Lãnh đạo Đà Nẵng giới thiệu cơ hội đầu tư tại Singapore
Thủ tướng: Formosa là bài học về thu hút đầu tư, tăng trưởng
Đề nghị gia hạn giải ngân vốn ODA dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II
Hậu Giang phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 14-07-2016
- Cập nhật : 14/07/2016
Thị trường bất động sản có cân bằng?
Với nguồn cung vượt qua khá nhiều so với nguồn cầu, nhiều khả năng trong các tháng tới, thị trường sẽ tiếp tục diễn biến chậm lại theo xu thế phát triển bền vững hơn.
Bất động sản quý II dường như đang phản ánh những dịch chuyển lớn. Báo cáo của hãng tư vấn CBRE cho thấy lượng giao dịch căn hộ thành công tại TP.HCM trong quý II đã giảm tới 45% so với cùng kỳ năm trước với số lượng 5.887 căn.
Trong khi đó, nguồn cung tuy có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng lên tới con số 10.107 căn hộ mà trong đó gần một nửa số lượng này đến từ các dự án trung cấp, trong khi dự án hạng sang Vinhomes Golden River chiếm 22% tổng lượng cung mới trên thị trường. Diễn biến này mang đến một nỗi bất an lớn trên thị trường về khả năng thị trường sẽ sụt giảm rõ rệt trong năm nay, liệu điều này có đúng?
Thật sự thì điều này chưa đúng lắm nếu nhìn vào khả năng hấp thụ cơ bản của thị trường. Ngoại trừ 2015 là năm bùng nổ giống như một chiếc lò xo bị dồn nén sau nhiều năm với hơn 39.000 căn hộ được bán thành công, thì về cơ bản nhu cầu thị trường không mạnh đến thế.
Theo các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành, mỗi năm thông thường TP.HCM chỉ có thể thấp thụ từ 15.000 – 20.000 căn hộ, tức trung bình mỗi quý vào khoảng 3.500 - 5.000 căn. Như vậy, con số hấp thụ của quý II vừa qua phản ánh một điều rằng, thị trường đang giảm dần đà tăng trưởng.
Dĩ nhiên, với nguồn cung vẫn tiếp tục khá lớn thì áp lực sụt giảm giá là điều không thể tránh khỏi. Theo ghi nhận của CBRE, giá bán các căn hộ được các chủ đầu tư đưa ra trong quý II trung bình khoảng 2.009 USD/m2, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Mức suy giảm này đã có thể lớn hơn nếu như ở phân khúc hạng sang, giá đã tăng 2% nhờ nhu cầu khá mạnh của khách hàng tại dự án Vinhomes Golden River.
Áp lực cạnh tranh sẽ buộc các chủ đầu tư phải tính toán lại chiến lược mới của mình và nhất là hướng về phân khúc cấp thấp hơn để giảm thiểu rủi ro, điều được phản ánh qua việc gia tăng số lượng các dự án trung cấp như trong quý II. Đối với nhiều chủ đầu tư, họ đã có cái nhìn thực tế hơn khi cho rằng mức sinh lợi hoạt động trên thị trường địa ốc giờ cũng chỉ ngang bằng với các lĩnh vực khác và không thể mang lại siêu lợi nhuận như thời kỳ bùng nổ trước kia.
Nhìn về triển vọng thị trường, bà Dương Thị Thùy Dung, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, nhận định rằng: “CBRE kỳ vọng thị trường sẽ trở nên sôi động trở lại trong nửa cuối năm khi các chủ đầu tư hiện có kế hoạch chào bán các dự án mới, như thổi một làn gió mới cho thị trường”.
"Trong đó có một số dự án đáng chú ý như giai đoạn 2 mang tên Hawaii của dự án Diamond Island Premier Residence do Kusto Home đầu tư; dự án Empire City do liên doanh giữa Tiến Phước, Keppel Land, Gaw Capital và Trần Thái đầu tư; dự án Palm City (Quận 2) do liên doanh giữa Tiến Phước, Keppel Land và Trần Thái đầu tư; dự án Millennium do liên doanh giữa Công ty Đầu tư Vĩnh Hội, Phát Đạt và Công ty Đầu tư Thảo Điền cùng phát triển (Quận 4) và dự án Sunwah Pearl (Quận Bình Thạnh)", bà Dung nói.
Với nguồn cung vượt qua khá nhiều so với nguồn cầu, nhiều khả năng trong các tháng tới, thị trường sẽ tiếp tục diễn biến chậm lại theo xu thế phát triển bền vững hơn. Điều đáng phấn khởi ngày càng nhiều các NĐT nước ngoài để mắt tới Việt Nam đang mang đến một không khí mới cho thị trường.
Ngành sản xuất vẫn đang thể hiện bộ mặt tích cực khi chỉ số PMI tháng 6 đứng ở mức 52.6 điểm, duy trì mở rộng trong 11 tháng liên tục. Một khi dòng vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam thì nhu cầu thuê nhà để ở, văn phòng để làm việc, nhà xưởng và đất đai khu công nghiệp sẽ có cơ hội.
Theo Tổng cục thống kê, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm của dòng vốn trực tiếp nước ngoài tính đến quý II đã đạt 11,3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các thương vụ M&A cũng sẽ tạo nên nguồn trợ lực lớn cho thị trường trong các tháng tới, nhất là trên phân khúc văn phòng cho thuê, khách sạn nghỉ dưỡng. Thêm vào đó, tờ Nikkei Asian Review cho biết, Chính phủ nước này đang có kế hoạch hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc tung ra gói hỗ trợ tín dụng mới về nhà ở cho người dân Việt Nam. Chính sách này nếu được thông qua sẽ là một tin vui đối với thị trường trong bối cảnh nguồn vốn trong nước đang dần thu hẹp.(TBNH)
Việt Nam yêu cầu Thái Lan điều tra vụ bắn tàu cá
Liên quan đến thông tin hải quân Thái Lan nổ súng vào nhóm 3 tàu cá Bến Tre, khiến 2 người bị thương và một người mất tích, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Thái Lan điều tra vụ việc này.
Đây không phải lần đầu tiên tàu cá Việt Nam bị tàu Thái Lan tấn công. Ảnh: Tàu cá Kiên Giang bị tàu vũ trang Thái Lan tấn công ngày 11-9-2015 khiến một ngư dân thiệt mạng - Ảnh: Khoa Nam
Ngày 12-7, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết đại diện Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội phản đối việc sử dụng vũ lực đối với ngư dân trong bất kỳ trường hợp nào, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao Thái Lan điều tra vụ việc.
Bà Thu Hằng thông tin thêm, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đang khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, có các biện pháp bảo hộ cần thiết đối với các ngư dân đang bị tạm giam, yêu cầu phía Thái Lan khẩn trương tìm kiếm ngư dân bị mất tích.
Phía Thái Lan cho biết đang cử các phương tiện tìm kiếm ngư dân này.
Các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước làm rõ những thông tin liên quan để giải quyết vụ việc.
Ngày 11-7, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã cử cán bộ thăm lãnh sự 2 ngư dân bị thương. Hiện tình trạng sức khỏe của 2 ngư dân này ổn định.
Trước đó, phóng viên TTXVN tại Thái Lan dẫn nguồn Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết vào lúc 14g chiều 8-7 đã xảy ra ra một vụ tàu hải quân Thái Lan nổ súng vào nhóm ba tàu cá Việt Nam.
Trên các tàu cá có tổng cộng 18 ngư dân, bảng đăng ký tàu tại tỉnh Bến Tre, đánh bắt cá trên vùng biển Thái Lan.
Vụ nổ súng khiến 2 ngư dân bị thương, một lái tàu mất tích trên biển.
Hai tàu cá va chạm với tàu hải quân Thái Lan và bị chìm.
Đây là lần thứ 2 tàu chiến Thái Lan nổ súng vào tàu cá Việt Nam gây thương vong. Ngày 11-9-2015, tàu chiến Thái Lan cũng xả súng vào tàu cá Việt Nam làm một ngư dân thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối và yêu cầu phía Thái Lan điều tra làm rõ.
Doanh nghiệp đa dạng kênh tìm vốn
Trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng, nhiều doanh nghiệp tìm cách huy động vốn bằng nhiều kênh khác thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn vay như trước đây.
Hiện nay, lãi suất cho vay đang dao động trong vùng 9-11%/năm và khả năng giảm thêm như kỳ vọng của nhiều người không hề đơn giản bởi một số nguyên nhân như: lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn dài đang nằm trong khoảng 6-8%/năm, lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) hấp dẫn, nhu cầu vay vốn đầu tư hiện cũng khá nhiều…
Đối với một số lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay của NH có thể ở mức 6-7%, một số DN có hoạt động ổn định, quy mô lớn cũng có thể vay với lãi suất thấp. Vì vậy, nhiều DN đang tính đến việc huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn vốn NH. Điều này được đánh giá là điểm tích cực trên thị trường vốn, cũng như có thể giảm áp lực cho các NHTM trong bối cảnh lãi suất huy động tăng.
Trường hợp điển hình như CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (CTI) tổng vốn đầu tư của DN này trong năm nay lên đến 1.255 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ mới xấp xỉ 330 tỷ đồng, nhu cầu tăng vốn là tất yếu. CTI đã lên phương án phát hành khoảng 10 triệu CP (tăng vốn thêm 30,3%) với giá phát hành không thấp hơn 20.000 đồng/CP. Như vậy, nếu đợt phát hành này thành công, vốn điều lệ của CTI sẽ tăng lên khoảng 430 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhận định: “Tính chọn lọc cũng như sự phân hoá của thị trường chứng khoán đang được đẩy lên cao. Nghĩa là DN nào có thực lực mới có thể huy động vốn thành công. Nhưng điều này cũng là cơ hội để cho những DN tốt, thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, huy động được nguồn vốn đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu phát triển của mình”.
Từ nhận định của TS. Nguyễn Sơn, nếu nhìn rộng hơn sẽ thấy các hoạt động huy động vốn đang được triển khai rất đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, ngoài việc phát hành riêng lẻ thì một loạt DN lớn hiện nay cũng trở lại với hình thức chia cổ tức bằng CP hoặc phát hành CP thưởng. Trước đây, hình thức này thường gây ra những hiệu ứng tiêu cực, bởi lẽ nhiều ý kiến cho rằng DN không thực sự làm ra dòng tiền nên phải dùng cách này để trấn an cổ đông.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, khi sự phân hoá giữa các CP trên thị trường đã rõ ràng hơn, nghĩa là DN nào làm ăn hiệu quả đã được xác định thì việc chia cổ tức bằng CP lại đem lại những tác dụng khác.
Hơn 2 tháng trước, Hoà Phát (HPG) đã tiến hành thưởng CP với tỷ lệ 10:3, chia cổ tức bằng CP với tỷ lệ 10:2 rồi chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%. Với cách làm này, cổ đông của HPG vừa có tiền mặt, đồng thời cũng gia tăng được số lượng CP HPG mà mình đang nắm giữ. Còn HPG với vị thế là DN hàng đầu trong ngành thép cũng cần vốn để tiếp tục đầu tư phát triển, duy trì vị thế của mình.
Với những khoản lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng làm ra, HPG cũng đủ nguồn lực để giữ lại, tái đầu tư, tăng vốn. Về phía cổ đông hay NĐT, việc kỳ vọng DN tiếp tục phát triển sẽ dẫn đến việc ủng hộ phương án chia cổ tức bằng CP, vốn là hình thức giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. Một DN làm ăn hiệu quả nếu tiến hành chia cổ tức bằng CP lúc này có thể nhận được nhiều kỳ vọng, sự đồng thuận của cổ đông. Đó cũng là lý do khi HPG, Hoa Sen, hay cả Vinamilk tiến hành chia cổ tức bằng CP hoặc thưởng CP thì giá CP thường có diễn biến tích cực.
Như vậy, ngoài nguồn vốn từ NH, việc thị trường chứng khoán phát triển cũng đã tạo cơ hội để các DN có nhiều kênh, cách thức huy động vốn. Thậm chí, ngay cả với những dự án startup hiện đang được xã hội quan tâm thì hiện cũng có những quỹ đầu tư tìm kiếm và rót vốn, mấu chốt là các dự án phải bộc lộ được sự hấp dẫn của mình.
Chính phủ cần lắng nghe doanh nghiệp
Bản thân các DN tư nhân trong nước cũng có nhu cầu đối thoại trực tiếp với Chính phủ, trong khuôn khổ một cơ chế đối thoại minh bạch và hiệu quả với lãnh đạo Nhà nước, để thảo luận nhu cầu và giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DNNVV Việt Nam...
Bản “Tuyên bố chung” của cộng đồng DN vừa được giới thiệu tại buổi họp báo diễn ra cuối tuần trước, thông tin về kết quả Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) năm 2016 và ra mắt Sách Trắng “Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam-Cơ hội, thách thức và giải pháp”. Là những nội dung quan trọng của Sách Trắng, Tuyên bố đưa ra những phân tích bối cảnh hiện nay; quan điểm từ phía DN về hiện trạng của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam; những đề xuất chính sách bao trùm 7 ngành nghề (Kinh tế số; Nông nghiệp; Dạy nghề; Phân phối và Logistics; Thị trường tài chính và Huy động vốn; Công nghiệp phụ trợ; Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng); và những khuyến nghị hỗ trợ các lĩnh vực như Khởi nghiệp và sáng tạo, Cụm liên kết ngành, Hội nhập và toàn cầu hóa.
Nói về sự cần thiết của Tuyên bố nêu trên, bà Từ Thu Hiền, Giám đốc MBI Việt Nam (Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong) cho rằng, Chính phủ sẽ cần nghe những đề xuất, phản hồi và ý kiến cụ thể từ DN để từ đó hiểu rõ hơn nhu cầu của DN.
Đồng thời, nó cũng giúp Chính phủ xây dựng các chính sách quy định hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho DN.“Đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ và DN như được thực hiện tại diễn đàn VPSF sẽ là con đường tốt nhất để đạt được hiểu biết chung cần có”, bà Hiền nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, bản thân các DN tư nhân trong nước cũng có nhu cầu đối thoại trực tiếp với Chính phủ, trong khuôn khổ một cơ chế đối thoại minh bạch và hiệu quả với lãnh đạo Nhà nước, để thảo luận nhu cầu và giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DNNVV Việt Nam - đối tượng chiếm đến hơn 90% tổng số DN đang hoạt động hiện nay trong toàn nền kinh tế.
Bà Hiền chia sẻ thêm, mặc dù đã có các cuộc đối thoại của Chính phủ với DN tại các diễn đàn DN và các hội nghị DN, nhưng vẫn còn thiếu một cơ chế đối thoại công - tư tập trung thảo luận về nhu cầu của các DNNVV.
“Cần các chính sách tạo thuận lợi cho hình thành DN; tăng cường cơ sở hạ tầng về pháp lý; tạo thuận lợi cho tiếp cận tài chính; đảm bảo các cơ quan Chính phủ phối hợp tốt hơn trong quá trình hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển”, bà Hiền gợi mở.
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam cũng hoàn toàn ủng hộ chủ trương tăng cường đối thoại giữa Chính phủ và DN và cho rằng, đây cũng là lý do hiệp hội này tham gia tổ chức Diễn đàn quy tụ các doanh nhân, thảo luận những vấn đề cùng quan tâm cũng như chia sẻ mong muốn hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Trước đó, VPSF lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Thách thức, giải pháp và lợi thế cạnh tranh cho DN tư nhân Việt Nam”. Các đại biểu đã thảo luận 10 chủ đề bao trùm 7 ngành và 3 lĩnh vực. Theo các đại biểu tham dự, Diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định tiếng nói, vai trò của đội ngũ DN tư nhân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Quân tin rằng, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ cùng đông đảo các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước, VPSF được kỳ vọng sẽ trở thành một động lực quan trọng hơn nữa trong quá trình phát triển và hội nhập của đất nước trong thời đại toàn cầu hóa. (TBNH)