Chỉ có một doanh nghiệp Việt vào top 500 thương hiệu hàng đầu châu Á.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 13-07-2016
- Cập nhật : 13/07/2016
Việt Nam hoan nghênh phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc
Ngay sau khi Tòa trọng tài tuyên bố thắng lợi cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, trong đó bác yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông cáo hoan nghênh phán quyết này.
Trong bản thông cáo phát đi lúc 17g35 ngày 12-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Ông Lê Hải Bình tuyên bố trong bản thông cáo: “Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài.
Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.(TT)
Artermia: Từ đồng muối ra cảng biển
Nhu cầu sử dụng Artemia tại thị trường nội địa khá lớn nhưng giá bán thấp chỉ ở mức khoảng 80 USD/kg, trong khi giá xuất khẩu đạt 160-170 USD/kg.
Có những giống nuôi trồng xuất xứ từ nước ngoài nhưng khi được khảo nghiệm tại Việt Nam lại có chất lượng tốt hơn giống bố mẹ. Đặc biệt, giống Artemia nuôi tại Việt Nam không chỉ được đánh giá tốt hơn so với giống tại Mỹ mà còn được nhận định có chất lượng đang dẫn đầu thế giới.
Artemia là tên khoa học của một loài giáp xác, thường sống ở biển tự nhiên hoặc được nuôi trong ruộng muối. Trong số những nguồn thức ăn tươi sống sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi thủy sản, ấu trùng Artemia được sử dụng rộng rãi làm thức ăn cho các loại thủy, hải sản ở giai đoạn bột.
Đây là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, nhiều đạm và acid béo không bão hòa. Trứng Artemia được dùng làm thức ăn cho cá, tôm bột, cá cảnh hay cua và ốc hương. Hằng năm, trên thị trường thế giới có khoảng 2.000 tấn trứng bào xác khô được bán ra quanh năm với nhiều nguồn khác nhau.
“Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Artemia được dùng làm thức ăn cho tôm càng xanh, cua con và tôm giống thẻ, sú. Nhưng tại các quốc gia khác, loại ấu trùng này còn được dùng làm thức ăn cho cá cảnh có giá trị cao”, kỹ sư Cao Thành Văn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu-Bạc Liêu, cho biết.
Cầm trên tay mẫu trứng Artemia đã được sấy khô có màu nâu đỏ để giới thiệu cùng NCĐT, ông Văn giải thích, loại trứng Artemia của Việt Nam, sau khi xử lý để tách vỏ, xác suất nở đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của các nước khác như Mỹ, Nga, Trung Quốc chỉ đạt khoảng 70-75%.
“Trong một cuộc triển lãm tại TP.HCM, các đối tác tại Hy Lạp đã rất quan tâm đến sản phẩm Artemia vì biết vỏ trứng sau khi nở sẽ tự động nổi lên mặt nước. Họ đã bắt đầu những đơn hàng thử nghiệm từ 100 kg và đến nay là 1,5 tấn mỗi năm”, ông Văn chia sẻ.
Các nhà ươm giống rất quan tâm việc vỏ trứng có tách được hay không để tránh tình trạng tắc ruột có thể gây chết cá. Ngoài ra, trứng Artemia được nuôi tại Việt Nam có dinh dưỡng cũng cao hơn một số nơi khác, thậm chí ngay cả nơi xuất xứ là Mỹ.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng Artemia tại thị trường nội địa khá lớn nhưng giá bán thấp chỉ ở mức khoảng 80 USD/kg, trong khi giá xuất khẩu đạt 160-170 USD/kg, cao điểm lên tới 200-210 USD/kg. “Hiện nay, Hợp tác xã Vĩnh Châu-Bạc Liêu là một trong số rất ít đơn vị sản xuất được Artemia để xuất khẩu. Điểm quan trọng không phải giá bán mà là phải giữ giá cho bà con sản xuất có lời. Giá hiện tại cao gấp đôi nhưng chúng tôi mong muốn sẽ đưa giá lên mức cao hơn giá nhập khẩu khoảng 20%. Khi đó, sẽ dễ dàng có đầu ra hơn, sức cạnh tranh cũng tốt hơn thay vì hiện tại các đối tác dễ dàng ép giá đợi lượng tồn tăng mới thu mua số lượng nhiều”, ông Văn giải thích.
Với giá thu mua trứng tươi khoảng1 triệu đồng/kg, trung bình mỗi người dân sẽ thu được 50 triệu đồng mỗi ha. Năm nay, bà con sản xuất đạt được năng suất bình quân từ 100-150 kg trứng/ha, so với các loại thủy sản khác. Ước tính, mỗi năm vùng nguyên liệu của Hợp tác xã Vĩnh Châu-Bạc Liêu sản xuất được khoảng 10 tấn Artemia, trong đó xuất khẩu ủy thác khoảng 6 tấn sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật và Thái Lan...
Hiện nay, Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu-Bạc Liêu phát triển theo hình thức liên kết với các hộ dân để xây dựng vùng nuôi với tổng diện tích nuôi hơn 300 ha. Mặc dù mỗi năm chỉ nuôi được khoảng 2 vụ nhưng do thời gian thu hoạch ngắn chỉ sau 20 ngày, vốn đầu tư thấp, khoảng 3 triệu đồng, nên thu hút nhiều người dân tham gia nuôi. Cách thức nuôi khá đơn giản, chỉ cho ăn và duy trì độ mặn ở mức thích hợp để Artemia bố mẹ đẻ trứng, nhiệt độ sinh trưởng tốt nhất của loài này cũng là nhiệt độ phổ biến tại miền Nam. Mặt khác, rủi ro thấp hơn rất nhiều so với nuôi tôm nên một số hộ cũng tận dụng ao tôm để nuôi đa canh.
Ông Võ Thanh Ước là một trong những người từng tham gia thực nghiệm cùng Đại học Cần Thơ và các chuyên gia Hà Lan, Mỹ nuôi Artemia hơn 30 năm tại huyện Vĩnh Châu. Ông cho biết: “Khó khăn nhất đối với người nuôi đó chính là vấn đề về thời tiết, triều cường hoặc mưa thất thường gây ảnh hưởng đến độ mặn của môi trường nuôi và nguồn thức ăn cho Artemia từ phân gà. Ở thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát, nguồn phân gà không dùng được cũng sẽ gây ảnh hưởng. Nhưng kể từ khi phát triển được tảo làm thức ăn cho Artemia, cũng đã giải quyết được vấn đề này”.
Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu-Bạc Liêu đưa ra được sản phẩm trứng sấy khô có thể để ở nhiệt độ phòng được 1 năm và bảo quản ở nhiệt độ dưới 10-15 độ sẽ được 3 năm hoặc hơn trong khi các sản phẩm khác của Bỉ, Mỹ chỉ được khoảng 6 tháng. Ngoài ra, hợp tác xã này đang phát triển thử nghiệm thành công nuôi Artemia trên ruộng muối và trên ao tôm vì nguồn bã thải của tôm là thức ăn rất tốt cho Artemia. Do đó, đây cũng là cơ hội cho nhiều hộ diêm dân trong thời điểm muối mất giá trầm trọng. Ông Văn chia sẻ, nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình ra cho bà con thực hiện, vừa tăng được sản lượng nuôi vừa hưởng ứng được mô hình nuôi tôm an toàn.
Gần đây, ngoài mô hình nuôi chuyên canh, tại vùng ven biển ở thành phố Bạc Liêu và huyện Hòa Bình, nhiều hộ diêm dân đã áp dụng nuôi Artemia xen canh sản xuất muối cho thu lãi khá. Đây là mô hình được đánh giá khá hiệu quả, bước đầu góp phần khắc phục tình trạng bỏ đất trống vì thiệt hại do nuôi tôm công nghiệp.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi Artemia (hay còn gọi là tôm đồng muối) từ gần 200 ha lên 500 ha, tập trung ở các địa phương ven biển như thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải... Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bạc Liêu, cho biết, theo kế hoạch, Tỉnh đầu tư hơn 17 tỉ đồng cho dự án, tập trung vào các hạng mục như đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, con giống, hỗ trợ vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ.(NCĐT)
Formosa chôn 100 tấn chất thải ở trang trại sếp công ty môi trường
Cơ quan chức năng Hà Tĩnh phát hiện hơn 100 tấn chất thải của Formosa được chôn trái phép tại một trang trại ở phường Kỳ Trình, thị xã Kỳ Anh.
Sáng 12-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Nam Sơn - chánh thanh tra Sở TN-MT Hà Tĩnh - xác nhận thông tin này.
Theo ông Sơn, ngày 11-7, sau khi được sự chỉ đạo của lãnh đạo sở, chi cục môi trường, thanh tra của sở này đã phối hợp với Công an môi trường tỉnh Hà Tĩnh vào trang trại của ông Lê Quang Hòa (giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh) ở địa bàn phường Kỳ Trinh kiểm tra.
“Khi vào kiểm tra, chúng tôi thấy ở trang trại của anh Hòa có việc chôn lấp chất thải của Formosa. Ngay sau đó cơ quan chức năng đã tổ chức khai quật, phát hiện khoảng 100 tấn chất thải của Formosa được chôn lấp dưới lòng đất”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, sau khi quật 100 tấn chất thải, cán bộ môi trường tỉnh đã lấy mẫu đưa đem đi xét nghiệm có độc hại hay không.
“Hiện đang chờ kết quả xét nghiệm. Trước mắt cơ quan chức năng đã lập biên bản vụ việc và xử lý theo quy định của luật pháp”, ông Sơn cho hay.
Ông Võ Tá Đinh - giám đốc Sở TN- MT Hà Tĩnh - cho biết sau khi phát hiện vụ việc, sở đã giao cơ quan chuyên môn xác minh.
“Tôi sẽ làm việc với Formosa và Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh về vụ chôn chất thải này”, ông Đinh hứa.
Vụ chôn chất thải trái phép này, trách nhiệm chính quyền ở đâu?
Theo ông Đinh, nếu chất thải thông thường thì không nói nhưng nếu là chất thải độc hại, phía Formosa phải giải trình về việc đã cam kết mà lại để ra vụ việc này. Ngoài ra phía Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh phải giải thích với sở là mình có chức năng chôn lấp rác thải này không.
“Việc này chúng tôi phải làm rõ và xử lý nghiêm, vụ việc này không chấp nhận được. Tôi đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh và sở sẽ cương quyết làm rõ”, ông Đinh cho biết thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Lê Quang Hòa - giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh - cho biết khoảng 100 tấn chất thải chôn lấp cho Formosa là chất thải sinh hoạt của nhà máy.
“Chỗ đó là có một số bùn, bùn này gọi là bùn thông thường, không phải chất thải nguy hại, nó xuất phát từ một số lò xử lý nước thải của Formosa”, ông Hòa giải thích.(TT)
Doanh nghiệp bột giặt lãi hàng chục tỷ đồng mỗi tháng
Không chỉ gia công cho các hãng lớn nước ngoài, nhiều hãng bột giặt trong nước ngày càng kinh doanh hiệu quả với các sản phẩm mang thương hiệu của chính mình.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Công ty bột giặt Net (Netco) cho thấy kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Mặc dù doanh thu 2015 giảm hơn 2%, đạt 784,2 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tăng 96% so với 2014, lên 102 tỷ. Cũng chính từ việc quản trị tốt, lại hoạt động kinh doanh hiệu quả nên lợi nhuận sau thuế 2015 của doanh nghiệp đạt 86,7 tỷ đồng, tăng 87,2% so với 2014. Đa phần lợi nhuận này đến từ cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa cho Unilever.
Không chỉ có kết quả kinh doanh tốt, nhiều chỉ số tài chính khác của công ty này cũng khá ấn tượng. Tính đến ngày 31/12/2015, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp đạt 371,8 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả là 98,4 tỷ, chủ yếu là nợ ngắn hạn phải trả người bán.
Bên cạnh đó, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức cao và tăng đều qua các năm, riêng năm 2015 đạt 5.205 đồng. Công ty cũng sử dụng đồng vốn của cổ đông khá hiệu quả khi tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2015 đạt 30,7% và chia cổ tức ở mức 30%, tức 3.000 đồng một cổ phiếu. Các năm trước đó, chỉ số ROE luôn nằm trong mức 20%. Với kết quả kinh doanh này, chỉ số tài chính ấn tượng nên cổ phiếu Net đang đứng ở mức giá 69.000 đồng tính đến 8/7.
Công ty cổ phần Bột giặt Net là thành viên của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem). Công ty này đang là đối tác chiến lược của Unilever trong việc cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa như, bột giặt Omo, bột giặt Surf, nước rửa chén Sunlight, nước lau sàn nhà Vim. Ngoài ra, đơn vị còn có các sản phẩm riêng như bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén và lau sàn mang thương hiệu riêng.
Cũng là đối tác của Unilever, bức tranh kinh doanh của Công ty cổ phần bột giặt Lix (Mã CK: LIX) cũng khá sáng sủa nhờ gia công sản phẩm cho đối tác này.
Năm 2015, công ty đạt doanh thu bán hàng 1.780 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 233 tỷ, tăng 124% so với 2014. Như vậy, mỗi tháng Lix thu 19,4 tỷ đồng lãi từ kinh doanh bột giặt, chất tẩy rửa… Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với 2014.
Sản lượng gia công cho Unilever không còn nhiều như những năm 2000 (70% trên tổng doanh thu) song các chỉ số kinh doanh của đơn vị này khá tốt nhờ phát triển nhiều sản phẩm mang thương hiệu riêng. Tính đến ngày 31/12/2015, tổng nguồn vốn của công ty đạt 792 tỷ đồng, nợ phải trả 339 tỷ, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đa số và chủ yếu là phải trả người bán, người mua trả trước, người lao động…
Năm 2015 lãi cơ bản trên cổ phiếu của công ty đạt 7.522 đồng - con số ấn tượng nhất từ trước tới nay của doanh nghiệp. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Lix năm 2015 đạt 40%. Với kết quả kinh doanh tốt, đến hết ngày, 11/7 cổ phiếu Lix tăng trần lên 79.000 đồng. Hết quý I, doanh thu bán hàng của công ty đạt 441 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 46 tỷ, lần lượt tăng 14% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2016, Lix vẫn xác định sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác với Unilever. Hợp đồng gia công cho Unilever của Lix sẽ hết hạn vào năm 2019.
Lix ra đời từ năm 1972 và được nhắc đến nhiều trên thị trường bột giặt. Đến năm 1995, Unilever và Procter & Gamble tiến vào đánh chiếm thị trường Việt khiến thị phần của Lix teo tóp. Để tồn tại, năm 2000, Lix bắt đầu gia công cho Unilever. Hoạt động này đóng góp đến 70% doanh thu của công ty.
Dù vẫn duy trì hoạt động gia công và sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng cho đến ngày nay. Tuy nhiên, hiện gia công chỉ đóng góp khoảng 7-8% doanh thu và lợi nhuận gộp của Lix.
Sản phẩm không quá nổi tiếng như 2 đơn vị trên, nhưng hoạt động kinh doanh bột giặt và chất tẩy rửa hàng năm cũng đem về cho Công ty cổ phần bột giặt và hóa chất Đức Giang hàng trăm tỷ đồng doanh thu.
Báo cáo tài chính 2015 của đơn vị này cho thấy, doanh thu cả năm đạt 461 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 97 tỷ. Trong khi doanh thu tăng 22,6% thì lợi nhuận giảm mạnh tới 26,5% so với cùng kỳ 2014.
Nguyên nhân lợi nhuận giảm được doanh nghiệp lý giải là do thị trường cạnh tranh gay gắt, chi phí doanh nghiệp và sản xuất tăng cao. Dẫu mức lợi nhuận giảm mạnh nhưng vẫn khá hấp dẫn, bình quân mỗi tháng thu hơn 8 tỷ đồng.
Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Tico mỗi năm cũng thu lãi vài chục tỷ đồng từ hoạt động cung cấp các sản phẩm hoạt động bề mặt như LAS, SLES, SLS... làm nguyên liệu cho ngành sản xuất chất tẩy rửa như bột giặt, nước giặt, nước rửa chén và các sản phẩm vệ sinh khác. Với vốn điều lệ chưa đến 100 tỷ nhưng doanh thu hàng năm của Tico lên đến hơn 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 30 tỷ. Năm 2015, công ty này đạt 1.535 tỷ đồng doanh thu và 34 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Đánh giá về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bột giặt, ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát - Công ty chứng khoán ABCS cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp này đạt lợi nhuận "khủng" trong 2015 là nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh.
Bên cạnh đó, các công ty Việt Nam đang gia công sản phẩm cho đối tác ngoại cũng tận dụng được lợi thế từ việc sử dụng công nghệ hiện đại được hỗ trợ từ các hãng nên không những giảm chi phí mà còn cho ra sản phẩm chất lượng. Từ đó, họ có nhiều kinh nghiệm hơn trong sản xuất sản phẩm mang nhãn hàng riêng của mình. Ngoài ra, việc kinh doanh các sản phẩm từ hóa chất vướng rất nhiều rào cản nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chen chân vào. Do vậy, thị trường này vẫn đang là mảnh đất màu mỡ mà doanh nghiệp thỏa sức vùng vẫy.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, theo ông Khiêm, hoạt động kinh doanh hóa chất kém lâu dài và thiếu bền vững, nên nếu xảy ra sơ xuất doanh nghiệp rất dễ đánh mất thị trường vào tay đối thủ.(VNEX)