tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 13-10-2015

  • Cập nhật : 13/10/2015

Putin: 'Mỹ đưa Nga 500 triệu USD tốt hơn việc huấn luyện quân nổi dậy Syria!'

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 11.10 mỉa mai rằng Mỹ “nên đưa cho chúng tôi 500 triệu USD” còn hơn đi huấn luyện quân nổi dậy ở Syria.
tong thong nga putin bao my nen bat tay voi nga de hop phap hoa hanh dong quan su cua my o syria - anh: reuters

Tổng thống Nga Putin bảo Mỹ nên bắt tay với Nga để hợp pháp hóa hành động quân sự của Mỹ ở Syria - Ảnh: Reuters

“Tốt hơn là hãy đưa cho chúng tôi 500 triệu USD. Ít nhất thì chúng tôi cũng sẽ sử dụng nó hiệu quả xét ở khía cạnh chống khủng bố quốc tế”, ông Putin nói sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ngưng chương trình huấn luyện và tài trợ lực lượng nổi dậy ở Syria chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Cho đến nay, chương trình này đã hoàn toàn thất bại, chỉ có rất ít người được huấn luyện, thậm chí một số tay súng sau khi “tốt nghiệp” đã ôm vũ khí và kỹ năng của Mỹ mà “chuyển giao” cho IS hoặc al-Qaeda.
Washington tuyên bố sẽ tập trung nguồn lực để trang bị cho một số lãnh đạo và hỗ trợ từ trên không cho các hoạt động quân sự của họ, bao gồm các nhóm nổi dậy Ả Rập và người Kurd ở Syria.
Tổng thống Putin bảo rằng chiến dịch quân sự mà Nga đang tiến hành đã chứng tỏ là hiệu quả hơn nhiều so với việc Mỹ ủng hộ các nhóm nổi dậy.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin cũng tuyên bố sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria là hợp pháp và hợp lý vì Nga được chính quyền Syria yêu cầu giúp đỡ. Còn Mỹ, theo lời ông Putin, đang can thiệp bất hợp pháp ở Syira, chẳng hề đáp ứng được những tiêu chí hợp pháp và hợp lý của Nga như nêu trên.

Trang tin Stuff dẫn lời ông Putin: “Giải pháp đơn giản nhất với họ (Mỹ) là hợp tác với chúng tôi, nhờ đó có thể hợp pháp hóa hành động của họ trên lãnh thổ Syria”. Một lần nữa, ông cũng lặp lại rằng mục tiêu của Nga là nhằm giúp ổn định chính quyền hợp pháp ở Syria .

​Tòa án Thái Lan ra lệnh bắt ông Thaksin

Hôm 12-10, tòa án Hình sự Thái Lan ra lệnh truy nã cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra do ông không ra hầu tòa vì vụ kiện ông phỉ báng quân đội.

cuu thu tuong thai lan thaksin song luu vong tu nhieu nam qua - anh: telegraph

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin sống lưu vong từ nhiều năm qua - Ảnh: Telegraph

Theo báo Bangkok Post, các luật sư của ông Thaksin cho biết ông được cấp quy chế tị nạn chính trị và sống ở nước ngoài từ nhiều năm qua, do đó không thể ra hầu tòa. Tòa án Hình sự đã ra lệnh bắt ông Thaksin và hoãn phiên xử.

Quân đội hoàng gia Thái Lan đâm đơn kiện ông Thaksin và cáo buộc ông đã hủy hoại danh dự của họ trong cuộc trả lời phỏng vấn phát trên trang YouTube và các phương tiện truyền thông khác hồi ngày 19 đến 22-5 vừa qua.

Đơn kiện cho biết khi trả lời phỏng vấn, ông Thaksin chỉ trích quân đội là “thể chế tồi tệ” và là mối đe dọa đối với đất nước Thái Lan. Theo luật pháp Thái Lan, vụ quân đội kiện ông Thaksin có hiệu lực trong vòng 10 năm.

Hồi năm 2008, ông Thaksin bị xử vắng mặt án tù hai năm vì tội lạm dụng chức quyền. Ông Thaksin rời khỏi Thái Lan sau khi bị kết án và sống lưu vong từ nhiều năm qua, chủ yếu ở Dubai (UAE). Những người ủng hộ ông cho rằng bản án này mang ý đồ chính trị.


Mỹ rút hệ thống tên lửa Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Mỹ bắt đầu rút hệ thống tên lửa Patriot khỏi nước này, bỏ qua lời kêu gọi giữ nguyên vị trí từ Ankara.
mot he thong ten lua patriot my tai can cu quan su o thanh pho gaziantep, dong nam tho nhi ky. anh: reuters.

Một hệ thống tên lửa Patriot Mỹ tại căn cứ quân sự ở thành phố Gaziantep, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi không nghĩ giờ là thời điểm thích hợp nhất để rút các khẩu đội",Defense News hôm qua dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ nói. "Đây là thời điểm nhạy cảm đối với biên giới giáp Syria của chúng tôi".

Mỹ điều động hệ thống tên lửa Patriot tới Sở chỉ huy Lữ đoàn Thiết giáp Số 5, thành phố Gaziantep, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này kêu gọi các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bảo vệ trước nguy cơ tên lửa từ Syria.

Quá trình rút hệ thống tên lửa Patriot bắt đầu từ khi Mỹ chuyển các khẩu đội về thành phố cảng Iskenderun. Ankara hôm 8/10 kêu gọi Washington giữ nguyên vị trí tên lửa nhưng không thành công. Đức trong tháng 8 cũng thông báo dừng đóng góp cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hà Lan cũng quyết định rút các hệ thống Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO cuối tuần trước tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trước khả năng xung đột Syria lan ra ngoài biên giới. Các chiến đấu cơ Nga tham gia không kích ở Syria trước đó đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất hai lần vào ngày 3 và 4/10 khiến Ankara phản đối.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết một phi cơ Su-30 của nước này đã vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ "trong vài giây" hôm 3/10 do "nhầm lẫn trong thời tiết xấu" nhưng NATO bác bỏ cách giải thích này.


Iran phóng thử tên lửa có khả năng qua mặt nhiều lá chắn

Iran vừa phóng thử thành công tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao, có khả năng vươn xa 1.700 km.
ten lua emad cua iran roi be phong. anh: ap

Tên lửa Emad của Iran rời bệ phóng. Ảnh: AP

Tên lửa đất đối đất Emad, do các chuyên gia Iran thiết kế và phát triển, là mẫu tên lửa tầm xa đầu tiên của quốc gia được dẫn đường chính xác tới tận khi bắn trúng mục tiêu, CNN dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran, thiếu tướng Hossein Dehqan, hôm qua thông báo, đồng thời thêm rằng Emad sẽ giúp củng cố hơn nữa thế răn đe chiến lược của Iran.

Tên lửa mới này "có khả năng rà soát và tiêu diệt hoàn toàn các mục tiêu", hãng thông tấn nhà nước IRNA đưa tin. Emad được cho là có thể vươn xa tới Israel, nước luôn lên án mạnh mẽ chương trình hạt nhân của Iran.

Theo ông Anthony Cordesman, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Emad là biến thể của mẫu tên lửa tầm xa Shahab-3 có sẵn trong kho vũ khí của Tehran nhưng được cải tiến để nâng cao khả năng tấn công chính xác và làm khó cho hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Emad có tầm bắn 1.700 km và xác suất sai lệch mục tiêu dưới 500m. Tên lửa có thể mang đầu đạn nặng tới 750 kg và được lên kế hoạch để chính thức triển khai sau năm 2016.

Iran sở hữu kho tên lửa đạn đạo lớn nhất Trung Đông. Quốc gia này hiện phát triển được cả tên lửa có phạm vi hoạt động tới 2.000 km, đủ sức vươn đến mọi căn cứ quân sự của Mỹ và Israel trong khu vực.


EU đả kích Nga, không muốn thấy một Libya thứ hai

Liên minh châu Âu (EU) lần đầu chính thức chỉ trích việc Nga không kích tại Syria, cho rằng điều này ảnh hưởng đến các nỗ lực hòa bình của phương Tây, theo Reuters.

eu cho rang viec nga khong kich tai syria tao nguy co huy hoai cac no luc tim kiem giai phap hoa binh cho noi nay - anh: reuters

EU cho rằng việc Nga không kích tại Syria tạo nguy cơ hủy hoại các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho nơi này - Ảnh: Reuters

Các nước EU kêu gọi Nga ngừng ném bom tại những nơi do phương Tây hậu thuẫn tại Syria, nhưng chưa thống nhất quan điểm về vai trò của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad trong việc giúp nước này hòa bình.

“Những cuộc tấn công quân sự của Nga gần đây… là mối lo ngại sâu sắc và phải chấm dứt ngay lập tức”, Reuters dẫn lời các bộ trưởng EU phát biểu từ một cuộc họp thành viên EU tại Luxemburg hôm thứ hai 12.10.

Cuộc họp này là lúc EU thảo luận về những giải pháp hòa bình cho Syria, tìm tiếng nói chung trong khối về việc Nga tiến hành không kích các tay súng cực đoan ở quốc gia Trung Đông này.

Họ cảnh báo rằng những cuộc tấn công “được dùng để bảo vệ chính quyền Tổng thống Syria” có thể làm cuộc chiến ở đây tồi tệ hơn vì đã kéo dài khoảng 4 năm rưỡi qua, làm chết gần 250.000 người.

Những cuộc chiến từ nhiều lực lượng khác nhau tại Syria là nguyên nhân lớn dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn, trong đó EU đang phải gánh chịu phần lớn và dẫn tới chia rẽ nội bộ.

Đây là tình thế tương tự những gì châu Âu đã chứng kiến sau khi cựu lãnh đạo Muammar Gaddafi của Libya bị lật đổ và bắn chết năm 2011. Hiện tại, các lực lượng do Mỹ và liên minh đào tạo vẫn muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad, trong khi Nga công khai lập trường ủng hộ ông này.

“Tất cả những đối thủ chính của ông al-Assad đều đã chết, ở tù hoặc bỏ xứ ra đi. Và ở đây chẳng ai muốn thấy một Libya thứ hai nữa”, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao.

Các thành viên EU nhiều khả năng sẽ tiếp tục chỉ trích Nga trong cuộc họp thượng đỉnh vào thứ năm 15.10. Hiện tại họ vẫn chưa xác định lập trường về vai trò của al-Assad, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng ông này nên bị loại trừ để tình hình ổn định hơn, theo Reuters.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục