Diện tích đất khoảng 8ha sẽ được sử dụng để tăng gấp đôi số chỗ đỗ máy bay, phục vụ việc nâng cấp công suất Tân Sơn Nhất lên 25 triệu khách mỗi năm.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 14-07-2016
- Cập nhật : 14/07/2016
Đồng Nai: Giảm thu 500 tỷ đồng từ các doanh nghiệp lớn
500 tỷ đồng là số sụt giảm thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp lớn ở Đồng Nai so với cùng kỳ năm 2015.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến hết tháng 6, nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn có số thuế nộp giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015, khiến nguồn thu nội địa của địa phương này gặp khó khăn.
Các doanh nghiệp lớn có mức nộp ngân sách giảm có thể kể đến như: Liên hiệp HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp giảm 117 tỷ đồng; Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai giảm 99 tỷ đồng; các công ty điện lực trong lĩnh vực dầu khi giảm 154 tỷ đồng; Nhà máy sữa Dielac giảm 50 tỷ đồng; Thủy điện Trị An giảm 35 tỷ đồng; Công ty TNHH điện máy Haier Việt Nam giảm 30 tỷ đồng…
Hết tháng 6, thu nội địa của Đồng Nai đạt 12.281 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm và mới đạt 46% chỉ tiêu dự toán cả năm 2016 (chỉ tiêu 26.800 tỷ đồng).
Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu dự toán thu nội địa, 6 tháng cuối năm 2016, Đồng Nai phải thu được 14.519 tỷ đồng, tính trung bình gần 2.420 tỷ đồng/tháng.
Được biết, hiện Đồng Nai là một trong số ít địa phương có số thu nội địa lớn để điều tiết về ngân sách Trung ương.
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV: DN lo lại vấp “xin – cho”
Có nhiều chương trình hỗ trợ DN nhưng đường đến hỗ trợ rất phức tạp, thậm chí chi phí để được hưởng hỗ trợ còn vượt quá phần được hỗ trợ.
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV dưới góc nhìn của cộng đồng DN là chủ đề Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 11/7.
“Hỗ trợ DNNVV cần trọng tâm, trọng điểm hiệu quả, không làm theo kiểu phong trào, hành chính và dứt khoát không tạo cơ chế xin – cho”, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo
Ra luật để thay đổi hành vi
Để giúp DN bật lên khỏi những ngáng trở bởi quy mô nhỏ, DNNVV ở mọi quốc gia đều cần sự trợ giúp để vượt những cản trở do quy mô nhỏ gây ra. Việc ban hành Luật hỗ trợ DNNVV cũng là để thay đổi hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân DN trong việc thúc đẩy DNNVV phát triển. Đó là 2 chủ đích của việc cần có luật này, theo như ý kiến của bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI.
Luật hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ tạo nên khung khổ pháp lý, là công cụ quan trọng, thúc đẩy sự hỗ trợ DNNVV. Đây cũng sẽ là động lực để đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu DN như Chính phủ đã đề ra” – TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết.
Theo lộ trình, Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV sẽ được trình Chính phủ trong tháng 7 này nhưng đến nay, chính phía DN lại không muốn được hỗ trợ quá như Dự thảo.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Cục phó Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thuyết minh về dự thảo: Mục tiêu tạo điều kiện cho DNNVV phát triển. Và một trong những vấn đề quan trọng là tạo khung pháp lý để cơ quan, tổ chức khác có thể tham gia quá trình hỗ trợ.
Đây là luật rất mới, đầu tiên tại Việt Nam, nhưng là vấn đề cũ của các nước khác. Vấn đề dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV là đặc trưng, đây là vấn đề xuyên suốt, liên quan nhiều ngành, chuyên ngành khác cần nhìn nhận toàn diện, đầy đủ, đem lại lợi ích tốt nhất cho DNNVV.
Phía DN cho rằng, Dự thảo luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng DN nhưng cần điều chỉnh một số nội dung.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, mục tiêu của Luật chưa rõ hỗ trợ DN đang hoạt động hay DN thành lập mới. Theo Dự thảo thì đối tượng hỗ trợ bao gồm cá nhân, tổ chức khởi nghiệp kinh doanh. “Chúng tôi cho rằng cần mở rộng đối tượng là hộ kinh doanh, vì hiện nay ĐBSCL chỉ có khoảng 30 nghìn DN đang hoạt động nhưng có đến hàng triệu hộ kinh doanh”, ông Dũng đề nghị.
TS. Cấn Văn Lực (BIDV) thì nói lên nỗi băn khoăn vì nguồn lực có hạn lại quá phức tạp và quá nhiều nội dung hỗ trợ. TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Tôi e rằng sẽ lãng phí” như việc Dự thảo đưa ra hình thức tổ chức tuần hỗ trợ DNNVV và không nên hỗ trợ đại trà (như hỗ trợ cả hộ kinh doanh). Ông cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm của DNNVV “được hỗ trợ mà không làm đúng phải hoàn trả hỗ trợ” và cần bổ sung điều này vào luật.
Nói đến hỗ trợ - DN rất sợ
Ở phía DN có rất nhiều ý kiến. Đó là việc hỗ trợ DNNVV thì rất tốt nhưng nội dung hỗ trợ như Dự thảo cho thấy sự lúng túng của cơ quan nhà nước. Điều này thể hiện ngay ở việc đưa ra rất nhiều điểm hỗ trợ, chương trình hỗ trợ và cách hỗ trợ nhưng lại không rõ nguồn kinh phí. Và dường như ban soạn thảo chưa thấu lắm “hành trình để đến được nguồn hỗ trợ”.
Đơn cử như Dự thảo đưa ra 5 chương trình hỗ trợ và DN chỉ được lựa chọn 1 trong 5 chương trình, ý đồ là tốt nhưng để chọn 1, DN phải tự khảo sát cả 5 và theo đó là nhiều thủ tục nhiêu khê. Một điểm được coi “là khác, là mới” của Dự thảo lần này đưa ra lấy ý kiến đó là “hỗ trợ có chọn lọc”. Để được hưởng hỗ trợ, DN phải đáp ứng từng nội dung của từng chương trình. Ví dụ, quy định mỗi khu công nghiệp phải để dành một tỷ lệ mặt bằng nhất định cho DNNVV (tính tỷ lệ khi khu lấp đầy).
Nhìn chung, giới DN và đại diện cho giới DN đang cho rằng cần thay đổi tư duy, kỹ thuật làm luật và “ở đây đang có dư âm của cơ chế xin cho”. DN đề nghị không nên đưa quá nhiều chương trình, mục tiêu hỗ trợ DNNVV vào Dự thảo.
Ông Dũng cũng cho biết “rất nhiều phần thấy có cơ chế xin – cho. Điều này làm chúng tôi rất ngại và hậu quả là làm méo mó thực tế kinh doanh”. Ông Dũng cũng cho biết thêm: “Nói đến Hỗ trợ DN rất sợ. Chi phí đi xin cũng ngốn gần hết. DN không quan tâm thì luật có quan trọng không. Việc đi xin để được hỗ trợ là không nên”.
Bà Hằng thì cho rằng, dự luật vẫn còn bộc lộ một số điểm hạn chế. Theo Dự thảo, DNNVV phải đáp ứng các điều kiện của từng nội dung chương trình hỗ trợ DNNVV. Tại cùng một thời điểm, trường hợp DNNVV đồng thời đáp ứng các điều kiện khác nhau về cùng một nội dung hỗ trợ thì DN được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ theo quy định có lợi nhất".
Từ quy định này, bà Hằng cho rằng, dự luật bộc lộ dư âm của cơ chế "xin - cho" vì các DNNVV sẽ phải điều chỉnh, thậm chí quy mô nhỏ đi để phù hợp với các điều kiện; nhiều chương trình có nội dung, hình thức trùng lặp, DN sẽ không biết đâu là mức hỗ trợ theo quy định là "có lợi nhất"...
Chính sách mà mập mờ thì sẽ tạo nên tiêu cực
Chính chủ tịch VCCI cũng phải nhắc đến thực tế “hành trình để đến được các chương trình hỗ trợ với DNNVV nhiều khi đánh đố DN nếu không công khai, không rõ ràng, không minh bạch”. Ông đề nghị mọi quy định phải rõ ràng, đơn giản, cách làm phải minh bạch và ông cũng cho biết “nhiều khi thực tế chi phí này cao hơn cả số hưởng lợi trực tiếp từ chương trình”.
TS. Cấn Văn Lực gợi nhắc: “Chúng ta yêu cầu ngân hàng hỗ trợ DN, chúng ta muốn DN được hỗ trợ nhiều hơn về mặt tài chính nhưng thực tế thì DN đang phải gánh chi phí không chính thức. 62-70% số DN cho biết phải chi khoản này, 60% DNNVV kêu bị nhũng nhiễu”.
TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV cần giảm chi phí không chính thức và giảm thủ tục hành chính, không làm theo kiểu phong trào, hành chính và dứt khoát không tạo cơ chế xin - cho. Nhà nước không làm thay hiệp hội, không đẻ thêm bộ máy mà để hiệp hội, thị trường thực hiện việc này.(TBNH)
Thủ tướng: “Tái cơ cấu ngay bộ máy của Bộ Công Thương”
Bộ Công Thương hiện có đến 30 vụ, cục và khoảng 10 viện trực thuộc, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty.
“Người thì đông, đi vào rồi lại đi ra, làm việc không có hiệu quả thì làm sao phát triển được. Chúng ta cứ nói tái cơ cấu toàn ngành nhưng ngay trong bộ máy của Bộ Công Thương cũng còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt và ảnh hưởng đến uy tín ngành”.
Đánh giá trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương, chiều 12/7.
Tại hội nghị, bên cạnh việc biểu dương một số thành tích đạt được trong công tác quản lý, điều tiết thị trường, kích cầu, hỗ trợ xuất khẩu…Thủ tướng thẳng thắn kiểm điểm một số hạn chế của Bộ Công Thương, đặc biệt là trong công tác quản lý bộ máy nhân sự, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp còn quá chậm.
Thách thức mà Thủ tướng chỉ ra đối với ngành công thương thời gian tới là thể chế, cơ chế quản lý còn chưa theo kịp thực tiễn; cơ chế quản lý cạnh tranh, chống độc quyền còn hạn chế. Chiến lược phát triển của ngành chưa hiệu quả, chưa tạo động lực cần thiết để khu vực tham gia. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI yếu, chưa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đặc biệt, điều khiến Thủ tướng quan ngại nhất là sự cồng kềnh của bộ máy, nhân sự ngay trong chính Bộ Công Thương.
“Bộ Công Thương hiện có đến 30 vụ, cục và khoảng 10 viện trực thuộc chưa kể các viện thuộc các tập đoàn, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty, hàng vạn lao động. Do đó phải cơ cấu ngay bộ máy này để phục vụ cho sản xuất và phát triển, kể cả sản xuất và xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đánh giá về vai trò, nhiệm vụ của Bộ Công Thương, Thủ tướng lưu ý, phải làm sao để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển nhanh, cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu không đổi mới, sáng tạo thì sẽ trở thành nền kinh tế đơn thuần gia công.
Cùng với phát triển kinh tế, phải kiên quyết bảo vệ môi trường, gồm môi trường tự nhiên và xã hội, môi trường cạnh tranh, đặc biệt là môi trường sống của người dân. Phải coi vụ việc Formosa là bài học về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Tuyệt đối không thể phát triển với bất cứ giá nào.
Nói về vai trò tổ chức thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, Thủ tướng cũng chưa hài lòng với những gì đạt được.
“Chúng ta chưa khai thác được các cơ hội và đang có sự lầm tưởng. Sau hiệp định với WTO, chúng ta thở phào nhưng vấn đề là tổ chức như thế nào thì thực tế làm chưa tốt, nhận thức và hành động còn nhiều bất cập. Từ đó, cơ chế chính sách còn chậm, chưa phát huy ưu đãi chính sách. FTA chắc chắn mang lại cơ hội quốc tế nhưng phải đi cùng cải cách về thể chế, chính sách”, Thủ tướng nói.
Đáp lại những chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho hay, tới đây Bộ sẽ tập trung rà soát để bổ sung, điều chỉnh các quy định về công tác cán bộ, nhất là các vấn đề về quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, có trình độ, có kỷ cương, lấy nhân dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và coi trọng tương tác với doanh nghiệp, người dân.
Bộ sẽ tiếp tục rà soát và tập hợp các vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành để tiếp tục đưa ra các đề xuất thuận lợi hóa trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi các Luật về đầu tư kinh doanh.
“Chúng tôi sẽ tập trung rà soát, gỡ bỏ ngay các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, bảo đảm tháo gỡ khó khăn, khơi dậy năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Hà Nội: Số thu nội địa tăng trưởng khá
Tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Cục Thuế Hà Nội sáng 13-6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã đánh giá Hà Nội là điểm sáng, là địa phương dẫn đầu về số thu ngân sách cũng như tăng trưởng nguồn thu.
Tăng thu hơn 20% so cùng kỳ
Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Thái Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm của Hà Nội thực hiện được 78.764 tỷ đồng, đạt 51% dự toán và tăng 20,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô thực hiện đạt 1.151 tỷ đồng, đạt 50,1% so với dự toán; tổng thu trừ dầu thực hiện 77.613 tỷ đồng, đạt 51% dự toán.
Có 6 khu vực thu, khoản thu, sắc thuế đạt trên 50% so với dự toán và duy trì được tốc độ tăng thu so với cùng kỳ năm trước, đó là: Thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu tiền cho thuê mặt nước, thu tiền từ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Theo ông Thái Tiến Dũng, để đạt được kết quả trên, ngay từ cuối tháng 12-2015, Cục Thuế Hà Nội đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá và 6 nhóm giải pháp công tác thuế, xây dựng Chương trình công tác thuế năm 2016 để triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả như: Công tác thanh tra kiểm tra; công tác quản lý đôn đốc và cưỡng chế thu hồi nợ thuế; công tác quản lý các khoản thu từ đất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Thái Tiến Dũng cho rằng, hiện tình trạng nợ đọng thuế vẫn ở mức cao. Cùng với đó công tác xử lý các khoản nợ ảo, nợ chờ điều chỉnh còn chưa thực sự hiệu quả.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2016, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội khẳng định, thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ quy trình. Ngành Thuế cũng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, chống thất thu ngân sách bằng cách phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng (trong đó có công an và ngân hàng) để tăng cường công tác chống thất thu ngân sách, mua bán sử dụng hoá đơn bất hợp pháp.
Đặc biệt, Cục Thuế Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt công tác chống thất thu thuế đối với DN ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ.
Mục tiêu vượt 6-8%
Đánh giá công tác thu ngân sách 6 tháng đầu năm của Cục Thuế Hà Nội, ông Nguyễn Doãn Toản- Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, công tác thu thuế trên địa bàn đã đạt được những kết quả toàn diện với trên 50% chỉ tiêu được giao. Kết quả này có được nhờ việc tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra và đôn đốc quản lý nợ đọng. Cùng với đó Cục Thuế Hà Nội đã tích cực triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ qua công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần hỗ trợ DN.
“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thừa nhận cơ cấu thu của Thuế Hà Nội còn thiếu tính bền vững với việc những khoản thu lớn giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt vẫn còn tình trạng cò mồi tại một số điểm thu lệ phí trước bạ. Cục Thuế Hà Nội phải phối hợp với các cơ quan chức năng chấn chỉnh tình trạng này kịp thời, tránh gây bức xúc trong dư luận”, ông Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Cục Thuế Hà Nội bởi đây là đơn vị dẫn đầu trong toàn ngành ở 5 nhiệm vụ: Tốc độ tăng thu so với năm trước khá nhất với hơn 20%; xử lý nợ đọng với hơn 7.000 tỷ đồng; công tác thanh tra kiểm tra tăng 73%; dẫn đầu trong công tác khai thuế điện tử, hiện đại hóa ngành Thuế; kết quả tăng thu thanh kiểm tra cao, đối tượng lớn nhưng ít khiếu nại.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Cục Thuế Hà Nội phải phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2016 vượt chỉ tiêu 6-8%. Bên cạnh đó, cần triển khai có hiệu quả Luật sửa 3 Luật Thuế mới đã được Quốc hội ban hành và áp dụng từ ngày 1-7-2017; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, sổ tay nghiệp vụ để hỗ trợ cho người nộp thuế; Tham mưu về việc phân cấp quản lý nguồn thu trên địa bàn; Xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế chuyển sang thực chất và thực tế với trên 140.000 DN và đặc biệt với trên dưới 200.000 hộ kinh doanh ở các loại hình khác nhau.