Chạy đua vào Nhà trắng 2016: Cuộc chiến tiền bạc
Nga kêu gọi khôi phục phòng thủ dân sự kiểu Chiến tranh lạnh
Lầu Năm Góc lần đầu bổ nhiệm người nước ngoài làm lãnh đạo
Trung Quốc thông báo về việc thay đổi một số nhân sự cấp cao
Trung Quốc không công nhận phán quyết trong vụ kiện của Philippines
Tin thế giới đọc nhanh trưa 21-07-2016
- Cập nhật : 21/07/2016
Thẩm phán Philippines nêu cách buộc Trung Quốc thực thi phán quyết 'đường lưỡi bò'
Philippines có thể sử dụng các biện pháp kinh tế để buộc Trung Quốc thực thi các điều khoản trong phán quyết "đường lưỡi bò" của Tòa Trọng tài.
Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò". Ảnh: Weibo
Theo phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague, yêu sách về "quyền lịch sử" Trung Quốc đưa ra trong "đường 9 đoạn" là vô giá trị, và khoảng 25% vùng biển trong đó là khu vực biển quốc tế, nơi các quốc gia có quyền tự do đi lại trên không và trên biển, dù là tàu dân sự hay quân sự.
Wall Street Journal dẫn phân tích của thẩm phán Antonio T. Carpio thuộc tòa án Tối cao Philippines cho biết, nếu Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa, Manila có thể thực hiện một số biện pháp để thực thi phán quyết và bảo vệ lợi ích của mình.
Trong trường hợp một công ty dầu khí Trung Quốc đưa dàn khoan tới khu vực nước này chiếm đóng để khai thác khí đốt, Philippines có thể kiện công ty này ở bất kỳ quốc gia nào mà công ty có tài sản, như Canada, một thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Philippines có thể đề nghị tòa án Canada thu giữ tài sản của công ty dầu khí Trung Quốc ở nước này để đền bù cho những tổn thất mà phía công ty trên gây ra.
Ngoài ra, Philippines cũng có thể yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Tòa Trọng tài từng nêu rõ hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa đối với hệ sinh vật biển ở quần đảo Trường Sa, trong đó có đá Vành Khăn và đá Subi thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Theo UNCLOS, một quốc gia bắt buộc phải có nghĩa vụ pháp lý đối với thiệt hại gây ra cho môi trường biển của quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Philippines cũng có thể yêu cầu cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA), một tổ chức thành lập theo quy định của UNCLOS, ngừng cấp 4 giấy phép từng cấp cho Trung Quốc để nước này khai thác đáy biển trong vùng biển quốc tế, bên ngoài quyền tài phán của Bắc Kinh.
Theo thẩm phán Carpio, đây cũng là một biện pháp tương đối hữu hiệu, bởi các quốc gia phê chuẩn UNCLOS đã nhất trí chấp thuận rằng ISA và các phán quyết của cơ quan này là một phần không tách rời của UNCLOS.
Nếu Trung Quốc không chấp thuận quyết định của ISA, Manila có thể cáo buộc rằng Bắc Kinh thừa nhận UNCLOS dưới góc độ được khai thác nguồn lực đáy biển nhưng lại bác bỏ các điều khoản liên quan tới giải quyết tranh chấp.
Ông Carpio cũng cho rằng dù không có lực lượng cảnh sát biển quốc tế để thực thi phán quyết, các cường quốc hải quân, dẫn dầu là Mỹ, đã tuyên bố sẽ tiếp tục qua lại tự do trên vùng trời và vùng biển quốc tế ở Biển Đông để thực thi quyền của họ. Và khi Trung Quốc không thể ngăn các cường quốc này thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không, một phần quan trọng của phán quyết cuối cùng đã được thực thi. Biển Đông không bao giờ là ao nhà của Trung Quốc như tham vọng mà nước này vẽ ra qua "đường lưỡi bò".
"Cùng với thời gian, phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ cần được thực thi đầy đủ vì thế giới sẽ không chấp nhận một quốc gia đơn lẻ tuyên bố chủ quyền đối với gần trọn một vùng biển có nhiều quốc gia khác giáp ranh. Hành vi vi phạm của Trung Quốc, nếu không được ngăn chặn, sẽ đồng nghĩa với 'cái chết' của Luật Biển quốc tế", thẩm phán Carpio khẳng định.
FBI vào cuộc điều tra vụ nhà báo Nga tử nạn
Nhà báo nổi tiếng người Nga Pavel Sheremet ngày 20-7 thiệt mạng tại trung tâm TP Kiev -Ukraine, khi chiếc xe ông lái bị nổ tung chỉ vài phút sau khởi động.
Công tố viên Ukraine xác nhận rằng Pavel Sheremet bị sát hại bằng một thiết bị nổ đã được tìm thấy trong xe. Chiếc xe bị gài thuốc nổ là của bà Olena Prytula, Tổng biên tập báo Ukrainska Pravda, một tờ báo điện tử có ảnh hưởng lớn, chuyên về những vấn đề chính trị nóng bỏng ở Ukraine. Tuy nhiên, bà Prytjula không có trong xe vào thời điểm xe nổ.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đồng ý hỗ trợ Kiev điều tra vụ giết nhà báo nổi tiếng Sheremet. Theo Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko, yêu cầu sự hỗ trợ từ FBI nhằm duy trì tính minh bạch của cuộc điều tra.
Vụ nổ xảy ra vào khoảng 7 giờ 45 phút ngày 20-7 (theo giờ địa phương), sau khi nhà báo bước vào xe, khởi động máy và lái xe khoảng vài chục mét. Chiếc xe đã bị cháy hoàn toàn. Một quan chức cấp cao của Ukraine nói đây là “vụ giết người đáng nghi”.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, một thiết bị nổ được cài đặt trên xe một cách cố ý... Rõ ràng, chất nổ đã được kích hoạt bằng sóng vô tuyến của thiết bị điều khiển từ xa hoặc bằng đồng hồ hẹn giờ” - cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, ông Anton Gerashchenko, phát biểu trên kênh truyền hình 112 Ukraine.
“Tôi không loại trừ vụ giết nhà báo Pavel Sheremet có thể được sử dụng để làm mất ổn định tình hình chính trị ở Ukraine” - ông Anton Gerashchenko nói thêm.
Tại Moscow, người phát ngôn của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nhận xét: “Vụ giết một công dân Nga và là nhà báo ở Ukraine rất nghiêm trọng và là mối quan tâm của điện Kremlin”. Chính ông Sheremet từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi thường xuyên bị đe dọa. Mỗi lần tôi đi Moscow, giống như tôi đang ở trong một bãi mìn”.
Pavel Sheremet là một nhà báo Nga nổi tiếng và là nhà phân tích chính trị chuyên về quan hệ giữa Nga và Ukraine. Ông Sheremet nhập quốc tịch Nga sau khi chạy trốn khỏi đàn áp chính trị ở Belarus, đồng thời là bạn của chính trị gia đối lập, cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov – người bị ám sát ở thủ đô Moscow hồi năm 2015. Trong nhiều năm qua, ông đã sống, làm việc tại Ukraine và đầu quân cho tờ Ukrainskaya Pravda.
Hội đồng Bảo an bỏ phiếu kín chọn Tổng thư ký mới
Sau nhiều tháng tranh luận và điều trần mở trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 21-7, 15 nước thành viên của Hội đồng Bảo an bắt đầu vòng bỏ phiếu kín đầu tiên chọn ra người kế nhiệm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon.
Theo AFP, lần lượt 12 ứng cử viên được đánh giá thông qua ba lá phiếu “tín nhiệm”, “không tín nhiệm” và “không có ý kiến”. Kết quả cuối cùng không được công bố trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hay báo giới.
Chỉ có những quốc gia đề cử ứng cử viên mới được thông báo kết quả.
AFP nhận định, tiến trình bầu chọn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm nay được đánh giá là rõ ràng và minh bạch hơn những lần trước.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hiệp Quốc, các ứng cử viên được tham gia các buổi tranh luận và phiên điều trần công khai trước Đại hội đồng.
Họ trình bày về các chính sách cũng như những ưu tiên và trách nhiệm khi trở thành người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh trước tất cả đại diện các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.
Trước đây, các quốc gia thường phàn nàn rằng, việc chọn Tổng thư ký không phải dựa vào năng lực điều hành của người đó, mà chủ yếu là dựa vào việc người đó có “phục vụ” năm nước thường trực Hội đồng Bảo an hay không.
Một điều thú vị là, trải qua tám đời Tổng thư thư ký là đàn ông, Hội đồng Bảo an đang đứng trước lời kêu gọi nên chọn một người phụ nữ cho nhiệm kỳ 5 năm sắp tới.
Người này cũng nên được chọn trong số các ứng cử viên đến từ Đông Âu, khu vực duy nhất chưa có đại diện làm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Trong số 12 ứng cử viên, có 6 người là nữ, 8/12 ứng cử viên đến từ Đông Âu.
Đài phát thanh Triều Tiên phát sóng chuỗi số bí ẩn
Giới chức Hàn Quốc cho biết đài phát thanh Triều Tiên gần đây đã phát sóng các chuỗi số không thể giải nghĩa và cho rằng đó có thể là tin nhắn mã hóa thời Chiến tranh Lạnh.
Theo Bộ thống Nhất và Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), một phát thanh viên nữ của Triều Tiên đã đọc bản tin dưới dạng các chuỗi số vào ngày 24-6 (trong vòng 2 phút) và 15-7 (14 phút). Một số cụm từ được giới chức Seoul ghi nhận hôm 15-7 bao gồm: “Trên trang 459 số 35, trang 913 số 55, trang 135 số 86, trang 257 số 2”.
Một phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay chưa thể làm rõ ẩn ý của Triều Tiên về việc phát sóng các bản tin nói trên nhưng kêu gọi láng giềng miền Bắc chấm dứt “hoạt động lỗi thời” này.
Trong khi đó, phát thanh viên Triều Tiên mô tả những con số trên là "tóm rắt các bài tập vật lý và toán của chương trình đào tạo đại học từ xa".
Theo một số điệp viên Triều Tiên bị bắt, vào thời Chiến tranh Lạnh, Bình Nhưỡng gửi các chuỗi số tương tự thông qua đài phát thanh sóng ngắn để giao nhiệm vụ cho những điệp viên được cử tới Hàn Quốc,
Phương pháp này sau đó bị hủy bỏ, thay bằng kênh liên lạc qua mạng internet, một phần cũng bởi quan hệ với Hàn Quốc bớt căng thẳng sau hội nghị thượng định liên Triều lịch sử năm 2000.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng xấu đi nghiêm trọng kể từ đầu năm do miền Bắc thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa gây lo ngại, bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế.
Các chuyên gia ở Seoul nhận định việc Triều Tiên mã hóa các bản tin phát thanh là một hành động tâm lý chiến. Giám đốc Viện Dân chủ Tự do Hàn Quốc (KILD) Yoo Dongryul nói rằng Bình Nhưỡng có thể đang cố gắng đánh lừa giới chức tình báo Hàn Quốc rằng họ đang tăng cường hoạt động gián điệp.
Ông Yoo tiết lộ Triều Tiên hiện sử dụng một phương pháp truyền tin tinh vi gọi là “steganography” với các thông điệp bí mật sẽ được ẩn trong những tập tin âm thanh và video.
Tương tự, giáo sư Remco E Breuker - chuyên gia về Triều Tiên tại Trường ĐH Leiden (Hà Lan), cho đài BBC hay các bản tin bí ẩn ấy "chỉ nhằm hù dọa", tương tự các tên lửa được trưng ra tại các cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng.
Trong nhiều thập kỷ sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, 2 miền Nam, Bắc Triều Tiên thường gửi gián điệp xâm nhập lãnh thổ của nhau. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 nước tập trung vào các hoạt động thu thập tình báo ít rủi ro hơn, chẳng hạn thu thập thông tin từ internet và ảnh vệ tinh.
Ngoài ra, Seoul còn cáo buộc Bình Nhưỡng gửi điệp viên cải trang thành những người tị nạn tìm cách định cư tại Hàn Quốc.
Triều Tiên bỏ ảnh gia tộc họ Kim ra khỏi sách giáo khoa?
Báo Korea Times (Hàn Quốc) dẫn thông tin từ mạng truyền thông Nhật Bản Asiapress cho hay Triều Tiên đã loại hình ảnh của gia tộc họ Kim ra khỏi sách giáo khoa cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo ông Ishimaru Jiro, chuyên gia về Triều Tiên làm việc tại Asiapress, hành động này nhằm ngăn trẻ nhỏ vẽ đè lên những hình ảnh trên - vốn bị xem là tội lỗi ở Triều Tiên.
Thổ Nhĩ Kỳ cấm các học giả ra nước ngoài
Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20-7 đưa tin Ủy ban giáo dục cấp cao của nước này đã cấm toàn bộ học giả đi nước ngoài cho đến khi có thông báo mới.
Động thái này diễn ra ngay sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh toàn bộ trưởng khoa tại các trường đại học phải từ chức, cụ thể là 1.577 người.
Ngoài ra, nhà chức trách cũng hủy giấy phép của 21.000 giáo viên trường tư thục. Với diễn biến này, tổng số người bị bắt, sa thải hoặc đình chỉ công tác sau đảo chính tại Thổ Nhĩ kỳ đã lên gần 60.000 người, theo ước tính của Bloomberg.
Theo RT, cuộc thanh trừng này diễn ra sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ các học giả của các trường có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen - hiện đang ở Mỹ và bị Ankara cáo buộc chủ mưu cuộc đảo chính vừa qua.
Ông Gulen đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng chính Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã dàn dựng cuộc đảo chính. Ông Erdoğan nói cáo buộc này là "vô nghĩa".
Trong khi đó Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Thổ Nhĩ Kỳ cần phải cung cấp bằng chứng mới có thể yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen sang Thổ Nhĩ Kỳ.