Bên hành lang Quốc hội sáng nay, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đã chia sẻ với báo chí một số thông tin liên quan về kết quả Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI vừa bế mạc sang qua, 3-11.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 13-10-2015
- Cập nhật : 13/10/2015
Thí điểm cấp giấy phép lái xe quốc tế từ ngày 15.10.2015
Tổng cục Đường bộ vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét thống nhất với Bộ Tài chính được tạm thu 135.000 đồng/giấy phép lái xe quốc tế (International Driving Permit-IDP).
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, lệ phí cấp giấy phép lái xe quốc tế này là tương đương với mức thu hiện đang áp dụng đối với bằng lái xe vật liệu PET được quy định tại Thông tư số 73. Tổng cục cũng dự kiến sẽ thực hiện thí điểm cấp giấy phép lái xe quốc tế kể từ ngày 15.10.2015.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không có chuyện trạm thu phí BOT 'bủa vây'
“Không có tỉnh nào trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long kêu trạm thu phí nhiều. Người dân muốn làm BOT để có đường đi. Tỉnh ủy đề nghị Hội đồng nhân dân 1 dự án BOT thì 4 đơn vị đề nghị làm, Hậu Giang còn đề nghị sao tỉnh tôi không có dự án BOT nào”, ông Thăng cho biết. Theo ông Thăng, không có chuyện trạm thu phí bủa vây các tỉnh phía Bắc.
Đề xuất Hà Nội, TP HCM có 5 phó chủ tịch
Chính phủ vừa công bố dự thảo nghị định quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách thức thành viên UBND các cấp.
Là cơ quan xây dựng dự thảo, Bộ Nội vụ cho rằng nghị định 107 năm 2004 không quy định thống nhất tiêu chí để xác định cụ thể số lượng phó chủ tịch UBND các cấp, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương có văn bản xin Thủ tướng cho tăng số lượng phó chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện vượt khung.
Từng chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND phụ trách các lĩnh vực cũng không quy định cụ thể gây khó khăn trong việc phân công nhiệm vụ của các thành viên UBND tùy theo tình hình, đặc thù của từng địa phương. Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất số lượng phó chủ tịch UBND áp dụng cụ thể đối với vùng nông thôn và đô thị.
Theo đó, ở khu vực nông thôn, tỉnh loại I có 4 phó chủ tịch UBND khi đạt một trong các tiêu chí: Có dân số từ 2 triệu người trở lên; có diện tích từ 10.000 km2 trở lên; có từ 20 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc trở lên. Tỉnh loại I không thuộc trường hợp trên và tỉnh loại II, loại III có 3 phó chủ tịch UBND.
Đối với UBND huyện, theo dự thảo, huyện loại I có 3 phó chủ tịch UBND khi đạt một trong các tiêu chí: Có dân số từ 180.000 người trở lên; có diện tích từ 1.000 km2 trở lên; có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên. Huyện loại I không thuộc trường hợp trên và huyện loại II, loại III có 2 phó chủ tịch UBND.
Xã loại I có 2 phó chủ tịch UBND; xã loại II và loại III có một phó chủ tịch UBND.
Ở khu đô thị, Bộ Nội vụ đề xuất thành phố Hà Nội và TP HCM có 5 phó chủ tịch UBND. Ngoài 2 thành phố trên, thành phố trực thuộc trung ương có 4 phó chủ tịch khi đạt một trong các tiêu chí: Có dân số từ 1,5 triệu người trở lên; có diện tích từ 1.500 km2 trở lên; có từ 15 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc trở lên. Thành phố trực thuộc trung ương không thuộc trường hợp trên có 3 phó chủ tịch UBND.
Đối với UBND quận, theo dự thảo, quận loại I có 3 phó chủ tịch UBND khi đạt một trong các tiêu chí: Có dân số từ 250.000 người trở lên; có diện tích từ 50 km2 trở lên; có từ 15 đơn vị hành chính trực thuộc trở lên. Quận loại I không thuộc trường hợp trên và quận loại II, loại III có 2 phó chủ tịch UBND.
Theo dự thảo, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có 3 phó chủ tịch UBND khi đạt một trong các tiêu chí: Có dân số từ 200.000 người trở lên; có diện tích từ 250 km2 trở lên; có từ 20 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên.
Thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I không thuộc trường hợp trên và thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có 2 phó chủ tịch UBND.
Phường, thị trấn loại I có 2 phó chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại II và loại III có một phó chủ tịch UBND.
Đề xuất tăng lương cho quân nhân đang tại ngũ
Bộ Quốc phòng vừa có đề xuất tăng 1,5 - 2 lần mức lương tối thiểu cho các chiến sĩ đang tại ngũ.
Hệ số của các vị trí trong quân đội được giữ nguyên, nhưng lương tối thiểu áp dụng với họ sẽ được tăng lên. Với cấp sĩ quan, nếu đủ tiêu chuẩn đến thời hạn xét thăng quân hàm nhưng chưa được thăng quân hàm thì vẫn được nâng lương. Từ Thượng úy đến Đại tá các đơn vị cơ sở nhận thêm phụ cấp bằng 0,5 lần so với lương tối thiểu chung.
Với quân nhân, công chức, viên chức, công nhân Quốc phòng đã kết hôn mà không cùng sống một nơi với vợ hoặc chồng, mỗi tháng được hưởng trợ cấp bằng một lần lương tối thiểu.
Với những chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia, mức trợ cấp hàng tháng bằng 100% mức lương chính cộng phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Gần 64.000 tỷ đồng vốn cho các dự án giao thông trong 9 tháng
Trong 9 tháng năm 2015, Bộ GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 77 công trình, dự án. Hầu hết các dự án đều hoàn thành vượt tiến độ.
Một số dự án hoàn thành trước tiến độ gồm Cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nội Bài - Nhật Tân, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, 75,2km đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai...
Số vốn đổ vào các dự án ước đạt 63.927 tỷ đồng, đạt 79,85%; giải ngân ước đạt 60.764 tỷ đồng, đạt 75,90% kế hoạch năm 2015. Các cơ quan, đơn vị đã trình duyệt quyết toán 302 dự án, đạt 87% kế hoạch, đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 309 dự án, đạt 84% kế hoạch năm 2015.
Sản lượng vận tải 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt khoảng 835,1 triệu tấn hàng và 2.434 triệu lượt hành khách; tăng 5,8% về sản lượng vận tải hàng hóa và tăng 7,5% sản lượng vận tải hành khách so với 9 tháng năm 2014.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thi công, Bộ GTVT đã chỉ đạo đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung định mức, đơn giá, tăng cường quản lý chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án.