Một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã bị xóa bỏ không còn một dấu vết trong bộ phim tài liệu phát trên truyền hình trung ương Triều Tiên (KRT) cuối tuần qua.
Tin thế giới đọc nhanh 10-04-2016
- Cập nhật : 10/04/2016
Mỹ nói các ngoại trưởng G7 sẽ nêu vấn đề Biển Đông
Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo. Ảnh: DigitalGlobe
Những vấn đề này "quan trọng với sự ổn định của khu vực, vì vậy tôi sẽ đề nghị những vấn đề này cần được đem ra bàn thảo luận", Jiji dẫn lời Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm qua nói.
"Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng", ông Toner cho biết và nói thêm rằng Mỹ không muốn nhìn thấy bất cứ hành động nào làm gia tăng hoặc leo thang căng thẳng Biển Đông.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng trong hôm qua cảnh báo các ngoại trưởng G7 không thảo luận vấn đề Biển Đông trong cuộc họp kéo dài hai ngày ở Hiroshima, Nhật Bản.
Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier ở Bắc Kinh, ông Vương nói nếu nước nào đó nêu ra bàn vấn đề lãnh thổ tại cuộc họp G7 vì mục đích chính trị, điều đó sẽ không giúp giải quyết vấn đề và còn ảnh hưởng đến ổn định khu vực.
Ông John Kerry sẽ dự hội nghị các ngoại trưởng G7 tại Hiroshima, trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thành phố từng bị Mỹ ném bom nguyên tử năm 1945 này. Sự kiện cũng có sự tham gia của ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy và Nhật.
EU đe dọa trừng phạt Panama và các thiên đường thuế
Quan chức phụ trách tài chính Liên minh châu Âu đe dọa trừng phạt Panama và các nước khác nếu họ không hợp tác toàn diện trong chống rửa tiền và trốn thuế.
Theo AP, 11,5 triệu tài liệu rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama cho thấy họ đã giúp hàng ngàn cá nhân và doanh nghiệp trên toàn thế giới thành lập các công ty bình phong và tài khoản ở nước ngoài ở những thiên đường thuế thấp.
Tới nay, bê bối tài liệu Panama đã buộc thủ tướng Iceland phải từ chức và làm dấy lên những câu hỏi về những giao dịch đáng ngờ của các tổng thống Argentina, Ukraine, các chính trị gia cao cấp Trung Quốc, các diễn viên, vận động viên nổi tiếng và những bạn bè thân tín của tổng thống Nga Vladimir Putin…
Ngày 7-4, thủ tướng Anh David Cameron cũng thừa nhận ông đã hưởng lợi từ các khoản đầu tư của cha ông tại một thiên đường trốn thuế ở nước ngoài trước khi trúng cử.
“Mọi người đều mệt mỏi với những cơn thịnh nộ này”, ông Pierre Moscovici, ủy viên phụ trách các vấn đề tài chính của Liên minh châu Âu (EU) nói. Đồng thời chỉ trích những nước đã tạo điều kiện cho những tài khoản bí mật này dễ dàng hoạt động như Panama.
Ông Moscovic hối thúc nước này “suy nghĩ lại về lập trường của họ trong vấn đề này” và nói EU phải “sẵn sàng áp lên họ những lệnh trừng phạt thích đáng nếu họ không chịu thay đổi”.
Hiện EU đã liệt Panama vào thành phần quốc gia không hợp tác về vấn đề thuế. Trong khi chính phủ của quốc gia Trung Mỹ này cho biết họ sẵn sàng hợp tác nhiều hơn trong điều tra.
Ngày 6-4, tổng thống Juan Carlos Varela tuyên bố thành lập ủy ban chuyên gia quốc tế đề xuất những giải pháp tăng tính minh bạch trong hoạt động tài chính ở nước ngoài của Panama. Tuy nhiên, ông Valera vẫn cho rằng Panama đang bị “truyền thông tấn công”, nhất là từ các nước giàu có.
Tổng thống Panama nói các nước đó đã phớt lờ chuyện quản lý kém của mình mà chỉ tập trung chỉ trích bất công với Panama.
Ngày 7-4, Ramon Fonseca, một đồng sáng lập Công ty luật Mossack Fonseca, cho rằng “Nếu một công ty ở Anh có vấn đề, không ai chỉ trích gì nước Anh, nhưng khi điều đó xảy ra với một công ty ở Panama, nó lại là vấn đề lớn và cả thế giới đổ vào đánh hội đồng quốc gia nghèo Panama”, ông Ramon Fonseca trả lời phỏng vấn AP.
Ông nói mỗi năm công ty ông thành lập khoảng 20.000 công ty bình phong, nhưng cũng từ chối khoảng 70-80 khách hàng hàng năm.
“Chúng tôi không hoàn hảo và hẳn là một số cũng đã lọt lưới. Nhưng trong tất cả những năm làm ăn đã qua chúng tôi chưa từng bị tòa án nào cáo buộc hay lên án”, ông nói.
Mỹ thừa nhận tụt hậu tiềm lực pháo binh so với Nga
Trong buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 8/4, Tướng Mark Millie, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ cho biết Mỹ tụt hậu về tiềm lực pháo binh ở châu Âu so với Nga.
Đề cập đến pháo binh và xe tăng Nga tại cuộc họp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông Millie nói: "Chúng tôi không thích như vậy, chúng tôi không muốn điều đó, nhưng thực sự họ có phạm vi hoạt động lớn hơn và nhiều nòng pháo hơn".
Trong bối cảnh bất đồng với Nga về Ukraine, hai năm qua Washington đã ngừng các hoạt động hợp tác quân sự với Moskva và đẩy mạnh hoạt động quân sự ở châu Âu. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết trước đó rằng, Moskva không mong muốn kích động đối đầu NATO và vẫn sẵn sàng khôi phục lại quan hệ với liên minh.
Đan Mạch bắt 4 nghi phạm IS có vũ khí tại Copenhagen
Ngày 7-4, lực lượng chức năng Đan Mạch đã bắt giữ và tịch thu vũ khí của bốn nghi phạm được cho là đã nằm trong danh sách thành viên của IS tại Syria.
Theo CNN, thông cáo của cảnh sát cho biết cảnh sát Copenhagen đã phối hợp hành động cùng cơ quan an ninh và tình báo Đan Mạch (PET) trong vụ bắt giữ.
Người phát ngôn lực lượng cảnh sát Copenhagen, Mads Jensen, cho biết lực lượng chức năng đã phát hiện các nghi phạm tàng trữ vũ khí và đạn trong lúc tiến hành cuộc lùng soát liên quan tới 4 tên này.
Tuy nhiên nhà chức trách không thông báo rõ số lượng vũ khí phát hiện, cũng như không nói những nghi phạm này có đang tiến hành một âm mưu khủng bố nào không.
Cảnh sát Copenhagen cũng từ chối cung cấp nguyên nhân dẫn tới cuộc bắt giữ và danh tính, nhân thân của chúng với lý do “nhằm đảm bảo cho lợi ích của tiến trình điều tra tiếp theo”.
Bốn nghi phạm bị bắt thuộc danh sách thành viên IS tại Syria. Cảnh sát cho biết những tên này bị cáo buộc tội tham gia IS tại Syria “để tiến hành các hoạt động khủng bố”. Cả bốn tên sẽ trình diện trong các cuộc thẩm vấn kín ngày thứ sáu, 8-4.
Trong một diễn biến khác liên quan, tại Đức ngày hôm qua, 7-4, cảnh sát cũng tạm giữ để thẩm vấn 2 nghi phạm nam giới bị cho là có liên hệ với IS và có kế hoạch tấn công.
Theo AFP, phát ngôn viên Thomas Steinkraus Koch của Văn phòng công tố Đức cho biết hai người đàn ông, một người Iraq 46 tuổi và một người Nigeria 29 tuổi sẽ bị tạm giữ tới ngày 8-4 để thẩm vấn, sau đó hoặc họ sẽ phải ra trước vành móng ngựa hoặc sẽ được thả.
Chiều 7-4, hai người này bị thẩm vấn tại bang Bavaria. Cảnh sát bang cho biết trong thông báo: “Từ những gì chúng tôi biết hiện tại, chưa có nguy cơ cụ thể nào”.
Theo bản online của nhật báo Suddeutsche Zeitung, một trong hai nghi phạm bị bắt tại Munich, người còn lại bị bắt ở Furstenfeldbruck tại Bavaria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Philippines, huỷ tới Trung Quốc
Theo Wall Street Journal, ông Carter đã công khai nhận lời mời từ Bắc Kinh tháng 11 năm ngoái và đáng lẽ sẽ tới đây trong chuyến thăm châu Á tháng này. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cách đây vài tuần được báo trong chuyến thăm, ông Carter sẽ không dừng chân tại đây, các quan chức Mỹ nói.
Peter Cook, thư ký báo chí Lầu Năm Góc cho biết ông Carter vẫn sẽ tới thăm Trung Quốc trong năm nay. "Lịch trình phức tạp của bộ trưởng quốc phòng không cho phép điều đó diễn ra trong chuyến đi này", ông nói.
Trong chuyến công du, ông Carter sẽ thăm Philippines, một trong những bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, để theo dõi các cuộc diễn tập quân sự chung và hoàn thành thoả thuận cho phép lực lượng Mỹ đóng quân tại đây, lần đầu tiên kể từ năm 1992. Ông cũng sẽ tới Ấn Độ, nước đang thúc đẩy quan hệ quân sự với Mỹ trong những năm gần đây, chủ yếu do quan ngại về Trung Quốc.
Ông Carter nhận lời mời tới Trung Quốc sau cuộc gặp với người đồng cấp Thường Vạn Toàn tại Malaysia. Các quan chức Mỹ lúc đó nói hai quan chức đã nhất trí làm việc chi tiết về chuyến thăm mùa xuân này, nhưng khi Lầu Năm Góc công bố chi tiết chuyến thăm hôm qua, Trung Quốc không nằm trong danh sách.
Hiện chưa rõ lịch trình thay đổi có phải nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc hay không. Nhưng thay đổi diễn ra trong bối cảnh quan hệ quân sự hai nước đang đi xuống, khi Mỹ và Trung Quốc ngày càng mâu thuẫn khi Bắc Kinh cố thực thi tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bắc Kinh nói nước này có "chủ quyền không thể tranh cãi" với tất cả các đảo và vùng biển xung quanh ở Biển Đông, nhưng tuyên bố này chồng lấn lên tuyên bố chủ quyền của các nước Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Philippines là một đồng minh của Mỹ.