Bộ máy lôi kéo dư luận yếu ớt của Trung Quốc trên đất Mỹ
Nhà sư ‘sành điệu’ Thái Lan bị bắt tại Mỹ sau 3 năm trốn chạy
Trung Quốc phô trương vũ khí mới sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Triều Tiên để lộ mục tiêu tấn công hạt nhân đầu tiên
'Cây gậy' phán quyết Biển Đông sẽ được dùng thế nào tại hội nghị ASEAN
Tin thế giới đọc nhanh trưa 23-07-2016
- Cập nhật : 23/07/2016
Trung Quốc khó rút khỏi UNCLOS để né phán quyết 'đường lưỡi bò'
Bắc Kinh có thể rút khỏi UNCLOS để tránh né thực thi phán quyết của Tòa trọng tài về "đường lưỡi bò", nhưng nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
"Phương án Trung Quốc không là thành viên của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc đã được tính đến, tuy nhiên có ba lý do khiến Bắc Kinh không dễ thực hiện", Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ trong Tọa đàm Những khía cạnh pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS) ngày 21/7.
Tiến sĩ Ngân cho hay, lý do thứ nhất, theo Điều 317 của UNCLOS, khi Trung Quốc rút khỏi cơ chế này, cần đến một năm thì tuyên bố mới có hiệu lực, điều đó có nghĩa trong khoảng thời gian đó, Bắc Kinh vẫn phải có nghĩa vụ thực thi phán quyết của Tòa trọng tài đưa ra hôm 12/7.
Thứ hai, thực tế Trung Quốc đã vận dụng rất nhiều quy định của UNCLOS để hưởng lợi, chẳng hạn như trước khi có UNCLOS, các quy định của Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chỉ tồn tại dưới dạng tập quán, sau đó Công ước cho phép các quốc gia mở rộng ranh giới thềm lục địa ra ngoài giới hạn 200 hải lý, thậm chí lên đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Trung Quốc đã vận dụng quy định này để mở rộng tối đa vùng biển của mình.
Lý do cuối cùng là Bắc Kinh đang có đại diện nắm giữ vị trí ở một số thiết chế thành lập theo UNCLOS, họ có một thẩm phán của Tòa luật biển, các đại diện tại Ủy ban Đáy đại dương. Do đó nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS thì nước này phải cân nhắc quyền lợi này. Hơn thế nữa, họ cũng phải tính đến hình ảnh một cường quốc trong quan hệ quốc tế và chịu áp lực từ dư luận trên thế giới.
Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) hôm 12/7 đã ra phán quyết Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với Biển Đông, "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với UNCLOS và không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc. Tòa cũng khẳng định Trung Quốc can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough, gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo và các hành động của Trung Quôc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines.
Hồi cuối tháng 6, trong khi dư luận quốc tế "nóng lên" trông đợi phán quyết của Tòa trọng, tờ Japan Times dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Trung Quốc thông báo với các nhà ngoại giao của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng họ sẽ rút khỏi UNCLOS nếu phán quyết bất lợi.
Theo Giáo sư Julian Ku thuộc Đại học Luật Hofstra, Mỹ, khi Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996, họ đã đồng ý hoàn toàn với việc tuân thủ việc giải quyết tranh chấp theo điều 296, trong đó quy định "Bất cứ quyết định nào do tòa án có thẩm quyền đưa ra đều là quyết định cuối cùng và phải được tất cả các bên tranh chấp tuân thủ".
Ông Ku chỉ ra rằng bản chất "ràng buộc" của phán quyết do tòa án quốc tế đưa ra đã được Trung Quốc nhất trí khi phê chuẩn UNCLOS, và họ không có cớ gì để bác bỏ điều này.
Kể cả khi Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, điều đó cũng không có nghĩa là nước này được "giải thoát" khỏi nghĩa vụ phải tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài vì tuyên bố của Tòa đưa ra trong lúc Bắc Kinh vẫn là thành viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuận, nguyên trưởng khoa nghiên cứu, Đại học Luật Hà Nội, phân tích.
Theo bà Thuận, trong khi các nước trên thế giới có quan điểm thống nhất yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là hoàn toàn bất hợp pháp, việc Bắc Kinh bác bỏ và cho hay sẽ không thực hiện có thể xem là động tác "làm mình làm mẩy" lúc này. Về lâu dài Trung Quốc sẽ phải tuân thủ vì đến nay lịch sử cho thấy không có nước nào trên thế giới dám phớt lờ phán quyết của tòa.
"Vấn đề là Bắc Kinh sẽ thực hiện ở mức độ khía cạnh nào và thời điểm nào bởi họ cần cân nhắc áp lực của cộng đồng quốc tế, thái độ giữa các nước lớn với nhau", tiến sĩ Thuận nói.(Vnexpress)
Thổ Nhĩ Kỳ tiềm ẩn nguy cơ tái diễn đảo chính
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính khác vẫn hiện hữu, song khẳng định chính phủ và các cơ quan khác đang kiểm soát tình hình.
Ngày 22/7, phát biểu với báo giới, Ông Yildirim nói: "Mối đe dọa vẫn chưa mất đi nhưng người dân của chúng ta không nên lo lắng".
Ông kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ bình tĩnh, đồng thời trấn an rằng cuộc sống đã trở lại bình thường. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, các thể chế của nước này hoạt động theo pháp quyền chứ không theo bất kỳ mong muốn trả thù nào, trong việc giải quyết hậu quả sau vụ đảo chính bất thành vừa qua.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng Mỹ không cần phải mất nhiều năm để dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - người hiện sống tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc là "đạo diễn" của vụ đảo chính hôm 15/7.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag nhấn mạnh việc liệu nước này có nên khôi phục hình phạt tử hình hay không sau vụ đảo chính cần được xem xét từ góc độ pháp lý chứ không phải theo ý muốn của Liên minh châu Âu (EU).(Baotintuc)
Brazil bắt 10 đối tượng âm mưu khủng bố Olympic Rio
Ngày 21-7, cảnh sát Brazil thông báo đã bắt giữ 10 đối tượng quốc tịch Brazil thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhóm này âm mưu khủng bố trước thềm thế vận hội Olympic tại TP Rio de Jainero.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tư pháp Brazil Alexandre de Moraes, nhóm bị bắt giữ "hoàn toàn nghiệp dư" và "không có tổ chức". Ông cũng cho biết nhóm này chưa xác định cụ thể mục tiêu sẽ tấn công là ở đâu.
Brazil thông báo đã bắt giữ 10 đối tượng quốc tịch Brazil thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)
Bộ trưởng Quốc phòng Raul Jungmann gọi nhóm người này là "điên rồ". Tuy nhiên, ông Jungmann cũng cho rằng các đối tượng đã vượt qua "lằn ranh giữa ủng hộ khủng bố và thật sự tiến hành khủng bố".
Các đối tượng âm mưu khủng bố bị bắt giữ tại 10 bang khác nhau trên lãnh thổ Brazil. Những người này đã liên lạc với nhau thông qua các ứng dụng nhắn tin mã hóa bảo mật như WhatsApp và Telegram. Đa số các thành viên thậm chí còn không hề quen biết nhau hoặc đã từng gặp mặt ngoài đời.
Bộ trưởng Tư pháp Brazil Alexandre de Moraes, nhóm bị bắt giữ "hoàn toàn nghiệp dư" và "không có tổ chức"
Theo ông Moraes, cảnh sát đã bắt đầu giám sát các tin nhắn của nhóm, tự xưng là "Những người bảo vệ Sharia" từ tháng 4-2016. Sharia là một bộ luật Hồi giáo cổ đại và hà khắc. Ông Moraes cho biết: "Một số đối tượng đã thề trung thành với IS trên Internet, tuy nhiên lại chưa từng liên hệ trực tiếp với nhóm này".
Nhóm này đã cố liên hệ với các tay lái súng trên thị trường chợ đen ở Paraguay để mua súng trường tấn công Kalashinkov. Khi thế vận hội còn khoảng hai tuần nữa là khởi tranh, nhóm này đã kêu gọi nhau đi "học võ".
Bộ Tư pháp Brazil cho biết chiến dịch bắt giữ 10 đối tượng này đã huy động khoảng 130 sĩ quan cảnh sát. Hiện các cơ quan chức năng đã tạm giữ thêm hai đối tượng và đang truy tìm hai đối tượng khác còn đang lẩn trốn. Cảnh sát cũng đã tiến hành khám xét 19 địa điểm tại nhiều thành phố lớn trong nước.
Ông Moraes khẳng định tình hình an ninh trước thềm thế vận hội vẫn được giám sát nghiêm ngặt. "Các mối đe dọa vẫn còn đó. Vẫn có khả năng sẽ xảy ra khủng bố trong thời gian Olympic Rio".(PLO)
Mỹ tặng tàu tuần duyên cho Philippines sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Một tàu tuần duyên đã về hưu của Mỹ được chuyển giao cho hải quân Philippines, sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Các thành viên tàu Boutwell rời tàu lần cuối trong nghi thức chuyển giao cho Philippines. Ảnh: USCoastGuard
Tàu Boutwell, không còn được tuần duyên Mỹ sử dụng, sáng 21/7 được chuyển giao cho hải quân Philippines trong một nghi thức tại căn cứ tuần duyên Alameda, bang California, Mỹ. Con tàu có tên mới là Andres Bonifacio. Tàu phục vụ ở lực lượng Mỹ trong vòng 50 năm trước khi "về hưu" hôm 16/3 ở thành phố San Diego, bang California.
"Tuần duyên buồn vì con tàu này không còn ở lại với đội tàu của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng tự hào khi gửi nó tới tham gia nhiệm vụ mới phục vụ một đất nước vĩ đại, được những thủy thủ chuyên nghiệp và đầy năng lực, những người bạn thân điều khiển", Coast Guard News dẫn lời Chuẩn Đô đốc Joseph M. Vojvodic thuộc lực lượng Tuần duyên Mỹ, cho biết.
Ông Vojvodic cho hay con tàu sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch hàng hải thiết yếu cho Philippines, trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ tự do hàng hải, bảo vệ cuộc sống trên biển và chiến đấu chống khủng bố toàn cầu.
Mỹ đã chuyển giao hai tàu tuần duyên lớp Hamilton cho nước đồng minh Đông Nam Á trong vài năm gần đây. Manila tiếp nhận tàu Gregorio Del Pilar năm 2011 và Ramon Alcaraz năm 2013. Cả hai tàu chiến sau đó được trang bị vũ khí, thực hiện các chuyến tuần tra ở nhiều khu vực, trong đó có Biển Đông.
Sự kiện bàn giao tàu mới nhất diễn ra sau khi Tòa Trọng tài hôm 12/7 công bố phán quyết tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". "Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc tự vạch ra để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Đơn kiện do Philippines nộp năm 2013.
Phán quyết nhận được sự hoan nghênh từ nhiều nước. Mỹ khẳng định phán quyết từ tòa là cuối cùng, có tính ràng buộc pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc, kêu gọi các bên tuân thủ.
Singapore cấm tờ báo có liên hệ với IS
Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore (MCI) quyết định cấm lưu hành ấn phẩm Al Fatihin do Furat Media xuất bản bởi cơ quan truyền thông này có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Singapore.
Ngày 22/7, thông cáo của MCI nêu rõ: “Chính phủ Singapore không khoan nhượng với hoạt động tuyên truyền khủng bố, do vậy ấn phẩm Al Fatihin bị cấm lưu hành ở Singapore”. Tuyên bố cũng cho biết những ai bị phát hiện sở hữu hay lưu hành ấn phẩm này sẽ bị phạt tù và phạt tiền.
Bộ trưởng MCI Yaacob Ibrahim cho rằng việc IS dùng Al Fatihin để truyền bá rộng rãi tư tưởng cực đoan trong khu vực là điều không thể chấp nhận được. Theo ông, Singapore có lập trường mạnh mẽ trong việc chống lại hành vi tuyên truyền tư tưởng về chủ nghĩa khủng bố và tại Singapore không có chỗ đứng cho tư tưởng cực đoan, vì vậy quyết định này là cần thiết.
Trước đó, ấn phẩm Al Fatihin đã được lưu hành tại hầu khắp các nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Brunei, Singapore, miền Nam Thái Lan và miền Nam Philippines.