Việc các địa phương được quy định chi tiết các khoản thu khiến danh mục phí, lệ phí cụ thể có thể lên tới hàng nghìn. Đây là vấn đề đang được dự thảo Luật phí, lệ phí tính tới và sẽ có rà soát cụ thể ngay trong năm nay.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 13-07-2016
- Cập nhật : 13/07/2016
Trồng xoài sạch xuất khẩu
Xoài là 1 trong 5 ngành hàng được tỉnh Đồng Tháp chọn tổ chức lại sản xuất theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Nhờ đó, sản phẩm xoài không chỉ tiêu thụ thuận lợi trong nước mà còn có cơ hội hợp tác để xuất khẩu.
Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Hiện Đồng Tháp có diện tích xoài được xem là lớn nhất tại ĐBSCL với khoảng 9.000 ha. Để hỗ trợ cho các hộ trồng xoài, tỉnh đã triển khai thực hiện 2 mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh xoài, vận động nhà vườn trồng rải vụ. Đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kết nối các doanh nghiệp, chủ vựa với nhà vườn để định hướng sản xuất theo thị trường về tiêu chuẩn, số lượng, cách thức thu mua nhằm gỡ khó cho trái xoài hiện nay.
Tại Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (H.Cao Lãnh, Đồng Tháp), hơn 40 ha xoài của 24 xã viên bắt đầu thu hoạch mùa thuận. Theo đó, hầu hết các hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái, nhiều nhà vườn cũng làm quen với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Ông Trần Long Châu, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: “Nếu trước đây nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán hay nhờ vào sự hỗ trợ của phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích, thì hiện nay việc trồng xoài phải dựa vào quy trình sản xuất an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhờ đó, sản phẩm xoài đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, bảo đảm ổn định đầu ra".
Triển vọng hợp tác với Thái Lan
Sở hữu vườn xoài rộng 1,5 ha đang cho trái, ông Võ Hữu Hiền (xã viên HTX xoài Mỹ Xương) cho biết từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã giảm được khoảng 80% các loại phân thuốc hóa học.
“Thông thường mỗi vụ phải tốn từ 8 - 10 lần phun thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất chỉ đạt từ 15 - 16 tấn/ha. Còn hiện tại, chỉ cần 1 - 2 lần thuốc nhưng năng suất lại cao hơn. Một lợi ích nữa là áp dụng kỹ thuật bao giúp trái không bị côn trùng gây hại tấn công nên trái xoài đẹp, bán được giá”, ông Hiền nói.
Theo các nhà vườn tại Đồng Tháp, xoài sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn có giá cao hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với sản xuất truyền thống (không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) và luôn hút hàng. Đặc biệt, vào thời điểm thu hoạch rộ như hiện nay, giá xoài chỉ khoảng 7.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng xoài trồng ở Cao Lãnh theo tiêu chuẩn sạch có giá từ 27.000 - 35.000 đồng/kg, lời trung bình 250 - 300 triệu đồng/ha, gấp 5 - 6 lần trồng lúa.
Mới đây, đoàn doanh nghiệp xoài Thái Lan sang thảo luận xin ký hợp tác với UBND tỉnh Đồng Tháp để xuất khẩu xoài sang các thị trường Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông… Ông Sadda Sinives, đại diện doanh nghiệp xoài Thái Lan, cho biết nếu Đồng Tháp với tư cách là tỉnh trồng xoài lớn nhất VN hợp tác, thì hai bên sẽ thỏa thuận lịch thời vụ và thu hoạch để có lợi nhất cho nhà vườn. Các doanh nghiệp Thái Lan sẵn sàng thu mua xoài của Đồng Tháp để xuất khẩu; qua đó người trồng xoài sẽ được lợi ích lớn nhờ thị trường được mở rộng. Tuy nhiên, phía nhà vườn phải điều chỉnh kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cả thu hoạch sao cho kéo dài hơn nữa thời gian bảo quản. Song song đó, tại địa phương phải hình thành nhà máy xử lý trái xoài tươi sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo xoài được đóng gói bảo quản nhanh trước khi vận chuyển xuất khẩu.(XL)
Thị trường sách giáo khoa, dụng cụ học tập bắt đầu sôi động
Dù còn hơn 1 tháng nữa mới bước vào năm học mới, nhưng ngay từ bây giờ, tại các nhà sách mới, cũ đã nhộn nhịp cảnh phụ huynh đưa con đi mua sách và đồ dùng học tập. Thị trường sách giáo khoa, bút mực, dụng cụ học tập đang “nóng” lên từng ngày.
Hiệu sách hút khách
Thời điểm này khi kỳ nghỉ hè đã đi hết nửa chặng đường, nhiều phụ huynh lại bắt đầu sắm sửa sách vở, bút mực… “lấy lại” dần thói quen trong năm học của con hay tạo dựng nền tảng cho những bạn năm nay vào lớp 1. Chị Nguyễn Thị Linh (30 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) khá phấn khởi và kỳ vọng khi đưa con đi mua sách giáo khoa. Chị chia sẻ: “Năm nay đứa con đầu lòng của mình vào lớp 1. Cứ ngỡ đi sắm sách vở cho con sớm, ai dè đi đến hiệu sách mới biết nhiều phụ huynh đã mua cách đây 2 tuần để con làm quen với chương trình học. Họ mua sớm để con được tiếp cận sớm với kiến thức, cũng như tập dần các thói quen ở cấp tiểu học, giúp con tránh bị động và cảm thấy khó khăn khi bước vào cấp học mới”.
Theo khảo sát của PV tại các hiệu sách như: Tiền Phong, Tràng Tiền, phố sách Đinh Lễ, Kim Đồng ở Hà Nội, hiện nay sách giáo khoa, vở và thiết bị giáo dục phục vụ cho năm học mới đã nhập về, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Nhìn chung, giá sách giáo khoa vẫn ổn định như năm ngoái. Một bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5 có giá từ: 88.800 đ đến 199.700 đ/bộ; lớp 6 đến lớp 9 giá từ 158.700đ đến 214.400 đ/bộ; sách lớp 10 đến 12 giá từ 234.200đ đến 291.000 đ/bộ. Theo bạn Hiền, nhân viên hiệu sách Kim Đồng cho biết: “Dường như giá sách giáo khoa vẫn ổn định, không tăng, riêng các loại như bút, cặp và một số dụng cụ học tập khác có tăng nhưng không đáng kể”.
Bên cạnh những hiệu sách mới, các hiệu sách cũ nằm trên đường Láng hay phố Đinh Lễ cũng khá nhộn nhịp. Trường Ngọc Lan (học sinh lớp 11, THPT Đống Đa) chia sẻ: “Nhiều người chọn sách giáo khoa mới, nhưng em thấy sách mới tái bản năm nay cũng như tái bản năm ngoái không khác gì nên em tìm đến hiệu sách cũ mua. Mặt khác mình chọn sách cũ của năm ngoái bộ nhiều bộ còn tốt lắm, giá rẻ hơn 40 - 50% so với giá mua mới. Số tiền dư em có thể mua sách tham khảo, bút vở…”.
Cũng theo chia sẻ của bà Hằng chủ cửa hàng sách cũ ở đường Láng cho biết đối tượng mua sách cũ thông thường là cấp 2 trở lên, hay những phụ huynh có thu nhập thấp muốn được giá rẻ hơn. Thời điểm này sách giáo khoa các cấp là loại bán chạy nhất trong tiềm sách cũ của bà.
Dụng cụ học tập thiết kế bắt mắt
Ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo được phụ huynh, học sinh ưu tiên lựa chọn những thương hiệu lớn, uy tín, thì các mặt hàng khác như dụng cụ học tập, cặp sách, vở viết, đèn học, balô, túi đựng khá đa dạng về chủng loại và giá tiền chính vì vậy phụ huynh có thể dễ dàng lựa chọn. Được thiết kế nhiều tính năng thông minh, đồng thời hình ảnh con vật, công chúa… gần gũi với các khách hàng nhí cũng như các bậc phụ huynh. Đơn cử như: gọt bút chì được thiết kế hình ảnh các con vật, bìa vở được ghép công chúa, hay các nhân vật trong hoạt hình, truyện cổ tích để thu hút khách, đèn học được thiết kế nhỏ gọn hơn.
Chị Trần Thị Kim Oanh (26 tuổi, nhân viên hiệu sách Ong Mật ở đường Nguyễn Khoái) cho biết: “Vở viết dành cho các cấp học cũng khá phong phú về màu sắc, đặc biệt đã xuất hiện nhiều loại giấy vở đẹp, chống lóa, chống nhòe mực và đóng quyển dày cho các môn cần ghi chép nhiều. Vở có giao động từ 4 nghìn đến 11 nghìn đồng/quyển tùy độ dày, mỏng khác nhau. Đồng thời những hãng Hồng Hà, Campus, Bãi Bằng... được phụ huynh khá chọn nhiều”.
Năm nay, nhiều loại balô, cặp sách được thiết kế theo kiểu thông minh có thể hạ xuống thành vali kéo giúp học sinh nhỏ tuổi tránh lệch vai, gù lưng được các hãng đề cao. Nhiều loại đảm bảo tiêu chí không thấm nước, không mùi, có quai đeo trợ lực hoặc được lót quai mềm ở vai để khách hàng lựa chọn. Theo chị Trần Thị Lan (Đại La) bán balô, cặp sách cho biết: “Mấy năm gần đây phụ huynh chọn loại cắp vừa có tính năng kéo giống vali, vừa có thể mang chính vì vậy những sản phẩm nhập về yêu cầu phải đảm bảo chất lượng và có những hình ảnh mang tính gần gũi với học sinh. Khi con đi giải ngoại cùng lớp có thể sử dụng. Mỗi chiếc cặp giao động từ 400- 500 nghìn/ chiếc. Càng nhiều tính năng thông minh thì giá cả càng cao. Có những chiếc lên tiền triệu”.
Ngoài ra, để thu hút khách, nhiều cửa hàng ngoài bán sách vở, dụng cụ học tập khi phụ huynh mua nhiều còn được tặng kèm quà hay giảm giá phần trăm để kích thích lượng bán.(Laodong)
Thị trường lúa gạo trầm lắng
Thời tiết mưa nhiều khiến chất lượng hạt gạo giảm sút nên không thu hút được khách hàng, trong khi đó thương lái mua lúa cũng gặp khó khăn.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tuần từ 4 – 8/7, thị trường lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục trầm lắng, giá lúa Hè Thu biến động từ ổn định đến giảm nhẹ.
Thời điểm giữa tháng 5/2016, thương lái đặt cọc mua hơn 200 ha lúa IR50404 của nông dân các tỉnh ĐBSCL với giá 4.700 đ/kg lúa tươi nhưng càng đến ngày thu hoạch giá lúa, gạo ngoài thị trường càng giảm. Đến đầu tháng 7/2016, giá lúa IR50404 giảm chỉ còn 4.000 đ/kg lúa tươi. Giá gạo sụt giảm, bị thua lỗ nặng nên nhiều thương lái sau khi đặt cọc mua lúa của người dân, đến ngày thu hoạch đã bỏ cọc, nhiều nông dân phải tìm thương lái khác bán lúa với giá thấp hơn từ 500 - 750 đ/kg.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL tuần qua cụ thể như sau: tại An Giang, lúa tươi IR50404 giảm thêm 100 đ/kg, từ 4.300 đ/kg xuống còn 4.200 đ/kg; lúa chất lượng cao OM 2514 giảm từ 4.700 đ/kg xuống còn 4.600 đ/kg.
Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường giảm từ 5.400 đ/kg xuống còn 5.300 đ/kg; lúa dài giảm tới 400 đ/kg, từ 6.000 đ/kg xuống còn 5.600 đ/kg. Tại Bạc Liêu, giá thu mua lúa của Công ty Lương thực tỉnh ổn định ở mức tuần trước là 6.400 đ/kg đối với lúa OM 5451, 6.600 đ/kg đối với lúa OM 4900. Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 không đổi ở mức 4.100 đ/kg, lúa khô có giá 4.800 đ/kg.
Tại thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á giảm trong tuần qua do sức ép gia tăng từ các cuộc đấu thầu bán gạo của Chính phủ Thái Lan, trong khi khách hàng từ châu Phi đã trở lại Thái Lan để mua gạo.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm tuần qua giảm xuống còn 375 – 385 USD/tấn (FOB), so với 380 – 390 USD/tấn hồi cuối tháng 6/2016, do nhu cầu giảm trong bối cảnh chính phủ Thái Lan mở thầu bán gạo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ Thái Lan sẽ mở thầu bán 2,48 triệu tấn gạo để xuất khẩu và sử dụng trong công nghiệp vào tháng này, với tham vọng giải phóng toàn bộ kho dự trữ gạo vào giữa năm 2017.
Gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tiếp tục giữ ở mức 420 – 438 USD/tấn (FOB Băng Cốc). Gạo Thái Lan bán ra trong thời gian qua chủ yếu là gạo đồ, do thị trường châu Phi đã bắt đầu mua trở lại. Nguồn cung gạo Thái Lan dự đoán sẽ tăng trong 2-3 tháng tới do thu hoạch lúa vụ mới.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm chế biến từ lúa Hè Thu giảm nhẹ xuống còn 360 – 370 USD/tấn. Giá chào bán gạo cùng chủng loại chế biến từ lúa Đông Xuân cao hơn từ 10 – 15 USD/tấn. Giá trả thường thấp hơn giá chào khoảng 10 USD/tấn./.(VN+)
Tạm ngừng nhập khẩu lạc từ Senegal do phát hiện gần 1000 tấn nhiễm mọt
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa ban hành Quyết định thông báo tạm ngừng nhập khẩu lạc (Arachis hypogaea) từ Senegal do bị nhiễm mọt cứng đốt Trogoderma granarium Everts và mọt lạc Caryedon serratus Oliveier. Đây là những đối tượng thuộc kiểm dịch thực vật của Việt Nam.
Quyết định này có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày hôm nay (11/7).
Trong thời gian quyết định tạm ngừng chưa có hiệu lực, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ đạo và giao Cục Bảo vệ thực vật kiểm dịch chặt chẽ các lô lạc nhập khẩu từ Senegal.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật thông báo chính thức cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của Senegal biết để có biện pháp khắc phục triệt để.
Đồng thời giao Cục Bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra, xác nhận biện pháp khắc phục của Senegal và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), việc tạm ngừng nhập khẩu là bởi từ ngày 18/2 đến 14/6, đã có 48 container lạc với tổng khối lượng hơn 943 tấn nhập khẩu từ Senegal vào Việt Nam qua cảng Hải Phòng bị phát hiện nhiễm mọt Trogoderma granarium Everts và Caryedon serratus Oliveier còn sống.
Vị đại diện này cũng cho biết, đây là hai loài mọt cực kỳ nguy hiểm thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và chưa có trên lãnh thổ Việt Nam.
Cụ thể, đây hai loài mọt gây hại trên nhiều loại nông sản, đặc biệt là loài mọt cứng đốt Trogoderma granarium Everts nằm trong danh mục 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Chúng gây hại trên nhiều loại nông sản như ngũ cốc (gạo, lúa mỳ, yến mạch, lúa mạch…), sản phẩm ngũ cốc (bột ngô, bột mỳ, khô đậu tượng…), hạt có dầu, thảo dược, gia vị, vải, len dạ, giấy, rau, cao su,… Cả trưởng thành và sâu non đều tấn công gây hại nông sản.
Loài mọt này có thể gây tổn thất lớn về kinh tế do chúng trực tiếp gây ra đối với nông sản cũng như gây mất thị trường xuất khẩu đối với các nông sản của Việt Nam nếu để chúng xâm nhập vào trong nước.
Được biết, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi thông báo không tuân thủ cho cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia Senegal theo thông lệ quốc tế và quy định về kiểm dịch thực vật của Việt Nam./