Phán quyết 'đường lưỡi bò' phủ bóng hội nghị ASEAN tại Lào
Máy bay Nga không kích căn cứ Mỹ ở Syria
Bắn hạ Su-24 của Nga là một phần trong âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Phi cơ Triều Tiên hạ cánh khẩn cấp vì bị cháy
Tổng Thư ký NATO: Trump thách thức sự thống nhất của NATO
Tin thế giới đọc nhanh chiều 21-07-2016
- Cập nhật : 21/07/2016
Trung Quốc chỉ trích dân trong nước đập phá hàng Mỹ
Báo chí Trung Quốc lên án người biểu tình trong nước khi họ hành động quá khích để phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện trên biển Đông.
Những ngày gần đây, người biểu tình Trung Quốc tập trung bên ngoài một số nhà hàng KFC ở ít nhất 17 thành phố, giăng biểu ngữ và kêu gọi tẩy chay chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ.
Trên các phương tiện truyền thông xã hội, các công dân Trung Quốc ăn tại chuỗi nhà hàng này bị lên án là “không yêu nước” và “làm mất mặt tổ tiên của mình”.
Hành động của người biểu tình Trung Quốc là nhằm phản đối phán quyết của PCA mới đây, trong đó bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Bắc Kinh ở biển Đông.
Ảnh: WEIBO
"Bạn có dùng GPS, điện thoại di động, xe hơi và ngồi máy bay không? Đó chẳng phải là những sản phẩm liên quan tới Mỹ sao?" - một người dùng Weibo hỏi ngược lại những người biểu tình chống hàng Mỹ.
Trong các bài bình luận hôm 18 và 19-7, báo chí đại lục chỉ trích những người biểu tình nói trên, đồng thời cảnh báo họ có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì cản trở doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp và lăng mạ khách hàng.
China Daily viết: “Thay vì yêu nước, đó là chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiếnlàm phương hại đến tinh thần của lòng sùng bái đất nước. Những người nhân danh lòng yêu nước để tổ chức các hoạt động như vậy mà không theo quy định và quấy rối người khác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã thuyết phục người dân không nên trút giận lên tài sản của họ, đồng thời lên án hành vi thể hiện lòng yêu nước bất hợp lý. Cách đây vài năm, sau một vụ tranh chấp lãnh thổ tương tự với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, người dân Trung Quốc đã xuống đường đập vỡ xe hơi Nhật Bản khiến nhiều người bị thương và tài sản bị hư hỏng.
Cùng với các cuộc biểu tình nhà hàng KFC, truyền thông xã hội Trung Quốc cũng lan truyền các bức ảnh những thanh thiếu niên đại lục đập iPhone, điện thoại di động thông minh của Công ty Apple (Mỹ), để phản đối phán quyết của PCA.
Triều Tiên "khoe" có khả năng tấn công phủ đầu căn cứ Mỹ
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, thành công của ba vụ thử tên lửa đạn đạo hôm qua của họ đã chứng minh Bình Nhưỡng có khả năng phát động tấn công phủ đầu các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc.
Các vụ thử tên lửa liên tiếp trong thời gian gần đây của Triều Tiên đang gây quan ngại cho công đồng quốc tế - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20-7, ba vụ thử tên lửa đạn đạo hôm qua của họ do đích thân lãnh đạo Kim Jong Un ra lệnh và theo dõi. Thực hiện ba vụ thử là các đơn vị pháo binh Hwasong thuộc lực lượng chiến lược KPA.
Ba vụ thử này đã giả lập các vụ tấn công phủ đầu nhằm vào các cảng của Hàn Quốc và những sân bay đang cất giữ "vũ khí quân dụng hạng nặng" của quân đội Mỹ.
Thành công của ba vụ thử đã "chứng minh khả năng chiến đấu của các đơn vị pháo binh Hwasong", đồng thời giúp "kiểm tra tính năng hoạt động của các thiết bị kích nổ đầu đạn hạt nhân được đặt trên tên lửa đạn đạo tại một độ cao được xác định trên khu vực mục tiêu".
Theo RT, từ 5g45 đến 6g40 sáng 19-7, Bình Nhưỡng đã bắn ba tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía đông từ một khu vực gần thành phố Hwangju. Các tên lửa này - gồm hai tên lửa Scud và một tên lửa Rodong, có tầm bay 500 - 600km trước khi rơi xuống biển.
Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ nói các tên lửa này không gây ra mối đe dọa nào cho khu vực Bắc Mỹ, nhưng lên án Triều Tiên thử tên lửa do vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hàn Quốc cũng lên án Triều Tiên "vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc" và kêu gọi Triều Tiên "dừng khiêu khích kiểu này ngay lập tức".
Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ quan ngại trước các vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, nói "những hành động như vậy không có lợi cho việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".
Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội 99 tướng đảo chính
Ngày 20/7, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức buộc tội 99 trong khoảng 360 tướng quân đội, những người bị cáo buộc liên quan tới vụ đảo chính bất thành năm ngày trước đó tại nước này.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ trong lễ tang các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính vừa qua tại Ankara ngày 17/7. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoài ra, lực lượng an ninh trung thành với chính phủ cũng đã bắt giữ thêm 14 viên tướng sau âm mưu đảo chính nói trên.
Cùng ngày, nhật báo "Sabah" thân chính phủ đưa tin tổng cộng có 30 nhân viên cấp cao trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cách chức, với cáo buộc có liên quan tới âm mưu đảo chính vừa qua.
Kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ công tác và bắt giữ khoảng 50.000 quân nhân, cảnh sát, thẩm phán, công chức và giáo viên trong các chiến dịch truy quét những đối tượng tình nghi. Dự kiến, trong ngày hôm nay 20/7, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ công bố một loạt biện pháp khẩn cấp nhằm bình ổn đất nước và hạn chế những thiệt hại về kinh tế do hoạt động "làm trong sạch" bộ máy công quyền sau đảo chính.
Hiện chính quyền Ankara cáo buộc giáo sĩ Fehullah Gulen - người đang sống lưu vong ở Mỹ, đứng sau âm mưu đảo chính vừa qua. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đã yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ này về Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Mỹ tuyên bố sẵn sàng xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Ankara cung cấp các bằng chứng xác đáng về cáo buộc đối với giáo sĩ Gulen. Trong khi đó, ông Gulen cũng lên án mạnh mẽ vụ đảo chính và phủ nhận những cáo buộc dính líu đến âm mưu này.
Căn cứ quân sự Mali bị tấn công, 17 người chết, 35 bị thương
Sau vụ tấn công, hai nhóm phiến quân khác nhau đã đứng ra nhận trách nhiệm, trong khi chính phủ Mali họp an ninh khẩn cấp.
BBC ngày 20-7 dẫn nguồn tin các quan chức nói một nhóm người vũ trang hạng nặng đã xông vào căn cứ quân sự ở TP miền trung Nampala sáng 19-7 (giờ địa phương, tức chiều 19-7 giờ VN), nổ súng và châm lửa đốt nhiều vị trí ở căn cứ.
Ít nhất 17 binh sĩ đã thiệt mạng trong vụ tấn công, 35 binh sĩ khác cũng bị thương.
Sau vụ tấn công, Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita đã tổ chức họp an ninh khẩn với Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và các tư lệnh quân đội.
Trong thông báo sáng sớm nay 20-7 (giờ VN), chính phủ Mali nói họ vẫn chưa xác định được nhóm nào đã tấn công căn cứ.
Tuy nhiên theo AP, hai nhóm riêng biệt đã nhận trách nhiệm vụ tấn công, trong đó có nhóm Mặt trận Giải phóng Macina có liên hệ với al-Qaida.
Năm ngoái, 3 nhóm thánh chiến khác nhau cũng tự nhận gây ra vụ tấn công khách sạn và bắt con tin ở thủ đô Bamako khiến hàng chục người thiệt mạng.
Quân đội Pháp đã can thiệp quân sự tại Mali từ năm 2013 theo yêu cầu của chính phủ nước này, trong khi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cũng đã có mặt.
Ông Duterte giận dữ vì yêu cầu tự phụ của Trung Quốc
Những mừng vui sau khi PCA ra phán quyết đã bị phá vỡ sau khi một vị Bộ trưởng Philippines nói về yêu cầu từ Đại sứ Trung Quốc ở Manila và ông Duterte đã bắn tín hiệu hoan nghênh tàu sân bay Mỹ tới Biển Đông.
Sau những tiếng vỗ tay hoan hỉ, việc đầu tiên cần phải làm là Philippines cần đưa ra một tuyên bố công khai. Nhưng đúng lúc này một vị bộ trưởng nói tối qua ông đã dùng bữa với Đại sứ Trung Quốc ở Manila và câu nói lập tức thu hút sự chú ý của chủ nhân Điện Malacañang.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Philippines vẫn buông một câu đùa: “Anh đã sẵn sàng làm gián điệp cho Trung Quốc rồi đấy à?”, nguồn tin có mặt trong cuộc họp nội các Philippines hôm 12/7 tiết lộ.
Sau đó, vị bộ trưởng kia đã liệt kê một danh sách chi tiết các yêu cầu mà Đại sứ Trung Quốc nêu ra, từ việc muốn Chính phủ Philippines nên nói gì, không nên nói gì khi PCA ra phán quyết.
Ông Duterte lập tức thay đổi thái độ, trở nên nghiêm túc. Điều gì đã làm ông Duterte khó chịu? Theo nguồn tin, nguyên nhân còn nghiêm trọng hơn là những yêu cầu tự phụ đến từ phía Trung Quốc.
Bởi trước khi vị bộ trưởng kia gặp Đại sứ Trung Quốc, ông Duterte đã gặp vị quan chức ngoại giao này và đưa ra cam kết.
“Lẽ nào ông ta không tin tôi?”, tân Tổng thống Philippines hỏi rồi nhấn mạnh: “Bởi vì Đại sứ Trung Quốc muốn tôi nói điều họ muốn, tôi sẽ không nói”.
Theo nguồn tin của tờ Wall Street Journal, ông Duterte đã rất tức giận vì cảm thấy phía Trung Quốc đang giễu cợt mình và từ sự cứng rắn của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Philippines đã nhanh chóng rút ra bài học.
Ông Duterte từng công khai nói rằng mình không tin vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc ông từ chối làm bạn với Mỹ.
Trong cuộc họp Nội các hôm đó, nguồn tin cho hay, ông Duterte đã tuyên bố hoan nghênh tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh. Ông Duterte nói với các bộ trưởng của mình: “Hãy để họ (Mỹ) gửi tàu chiến của họ đến đây. Nhưng tôi không thể nói điều đó một cách công khai”.