Dù Luật doanh nghiệp (DN) 2014 có nhiều nội dung cải cách mạnh về con dấu, nhưng thực tế các DN vẫn bị làm khó về con dấu, đặc biệt là những yêu cầu không có trong luật.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 12-03-2016
- Cập nhật : 12/03/2016
Sẽ thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo trong vòng 70 ngày
Thời kỳ thanh tra từ năm 2011 đến năm 2015; thời hạn thanh tra 70 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày công bố quyết định.
Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức công bố Quyết định thanh tra số 264/QĐ-TTCP ngày 24/02/2016 của Thanh tra Chính phủ tại Bộ Giáo dục và đào tạo.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Giáo dục và đào tạo và UBND 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên bao gồm: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Gia Lai, Đắc Lăk, Bình Định, Bình Phước, An Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Thời kỳ thanh tra từ năm 2011 đến năm 2015; thời hạn thanh tra 70 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày công bố quyết định. Đoàn thanh tra do ông Vũ Hồng Khánh, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ 3 làm Trưởng đoàn.
9.000 tỷ đồng không có khả năng thu hồi từ vụ Huyền Như
Thông tin nêu trên được ông Vũ Quốc Doanh, quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, đưa ra tại cuộc họp về kết quả thi hành án những tháng đầu năm 2016 do Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức chiều 11-3.
Theo ông Doanh, tổng số tiền phải thi hành án trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộcVietinbank chi nhánh TP.HCM, đã lãnh án tù chung thân) khoảng 14.000 tỷ đồng. Đến nay còn phải thi hành án để sung công quỹ nhà nước gần 11.000 tỷ đồng, bồi thường cho các ngân hàng, tổ chức cá nhân gần 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục thi hành án dân sự TP.HCM đã đưa hơn 9.000 tỷ đồng vào diện “không có khả năng thi hành án”.
Theo ông Doanh, hiện 22 tài sản nhà, đất của Huỳnh Thị Huyền Như đã bị kê biên, nếu phát mãi sẽ thu được khoảng 500 tỷ đồng.
Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an bàn giao các giấy tờ bản chính liên quan đến số tài sản này. Tuy nhiên, cho đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra mới chỉ cung cấp cho Cục Thi hành án dân sự TP.HCM bản sao giấy tờ nhà, đất, vì vậy, Cục thi hành án dân sự TP.HCM không xử lý tài sản kê biên được.
Báo cáo của Tổng cục thi hành án dân sự còn cho thấy trong số việc còn đang tổ chức thi hành có nhiều vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, lên tới hàng nghìn tỷ, như vụ án tại Vinashin, Vinalines, Công ty đầu tư tài chính II (Vũ Quốc Hảo), Ngân hàng phát triển Đắk Lắk, vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên)...
Tuy nhiên, đây đều là những vụ án kinh tế lớn liên quan đến nhiều đối tượng phải thi hành án, có tính chất phức tạp, khó thi hành, số tiền thi hành xong rất nhỏ so với tổng số tiền còn phải thi hành; quá trình thi hành án mất nhiều thời gian, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý số tiền bị phong tỏa tài khoản, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.
Tổng cục thi hành án cho biết nhiều tài sản là nhà xưởng, hệ thống thiết bị máy móc... rất khó bán, dù giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua.
Kuwait tài trợ 256 tỷ đồng cho Bệnh viện Châu Đốc
Số tiền tương đương 11,55 triệu USD này sẽ được dành để cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Châu Đốc, An Giang.
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trương Chí Trung và ông Hesham Al-Waqayan, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Cô Oét về Phát triển kinh tế Ả Rập tại buổi ký kết - Ảnh: VIỄN SỰ
Lễ ký kết về hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Kuwait về phát triển kinh tế Ả Rập đã diễn ra sáng 11- 3 tại TP.HCM.
Đại diện phía Việt Nam - thứ trưởng Bộ Tài Chính Trương Chí Trung cho biết Dự án Cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện đa khoa Châu Đốc, tỉnh An Giang sẽ góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tỉnh An Giang và khu vực lân cận.
Theo ông Trung đây là nguồn nguồn vốn vay không ràng buộc từ Quỹ Kuwait cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo cũng như góp phần vào mục tiêu chung trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Cũng theo đại diện Bộ Tài Chính cho đến nay Quỹ Kuwait đã hỗ trợ vốn vay cho Việt Nam để thực hiện 13 Dự án với tổng trị khoảng 159,45 triệu USD. Vốn vay Quỹ Kuwait được tập trung cho các Dự án cơ sở hạ tầng nông thôn như các công trình giao thông, thuỷ lợi nhỏ của các tỉnh nghèo.
Tại lễ ký kết, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết việc nâng cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Châu Đốc sẽ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho khoảng 1 triệu người. Trong đó có nhiều đồng bào Chăm, Kh’mer tại An Giang và các bệnh nhân Campuchia ở hai tỉnh Kandal và Tà Keo.
Chủ tịch nước thăm Mozambique
Hôm 11-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thủ đô Maputo bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Mozambique.
Trong chuyến thăm Mozambique, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ hội đàm với tổng thống và chủ tịch quốc hội nước chủ nhà, dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Mozambique.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, kim ngạch thương mại hai chiều hai nước mới đạt 66 triệu USD năm 2015, con số còn ít ỏi so với một thị trường 25 triệu dân nằm trong Cộng đồng phát triển miền nam châu Phi (SADC) rất gắn kết và thành công. Đi đầu trong hợp tác song phương là lĩnh vực viễn thông và nông nghiệp.
Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước lần này, Chính phủ Việt Nam muốn chuyển tải đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông điệp: hãy mạnh dạn vươn ra ngoài, tới các nước như Mozambique, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để phát triển.
Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước tới Tanzania với chuyến thăm đặc khu kinh tế Ubungo của Tanzania vào sáng 10-3 (theo giờ địa phương).
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp chủ tịch Quốc hội Tanzania, thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania và thăm trụ sở liên doanh Halotel (dự án đầu tư của Viettel).
Còn 6 ủy viên Bộ Chính trị chưa được phân công
Tại Hội nghị trung ương lần hai khai mạc sáng 10-3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập việc Bộ Chính trị đã tiến hành phân công một bước các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cụ thể “một bước” này ra sao?
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ hai, khóa XII - Ảnh: TTXVN
Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành trung ương bầu 19 ủy viên Bộ Chính trị. Đến nay 8/19 người đã nhận trọng trách mới ở các cơ quan của Trung ương Đảng và ở hai thành phố lớn nhất nước.
Đó là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tổ chức Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.
Tại hội nghị trung ương lần hai này, Bộ Chính trị đề nghị kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII từ ngày 21-3 đến 16-4.
Theo quy chế làm việc, Bộ Chính trị trình trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử ba chức danh chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Quốc hội.
Đồng thời xin ý kiến trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn.
Nguồn tin Tuổi Trẻ giải thích rõ thêm: Ban Chấp hành trung ương sẽ quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử ba vị trí lãnh đạo cao nhất của Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với từng chức danh.
Việc này từng được thực hiện tương tự ở hội nghị trung ương 14 khóa trước (tháng 1-2016, trước Đại hội Đảng XII).
Qua đó thống nhất giới thiệu khóa mới xem xét giới thiệu ba ủy viên Bộ Chính trị là ông Trần Đại Quang (bộ trưởng Bộ Công an), ông Nguyễn Xuân Phúc (phó thủ tướng Chính phủ) và bà Nguyễn Thị Kim Ngân (phó chủ tịch Quốc hội) ứng cử lần lượt vào chức danh chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ và chủ tịch Quốc hội.
Trong số tám ủy viên Bộ Chính trị còn lại, hai người tái đắc cử là Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Sáu người lần đầu trúng cử Bộ Chính trị chưa có quyết định phân công nhiệm vụ mới là đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN Ngô Xuân Lịch; thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Trưởng Ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Đối với các chức danh khác trong bộ máy nhà nước, trung ương cho ý kiến căn cứ trên phương án nhân sự do Bộ Chính trị trình; còn thẩm quyền quyết định nhân sự cụ thể (chính thức giới thiệu để Quốc hội bầu, phê chuẩn) thuộc về Bộ Chính trị.
Các chức danh này bao gồm: phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội, các chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, các bộ trưởng, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước.