TP HCM xây hầm chui ở cửa ngõ phía Nam
Gia Lai họp bất thường bầu Chủ tịch UBND tỉnh
Thuế chuyển nhượng BĐS duy nhất sẽ do Chính phủ quy định
Đầu tư 2 cầu vượt đường sắt trên địa bàn Ninh Bình
Bắt quả tang ba cơ sở nhúng sầu riêng vào hóa chất làm chín
Ấn Độ xây trạm vệ tinh tại Việt Nam: Gác Biển Đông
- Cập nhật : 13/03/2016
(Tin kinh te)
Việc xây dựng trạm thu thập, theo dõi dữ liệu vệ tinh của Ấn Độ ở Việt Nam hiện nay mới dừng lại ở bước khảo sát địa điểm.
Hoàn thành khâu khảo sát địa điểm
Ngày 10/3, mạng Zee News đưa tin, Chính phủ Ấn Độ cho biết Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đang phát triển một trạm thu thập, theo dõi dữ liệu vệ tinh và một cơ sở xử lý dữ liệu ở Việt Nam để phục vụ các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong văn bản trả lời Thượng viện Ấn Độ, Quốc vụ khanh phụ trách năng lượng nguyên tử và vũ trụ Jitendra Singh cho hay: "Theo sáng kiến này, tất cả các nước thành viên ASEAN sẽ được phép truy cập dữ liệu từ xa đã được xử lý dành cho nước của họ".
Cơ sở xử lý dữ liệu đang được phát triển nhằm thu thập và xử lý dữ liệu liên quan từ các vệ tinh viễn thám của Ấn Độ và chuyển chúng cho các nước thành viên ASEAN.
Trước thông tin trên, là đơn vị theo dõi cụ thể về dự án trên, trao đổi với Đất Việt, ông Võ Hồng Sơn - Phó Giám đốc Phụ trách, Trung tâm Viễn thám miền Nam, Cục Viễn Thám Quốc Gia cho biết: "Đây là dự án do Bộ TN&MT quản lý, còn chúng tôi được giao làm nhiệm vụ khảo sát bước đầu.
Ấn Độ đã tiến hành khảo sát các địa điểm để đặt trạm vệ tinh, trước đây, mới đầu, họ xác định là Bình Dương hoặc TPHCM, nhưng hiện nay thì có thêm Đồng Nai.
Tuy nhiên, hiện nay quá trình khảo sát đã kết thúc, mà khả năng lớn họ sẽ lựa chọn tỉnh Bình Dương là nơi đặt trạm vệ tinh này".
Bên cạnh đó, theo ông Sơn cho biết, từ khi khởi động dự án đến nay, cũng đã một thời gian dài nhưng cũng mới chỉ dừng ở mức độ khảo sát, còn những khâu tiếp theo thì phải phụ thuộc phía Ấn Độ.
"Dự án này là Ấn Độ viện trợ cho các nước Đông Nam Á dùng chung, nhưng mục tiêu chính là để điều chỉnh các quỹ đạo bay của vệ tinh Ấn Độ.
Còn việc hỗ trợ hình ảnh cho các nước thì vẫn có, nhưng đó không phải là mục tiêu chính của dự án trên. Tuy nhiên, việc chia sẻ hình ảnh cũng sẽ được thực hiện theo một Hiệp định cam kết giữa các nước", ông Sơn cho hay.
Cơ hội để làm giàu thêm nguồn dữ liệu hình ảnh
Trong khi đó, ông Ngô Duy Tân - Phó giám đốc Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ cũng cho biết: "Vệ tinh này xử lý dữ liệu liên quan từ các vệ tinh viễn thám của Ấn Độ rồi chia sẻ hình ảnh cho các nước thành viên, thì tất nhiên các thành viên sẽ phải họp lại, rồi thỏa thuận, đề xuất cách thức chia sẻ, nhưng hiện nay tôi biết là chưa có".
Thế nhưng, theo ông Tân, nếu được lắp đặt tại Việt Nam thì chúng ta có thêm cơ sở hạ tầng, nguồn dữ liệu về hình ảnh, học tập thêm kỹ thuật, kinh nghiệm về viễn thám của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có thêm nguồn dữ liệu, tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực, đồng thời Việt Nam sẽ được đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực này.
Đặc biệt, sẽ chủ động yêu cầu hình ảnh các vùng, có dữ liệu chia sẻ phối hợp tác, hội nhập với các nước trong khu vực.
"Sau khi có dữ liệu thì các bên sẽ sử dụng hình ảnh vào mục đích khác nhau có thể là dân sinh, dân sự cũng có thể là quân sự. Với Việt Nam chúng ta sẽ có thể theo dõi hình ảnh để giám sát tình hình Biển Đông, đây là ý nghĩa vô cùng quan trọng, khi nguồn hình ảnh trên đang quá hạn hẹp", ông Tân nhấn mạnh.
Trước đó, dự án này được thông qua với tổng kinh phí 23 triệu USD lấy từ Quỹ Hợp tác ASEAN - Ấn Độ, gồm các mục tiêu chính như: thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ giữa ASEAN và Ấn Độ; thiết lập Trạm thăm dò và thu nhận dữ liệu, cơ sở xử lý dữ liệu viễn thám; cung cấp dữ liệu viễn thám từ các vệ tinh viễn thám hiện có và trong tương lai của Ấn Độ.
Theo dự kiến, hợp phần xây dựng nhà xưởng và lắp đặt thiết bị sẽ thực hiện trong 24 tháng. Ấn Độ sẽ bảo đảm chi phí xây lắp và vận hành trong 5 năm đầu tiên cho Trung tâm thu nhận và xử lý dữ liệu. Sản phẩm ảnh viễn thám của Ấn Độ sẽ được cung cấp miễn phí cho các nước ASEAN trong 5 năm.
Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ đã có hai trạm thu ở Indonesia, Brunei và sắp tới là Việt Nam sẽ thuận tiện cho việc thăm dò, thu dữ liệu và giám sát tài nguyên môi trường được phủ kín khu vực.
Châu An
Baodatviet.vn