Trung Quốc đang cố tạo vùng đánh cá mới trên biển Đông
Pháp ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự ba tỉnh, thành phố
Khởi tố nguyên chủ tịch, phó chủ tịch huyện cùng 7 thuộc cấp
WB phê duyệt 415 triệu USD để cải tạo đập thủy lợi
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 12-03-2016
- Cập nhật : 12/03/2016
Trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BCA quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2016.
Thông tư quy định, khi tiếp công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp công dân yêu cầu người đến làm thủ tục viết Tờ khai căn cước công dân theo mẫu; kiểm tra thông tin công dân kê khai trong Tờ khai căn cước công dân, các giấy tờ, tài liệu liên quan và tập hợp thành hồ sơ.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ chịu trách nhiệm thu nhận thông tin thực hiện như sau:
1- Thu Chứng minh nhân dân, cắt góc và trả lại cho công dân (nếu có); thu thẻ Căn cước công dân đối với trường hợp đổi thẻ;
2- Nhập thông tin về loại cấp thẻ Căn cước công dân (cấp, đổi, cấp lại), thông tin nhân thân, đặc điểm nhận dạng của công dân;
3- Thu nhận vân tay của công dân;
4- Chụp ảnh chân dung của công dân;
5- In Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, chuyển cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên và cán bộ thu nhận thông tin kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên;
6- Thu lệ phí đối với trường hợp đổi, cấp lại thẻ theo quy định;
7- Giao giấy hẹn trả kết quả;
8- Cán bộ chịu trách nhiệm thu nhận thông tin cuối ca hoặc cuối buổi tiếp dân, bàn giao hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ cho cán bộ phân loại hồ sơ.
Thời hạn xử lý hồ sơ
Công an cấp huyện hoàn thành việc xử lý, duyệt hồ sơ và chuyển dữ liệu điện tử đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân lên Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong thời hạn sau: Tại thành phố, thị xã thì trong thời hạn 1,5 ngày làm việc đối với trường hợp cấp, đổi thẻ Căn cước công dân và 5 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại thẻ Căn cước công dân, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ đề nghị.
Đối với các huyện miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ đề nghị.
Tại các khu vực còn lại thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ.
Thông tư cũng quy định cụ thể thời hạn xử lý hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại Công an cấp tỉnh và Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2016 và thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BCA quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân.
Bốn đại án tham nhũng "bay" 2.000 tỷ, khắc phục được 5 tỷ!
Thông tin trên được ông Dương Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM đưa ra trong hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí 2015 tại TP.HCM mới đây.
Năm 2016 sẽ tập trung vào lĩnh vực hải quan
Theo ông Dương Ngọc Hải, trong năm qua Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM (VKSND TP) đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 4 vụ án tham nhũng do Ban Bí thư chỉ đạo xử trước Đại hội Đảng 12.
Cụ thể: Vụ án tham ô tài sản của bị cáo Vũ Quốc Hảo xảy ra tại Công ty cho thuê Tài chính 2, gây thiệt hại 454 tỷ; Vụ án Dương Thanh Cường xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6 gây thiệt hại 966 tỷ; Vụ án Lê Hùng Sơn – Vũ Quốc Hảo xảy ra tại Công ty cho thuê Tài chính 2 gây thiệt hại 244 tỷ; Vụ án Phạm Văn Cử xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Chi nhánh 7 gây thiệt hại 396 tỷ.
Qua các vụ án ông Hải thừa nhận việc thu hồi tài sản vi phạm còn hạn chế, 4 vụ án nói trên trên có thiệt hại hơn 2.000 tỷ nhưng số tiền khắc phục hậu quả chỉ 5 tỷ, cơ quan thu hồi chưa được 1 tỷ, kê biên được 1 căn nhà.
Ông Hải cho rằng dự kiến năm 2016 các cơ quan tố tụng sẽ tập trung xử lý các vụ án ở lĩnh vực hải quan và thuế (vì lĩnh vực ngân hàng đã làm trong năm 2015), trong đó có vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế với số tiền hơn 100 tỷ đồng của Lê Dũng và đồng phạm với 46 bị can bị khởi tố (có 32 công chức hải quan).
Ngoài ra, ông Hải cho hay VKSND TP đã tiếp nhận từ VKSND Tối cao hai vụ án đặc biệt lớn là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như (số tiền thiệt hại 4.000 tỷ) và vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Xây dựng do Phạm Công Danh và đồng phạm thực hiện với số tiền thiệt hại lên đến 10.000 tỷ (hiện đã kết thúc điều tra, VKSND Tối cao chuẩn bị ra cáo trạng để ủy quyền cho VKSND TP truy tố).
Cái khó khi ủy quyền công tố?
Về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tham nhũng bị chậm và khó xét xử, ông Hải cho rằng do loại án này thường có tính chất phức tạp, đông bị can, nhiều tội danh, xảy ra trong thời gian dài trên nhiều địa bàn và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… do đó công tác điều tra thường kéo dài, tuy nhiên thời hạn tố tụng bị khống chế nên các vụ án này thường không được giải quyết triệt để.
“Chính vì vậy các cơ quan tố tụng thường sử dụng các thao tác tố tụng như trả hồ sơ điều tra bổ sung hay nhập vào các vụ án để kéo dài thời gian nhằm giải quyết dứt điểm các vụ án này” – ông Hải nói.
Tuy nhiên ông Phó Viện trưởng VKSND TP nhận định: “Theo tinh thần của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 thì thời hạn tố tụng lại quy định rút ngắn hơn và việc nhập tách vụ án quy định chặt chẽ hơn, do đó dự báo trong 2016 khi thực hiện luật tố tụng mới các cơ quan tố tụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo ông Hải, hiện nay một số văn bản pháp luật hướng dẫn cũng không đầy đủ hoặc quy định không rõ ràng, thiếu thống nhất dẫn đến có quan điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đôi khi trái ngược nhau.
“Ví dụ như hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về tài sản thiệt hại đối với các doanh nghiệp nhà nước, rồi dấu hiệu định tội của nhiều tội danh rất giống nhau, khó áp dụng như “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” – ông Hải cho hay.
Một vấn đề khác cũng gây ra những khó khăn trong công tác xét xử án tham nhũng là việc “ủy quyền”.
“Đây là án do Bộ công an điều tra và VKSND Tối cao truy tố, ủy quyền cho VKSND TP thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử, do các vụ án này VKSND TP không thực hành quyền công tố điều tra ngay từ đầu, trong khi đây là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, rất đông bị can và khối lượng hồ sơ rất lớn, do đó VKSND TP không thể trong 1 tháng mà nắm được toàn bộ hồ sơ, tình tiết vụ án. Từ đó dẫn đến có sự mâu thuẫn, tranh chấp quan điểm của cấp TP và Trung ương khiến nhiều vụ án phải trả để điều tra bổ sung, hủy án…” – ông Hải nêu quan điểm.
Ông Hải cho biết thêm: “Công tác ủy thác tư pháp với nước ngoài gặp nhiều khó khăn, nhiều ủy thác tư pháp không có kết quả, kéo dài thời gian dẫn đến tạm đình chỉ điều tra vụ án, hoặc là ủy thác tư pháp có kết quả nhưng không thể sử dụng được do hệ thống pháp luật của ta không tương thích với hệ thống pháp luật nước ngoài. Ví dụ một trường hợp dự kiến xét xử mà phải chịu án tử hình thì nước ngoài sẽ không trả lời ủy thác cho chúng ta vì nước họ không có mức án này”.
Ông Hải cũng cho rằng các vụ án tham nhũng thường phụ thuộc vào kết quả giám định về công tác chuyên môn, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, xây dựng… nhưng công tác giám định hiện nay kéo dài và kết quả giám định đôi khi còn mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nên có những vụ án không thể giải quyết được.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ do Tổng thầu Trung Quốc nợ hơn 500 tỷ đồng
Một nửa trong tổng số 12 nhà ga của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đang bị chậm tiến độ từ 9-22 ngày, do Tổng thầu EPC Trung Quốc thiếu nợ các nhà thầu phụ trong nước.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết: "Tính đến đầu tháng 3, Tổng thầu Trung Quốc đang nợ các nhà thầu phụ khoảng 554 tỷ đồng. Con số này khác với con số mà Tổng thầu Trung Quốc báo cáo rằng chỉ nợ 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số nợ chính xác là bao nhiêu cũng chưa phải là vấn đề. Điều quan trọng là số nợ hàng trăm tỷ đồng trên đã khiến cho các nhà thầu phụ lại thêm lao đao".
Nhiều nhà thầu giảm khối lượng thi công do tiềm lực tài chính không cho phép. Có nhà thầu vẫn phải gồng mình tiếp tục thi công nhưng chỉ để duy trì được số lượng công nhân cũng như thiết bị phục vụ thi công.
Theo các nhà phân tích, Tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thiếu tiền do phía Trung Quốc đang siết dòng tiền ra nước ngoài, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Theo Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ đang khẩn trương sắp xếp làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, để bố trí vốn cho dự án nhằm đảm bảo tiến độ.
Trước mắt, Bộ GTVT đã chính thức yêu cầu lãnh đạo Cục 6 Đường sắt Trung Quốc sang Việt Nam điều hành dự án và giải quyết tình hình tài chính của Tổng thầu đang gây khó khăn cho dự án.
Đóng cửa gói 30.000 tỉ: Khủng hoảng theo hiệu ứng Domino
Trong sáng 11/3, chúng tôi đã gặp gỡ rất nhiều khách hàng đã vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nhìn chung, họ đều khá hoang mang, lo lắng và trông chờ một câu trả lời để ổn định tâm lý trong thời gian sớm nhất.
Người nghèo bơ phờ
Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, thời hạn giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng không quá 36 tháng (tức là tính đến hết ngày 31/5/2016 sẽ hết hạn). Điều này đồng nghĩa nhiều người mua nhà dự án nhà thương mại giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp (thời hạn bàn giao nhà cuối năm 2016, hoặc sang năm 2017) sẽ không còn cơ hội để tiếp cận nguồn vốn vay 30 nghìn tỷ đồng.
Chị Trần Thị Mai Tâm đã vay gói 30.000 tỷ đồng mua một căn hộ chung cư 70m² tại quận 12 cho biết, gia đình chị đã mua căn nhà trị giá 1 tỷ đồng, gia đình chị đã trả trước 200 triệu đồng, phần còn lại vay ngân hàng. Gần 1 năm qua gia đình chị đã được giải ngân 400 triệu đồng, lãi suất 5%/năm.
"Tuy nhiên khi nghe tin bắt đầu từ tháng 6 năm nay, đợt tiếp theo sẽ vay theo lãi suất thỏa thuận với ngân hàng thương mại, không còn ưu đãi nữa, chúng tôi hoàn toàn bị sốc. Lãi suất thương mại sẽ nằm ở khoảng 8-12%, thật vượt quá sức chịu đựng của gia đình tôi", chị Mai cho biết.
Không chỉ chị Mai mà có hàng trăm khách hàng khác cũng rơi vào cảnh hoang mang khi mà gói 30.000 tỷ đồng từ 1/6/2016 không giải ngân nữa và buộc phải chuyển qua cho vay thương mại. Ngay cả những người đang có ý định mua nhà tại các dự án được tham gia gói tín dụng này cũng tỏ ra khá… bơ phờ.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, công nhân tại khu công nghiệp Tân Thuận, cho biết: “Từ sau tết gia đình tôi đã gọi điện tới nhiều sàn giao dịch, và có ý định cuối tháng này sẽ đặc cọc mua một căn hộ giá rẻ tại Thủ Đức nằm trong diện được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng. Khi nghe được thông tin gói 30.000 tỷ sắp dừng giải ngân tôi vô cùng hoang mang và cần tính lại chuyện mua nhà”.
Doanh nghiệp sẽ có “kế sách”
Một số khách hàng mua căn hộ tại dự án NOXH HQC Plaza, NOX HQC Hóc Môn (Công ty Địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư) cũng tâm trạng như các trường hợp trên. Các khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng mua căn hộ tại đây cho biết đến nay họ chỉ được giải ngân khoảng 70% trên tổng số tiền vay.
Ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP địa ốc Hoàng Quân (HQC) cho biết cần phân biệt rõ gói 30.000 tỷ đồng và chính sách nhà ở xã hội.
Sáng 11/3, trao đổi với chúng tôi, ông Tuấn khẳng định rằng gói 30.000 tỷ đồng nếu có hết hạn như thông tin gần đây, thì sẽ không ảnh hưởng gì đến những người đã mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội của Hoàng Quân. Còn đối với khách hàng vay tiền mua nhà ở thương mại dưới 1,05 tỷ đồng sẽ bị ảnh hưởng tuỳ thuộc vào gói vay và tiến độ giải ngân của từng người.
Ông Tuấn đưa ra cam kết “Tới thời hạn phải bàn giao nhà nhưng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã hết thời hạn giải ngân, khách hàng mua nhà ở xã hội vẫn sẽ được hưởng lãi suất 5% như đã ký hợp đồng và các chính sách khác về nhà ở xã hội. HQC không buộc khách hàng phải trả lãi thương mại thông thường, và cứ yên tâm trong vòng 15 năm tới”.
Ngoài ra, từ nay đến ngày 30/5/2016 HQC thực hiện hiện thanh lý hợp đồng với tất cả khách hàng đã vay từ 30 ngân hàng tham gia cho vay gói 30.000 tỷ đồng để chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng Nhà nước đã chỉ định cho vay mua nhà ở xã hội. Trong thời gian chờ những hướng dẫn mới, HQC sẽ căn cứ vào đấy để ký thêm một phụ lục hợp đồng với khách hàng để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.
Rầm rộ phân lô hộ lẻ đất nông nghiệp
Các thửa đất được UBND huyện Hóc Môn cho phân nền tách thửa xây nhà tại xã Thới Tam Thôn - Ảnh: Hữu Khoa
Nhiều thửa đất tại huyện Hóc Môn, TP.HCM được phân nền ngay giữa đồng trống, xung quanh vẫn là đất nông nghiệp, nối với bên ngoài bằng một con đường không có vỉa hè, không cây xanh.
Ngày 10-3, chúng tôi trở lại những khu phân nền tại xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn) để tìm hiểu. Thới Tam Thôn là xã có số lượng thửa đất được chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở để phân nền lớn nhất huyện Hóc Môn: 67 thửa với diện tích hơn 12ha.
Đường sơ sài, cây thưa thớt
Một khu đất phân nền trên đường Trịnh Thị Miến, ấp Tam Đông 1, rộng hơn 1.500m2 nối với đường giao thông công cộng bằng đường nhựa rộng khoảng 7m, không có vỉa hè.
Khu đất có trên 10 nền nhưng chỉ có ba căn nhà, những nền đất còn lại đang xây hoặc bỏ trống được đánh dấu ranh bằng những cọc ximăng. Xung quanh vẫn còn là đồng trống với những luống rau.
Để phân lô bán, chủ đầu tư cho làm một con đường nối lô đất với đường công cộng. Con đường dài hơn 2km không có đèn đường, lèo tèo vài cây xanh còi cọc.
Bà L.T.L.H., chủ một căn nhà trong khu đất này, cho biết bà mua căn nhà từ tháng 7-2015. Khi mua, căn nhà mới xây được trụ móng. Bà H. phải trả tiền xây dựng trọn gói, bao gồm chi phí mắc đường dây điện, ống nước. Hai tháng sau bà nhận nhà.
Bà H. cho biết bà chọn mua căn nhà này vì từ đây vô trung tâm TP không xa, đất có giấy tờ hợp pháp, mà giá lại mềm hơn nền đất của những dự án cùng khu vực.
Bản thân người bán nhà cho bà cũng mua nền đất từ một chủ khác. Không có cây trước nhà nên trời nắng chiếu thẳng vào nhà rất nóng, phải che bằng hệ thống rèm dày. Theo giấy chứng nhận quyền sở hữu, căn nhà bà H. mua do bà V.T.B. (Q.Tân Bình) đứng tên.
Ở các khu phân lô khác cũng có nhiều nền đất còn trống, chưa có người xây dựng. Một số chủ đất đứng ra xây nhà để bán cũng cho xây cất nhà để bán.
Đa số các khu vực phân lô đều ở giữa đồng, xung quanh còn nhiều đất nông nghiệp nên thoạt nhìn những căn nhà mới xây như chỏng chơ giữa đồng trống.
Hoạt động mua bán nền nhà diễn ra rầm rộ, hầu hết các “cò” đất đều thuộc từng khu vực và nhiệt tình dẫn người mua tìm xem đất để được nhận tiền hoa hồng khi chủ đất bán được.
Trong vai một người hỏi mua đất nền, chúng tôi được một “cò” tên Nh. ở xã Thới Tam Thôn giới thiệu bán căn nhà một trệt một lầu với diện tích đất hơn 80m2, thuộc tờ bản đồ 65, với giá 2,3 tỉ đồng.
Các địa phương hiểu sai
Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, quyết định 33 của UBND TP ban hành năm 2014 về diện tích tối thiểu để tách thửa là cụ thể hóa các quy định của Luật đất đai 2013.
Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của quy định này là hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở và có nhu cầu tách thửa (do tách hộ, giải quyết khó khăn về nhà ở, kinh tế trong cuộc sống hoặc giảm nhu cầu sử dụng nhà, đất), không nhằm mục đích tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất để kinh doanh bất động sản.
Trong thực tế áp dụng quyết định này, Sở Tài nguyên - môi trường nhận định có tình trạng cán bộ công chức chưa hiểu đúng hoặc cố tình hiểu sai nội dung của quyết định trên.
Điều này dẫn đến việc giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm chuyển nhượng, kinh doanh, gây ảnh hưởng về quản lý quy hoạch, hình thành các khu dân cư với hạ tầng thiếu đồng bộ, không định hướng kết nối hạ tầng chung với khu vực.
Ngược lại, có trường hợp từ chối giải quyết nhu cầu chính đáng, đúng pháp luật của người dân làm ảnh hưởng đến quyền lợi, gây trở ngại cho sản xuất, ổn định đời sống của người dân.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, việc hiểu sai quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa của các địa phương để giải quyết chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp cùng với tách thửa hàng ngàn nền đất đã xảy ra thời gian dài.
Đầu tháng 1-2016, Sở Tài nguyên - môi trường có văn bản yêu cầu UBND các quận huyện rà soát, tổng hợp cụ thể tất cả trường hợp đã giải quyết cho tách thửa, đánh giá nhu cầu thật của người sử dụng đất.
Từ đó, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm (nếu có) và đề xuất biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Sở Tài nguyên - môi trường cũng yêu cầu UBND các quận huyện ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền đất nông nghiệp không đúng quy định, làm phá vỡ quy hoạch được duyệt và ảnh hưởng đến kết nối hạ tầng kỹ thuật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp, chuyển mục đích rồi phân nền kinh doanh diễn ra ở rất nhiều địa phương, nhất là ở những quận huyện vùng ven.
Chỉ riêng trên địa bàn quận Thủ Đức, từ khi quyết định 33 có hiệu lực (15-10-2014) đến cuối năm 2015 đã có 133 hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 13,5ha, hơn 1.500 nền đất đã hình thành.