Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) ngày 20.7 công khai kết quả điều tra gây chấn động về quá trình biển thủ và tiêu hoang nhiều tỉ USD từ Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB.
GS Carl Thayer nói về 3 mặt trận sau phán quyết biển Đông
- Cập nhật : 23/07/2016
Theo GS Carl A.Thayer, sau phán quyết của tòa trọng tài, các quốc gia ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh trên 3 mặt trận: ngoại giao - chính trị - chiến lược quân sự.
Ngày 23-7, tại Hội trường Thống nhất (TP.HCM), Trường ĐH Luật TP.HCM, phối hợp cùng Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phục lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”.
Buổi hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu gồm các học giả trong và ngoài nước cùng đại diện các cơ quan lãnh sự tại TP.HCM của các nước. Đáng chú ý hội thảo có sự tham gia của GS Carl A.Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, GS Erick Frankx từ ĐH Vrije (Bỉ) và là thành viên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan), GS Donald Rothwell từ ĐH Quốc gia Úc…
Trong buổi sáng cùng ngày, các học giả đã trình bày và thảo luận về các vấn đề liên quan đến “Giải quyết tranh chấp bằng tài phán theo quy định của UNCLOS” tại phiên thứ nhất và “Vai trò của trọng tài trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông” ở phiên hai.
Các nước cần công khai "tố" sự hung hăng của tàu Trung Quốc
Trình bày tham luận tại hội thảo, GS Thayer nhận định rằng phán quyết của Tòa Trọng tài đã chỉ ra thực tế rằng: “Các tuyên bố của Trung Quốc với các quyền lịch sử ở khu vực đường chín đoạn giao cắt với vùng đặc quyền kinh tế của các nước là quá mức”.
GS Thayer cũng nhận định rằng để đối phó với việc “Trung Quốc đứng trên pháp luật, phá hoại UNCLOS” và “phá vỡ các quy tắc nền tảng của trật tự khu vực”, các nước, tới đây cần thiết lập một cuộc tranh luận trên cả ba mặt trận: Ngoại giao - chính trị - chiến lược quân sự.
Theo GS Carl Thayer, các nước trong tương lai cần thiết lập một cuộc tranh luận trên cả ba mặt trận: Ngoại giao - chính trị - chiến lược quân sự. Ảnh: Thanh Danh
Phán quyết cũng tạo nền tảng cho ASEAN và Trung Quốc nhất trí trong thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) một cách toàn diện hơn. Ông cũng cho rằng kênh ngoại giao có thể giúp ASEAN thu thập tổng hợp các hệ quả pháp lý từ phán quyết của Tòa Trọng tài mà không khiến tình hình leo thang căng thẳng.
“Mặt trận ngoại giao sẽ cho phép các nước giải quyết những vấn đề nghiêm trọng nêu ra bởi Tòa Trọng tài, như: bảo vệ và bảo tồn môi trường biển; trách nhiệm của các chính phủ đối với các tàu cá và tàu chấp pháp của mình trên vùng biển”, GS Thayer nói.
Đối với vấn đề chính trị, GS Thayer cho rằng các vụ việc tàu cá và tàu chấp pháp của Trung Quốc tấn công của tàu các nước cần được thống kê và công bố công khai. Các nước trong khu vực cũng cần liên kết xây dựng một chương trình chung để báo cáo các hoạt động hung hăng và vi phạm của tàu cá và tàu chấp pháp Trung Quốc.
Về góc độ chiến lược quân sự, GS Thayer đánh giá cao vai trò của Mỹ trong việc đưa ra cho Trung Quốc một cánh cửa cho hợp tác, cũng như để nhắc nhở Trung Quốc cái giá phải trả nếu quốc gia này tiếp tục có những hành động hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế.
Ông Thayer cũng cho rằng các vấn đề về an ninh hàng hải cần phải được tiếp tục nâng tầm và nhấn mạnh ở tất cả các tổ chức đa phương, trong đó có Hội nghị cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Cần cân nhắc cẩn trọng
Theo GS Rothwell: "Có thể phía Trung Quốc cũng sẽ cởi mở hơn trong đàm phán với phía Việt Nam". Ảnh: Thanh Danh
Sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài, ngoại trưởng Philippines đã tuyên bố sẽ cố gắng từng bước thực thi kết luận của các trọng tài. Bước ngoặt pháp lý hiện tại đã mở ra nhiều khả năng mới trong cách thức Việt Nam tiếp cận vấn đề biển Đông.
Trả lời phỏng vấn của báo giới bên hành lang hội thảo, GS Donald Rothwell cho rằng Việt Nam sẽ cần phải xem xét kỹ lưỡng các hệ quả trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc sắp tới.
“Một trong những hệ quả có khả năng xảy ra, đó là phía Trung Quốc sẽ bắt đầu đàm phán cụ thể và thực chất hơn với phía Philippines về vấn đề biển Đông. Khi đó, có thể phía Trung Quốc cũng sẽ cởi mở hơn trong đàm phán với phía Việt Nam”, GS Rothwell nói.
Tuy nhiên, GS Rothwell cũng lưu ý rằng: “Nếu Trung Quốc không tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài, Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa các phương án tự tiến hành kiện theo đúng luật pháp quốc tế, hoặc cố gắng sử dụng các cơ chế khu vực”.
THANH DANH
Theo PLO.vn