Biểu tình tại Berlin phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Đến 2050, TP.HCM và Hà Nội sẽ không còn ngập úng
Công ty đa cấp núp bóng kinh doanh phân bón
Ông Nguyễn Minh Triết làm Trưởng ban Thanh niên trường học
270 tỷ đồng xây khu phức hợp giáo dục hiện đại tại Quảng Ninh
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 12-03-2016
- Cập nhật : 12/03/2016
Cục trưởng hải quan mất chức vì để thuộc cấp “lộng hành”
Tổng cục Hải quan vừa quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt hành chính và cho thôi chức Cục trưởng Hải quan tỉnh An Giang đối với ông Huỳnh Thanh Tâm. Ông Tâm bị kỷ luật là vì trong thời gian đương chức đã thiếu trách nhiệm quản lý để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Hàng chục thuộc cấp của ông Tâm bị khởi tố, bắt giam vì tiếp tay cho doanh nghiệp gian lận, buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước.
Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa kết luật về hai vụ án lừa đảo, chiếm đoạt hơn 230 tỷ đồng tiền hoàn thuế do Phạm Thanh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Tân Thành Lợi và Lê Thị Chi - Giám đốc Công ty TNHH Kim Chi (cùng đóng tại An Giang) phối hợp với nhiều đồng phạm thực hiện từ giữa năm 2012 đến giữa năm 2013.
Trong hai vụ án này có sự "tiếp sức" của nhiều cán bộ Hải quan tỉnh An Giang. Những cán bộ này nhận tiền, quà của doanh nghiệp rồi tạo điều kiện cho các bị can và đồng phạm làm giả hồ sơ xuất khẩu, hoàn thuế chiếm đoạt tiền ngân sách…
Trong một kết luận điều tra khác của Công an TP HCM cho thấy, Lê Dũng (Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn) cấu kết ba giám đốc khác, móc nối với các cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình (An Giang) lập hồ sơ xuất khẩu khống mặt hàng thuốc lá qua Campuchia.
Từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2013, công ty của Lê Dũng mở 120 tờ khai hải quan với tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu gần 450 tỷ đồng (trong đó thuốc lá chiếm 372 tỷ đồng). Chi cục trưởng hải quan cửa khẩu Khánh Bình Nguyễn Văn Biên đã chỉ đạo thuộc cấp ký khống các tờ khai hải quan xuất khẩu thuốc lá sang Campuchia để nhận tiền "lại quả". Với phi vụ này, Lê Dũng cùng các đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt 80 tỷ đồng tiền hoàn thuế từ ngân sách.
Trong vụ trọng án kinh tế này có 46 bị can, ngoài nhiều giám đốc công ty thì 30 người nguyên là cán bộ công chức ngành hải quan. Trong đó, 27 người nguyên là cán bộ công chức Hải quan tỉnh An Giang.
Sau quyết định của Tổng cục Hải quan, chiều 10/3, ông Võ Anh Kiệt - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy An Giang - cho biết, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã họp xem xét kỷ luật về mặt Đảng đối với ông Tâm. Tuy nhiên, ông Tâm là Tỉnh ủy viên, thuộc diện Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh phải xử lý. Vì vậy, việc kỷ luật cũng như hình thức kỷ luật phải thông qua Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
"Vì hoàn cảnh cá nhân, gia đình, ông Tâm có nguyện vọng xin ở lại An Giang công tác và tỉnh đã quyết định giữ lại và sẽ phân công vị trí hợp lý…", ông Kiệt cho biết thêm.
Sau khi cho ông Tâm thôi chức, Tổng cục Hải quan cũng có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Trần Quốc Hoàn - Phó vụ trưởng Thanh tra Tổng cục Hải quan về làm Cục trưởng Hải quan tỉnh An Giang.
Mở Cảng Quốc tế Cam Ranh: Việt Nam cần lưu ý gì?
Quan tâm đến sự kiện Việt Nam chính thức đưa Cảng Quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá, đối với Việt Nam, Cam Ranh là một cảng chiến lược, có giá trị lớn không chỉ về mặt quân sự mà cả về kinh tế, giao thương trên vùng Biển Đông.
Đây cũng là vị trí tiếp cận gần nhất các tuyến hàng hải quốc tế và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, Cam Ranh lại là cảng nước sâu, kín, rất thuận lợi cho tàu bè neo đậu.
Xét về mặt quân sự, Cam Ranh có ý nghĩa chiến lược, nhưng trong thời buổi hội nhập, việc Việt Nam mở Cảng Quốc tế Cam Ranh để tiếp nhận các tàu quân sự, dân sự vào sửa chữa là việc làm phù hợp với hoàn cảnh mới và hợp lý, tạo điều kiện để Việt Nam vừa làm nhiệm vụ quốc phòng vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng lưu ý: "Quan điểm nhất quán của Việt Nam từ trước đến nay là không cho nước ngoài thuê làm căn cứ hậu cần kỹ thuật. Hiện tại và trong tương lai, tàu quân sự và tàu dân sự nước ngoài cập Cảng Cam Ranh để làm công tác hậu cần, sửa chữa nhưng Việt Nam không dùng Cảng Cam Ranh để đánh đổi hay liên minh, liên kết với bất kỳ ai để chống nước khác.
Việt Nam chủ động mở cửa, hội nhập, xây dựng Cảng Quốc tế Cam Ranh làm căn cứ hậu cần đón nhận tất cả các tàu dân sự, quân sự vào neo đậu, sửa chữa, đây là điều hợp lý.
Đây là ý tưởng tốt nhưng để phát huy được thì không đơn giản. Hạ tầng cơ sở của Việt Nam còn thiếu thốn, cầu cảng liệu đã đáp ứng được nhu cầu ra vào của các tàu lớn chưa? Nó đòi hỏi nỗ lực lớn của Việt Nam. Bây giờ Việt Nam mời chào như thế nhưng nếu hạ tầng cơ sở kém, cầu cảng không đủ sức cho tàu cỡ lớn vào hay đội ngũ kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu sửa chữa thì không ai vào.
Do đó, muốn khai thác tốt Cảng Quốc tế Cam Ranh, trước tiên Việt Nam phải nâng cấp hạ tầng cơ sở, có cầu cảng hiện đại, đội ngũ kỹ thuật giỏi, trang thiết bị hiện đại.
Ngoài ra, phải nói rõ cho quốc tế hiểu, trong thời buổi giao thương quốc tế, hàng loạt hiệp định thương mại được các nước ký kết, việc tàu thuyền các nước giao thương, qua lại bến cảng của nhau là bình thường, không nên coi đó là cái gì bất thường".
Cũng theo Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Cam Ranh có ý nghĩa chiến lược nên được nhiều nước quan tâm. Có thể các quốc gia quan tâm tới Cam Ranh để thực hiện mục đích khác của họ nhưng với Việt Nam, cần khẳng định rằng trước sau đều kiên định mục tiêu: Đất của ta, cảng của ta, chúng ta tự chủ và mời gọi tất cả bạn bè, ai có tình cảm, muốn hợp tác với Việt Nam thì có thể tham gia, đưa tàu vào hoạt động, sửa chữa.
Trước ý kiến cho rằng, việc Việt Nam mở cảng quốc tế Cam Ranh là bước đi chiến lược trong chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, Trung tướng Đăng nói: "Các chuyên gia quốc tế có thể nhìn một việc làm của Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng về phía Việt Nam phải khẳng định, để hội nhập quốc tế, Việt Nam phải làm nhiều cách để bạn bè quốc tế tin cậy và đến với mình".
Trao thầu EPC Dự án điện Vĩnh Tân 4 mở rộng
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng do EVN làm chủ đầu tư, Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3) làm đơn vị quản lý dự án, có quy mô công suất 600 MW gồm 01 tổ máy nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là Trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước khi xây dựng xong sẽ đạt công suất toàn trung tâm là 6.200 MW, sẽ đáp ứng điện năng trực tiếp cho khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng sẽ tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có như mặt bằng, cảng, đấu nối với hệ thống điện quốc gia, giao thông,.. và đặc biệt là các hệ thống dùng chung với dự án nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang xây dựng. Nhà máy gồm 01 tổ máy với cấu hình 01 lò + 01 Tua bin + 01 máy phát, Công nghệ sử dụng với thông số hơi siêu tới hạn đốt than nhập khẩu, là loại công nghệ đã được áp dụng nhiều trên thế giới. Nhà máy được áp dụng công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam. Dự án được xây dựng và vận hành vào cuối năm 2019.
Với giá trị tổng mức đầu tư khoảng 1,104 tỷ USD (tương đương 24.000 tỷ đồng), dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng dự kiến hàng năm cung cấp cho hệ thống điện khoảng 3,6 tỷ kWh. Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ dung vào tổng sơ đồ quy hoạch điện 7 và danh mục các công trình đầu tư cấp bách giai đoạn 2013-2020
Quá trình phát hành hồ sơ, công tác đánh giá thầu và thương thảo hợp đồng đã được các đơn vị của EVN và tư vấn tiến hành một cách chặt chẽ, đúng trình tự, thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Nhà thầu được lựa chọn là tổ hợp Nhà thầu Doosan – Mitshubishi – Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 – Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, là tổ hợp nhà thầu có kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than.
Theo kế hoạch, sau khi hợp đồng EPC được ký kết, nhà máy sẽ dự kiến khởi công vào Quý I/2016. Nhà máy sẽ được đưa vào vận hành sau 45 tháng lắp đặt, xây dựng (dự kiến quý 4/2019). Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung bộ, và các tỉnh thành phía Nam, qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt, giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện.
Hà Nội đón hàng loạt dự án PPP vành đai IV
“Đóng mạch” vành đai III
Cho đến thời điểm này, Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là một trong những công trình hạ tầng quy mô vốn lớn hiếm hoi do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư triển khai trên địa bàn Thủ đô “chốt” chính xác thời điểm khởi công trong năm nay.
“Chậm nhất là sang tháng 8/2016, chúng tôi sẽ khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên của Dự án”, ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long – đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư cho biết.
Các tuyến đường vành đai giúp kết nối các chuỗi đô thị vệ tinh và giảm bớt áp lực cho giao thông Thủ đô
Cam kết của lãnh đạo Ban Thăng Long là có cơ sở, bởi công tác sơ tuyển cho 2 gói thầu xây lắp chính của Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 5.343 tỷ đồng do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ đã cơ bản hoàn tất với sự góp mặt của các nhà thầu uy tín của Nhật Bản.
Được biết, nếu được tuyển chọn, các nhà thầu sẽ phải xây dựng 5,364 km vành đai III, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, trong đó có tới 4,903 km đường đi trên cao theo tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/giờ trong vòng 30 tháng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, việc bàn giao dứt điểm mặt bằng sạch, phục vụ thi công công trình cao tốc trên cao ngay trong năm 2016 là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội. Được biết, điểm thuận lợi của Dự án là do công trình nằm ở chính giữa đường Phạm Văn Đồng nên Hà Nội sẽ chỉ phải thu hồi 15.332 m2 của 22 tổ chức và 1 hộ dân, một số lượng không đáng kể so với quy mô, tính chất của Dự án.
Là một trong những phân đoạn quan trọng nhất của tuyến vành đai III, Dự án đang nhận được sự kỳ vọng của cả Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội trong việc cải thiện cơ bản hạ tầng khu vực phía Tây Thủ đô. Tuyến cao tốc đi trên cao này có chức năng kết nối thông suốt theo tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị từ cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến cao tốc trên cao đoạn Bắc hồ Linh Đàm - Bắc Thăng Long, kết nối các quốc lộ 1, 5, 6, 32 với Sân bay quốc tế Nội Bài và giảm tải cho đường Phạm Văn Đồng hiện tại.
Cùng nằm trên vành đai III, nhưng có quy mô chỉ vào khoảng 600 tỷ đồng, công trình hầm đường bộ Lê Văn Lương vẫn được UBND TP. Hà Nội đưa vào danh mục 7 công trình cấp bách chống ùn tắc giao thông phải khởi công trong năm nay. Dự kiến, hầm chui Lê Văn Lương là “lối thoát” cho điểm nghẽn, ùn tắc giao thông lớn nhất ở phía Nam Hà Nội, dự kiến sử dụng phần vốn dư của Dự án xây dựng đường vành đai III đoạn Bắc hồ Linh Đàm - Mai Dịch vốn vay ODA Nhật Bản nếu như JICA chấp thuận gia hạn Hiệp định vay vốn được ký từ năm 2008.
Đón các dự án PPP cho vành đai IV
Nếu như các dự án nằm trên đường vành đai III cơ bản được đầu tư bằng nguồn ODA thì các dự án thành phần của tuyến vành đai IV Thủ đô dài 148 km quy mô 4 - 6 làn xe lại do các nhà đầu tư tư nhân đầu tư theo hình thức BOT.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, tính đến đầu tháng 3/2016, Bộ GTVT đã nhận được đơn của 5 liên danh cho 3 đoạn tuyến thuộc vành đai IV, trong đó, đáng chú ý là đề xuất đầu tư đoạn từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT của liên danh Tập đoàn T&T - Công ty TNHH Phú Mỹ.
Dự án này có chiều dài tuyến 13,9 km, trong đó cầu Mễ Sở vượt sông Hồng dài khoảng 2,5 km với chi phí đầu tư lên tới 5.100 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý IV/2016, hoàn thành vào quý I/2019.
Theo đề xuất của liên danh nhà đầu tư, tuyến sẽ được xây dựng với quy mô 4 làn xe, rộng 17 m. Trong đó, cầu Mễ Sở có kết cấu bê tông cốt thép đúc hẫng cân bằng, rộng 16 m (bằng 1/2 cầu hoàn chỉnh theo quy hoạch).
Được biết, theo quy hoạch chi tiết đường vành đai IV - vùng Thủ đô đoạn phía Nam Quốc lộ 18 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ qua cầu Mễ Sở đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua địa phận TP.Hà Nội, Hưng Yên được yêu cầu đầu tư đầu tiên (hoàn thành trước năm 2017) để kết nối hai tuyến cao tốc có lưu lượng lớn nhất khu vực phía Bắc, chia sẻ và giảm tải cho giao thông nội đô, đặc biệt ở khu vực cửa ngõ phía Đông và phía Nam TP. Hà Nội.
Ngoài đoạn tuyến nói trên, Bộ GTVT đang xem xét đề xuất đầu tư của Công ty cổ phần Toàn Mỹ cho 28 km vành đai IV, đoạn từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến đại lộ Thăng Long; Công ty Đại Tiến Phát cho 34,4 km vành đai IV, đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
“Việc hình thành tuyến vành đai IV, đặc biệt là đoạn từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã rất cấp bách, cần đầu tư sớm để tránh lặp lại bài học từ vành đai III, đường vừa thông xe đã mãn tải”, ông Trường cho biết.
“Các tuyến đường vành đai không chỉ kết nối các chuỗi đô thị vệ tinh, mà còn giảm bớt đáng kể cho giao thông nội đô Thủ đô, nên cần được nghiên cứu triển khai sớm”, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp Chủ tịch tập đoàn CapitaLand Lim Ming Yan
Tại buổi tiếp, ông Lim Ming Yan đã bày tỏ cam kết của tập đoàn CapitaLand trong việc tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Ông Yan cho biết: “Năm nay, CapitaLand đánh dấu 22 năm hoạt động tại Việt Nam và tự hào đã phát triển tại 6 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương và Nha Trang, trong cả hai mảng căn hộ nhà ở và căn hộ dịch vụ”.
Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải chúc mừng và cho biết, với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và tốc độ phát triển dân cư cao, theo đó sẽ tạo nên nhu cầu về nhà ở và giúp phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam. Thành công của một tập đoàn đa quốc gia có uy tín như CapitaLand tại thủ đô Hà Nội sẽ là chất xúc tác để thu hút nhiều đầu tư hơn nữa vào Hà Nội cũng như Việt Nam.
Được biết, ngoài các hoạt động đầu tư kinh doanh, CapitaLand còn xây dựng lên Quỹ Từ Thiện CapitaLand Hope Foundation (CHF) nhằm đóng góp cho cộng đồng và ông Lim Ming Yan cũng đồng thời là Giám đốc CHF. Thông qua CHF, CapitaLand đã xây dựng 26 trường CapitaLand Hope School tại châu Á trong đó có 2 trường được xây dựng tại Việt Nam. Tổng cộng CapitaLand đã giúp 13.000 em học sinh trên toàn châu Á có điều kiện học tốt hơn thông qua hoạt động của mình.
Tại buổi gặp gỡ, ông Lim Ming Yan đã chia sẻ với Bí thư Hoàng Trung Hải về kế hoạch xây thêm trường CapitaLand Hope School thứ ba, địa điểm nằm gần Hà Nội.
“Chúng tôi cũng muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng bằng những hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Hiện tại chúng tôi đã xây 2 trường tiểu học Hope School tại Việt Nam gồm trường Năng Yên CapitaLand Hope thuộc tỉnh Phú Thọ và trường Thạnh Phước A CapitaLand Hope thuộc tỉnh Long An. Nay tôi rất vui mừng báo tin chúng tôi đã có kế hoạch xây thêm trường Hope School thứ ba tại đây. Qua đó, chúng tôi sẽ hoàn thành 27 trường Hope School trải dài khắp châu Á. Đây là một trong những nỗ lực của CapitaLand để minh chứng cho phương châm “Xây dựng Cộng đồng” tại những đất nước nơi CapitaLand hoạt động”, ông Lim Ming Yan chia sẻ.