Ngoại trưởng G7 phản đối sự khiêu khích ở Biển Đông
Hồ sơ Panama: Những mối liên quan tại Trung Quốc
Iran bắt đầu tiếp nhận S-300 từ Nga
Nga mạnh tay hiện đại hóa lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa
Thiếu tá hải quân Mỹ bị tố làm gián điệp cho Trung Quốc
Tin thế giới đọc nhanh 11-04-2016
- Cập nhật : 11/04/2016
Sanders đánh bại Clinton trong bầu cử sơ bộ ở Wyoming
Theo Reuters, ông Sanders đã giành 55,7% số phiếu, trong khi bà Clinton có 44,3% phiếu ủng hộ của đảng Dân chủ ở bang Wyoming, miền Tây nước Mỹ.
Tuy nhiên, kết quả ở Wyoming chưa giúp ông Sanders thu hẹp khoảng cách trước đối thủ. Cựu ngoại trưởng Clinton hiện có 1.304 phiếu đại cử tri, trong khi thượng nghị sĩ 75 tuổi có 1.075 phiếu.
Xuất hiện cùng vợ tại cuộc vận động tranh cử ở quận Queens, bang New York, ông Sanders công bố chiến thắng ở Wyoming. "Tin tức cho thấy chúng ta vừa giành chiến thắng tại Wyoming", ông Sanders nói trong tiếng reo hò của những người ủng hộ trong khán phòng.
Clinton và Sanders đang sẵn sàng cho cuộc đối đầu ở bang New York vào ngày 19/4. New York nắm giữ 291 phiếu đại cử tri và là bang mà cả hai người đều có ảnh hưởng lớn.
Trong cuộc bỏ phiếu tại bang Wisconsin ngày 5/4, Ted Cruz và Sanders, cặp ứng cử viên số hai trong bầu cử sơ bộ ở Mỹ, đã giành chiến thắng trước đối thủ của họ là Donald Trump và Clinton. Đối với Sanders, Wisconsin là nơi khá thuận lợi, với phần lớn cử tri là người da trắng và có tư tưởng tự do. Chiến thắng ở Wisconsin giúp ông cản đà tiến của bà Clinton.
Nước Mỹ tổ chức bầu tổng thống 4 năm một lần. Ứng viên tổng thống phải có tuổi từ 35 trở lên, sinh ra trên đất Mỹ và phải sống ở Mỹ tối thiểu 14 năm. Ngoài ra, không ai giữ chức tổng thống quá hai nhiệm kỳ.
Bầu cử sơ bộ là một trong những khâu đầu tiên trong quá trình lựa chọn người sẽ lãnh đạo nước Mỹ. Năm nay, Iowa là bang đầu tiên tổ chức bầu cử sơ bộ hôm 1/2. Cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 14/6. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ tổ chức đại hội trong tháng 7 để chọn ứng cử viên đại diện cho đảng. Cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 8/11.
Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đang là ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ, trong khi trùm bất động sản Donald Trump tỏ ra nổi bật nhất trong cuộc đua bên đảng Cộng hòa.
Cựu chủ tịch hạ viện Mỹ bị buộc tội lạm dụng trẻ em
Công tố liên bang Mỹ cáo buộc cựu chủ tịch Hạ Viện Dennis Hastert lạm dụng tình dục 5 nam thiếu niên khi làm huấn luyện viên môn vật tại một trường trung học ở Illinois hàng thập kỷ trước.
Trong hồ sơ dài 26 trang gửi lên tòa án, các công tố đã nêu rõ chi tiết về các cáo buộc chấn động đối với ông Hastert, theo CNN.
Ông Hastert là chính trị gia đảng Cộng Hòa lãnh đạo Hạ Viện trong thời gian lâu nhất từ trước đến nay, từ 1980 đến 1986.
Vụ việc hé lộ sau khi các điều tra viên lần theo các vi phạm tài chính trong một vụ án khác của ông Hastert, năm nay 74 tuổi, và phát hiện ông đã trả 3,5 triệu USD cho một trong các nạn nhân để che giấu vụ việc.
Người này cùng 3 cựu học sinh khác xác nhận rằng ông Hastert đã lạm dụng họ khi ông dạy học và làm huấn luyện viên môn vật tại một trường trung học ở tiểu bang Illinois. Các vụ lạm dụng diễn ra từ những năm 1960 đến 1970 và một trong số các nạn nhân khi đó chỉ mới 14 tuổi.
Luật sư của ông Hastert cho biết cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ “thừa nhận đã phạm phải lỗi lầm khi còn trẻ” và gửi lời xin lỗi đến các cựu học sinh, gia đình, bạn bè và những người bị ảnh hưởng.
Thời hạn luật định để truy tố những cáo buộc xâm hại tình dục đối với ông Haster đã hết từ nhiều năm trước. Do đó, hồ sơ của các công tố viên đề nghị toà án phạt tù đối với ông Haster, năm nay 74 tuổi, về tội vi phạm các quy định ngân hàng khi trả tiền bồi thường cho nạn nhân.
Lại một quan chức cấp cao Trung Quốc ‘ngã ngựa’
Reuters đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) trong một thông báo ngắn hôm 9-4 cho hay ông Li Chengyun bị nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Tuy nhiên, CCDI không cung cấp thêm chi tiết.
Có hàng chục quan chức cấp cao Trung Quốc bị điều tra, khởi tố vì cáo buộc tham nhũng sau chiến dịch "đả hổ đập ruồi" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: CNBC
Hãng tin Reuters cho hay hiện các cơ quan báo chí không thể liên lạc được với ông Li và không rõ liệu ông đã thuê luật sư hay chưa.
Tứ Xuyên, một tỉnh đông dân ở Tây Nam Trung Quốc, đã trở thành một trong những nơi trọng điểm trong chiến dịch càn quét tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng kể từ sau khi nguyên Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang “sa lưới”.
Ông Chu đã nhận án tù chung thân hồi năm ngoái vì tội danh tham nhũng. Hàng chục “vây cánh” của ông cũng đã bị bắt giữ, trong đó có nhiều nhân vật quyền lực đến từ Tứ Xuyên. Đây là nơi ông Chu giữ chức bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 1999-2002.
Theo tiểu sử của ông Li, toàn bộ thời gian trong đời ông chỉ làm việc ở tỉnh Tứ Xuyên. Tại đây, ông Li trở thành Bí thư Thành ủy TP Đức Dương, cùng thời điểm khi ông Chu còn làm việc ở Tứ Xuyên.
Hồi năm 2011, ông Li đã bị cách chức phó tỉnh trưởng tỉnh Tứ Xuyên vì các cáo buộc vi phạm kỷ luật. Tuy nhiên, hai tháng sau ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc bộ phận hoạch định chính sách tỉnh Tứ Xuyên, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 10-4.
Thủ tướng Anh công khai chi tiết thuế sau bê bối Hồ sơ Panama
Theo hồ sơ thuế của Thủ tướng Anh David Cameron, ông đã đóng thuế tổng cộng 75.898 bảng (139.265 USD) tương ứng với khoản thu nhập 200.307 bảng (367.545 USD), chỉ tính riêng trong năm tài chính 2014 - 2015, hãng thông tấn Reuters đưa tin.
Thu nhập của ông Cameron bao gồm khoản lương 140.522 bảng (198.487 USD) cùng 46.899 bảng (66.245 USD) từ một nửa tiền cho thuê căn nhà của gia đình ở thủ đô London, 9.834 bảng (13.890 USD) chi phí được trừ khi tính thuế và 3.052 bảng (4.311 USD) tiền lãi tiết kiệm.
Thủ tướng Anh Cameron trước đó thừa nhận ông và phu nhân Samantha đúng là có sở hữu cổ phần trong Blairmore Holdings, công ty ở nước ngoài do người cha quá cố của ông là Ian Cameron lập ra, như thông tin trong Hồ sơ Panama.
Tuy nhiên, ông đã bán lại chúng ngay trước khi trở thành thủ tướng đồng thời khẳng định đã đóng tất cả các khoản thuế ở Anh nhờ lợi nhuận thu được từ việc bán cổ phần của Blairmore Holdings và công ty này không được lập ra để trốn thuế.
Trong hơn 11 triệu tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca,Blairmore Holdings bị cho là đã sử dụng "những cổ phần vô danh" để bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Ông Ian, người qua đời năm 2010, là một trong 5 giám đốc người Anh từng tham gia các cuộc họp của ban lãnh đạo công ty ở Bahamas hoặc Thụy Sĩ.
Hồ sơ Panama là tên gọi ngắn gọn dùng để chỉ số tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca, trụ sở ở Panama, bị rò rỉ từ hôm 3/4, hé lộ về một mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên toàn thế giới, dường như lập ra để giúp giới nhà giàu trốn thuế, và trong một số trường hợp là rửa tiền.
Giao tranh ở miền nam Philippines, 23 người thiệt mạng
Tính đến chiều 10-4, binh sĩ chính phủ Philippines đã giao tranh suốt 10 giờ với nhóm phiến quân Hồi giáo có liên hệ với lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền nam nước này.
Reuters dẫn lời người phát ngôn quân đội Philippines Filemon Tan nói hiện đã có 23 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh với nhóm Abu Sayyaf. Trong đó quân chính phủ thiệt mạng 18 người, còn lại là phiến quân Hồi giáo.
Tháng 3-2014, chính phủ Philippines đã ký thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân Hồi giáo lớn nhất ở nước này là Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro, hứa hẹn sẽ trao quy chế tự trị cho miền nam và chấm dứt 45 năm xung đột khiến 120.000 người chết và 2 triệu người mất nhà cửa.Quân đội Philippines đã tổ chức tấn công nơi đóng quân của Aby Sayyag, do Isnilon Hapilon làm thủ lĩnh ở đảo Basilan. Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã treo thưởng tới 5 triệu USD cho việc bắt giữ tên này.
Ông Tan cho biết thêm, 53 binh sĩ khác bị thương. Về phía phiến quân, 5 tay súng thiệt mạng, trong đó có cả 1 người con trai của Hapilon. Ít nhất 20 phiến quân bị thương.
Hiện chưa có tuyên bố gì từ nhóm Abu Sayyaf, nhóm được biết tới với các vụ tống tiền, bắt cóc, chặt đầu và đánh bom. Đây cũng được coi là nhóm phiến quân Hồi giáo tàn bạo nhất ở miền nam Philippines, nơi có đông dân số theo Cơ đốc giáo.
Nhóm này từng đăng một đoạn phim ngắn lên các trang mạng xã hội thề trung thành với IS ở Iraq và Syria.
Quân đội Philippines bắt đầu tăng cường các cuộc phản công nhằm vào Abu Sayyaf từ tháng 11-2015, khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino ra lệnh truy lùng Abu Sayyaf vì các vụ bắt cóc và hành quyết người nước ngoài.
Ở hòn đảo Jolo gần Basilan, ngày 8-10-2015, các phiến quân đã thả một người Ý sau 6 tháng giam cầm. Một nhánh khác của Abu Sayyafcũng đe dọa hành quyết 2 du khách Canada và Na Uy sau khi thời hạn nộp tiền chuộc đã hết.