Trong khi Bắc Kinh và Moscow cáo buộc “thế lực xấu” muốn bôi nhọ lãnh đạo Trung Quốc và Nga cất giấu tài sản ở các thiên đường thuế, thì báo chí phương Tây không chừa một nhân vật nào từ khách hàng cho đến môi giới.
Canada toan tính gì khi "làm thân" với Trung Quốc?
- Cập nhật : 09/04/2016
(Tin kinh te)
Canada đã công khai quan điểm coi Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường ưu tiên của mình.
Ngay sau khi lên cầm quyền ít lâu, Chính phủ Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau đã công khai quan điểm coi Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường ưu tiên của mình. Ottawa cũng loan báo kế hoạch Thủ tướng Trudeau sẽ tới thăm hai nền kinh tế đang nổi này sau khi hoàn thành chuyến thăm Mỹ. Trước thềm chuyến thăm, báo chí Canada đăng nhiều bài viết về tương lai quan hệ Canada – Trung Quốc, cũng như những thách thức trong việc mở rộng quan hệ song phương.
Trong bài viết “Chính phủ Trudeau hướng tới điều gì trong quan hệ với Trung Quốc” đăng trên trang canada.com ngày 6/4, tác giả Peter O’neil cho biết Chính phủ của Thủ tướng Trudeau đang tiến hành một cuộc đánh giá nội bộ lớn về quan hệ với Trung Quốc và xem xét thận trọng các bước đi tiếp theo, trong đó có việc khởi động các cuộc đàm phán thương mại tự do và đưa 100.000 sinh viên Canada sang học tập tại Trung Quốc.
Ý tưởng sử dụng chiến lược “Ước hẹn thanh niên” để thúc đẩy quan hệ Canada – Trung Quốc trong thời kỳ hậu Stephen Harper được đưa ra tại một trong rất nhiều cuộc thảo luận của các nhà kinh doanh và giới chuyên gia nhằm tham vấn cho chính phủ trong quá trình đánh giá về mối quan hệ này. Các chuyên gia khuyến khích hai bên nên tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân để thay đổi những ấn tượng không tốt của người dân Canada sau các vụ vi phạm nhân quyền trong các công ty của Trung Quốc hoạt động tại tỉnh bang dầu mỏ Alberta hay thị trường bất động sản ở thành phố Vancouver.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015.
Trong một cuộc thảo luận cuối tháng 3 vừa qua của Hội đồng Kinh doanh Canada-Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Chrystia Freeland cho biết hiện đang có khoảng 120.000 học sinh Trung Quốc học tập tại Canada. Theo bà Freeland, Canada có thể triển khai mô hình giống “Quỹ sức trẻ 100.000” của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Quỹ hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập năm 2012 với mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Tổng thống Obama sẽ đưa 100.000 sinh viên Mỹ sang Trung Quốc học tập. “Con số 100.000 có thể là nhiều nhưng cũng có thể là ít. Chúng ta hãy đưa 100.000 học sinh Canada sang Trung Quốc học tập. Sự kết nối con người là yếu tố cần thiết để gây dựng mối quan hệ thực tế, mạnh mẽ và lâu dài”, nữ Bộ trưởng Canada nhấn mạnh.
Ngoài việc đưa ra đề nghị táo bạo trên, bà Freeland còn khẳng định Chính phủ Canada muốn hợp tác với Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB), một thể chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng với vốn hoạt động ban đầu 100 tỷ USD. “Tôi sẽ không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về điều này… nhưng chúng tôi (có quan điểm) rất rõ ràng rằng chính phủ tiền nhiệm đã bỏ lỡ cơ hội khi không trở thành một thành viên sáng lập của AIIB”, Bộ trưởng Freeland nhấn mạnh. Trước đó, Chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng Harper về phe Mỹ và Nhật Bản tảy chay AIIB. Từ tháng 12 năm ngoái, ngân hàng này bắt đầu mở các khoản vay ưu đãi cho các nước châu Á trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hiện AIIB có 6 quốc gia thành viên sáng lập gồm Trung Quốc, Anh, Đức, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Tuy nhiên, khi nói về thỏa thuận thương mại tự do, Bộ trưởng Freeland lại tỏ ra khá thận trọng. “Một thỏa thuận thương mại về lý thuyết sẽ là tuyệt vời, nhưng chúng ta cần phải có một cộng đồng thực sự đằng sau nó”, bà nói. Tuyên bố của bà Freeland phản ánh phần nào cách tiếp cận thận trọng của Chính phủ Canada trong việc đảm bảo rằng không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà cả người dân nước này sẽ chấp nhận mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.
Trước đó, ông Trudeau rất hiếm khi đề cập đến Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử và cũng không hề nhắc đến cường quốc mới nổi này trong Tuyên bố Hoàng gia hay thư ủy nhiệm gửi Bộ trưởng Các vấn đề toàn cầu Stephane Dion. Giới tư tưởng chính thống trong chính phủ cũng muốn hạ thấp tầm quan trọng của việc xem xét lại chính sách đối ngoại với Trung Quốc sau 9 năm sóng gió dưới thời Thủ tướng Harper. Tuy nhiên, Chính phủ liên bang lại đang chịu áp lực rất lớn từ giới học giả và doanh nghiệp trong nước muốn nâng cao vai trò của Canada tại Trung Quốc, đặc biệt sau khi Australia vừa mới hoàn tất đàm phán thương mại tự do với Bắc Kinh. Tập đoàn Teck có trụ sở tại thành phố Vancouver là một trong những tiếng nói như vậy. Teck ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập FTA Canada - Trung Quốc. Người phát ngôn Chad Pederson cho biết 22% doanh thu của tập đoàn kiếm được ở thị trường Trung Quốc. Trong báo cáo chung đưa ra tháng 1 vừa qua, Hội đồng Kinh doanh Canada và Hội đồng Kinh doanh Canada- Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến những lợi ích thu được nếu hai nước ký FTA. Theo báo cáo này, FTA song phương sẽ tạo ra 25.000 việc làm và đưa thêm 8 tỷ đôla Canada (CAD) vào nền kinh tế Canada trong 15 năm.
Tuy nhiên, những áp lực như vậy cần được cân nhắc với thực tiễn chính trị.
Theo loạt tài liệu phân tích được lưu hành rộng rãi gần đây trong Bộ các vấn đề toàn cầu của Canada, cảm giác khó chịu của người dân Canada đối với Trung Quốc ngày càng tăng lên kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2013. Nguyên nhân một phần do những quan ngại về hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông và những vi phạm nhân quyền được nêu trong báo cáo của Tổ chức Giám sát Nhân quyền và Ân xá Quốc tế. Nhiều nhà chỉ trích cảnh báo rằng Tập Cận Bình đang cố xây dựng hình ảnh cá nhân giống như Mao Trạch Đông trước đây.
Những tâm lý phản đối ở trong nước sẽ buộc Thủ tướng Trudeau phải có cách tiếp cận thận trọng với Bắc Kinh. Khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ trung tuần tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Trudeau từng nói ông “nhận thức rõ hai bên có cơ hội thiết lập cách tiếp cận mới trong quan hệ song phương tại thời điểm này”. Tuy nhiên, nói theo lời của ông Jeremy Paltiel, một chuyên gia về Trung Quốc của trường Đại học Carleton, việc cải thiện quan hệ song phương có thể mang lại những lợi ích kinh tế nhưng về tầm nhìn thì cần xem xét cẩn trọng hơn.
Theo Báo Tin Tức