tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 30-04-2016

  • Cập nhật : 30/04/2016

Bộ trưởng Quốc phòng Nga: “Chính Mỹ và NATO buộc Nga phải có hành động trả đũa”

 Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng hành động của Mỹ và NATO buộc Nga phải có các biện pháp kỹ thuật quân sự đáp trả, theo Sputniknews.
bo truong quoc phong nga sergei shoigu. anh sputnik/grigori sysoev

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh Sputnik/Grigori Sysoev

"Cùng lúc Hoa Kỳ và NATO đã bắt đầu triển khai cơ sở hạ tầng quân sự gần biên giới Nga, thực hiện các kế hoạch phòng thủ tên lửa nguy hiểm và tăng ngân sách quân sự. Các hành động như vậy buộc chúng tôi phải đưa ra các biện pháp kỹ thuật quân sự tương ứng để đáp trả. Đồng thời tôi có trách nhiệm tuyên bố: Chúng tôi chống chạy đua vũ trang", ông Shoigu nói hôm thứ Tư tại Hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ V.
 
"Chúng tôi không phản đối việc khôi phục quan hệ với NATO, nhưng điều đó chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở có đi có lại, tôn trọng lợi ích quốc gia, với nền an ninh công bằng và không thể chia cắt đối với tất cả", Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói thêm.

Nga, Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng hành động khiêu khích

Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động khiêu khích trong bối cảnh lo ngại Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân mới.

ngoai truong nga sergey lavrov. (nguon: tass.ru)

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Nguồn: tass.ru)

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 29/4 đã lên tiếng kêu gọi Triều Tiên kiềm chế không thực hiện thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân mới. 

Ông Lavrov được dẫn lời phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với ông Vương Nghị tại Bắc Kinh rằng hai bên đã nhất trí cho rằng Triều Tiên nên kiềm chế không thực hiện "các biện pháp vô trách nhiệm mới."

Về phần mình, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc và Nga sẽ thực hiện đầy đủ nghị quyết mới nhất của Liên hợp quốc về Triều Tiên, đồng thời gọi đây là một công cụ cần thiết và cơ bản để ngăn Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân. 

Các quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết chỉ trong ngày 28/4 vừa qua, Triều Tiên đã phóng thử hai quả tên lửa tầm trung nhưng cả hai vụ này dường như đều thất bại. 

Hiện đang xuất hiện những mối lo ngại rằng Triều Tiên có thể tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân trước thềm đại hội Đảng Lao động Triều Tiên dự kiến khai mạc vào tuần tới.


Trung Quốc đề xuất một tuyên bố cam kết với ASEAN về tranh chấp lãnh thổ

Bắc Kinh đã đề xuất các nước ASEAN ra một tuyên bố chung cam kết tuân thủ những nguyên tắc của thỏa thuận quản lí tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

cac quan chuc ngoai giao cap cao asean - trung quoc tai hoi nghi. anh: afp/ttxvn

Các quan chức Ngoại giao cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn nhật báo "Straits Times" ngày 29/4 cho biết do thiếu một thỏa thuận mang tính ràng buộc về cách thức quản lí tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN, Bắc Kinh đã đề xuất các bên ra một tuyên bố chung cam kết tuân thủ những nguyên tắc của một thỏa thuận trước đó, bao gồm việc hạn chế leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tuyên bố trên sẽ phản ánh nhiều nguyên tắc trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002, một thỏa thuận đã được Trung Quốc và các nước ASEAN kí kết, khẳng định tất cả các bên cần giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tránh gây phức tạp hoặc leo thang căng thẳng. 

Phát biểu sau cuộc họp kéo dài hai ngày 27-28/4 tại Singapore giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc và ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho rằng đề xuất này là “cần thiết” với 10 quốc gia thành viên ASEAN để tái khẳng định cam kết với DOC.

Tuy nhiên, trao đổi với nhật báo "Straits Times", cựu Tổng Thư ký ASEAN, Đại sứ lưu động Bộ Ngoại giao Singapore, ông Ong Keng Yong đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của một tuyên bố như đề xuất của Trung Quốc khi đã sẵn có DOC mà các nước thành viên ASEAN nhất trí, nhắc lại và tái khẳng định trong suốt 14 năm qua”. Theo ông Ong, "các nước ASEAN cần phải đánh giá lại ngôn từ, giọng điệu và động lực của tuyên bố chung này để xác định liệu nó có giống với DOC hay không".

Hội nghị giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc-ASEAN diễn ra tại Singapore do Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong và Thứ trưởng Lưu Chấn Dân đồng chủ trì, tập trung thảo luận về cách thức áp dụng các hướng dẫn của DOC và cải thiện quan hệ hợp tác ASEAN-Trung Quốc. Singapore hiện là nước điều phối quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Trung Quốc, vốn sẽ kỉ niệm 25 năm thiết lập trong năm nay. Ông Chee Wee Kiong thông báo sẽ có một loạt hoạt động được tổ chức kỉ niệm sự kiện này, trong đó có một hội nghị cấp cao.


Rơi trực thăng ở Na Uy, ít nhất 11 người chết

Một chiếc trực thăng Eurocopter EC-225 chở theo 13 người trở về từ giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển phía tây Na Uy đã gặp nạn trên đảo Turoey hôm 29/4. Hiện 11 thi thể đã được tìm thấy trong khi 2 người khác vẫn mất tích.

cac luc luong cuu nan tim kiem nguoi mat tich va thiet mang tai hien truong vu tai nan. (anh: ap)

Các lực lượng cứu nạn tìm kiếm người mất tích và thiệt mạng tại hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: AP)

Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn cảnh sát Morten Kronen cho biết chiếc trực thăng “hoàn toàn vỡ vụn”. Ông cho biết có nhận được “thông tin về một vụ nổ và khói dày đặc”, và một số người được phát hiện ở dưới biển.

Vị trí trực thăng gặp nạn tại đảo Turoey, gần thành phố Bergen lớn thứ hai Na Uy. “Đó là một hòn đảo rất nhỏ và các bộ phận của trực thăng vương vãi khắp một khu vực trên đảo, một phần trên mặt biển”, Jon Sjursoe, một người phát ngôn Trung tâm Điều phố Cứu nạn Hỗn hợp của Na Uy cho biết.

Thi thể 11 người đã được tìm thấy trong khi còn 2 trường hợp mất tích. Trực thăng gặp nạn khi đang trở về đất liền từ một giàn khoan dầu trên biển.

Chiếc trực thăng thuộc loại Eurocopter EC-225, do công ty CHC Helicopter, chuyên cho thuê trực thăng có trụ sở tại Richmond, tỉnh British Columbia của Canada.

“CHC Helicopter xác nhận đã xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến một trong các máy bay của chúng tôi tại Na-uy”, thông cáo của công ty cho biết. “Chi tiết chính xác về vụ tai nạn chưa được làm rõ”.


Nga ủng hộ Trung Quốc thách thức Mỹ tại Biển Đông

Hôm 29/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow ủng hộ Trung Quốc phản đối hành động của Mỹ tại hai điểm nóng an ninh tại châu Á là Biển Đông và Triều Tiên.

Ông Lavrov công du Trung Quốc để đẩy mạnh hợp tác và khẳng định sự ủng hộ của Moscow đối với Bắc Kinh về nhiều vấn đề, bao gồm tình hình Triều Tiên và tranh chấp trên Biển Đông.

Theo Bloomberg, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị, ngoại trưởng Nga thể hiện ủng hộ quan điểm của Trung Quốc rằng những nước không liên quan tới tranh chấp như Mỹ không nên can thiệp vào tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoài ra, hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc trước khả năng Mỹ triển khai hệ thống chặn tên lửa Thaad ở Hàn Quốc để đối phó mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn từ Triều Tiên. Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo các nỗ lực sử dụng nguy cơ đe dọa hạt nhân là cái cớ để tăng tiềm lực quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

ngoai truong nga sergei lavrov bat tay nguoi dong cap vuong nghi sau cuoc hop bao chung hom 29/4. anh: getty images

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt tay người đồng cấp Vương Nghị sau cuộc họp báo chung hôm 29/4. Ảnh: Getty Images

Đây là cuộc gặp thứ hai giữa Lavrov và ông Vương Nghị trong vòng hai tuần. Hai nước đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6. Trong cuộc hội đàm với Lavrov tại Moscow hôm 18/4, ông Vương Nghị cũng từng nhấn mạnh rằng hai nước phản đối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương giữa các bên liên quan.

"Quan điểm của Nga là tranh chấp Biển Đông không nên trở thành vấn đề quốc tế và các thế lực bên ngoài không nên can thiệp", ông Lavrov phát biểu trong cuộc họp báo hôm 29/4, và lặp lại tương tự vào ngày hôm nay.

Kế hoạch lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc và việc Washington phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 80% diên tích Biển Đông đang gây nên căng thẳng giữa các cường quốc chủ chốt ở châu Á.

Bắc Kinh lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa có thể được sử dụng để chống vũ khí của họ. Trung Quốc cũng đang vận động sự ủng hộ quốc tế trong bối cảnh Tòa Thường trực Quốc tế sắp ra phán quyết về yêu sách của họ trên Biển Đông theo yêu cầu của Philippines.

Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu thảo luận về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad sau khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ tư hôm 6/1. Sau đó Bình Nhưỡng tiếp tục bắn thử tên lửa vài lần.

"Hệ thống Thaad quá mạnh so với nhu cầu quốc phòng thực tế của các nước liên quan. Nếu được triển khai, nó sẽ gây nên tác động trực tiếp đối với an ninh chiến lược của Nga và Trung Quốc", ông Vương Nghị bình luận.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục