Khủng bố kêu gọi tấn công nước Nga trả thù
Ngày 13-10, thủ lĩnh nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nusra lên tiếng kêu gọi những kẻ Hồi giáo cực đoan ở vùng Caucasus tấn công thường dân và binh sĩ Nga để trả thù việc Nga không kích tại Syria.
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy máy bay Nga đánh bom một vị trí của quân nổi dậy ở tỉnh Latakia - Ảnh: Reuters
Theo AFP, trong đoạn băng ghi âm được đưa lên mạng mới đây, ông trùm Mặt trận Al-Nusra Abu Mohamed al-Jolani tuyên bố: “Nếu quân đội Nga sát hại người dân Syria thì hãy giết người dân nước Nga. Nếu họ giết binh sĩ của chúng ta thì hãy giết binh sĩ của chúng. Nợ máu phải trả bằng máu”.
Trong những ngày qua, máy bay chiến đấu Nga liên tiếp giội bom xuống các vị trí của quân nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Theo AFP, với sự hỗ trợ của máy bay Nga, quân đội của ông Assad đang mở chiến dịch tấn công dữ dội tại đồng bằng chiến lược Sahl al-Ghab.
Chỉ trong hôm qua máy bay Nga đã thả hàng chục quả bom xuống đồng bằng Sahl al-Ghab. Đây là vùng trọng yếu nằm ở khu vực giao nhau của các tỉnh Hama, Latakia và Idlib.
Trước đó đồng bằng Sahl al-Ghab nằm dưới quyền kiểm soát của liên minh nổi dậy Quân đội Chinh phục.
Một thành viên của liên minh Quân đội Chinh phục chính là nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria. Khi không kích các vị trí của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo cũng nhiều lần tấn công nhóm Mặt trận Al-Nusra.
Hôm qua, chính quyền Nga thông báo đã phá vỡ một âm mưu tấn công khủng bố hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô Matxcơva. Những kẻ âm mưu đánh bom là phần tử cực đoan do IS đào tạo ở Syria. Cảnh sát đã bắt giữ một số nghi can và tịch thu nhiều thuốc nổ trong một căn hộ ở Matxcơva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận nước Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng bố, nhưng ông cho rằng Matxcơva cần phải tấn công phủ đầu cực đoan bằng cách hỗ trợ chính quyền Assad chống quân nổi dậy.
Theo báo chí Mỹ, ở Syria một nhóm quân nổi dậy có quan hệ với Mặt trận Al-Nusra vừa công khai kế hoạch xâm nhập quân đội của ông Assad để đánh bom liều chết giết chết binh lính Nga.
Xung đột và bất ổn khiến 3,1 triệu trẻ chết đói/năm
Theo Chỉ số đói toàn cầu năm 2015, xung đột và bất ổn đẩy hàng triệu người trên toàn cầu rơi vào nghèo đói, với khoảng 3,1 triệu trẻ em chết vì đói mỗi năm.
Xung đột và bạo lực đã gây nạn đói nhiều nơi trên toàn cầu, với trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất - Ảnh: AFP
"Xung đột và nạn đói có liên quan chặt chẽ", báo cáo ngày 12-10 của tổ chức từ thiện Đức Welthungerhilfe, Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế và Tổ chức Concern Worldwide viết.
"Khoảng 795 triệu người trên thế giới đang vật lộn với nạn đói... và gần 3,1 triệu trẻ chết vì đói mỗi năm".
Cũng theo báo cáo, nạn đói ở mức độ "nghiêm trọng" và "đáng báo động" đang xảy ra tại 52 nước đang phát triển, với bất ổn và xung đột bạo lực là nguyên nhân chính. Tình hình đặc biệt tồi tệ tại Cộng hòa Trung Phi và Chad cũng như Syria, Iraq...
"Xung đột ở Syria, Iraq và Nam Sudan là nguyên nhân lớn nhất gây nạn đói" - chủ tịch Welthungerhilfe, Bärbel Dieckmann, nói, và thêm rằng chiến tranh trên khắp thế giới đã ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 172 triệu người.
Bà cũng nhấn mạnh người dân ở những nước có chiến tranh là những người chịu ảnh hưởng "an ninh lương thực" tồi tệ nhất và đang rất cần giúp đỡ để khôi phục cuộc sống.
"Nếu chúng ta không giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột vũ trang, các tiến bộ đạt được trong việc giảm đói sẽ không kéo dài", bà cảnh báo.
"Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ những người này và giúp khôi phục sinh kế của họ", bà thêm.
Theo RT, đây là năm thứ 10 báo cáo Chỉ số đói toàn cầu được công bố nhằm nâng cao nhận thức về nạn đói trên thế giới, cũng như tìm cách giải quyết nạn đói nghèo một cách bền vững.(Tuổi Trẻ)
Ấn Độ sẽ tập trận hàng năm với Mỹ, Nhật
Hải quân Ấn Độ sẽ tham gia tập trận thường xuyên hàng năm với Mỹ và Nhật để thúc đẩy quan hệ quân sự chiến lược với Washington và Tokyo.
Ấn Độ sẽ tập trận hàng năm với Mỹ, Nhật - Ảnh minh họa: Reuters
Nhân sự kiện 3 nước bắt đầu cuộc tập trận đầu tiên ở vịnh Bengal hôm 12.10, các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết New Delhi sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự với Mỹ và Nhật và đây là chính sách an ninh của Thủ tướng Narendra Modi, Reuters đưa tin.
Tập trận thường xuyên mỗi năm sẽ là một trong những hoạt động quân sự của bộ ba ở khu vực châu Á này, Reuters dẫn các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho hay.
Thủ tướng Modi đang muốn dựa vào Mỹ và Nhật để đối phó với Trung Quốc khi 2 nước có những căng thẳng ở vùng biên giới. New Delhi từng tham gia tập trận đa phương ở vùng biển của Ấn Độ hồi năm 2007, khiến Trung Quốc lo ngại chiến lược của Mỹ muốn lôi kéo thêm đồng minh bên ngoài châu Âu.
Cuộc tập trận mang tên Malabar này kéo dài khoảng 1 tuần. Reuters cho biết, Mỹ huy động tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi Ấn Độ huy động 1 tàu ngầm, tàu chiến, máy bay giám sát hàng hải nhưng không đưa đến tàu sân bay nào. Nhật chỉ gửi tàu khu trục để tham gia tập trận.
Hải quân Ấn Độ cho biết, New Delhi tham gia các hoạt động trên biển như chống hải tặc, tìm kiếm cứu hộ, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thiên tai.
Ai đang xây dựng chính sách cho Triều Tiên?
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hay cơ quan nào ở Triều Tiên đang xây dựng chính sách cho quốc gia khép kín nhất thế giới này? Chuyên gia của Mỹ cho rằng đó là Ủy ban quân sự Trung ương Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un đang chủ trì cuộc họp của Ủy ban quân sự Trung ương - Ảnh: Reuters
Một chuyên gia nghiên cứu hệ thống lãnh đạo của Triều Tiên nhận định rằng, ông Kim Jong-un đang có những động thái cho thấy muốn biến Ủy ban quân sự Trung ương, thuộc đảng Lao động Triêu Tiên, thành cơ quan chuyên nghiên cứu và xây dựng chính sách cho đất nước này, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin hôm 12.10.
Ông Michael Madden, chuyên gia của Mỹ viết trên 38 North, một trang web chuyên về Triều Tiên của các chuyên gia Mỹ, rằng Ủy ban quân sự Trung ương thường xuyên được Kim Jong-un triệu tập và bàn bạc mỗi khi có vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng của nước này.
Việc triệu tập thường xuyên, liên tục khiến ông tin rằng ủy ban này là cơ quan đang làm chính sách cho Kim Jong-un. Đơn cử, riêng tháng 8.2015, Bình Nhưỡng đã triệu tập 2 cuộc họp với lãnh đạo của ủy ban này.
“Từ năm 2012 đến 2014, ủy ban chỉ nhóm họp 2 lần một năm, tức sáu tháng 1 lần. Hai cuộc họp hồi tháng 8.2015 chỉ xảy ra trong 1 tuần và tính từ đầu năm đến nay ủy ban đã có 3 lần họp, tính cả cuộc họp hồi tháng 2.2015”, ông Madden nói trên 38 North.
Cuộc họp đầu tiên trong tháng 8.2015 được triệu tập khi căng thẳng xảy ra ở khu vực biên giới liên Triều, 2 bên đấu pháo nhau. Từ cuộc họp này, ông Kim Jong-un đưa ra tuyên bố Triều Tiên trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc. Và sau cuộc họp thứ 2, cũng diễn ra trong tháng 8.2015, một thỏa thuận hòa bình được đưa ra để giảm căng thẳng giữa 2 nước. Nhiều quyết định khác cũng được đưa ra từ cuộc họp thứ hai, một số thành viên trong ủy ban bị sa thải.
“Việc thay đổi nhân sự và vai trò của ủy ban này trong cuộc khủng hoảng đã cho thấy ông Kim Jong-un đang muốn xây dựng Ủy ban quân sự Trung ương thành một tổ chức quyền lực hơn”, chuyên gia Madden nhận định..
Sự thay đổi nhân sự cấp cao là một dấu hiệu mới trong văn hóa chính trị của Triều Tiên, đặc biệt là trong hàng ngũ lãnh đạo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chuyên gia Madden cho rằng sự thay đổi đó không phải do ủy ban mà hoàn toàn do ông Kim Jong-un và người của ông ta quyết định.
Ủy ban quân sự Trung ương không chỉ đang xử lý các vấn đề chính trị, khủng hoảng liên Triều mà cả vấn đề phi quân sự như đối ngoại và lương thực, theo chuyên gia Mỹ.
Hàn Quốc học tập Đức về thống nhất
Ngày 12.10, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố kinh nghiệm của Đức trong việc thống nhất đất nước là một bài học có giá trị lớn đối với Hàn Quốc.
Một cuộc gặp gỡ thân nhân hai miền Triều Tiên - Ảnh: Reuters
“Đức đạt được thống nhất bằng một quá trình xây dựng lòng tin thông qua trao đổi và hợp tác. Quá trình đó rất cần thiết với chúng ta cũng như sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế”, tờ The Korea Helrald dẫn lời bà Park phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Đức Joachim Gauck đang ở thăm Seoul.
Ngoài ra, Hàn Quốc và Đức cũng cam kết hợp tác trong các vấn đề chương trình hạt nhân và nhân quyền của CHDCND Triều Tiên. Theo Tổng thống Park, việc thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên là giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo. Trước đó, từ năm 2014, Hàn Quốc đã cùng Đức thành lập một ủy ban tham vấn bao gồm nhiều quan chức và chuyên gia của hai nước để giúp Seoul học tập những kinh nghiệm của Berlin về vấn đề thống nhất, theo The Korea Helrald.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn kêu gọi tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề đoàn tụ các gia đình ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên.
(
Tinkinhte
tổng hợp)