(Tin kinh te)
Trong khi Bắc Kinh và Moscow cáo buộc “thế lực xấu” muốn bôi nhọ lãnh đạo Trung Quốc và Nga cất giấu tài sản ở các thiên đường thuế, thì báo chí phương Tây không chừa một nhân vật nào từ khách hàng cho đến môi giới.
Một góc thiên đường thuế Panama - REUTERS/Carlos Jasso.
Trong khi Bắc Kinh và Moscow cáo buộc “thế lực xấu” muốn bôi nhọ lãnh đạo Trung Quốc và Nga cất giấu tài sản ở các thiên đường thuế qua tổ hợp luật sư Panama Mossack Fonseca mà mạng lưới phóng viên điều tra quốc tế phanh phui, thì báo chí phương Tây không chừa một nhân vật nào từ khách hàng cho đến môi giới, RFI viết.
Thủ tướng Anh bị đẩy vào chân tường
Anh Quốc: David Cameron bị vụ tai tiếng Panama Papers nắm áo. Nhật báo cánh hữu Le Figaro chỉ nhắm một mình thủ tướng Anh. Thoạt đầu, thủ tướng cánh hữu Anh Quốc phải thú nhận có 30.000 bảng Anh cổ phần trong một công ty nhưng đã bán hết vào năm 2010, và khai thuế trước khi lên làm thủ tướng.
Nhưng bị báo chí chất vấn liên tục qua năm cuộc phỏng vấn, cuối cùng ông nhìn nhận có thừa hưởng gia tài 400 ngàn đôla do cha để lại.
Nắm thông tin của Panama Papers trong tay, báo chí Anh tấn công tới tấp và David Cameron thú nhận “có tài sản ở Bahamas” do cha để lại và hứa công bố giấy khai thuế .Tuy số tiền này không là bao so với vị thế của thủ tướng của đại cường kinh tế thứ năm thế giới.
Nhưng theo Le Figaro, uy tín của nhà chính trị từ bốn năm nay luôn cổ vũ cho chính sách bài trừ nạn trốn thuế, sẽ bị tai tiếng Panama Papers làm cho suy yếu vào thời điểm, trong hai tháng nữa, nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý về câu hỏi đi hay ở với Liên Hiệp Châu Âu.
Trung Quốc
Khác với Le Figaro, Le Monde dành trang nhất và 5 trang trong để mô tả “cơn địa chấn toàn cầu”, tựa chính của nhật báo độc lập mở đầu cho một loạt bài: Giới quý tộc ở Trung Quốc rất mê công ty bình phong, Bà dì của vua Tây Ban Nha bị nêu tên, Chính phủ Iceland thông báo bầu cử trước kỳ hạn vì thủ tướng bị tai tiếng “trốn thuế” phải từ chức.
Bằng cách nào thu nhập dầu khí ở Congo chạy vào túi con trai tổng thống Congo, chủ nhân nhiều công ty ở thiên đường thuế.
Ở Ukraine, nhiều nhân vật chế độ cũ và những nhà lãnh đạo sau cách mạng Maidan có tên trong hồ sơ giấu tiền ở thiên đường thuế. Nhưng điểm khác biệt là tổng thống Porochenko không che dấu ông cất tiền ở nước ngoài để trốn thuế.
Về phía thường dân, luật sư nổi tiếng của Thụy Sĩ Marc Bonnant, 71 tuổi, được mệnh danh là “Mozart của công ty bình phong” trợ giúp khách hàng bị tư pháp chiếu cố giấu tiền ở thiên đường thuế, được Le Monde ưu ái dành cho một trang báo dài.
Như Le Monde nhận định, vụ Panama Papers cho thấy, bên cạnh hàng ngàn khách hàng vô danh còn có những nhân vật tên tuổi trong mọi ngành mọi giới, từ tổng thống cho đến vận động viên danh tiếng hay doanh nhân bị quốc tế trừng phạt đã bảo vệ tài sản qua các công ty bình phong.
Do vậy, tổ hợp Mossack Fonseca mà tài liệu bị lộ, đã giúp cho thân nhân của giới lãnh đạo Trung Quốc tại chức hay đã về hưu che giấu tài sản kết sù.
Trung Quốc đại lục là thị trường lớn nhất của tổ hợp luật sư Mossack Fonseca, qua 8 văn phòng ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đã quản lý đến 16.000 công ty bình phong của Trung Quốc. Trong số này có con cháu của ông Đặng Tiểu Bình, ông Lý Bằng, ông Tập Cận Bình, ông Giả Khánh Lâm, ông Trịnh Khánh Hồng, ông Lưu Vân Sơn …
Theo Le Monde, cấp lớn ăn theo cấp lớn, cấp nhỏ làm theo cấp nhỏ. Một nữ sinh viên, cha là cán bộ, mới ghi tên vào đại học Stanford đã làm chủ một công ty bình phong là một trong hàng ngàn trường hợp.
TÚ ANH
Theo Bizlive