tránh leo thang ở Biển Đông
Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice sẽ thúc giục Bắc Kinh tránh leo thang ở Biển Đông, trong chuyến thăm Trung Quốc của một quan chức Mỹ cấp cao nhất, kể từ khi toà án quốc tế bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò".
"Tôi đang liên lạc với những những đồng cấp Trung Quốc của chúng tôi trong vài tuần qua... Chúng tôi hiểu rõ quan điểm của nhau", Reuters dẫn lời bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói khi được hỏi về thông điệp sẽ gửi tới người Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ kêu gọi tất cả các bên kiềm chế".
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền, bà Rice cho biết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục "di chuyển trên biển, trên không và hoạt động" ở Biển Đông, bất chấp cảnh báo của Trung Quốc rằng những chuyến tuần tra này sẽ kết thúc "trong thảm hoạ".
Theo AFP, Nhà Trắng hôm nay thông báo bà Rice sẽ tới Bắc Kinh và Thượng Hải trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra từ 24/7 đến 27/7.
Tại Bắc Kinh, bà sẽ gặp các quan chức chính phủ cấp cao của Trung Quốc, trong đó có Uỷ viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, để tham vấn về các vấn đề trước thềm chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới nước này vào tháng 9. Còn tại Thượng Hải, bà Rice sẽ "tương tác với các công dân Trung Quốc", gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp để "thảo luận về điều kiện dành cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc".
Bà Rice cho hay chuyến thăm nhằm duy trì quan hệ tổng thể giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đi đúng hướng vào thời điểm căng thẳng gia tăng. "Tôi sẽ ở đó để thúc đẩy hợp tác của chúng tôi", bà nói.
Chuyến thăm của bà Rice diễn ra sau khi Toà Trọng tài hôm 12/7 phán quyết rằng Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với Biển Đông. Bắc Kinh giận dữ bác bỏ phán quyết. Chuyến thăm của bà cũng sẽ trùng với thời điểm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Lào và Philippines, nơi ông được kỳ vọng sẽ tái đảm bảo với các đối tác Đông Nam Á về cam kết của Washington.
Nga đã cảnh báo cho Thổ Nhĩ Kỳ vài giờ trước đảo chính
Theo tờ Fars New (Iran), tuần trước tình báo Nga đã ghi lại được nội dung cuộc liên lạc trong nội bộ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch đảo chính chống lại chính quyền Tổng thống Erdogan. Trong các nội dung bị rò rỉ có nội dung phe đảo chính bàn tính chuyện lệnh cho binh sĩ bắt giữ và ám sát Tổng thống Erdogan tại khu nghỉ mát Marmaris.
Thông tin này lập tức được phía Nga thông báo cho Cơ quan tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT), Fars News dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát tình hình khi binh sĩ tham gia đảo chính đầu hàng ở cầu Bosphorus, Istanbul. Ảnh: Reuters
“Các nguồn tin ngoại giao nói rằng việc chính quyền ông Erdogan điều chỉnh chính sách ngoại giao khoảng một tuần trước cuộc đảo chính là nguyên nhân lớn khiến một số nước bên ngoài khiêu khích và nhảy vào cam kết hỗ trợ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đảo chính” - Fars News cho hay.
Nguồn tin không nêu cụ thể đó là sự thay đổi chính sách đối ngoại nào của ông Erdogan.
Tuy nhiên, quan hệ Nga-Thổ gần đây có cải thiện khi ông Erdogan quyết định xin lỗi Nga về vụ bắn rơi Su-24 Nga hồi năm ngoái. Đây có thể là sự thay đổi chính sách đối ngoại đã đề cập trên. Theo Fars News, nếu như vậy cũng chính sự thay đổi này đã cứu mạng ông khi Nga đã chủ động cung cấp thông tin tình báo giúp ông đập tan cuộc đảo chính.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, ngày 19-7, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng xác nhận biết trước thông tin sẽ có đảo chính.
"Vào ngày 15-7, Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) đã được thông báo về một kế hoạch đảo chính. Chính phủ quyết định đóng cửa không phận và cấm mọi chuyến bay quân sự" - quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Tổng thống Erdogan hồi đầu tuần này đã ban bố lệnh cấm xuất ngoại đối với các học giả trong nước, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng.
Khai mạc hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN tại Lào
Cuộc họp trù bị các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN hôm nay diễn ra tại thủ đô Lào, nhằm thảo luận về chương trình nghị sự, văn kiện cho hội nghị quan trọng nhất trong năm của ngành ngoại giao ASEAN.
Cuộc họp các Quan chức Cao cấp (SOM) Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm nay được tổ chức nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các hội nghị liên quan tại thủ đô Vientiane diễn ra từ ngày 23 đến 26/7.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp. Trọng tâm của cuộc họp lần này là chuẩn bị chương trình nghị sự, chương trình hoạt động và văn kiện cho các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và với các đối tác.
Theo Vietnam+, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) là hội nghị quan trọng nhất trong năm của ngành ngoại giao hiệp hội, giữa ASEAN với các đối tác chủ chốt, với sự tham dự của bộ trưởng Ngoại giao 27 nước (10 nước ASEAN và 17 đối tác ngoài ASEAN).
Về chương trình nghị sự, các bộ trưởng Ngoại giao dự kiến thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo về các nội dung ưu tiên trong hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Họ cũng sẽ bàn công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 và các hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác sẽ diễn ra tại Vientiane vào đầu tháng 9 tới. Các bộ trưởng dự kiến thông qua một số văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông, các Tuyên bố Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về tăng cường quản lý biên giới chống sự dịch chuyển của tội phạm, các vụ tấn công khủng bố gần đây, hợp tác chống đánh bắt cá trái phép... Ngoài ra, nước Chủ tịch Lào sẽ ra các Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị giữa ASEAN với các đối tác.
Tại hội nghị SOM hôm nay, đoàn Việt Nam tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến, cùng các nước đưa ra đề xuất, kiến nghị về một số vấn đề quan trọng để báo cáo các bộ trưởng xem xét, như gắn kết việc triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, thúc đẩy quan hệ thực chất với các đối tác, khả năng cập nhật Hiến chương ASEAN...
Ngày mai, các cuộc họp SOM ASEAN+3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và SOM các nước tham gia Cấp cao Đông Á - EAS (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Australia, New Zealand) sẽ diễn ra, để chuẩn bị cho các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 và EAS ngày 26/7.
Sau Ukraine và Syria, đâu là mục tiêu tiếp theo của Nga?
Theo hãng tin Sputnik, tạp chí tài chính Les Echos của Pháp nhận định rằng Moscow sẽ tìm cách bảo vệ quyền lợi quốc gia của mình tại nơi đây như đã từng làm ở Ukraine và Syria nhưng không phải theo hình thức chiến tranh.
Trích dẫn tuyên bố mới đây của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, cũng là người đứng đầu Ủy ban quốc gia Nga về Bắc Cực, tờ Les Echos khẳng định Moscow đang cố tìm cách chinh phục Bắc Cực.
“Nga sẽ đầu tư 20 triệu USD trong vòng 15 năm tới cho việc phát triển công nghệ thám hiểm Bắc Cực” - ông Rogozin nói tại diễn đàn Tekhnoprom hồi tháng 6. Ông cho hay chính phủ cũng sẽ chi tiền để đóng thêm tàu mới và phát triển công nghệ khám phá môi trường lạnh giá ở Bắc Cực.
Theo phó thủ tướng Nga, mục tiêu của Moscow là giảm sự phụ thuộc vào trang thiết bị nước ngoài trong các lĩnh vực như công nghệ sưởi ấm, vật liệu xây dựng và thiết bị liên lạc.
Ông Rogozin cho biết 90% các thiết bị nghiên cứu hiện được Nga sử dụng ở vùng Bắc Cực đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, Nga cần đầu tư vào phát triển công nghệ cho riêng mình nhằm tránh các tổn thương và căng thẳng trong chính trị quốc tế.
Tờ Les Echos cũng nhấn mạnh rằng hồi tháng 6, tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Dự án 22220, có tên gọi Arktika đã được hạ thủy ở xưởng đóng tàu Baltic, TP St. Petersburg. Ông Rogozin nói Nga cũng sẽ biên chế ba tàu phá băng loại này vào năm 2020.
“Chúng tôi có kế hoạch xây dựng ba tàu phá băng hạt nhân vào năm 2017, 2018 và 2020” - phó thủ tướng Nga nói hồi tháng 6. Ông nhấn mạnh ai cũng biết về tầm quan trọng của khu vực Bắc Cực, nên Nga phải cần có các công cụ kỹ thuật cần thiết để chinh phục nơi đó.
Các tàu phá băng này sẽ dọn đường cho các tàu chở dầu với trọng lượng 200.000 tấn và biến Nga thành quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất trong khu vực này. Ông Rogozin cũng nói rằng Nga đang phát triển robot đặc biệt để hoạt động dưới nước ở Bắc Cực.
Tờ Les Echos cho hay Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi gìn giữ Bắc Cực như một khu vực hòa bình và hợp tác. Bằng sự hiện diện của quân đội Nga trong khu vực, Moscow sẽ làm mọi cách để bảo vệ quyền lợi quốc gia ở nơi đây.(PLO)
Máy bay không quân Ấn Độ chở 29 người mất tích
Không quân Ấn Độ thông báo một phi cơ của lực lượng này chở theo 29 người đang mất tích.
Phi cơ AN-32 của không quân Ấn Độ mất tích khi đang bay từ Chennai đến Port Blair, thủ phủ Quần đảo Andaman và Nicobar, India Today đưa tin.
"Phi cơ khởi hành lúc 8h30 và lẽ ra phải hạ cánh xuống Port Blair lúc 11h30", AFP dẫn lời Anupam Banerjee, người phát ngôn không quân Ấn Độ, nói. Phi cơ chở 29 người, phần lớn là quân nhân.
Các quan chức cho biết họ mất liên lạc với phi cơ khoảng 15 phút sau khi nó cất cánh. Phi cơ có thiết bị định vị khẩn cấp, sẽ tự kích hoạt nếu gặp tai nạn.
Một lực lượng hỗn hợp gồm hải quân, không quân và tuần duyên Ấn Độ đang tham gia tìm kiếm tại khu vực ở vịnh Bengal nằm trên đường bay của phi cơ mất tích.
Không quân Ấn Độ hiện có hơn 100 phi cơ AN-32. Loại máy bay này có thể hoạt động liên tục trong 4 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu.