Trong khi Mỹ - Nhật nỗ lực đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự, Trung Quốc phản ứng bằng những lời đe dọa và cảnh báo.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 10-04-2016
- Cập nhật : 10/04/2016
Myanmar phóng thích hàng loạt tù nhân chính trị
Chính phủ mới cầm quyền Myanmar ngày 8-4 phóng thích hàng loạt các nhà hoạt động chính trị đang bị giam giữ và cho biết sẽ ân xá hơn 100 người đang thi hành án tù vì các tội danh chính trị.
Một sinh viên biểu tình bị bắt giữ hồi năm 2015 vừa được phóng thích và gặp lại người thân - Ảnh: Reuters
Reuters cho biết Washington và các nhóm nhân quyền đã hoan nghênh động thái trên của chính quyền Myanmar.
Nhiều thành viên và những người ủng hộ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi là những tù nhân chính trị dưới thời chính quyền quân sự.
Chính phủ mới của Myanmar tuyên thệ nhậm chức hôm 30-3 sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10-2015.
Bà Suu Kyi cho biết việc thả tù nhân chính trị còn lại đang chịu án trong nhà tù là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới.
Một phát ngôn viên của văn phòng bà Suu Kyi là Zaw Htay cho biết 69 nhà hoạt động sinh viên và những người ủng hộ bà đã được thả khỏi nhà tù tại thị trấn Tharrawaddy, phía bắc Yangon.
Các sinh viên được phóng thích và thân nhân của họ ôm nhau mừng rỡ. Một số trong số này vẫy cờ NLD để ăn mừng việc phóng thích các tù nhân.
Nhiều người trong số trên bị bắt giữ trong một cuộc biểu tình của sinh viên mà cảnh sát đã dùng bạo lực để giải tán đám đông hồi tháng 3-2015.
Phát ngôn viên Htay cho biết tổng thống Htin Kyaw cũng đã đặt bút ký ân xá cho hơn 100 tù nhân đang thụ án vì là tội phạm chính trị.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết động thái trên của chính quyền Myanmar cho thấy một "cam kết về nhân quyền" và tuyên bố Washington sẵn sàng hỗ trợ Myanmar với nhiều cải cách dân chủ hơn.
Tổ chức Ân xá thế giới cũng hoan nghênh việc phóng thích tù nhân và kêu gọi chính phủ Myanmar nhanh chóng thả những tù nhân còn lại.
Reuters cho biết các nhà hoạt động chính trị vừa được phóng thích nằm trong 414 người đang đối mặt với các cáo buộc chính trị tại Myanmar. Hiện vẫn còn 47 người đang thụ án tù và 298 người khác đang tại ngoại trong khi chờ xét xử.
Mỹ: Chính Trung Quốc đẩy các nước láng giềng đến gần Mỹ
Chính Trung Quốc và tham vọng của mình trên biển Đông đã đẩy các láng giềng châu Á về phía Mỹ, tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ. Hãng tin AFP(Pháp) dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) ngày 8-4.
“Quả thật hành động của Trung Quốc ở biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng khu vực. Các nước khắp châu Á-Thái Bình Dương đều đang lo ngại đà quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc.
Đó là lý do các nước này tìm đến Mỹ để giúp bảo vệ các luật lệ và nguyên tắc cần thiết cho khu vực phát triển hòa bình và thịnh vượng. Hầu hết các nước đều mong muốn Mỹ hợp tác nhiều hơn, dù song phương hay đa phương.”
Theo ông Carter, Mỹ hy vọng các bên sẽ có một giải pháp ngoại giao để giảm căng thẳng trên biển Đông.
Bộ trưởng Carter cũng cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ cho Philippines một số lượng trang thiết bị quân sự nhằm tăng cường khả năng tình báo, giám sát và tuần tra hàng hải.
Hai trực thăng chiến đấu Mỹ tại một căn cứ dã chiến của thủy quân lục chiến Mỹ ở nam Manila (Philippines). (Ảnh: AFP)
Đợt hỗ trợ này trị giá 40 triệu USD, bao gồm máy bay do thám không người lái, thiết bị cảm biến trang bị cho tàu tuần tra. Ông Carter nhận định sự hỗ trợ này sẽ giúp nâng quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines lên một tầm cao mới.
Bộ trưởng Carter cho biết trong chuyến công du Philippines vào tuần tới ông sẽ đến thăm hai trong năm căn cứ quân sự mà Philippines vừa đồng ý cho Mỹ đóng quân, cũng như thị sát các cuộc tập trận chung quân đội hai nước đang diễn ra ở Philippines.
Một điểm đến nữa trong chuyến công du châu Á tuần tới của Bộ trưởng Carter bên cạnh Philippines là Ấn Độ. Trung Quốc không có tên trong danh sách. Bộ trưởng Carter đã hủy thăm Trung Quốc với lý do không sắp xếp được lịch trình, dù đã chấp nhận lời mời thăm của phía Trung Quốc từ tháng 11-2015.
Trung Quốc tiếp tục cảnh báo Nhật không bàn Biển Đông ở G7
"Chúng tôi hy vọng hội nghị G7 cũng như G20 tập trung vào thảo luận các chủ đề kinh tế và phát triển mà nhiều nước quan tâm. Nếu có những nước, do mục đích chính trị, chèn thêm các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ hoặc chủ quyền vào G20, điều này không chỉ không đem lại lợi ích cho việc giải quyết vấn đề mà còn ảnh hưởng tới tình hình ở khu vực và sự ổn định, và thể hiện sự không khôn ngoan", Reuters dẫn lời ông Vương nói hôm qua tại Bắc Kinh.
Mặc dù không nêu đích danh Nhật Bản nhưng giới quan sát cho rằng ông Vương ám chỉ nước này, khi Tokyo chủ trì tổ chức hội nghị G7 vào cuối tháng sau tại tỉnh Mie. Các nước tham gia gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy.
Hồi cuối tháng hai, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu đã trực tiếp đưa ra yêu cầu với thứ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Shinsuke Sugiyama, đề nghị Tokyo không bàn về Biển Đông trong hội nghị G7.
Ông Vương bày tỏ Trung Quốc muốn đưa ra các đề xuất về tăng trưởng kinh tế toàn cầu tại G20 do nước này tổ chức sẽ diễn ra vào đầu tháng 9 tới ở thành phố Hàng Châu, dự kiến có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Obama sẽ đến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp dự hội nghị G7 tại Nhật Bản. Trung Quốc gần đây tăng cường các hoạt động phi pháp tại Biển Đông, nơi đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Việc Bắc Kinh thúc đẩy việc cải tạo và xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, gồm cả căn cứ quân sự, khiến nhiều nước bày tỏ quan ngại và lên án, kêu gọi Trung Quốc bảo đảm hòa bình và an ninh ở khu vực.
Tại biển Hoa Đông, Bắc Kinh cũng tranh chấp với Tokyo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang quản lý
Hồ sơ Panama: Thủ tướng Anh bị áp lực từ chức
Gia đình Thủ tướng Anh David Cameron cũng bị lôi vào dòng xoáy "Panama Papers". Ảnh AFP/Niklas Halle'n
ASEAN - Trung Quốc hợp tác chống khủng bố
Trong cuộc họp diễn ra tại Bắc Kinh hôm 7-4, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và chống khủng bố trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.
“Nắm bắt thông tin tình báo quốc tế, đưa ra các đánh giá và bảo vệ các yếu nhân được coi là ưu tiên hàng đầu để tránh các cuộc tấn công khủng bố cho những hội nghị tầm cỡ như hội nghị G20
Thorsten Boelts (sĩ quan liên lạc của cảnh sát Đức tại Bắc Kinh)
Ông Mãnh Kiến Trụ, chủ tịch Ủy ban Chính trị và pháp lý của Trung Quốc, đã phát biểu cảm ơn các nước Đông Nam Á vì đã hỗ trợ Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố. “Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ các kết nối về địa lý và văn hóa gần gũi cũng như các lợi ích chung và tương lai. Hai bên cùng chia sẻ lòng tin chung và hợp tác an ninh ngày càng bền chặt” - ông Mãnh nhìn nhận.
Ông Mãnh cho biết thêm Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước Đông Nam Á để hiện thực hóa chiến lược an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững cho châu Á. Ông kêu gọi các nước tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đẩy mạnh năng lực hợp tác chống khủng bố nhằm thiết lập một cơ chế hợp tác chống khủng bố đa phương với các đặc thù của khu vực.
Trong khi đó, theo China Daily, Bộ Công an Trung Quốc cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một mối đe dọa khác đối với Trung Quốc. Đông Nam Á hiện là khu vực chủ chốt mà IS công bố thông tin, tuyển dụng thành viên và rửa tiền, tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định. Tình báo Trung Quốc cũng quan ngại khủng bố có thể dùng các hộ chiếu đánh cắp được để vào nước này.
Cuộc đối thoại về an ninh và chống khủng bố Trung Quốc - Đông Nam Á diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để đảm bảo an ninh cho cuộc gặp G20 vào tháng 9 tới đây khi mà nước này đối mặt với “nhiệm vụ khó khăn” trong vấn đề chống khủng bố.
Theo China Daily, Bộ Công an Trung Quốc nói sự hỗ trợ này bao gồm việc đánh giá rủi ro xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào các nhà lãnh đạo thế giới đến Trung Quốc dự hội nghị và cả danh sách các tổ chức khủng bố, phần tử khủng bố có thể liên quan.
Cục Chống khủng bố thuộc Bộ Công an Trung Quốc hôm 6-4 cho hay: “Chúng tôi đang đối diện với một nhiệm vụ khó khăn trong việc đấu tranh chống khủng bố. Chúng tôi hi vọng các nước sẽ cùng Trung Quốc đảm bảo an toàn cho một cuộc họp tầm cỡ như vậy".
Thành phố Hàng Châu của Trung Quốc sẽ là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay. Lãnh đạo và các đại biểu từ hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế sẽ tham dự, trong đó có các lãnh đạo đến từ Mỹ, Canada, Đức, Pháp và Nhật Bản.
Theo China Daily, Trung Quốc cũng hi vọng cảnh sát từ các nước tham gia hội nghị sẽ gửi danh sách các tổ chức khủng bố và các phần tử khủng bố có thể gây nguy hại cho hội nghị hoặc nhằm vào các vị lãnh đạo cũng như đại biểu.
Bộ Công an Trung Quốc khẳng định nước này đã có nhiều tiến bộ trong đấu tranh chống khủng bố những năm gần đây trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với những mối đe dọa khủng bố có thật. Hàng trăm thành viên thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Thổ, tổ chức bị Liên Hiệp Quốc coi là khủng bố năm 2002, đã sang Syria và Afghanistan huấn luyện. Họ có thể quay trở về và tiến hành tấn công.