tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 14-10-2015

  • Cập nhật : 14/10/2015

Lũng đoạn giá xe máy tại Quảng Trị: Giá một đường, hóa đơn một nẻo

Sau khi bài viết Liên minh lũng đoạn giá phản ánh tình trạng Hiệp hội buôn bán xe máy Quảng Trị (một hiệp hội tự xưng, không được pháp luật công nhận) thao túng giá xe máy đăng trên Thanh Niên ngày 5.10, PV tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về những mập mờ trong việc buôn bán xe máy tại địa phương.
loai xe nay bi “hiep hoi buon ban xe may quang tri” khong che gia cao gay thiet hai cho nguoi mua - anh: n.phuc

Loại xe này bị “Hiệp hội buôn bán xe máy Quảng Trị” khống chế giá cao gây thiệt hại cho người mua - Ảnh: N.Phúc

Cụ thể, chị X. (trú P.3, TP.Đông Hà) cho hay chị vừa mua tại cửa hàng xe máy Thảo Ái (trên đường Lê Duẩn, TP.Đông Hà) một chiếc xe Honda SH 125 cc với giá “của hiệp hội” là 75,5 triệu đồng (giá công bố của hãng chỉ là gần 67 triệu đồng), tuy nhiên khi viết hóa đơn, nhân viên cửa hàng lại viết giá chỉ 68 triệu đồng.
“Tôi thắc mắc thì họ nói viết như vậy không sai. Dù viết thế thì sẽ nộp thuế trước bạ thấp hơn nhưng tôi cứ thấy khó chịu trong người”, chị X. nói. Tương tự, chị Đ. (trú P.1, TP.Đông Hà) cũng cung cấp cho PV hóa đơn do cửa hàng xe máy Duy Tâm (cũng nằm trên đường Lê Duẩn) viết giá chiếc Honda SH mode 125 cc mà chị mua chỉ 47,6 triệu đồng (giá hãng Honda công bố là gần 50 triệu đồng và số tiền thực tế chị Đ. trả là 54,5 triệu đồng).
Một lãnh đạo của Chi cục Thuế TP. Đông Hà cho biết, theo quy định về pháp luật thuế, doanh nghiệp bán cho khách hàng giá bao nhiêu thì phải viết hóa đơn bấy nhiêu. “Thông tin về những trường hợp như thế này đã nghe nhiều và chỉ cần có bằng chứng là cơ quan thuế sẽ xử lý. Vấn đề là tìm bằng chứng không dễ”, vị này nói. Riêng với trường hợp xuất hóa đơn thấp hơn giá công bố của hãng, vị này cho đây là có dấu hiệu trốn thuế.(Thanh Niên)

Phân bón hỗ trợ bị nghi hàng giả

Người dân nghèo vùng ba thuộc xã Tân Lập, H.Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đồng loạt không nhận phân bón hỗ trợ của Nhà nước (theo chương trình 135 CP), do chính quyền xã mua về, vì cho rằng loại phân này giả, chất lượng kém.

co quan quan ly thi truong lang son kiem tra loai phan bi nguoi dan nghi la gia mao - anh: le thanh hien

Cơ quan Quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra loại phân bị người dân nghi là giả mạo - Ảnh: Lê Thanh Hiền

Trong tổng số 360 hộ nghèo, cận nghèo toàn xã được hỗ trợ phân bón thì đa phần dân không nhận, trong đó có thôn Đá Mài và Đồng Sinh 100 % số hộ cương quyết không nhận.
Ông Lý Văn Tài, trú tại thôn Đá Mài cho biết: “Chẳng hiểu sao, năm nay xã lại nhập loại phân lạ có tên Quế Lâm phân bón NPK cao cấp và Phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm-01 về cho dân; trong đó nhãn mác hàng hóa không rõ ràng, không có điện thoại nơi sản xuất, chúng tôi nghi giả”.
Ông Nông Văn Quan (62 tuổi), trú tại thôn Hợp Thành chỉ tay về phía những cánh đồng ngả màu úa vàng nói: “Cuối tháng 8 vừa qua, các hộ nghèo và cận nghèo được nhận đồng loạt 7 bao phân (tổng trọng lượng là 195 kg), gồm 2 loại hạt tròn và loại đất mịn. Tôi mang một ít đi bón ruộng thì không hiệu quả, cây không phát triển, còi cọc. Các hộ khác cũng có kết quả tương tự, nên chất đống từng bao phân nguyên đai, nguyên kiện, dựng góc nhà”. Ông Quan cho biết thêm, các hộ nghèo ở thôn phải vay mượn tiền, ra chợ huyện mua các loại phân truyền thống khác như NPK Lâm Thao hoặc Cà Mau; khi về bón ruộng lúa, chất lượng khác hẳn.
Làm việc với PV Thanh Niên, ông Hoàng Việt Thắng, Phó chủ tịch HĐND xã, Trưởng ban hỗ trợ phát triển sản xuất hộ nghèo xã Tân Lập xác nhận: việc dân không nhận phân bón đang gây khó khăn cho việc thực hiện hỗ trợ sản xuất cho người nghèo ở xã. Ông Thắng cho rằng, cán bộ địa phương không có chuyên môn nên chủ yếu tin vào nhà sản xuất, đơn vị cung ứng; năm 2015, Tân Lập nhập trên 70 tấn phân mang nhãn hiệu “Quế Lâm- phân bón NPK cao cấp” của Chi nhánh vật tư kỹ thuật nông nghiệp H.Lạng Giang tỉnh Bắc Giang. “Nếu như đó là phân rởm, kém chất lượng thì chúng tôi sẽ trả cho nơi sản xuất”, ông Thắng nói.
Hiện tại các ngành chức năng huyện Hữu Lũng đã vào cuộc thẩm tra việc cung ứng loại phân lạ kể trên. Theo Cơ quan Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn thì chất lượng phân đạm do lãnh đạo xã Tân Lập mua về phát cho dân có vấn đề, phải mang đi kiểm định, làm rõ sự việc, giải tỏa nỗi bức xúc của người dân.

Hà Nội tăng cường quản lý chất thải y tế

Trong năm 2015, Sở Y tế Hà Nội thành lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác quản lý chất thải y tế, quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố bao gồm 38 bệnh viện và 31 trung tâm y tế, trung tâm chuyên khoa.
Kết quả kiểm tra về chất thải rắn y tế, tất cả các đơn vị đã đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác thu gom quản lý chất thải y tế. Việc phân loại chất thải y tế được thực hiện ngay tại nơi phát sinh. Hiện nay việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo hai mô hình xử lý là xử lý tập trung (thuê các tổ chức, cá nhân có đủ tư cách pháp nhân về xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy định) và xử lý tại chỗ. Với chất thải thông thường, tất cả các đơn vị được kiểm tra đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý với đơn vị được cấp phép.
Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, đồng thời tích cực kiểm tra, giám sát hỗ trợ tại các cơ sở y tế để chấn chỉnh những tồn tại và chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị khi không thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất thải y tế, quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động tại đơn vị.

Nhiều dự án vay WB có nguy cơ phải chuyển vốn cho dự án khác

19 dự án, chương trình sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) ở VN nhưng không sử dụng hoặc nguy cơ sử dụng không hết vốn đang được Bộ KH-ĐT và WB rà soát, yêu cầu báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện và kiến nghị kế hoạch triển khai.
Theo đại diện WB, nếu các dự án này không sử dụng vốn hoặc thừa vốn, đến năm 2017, thời điểm VN không tiếp tục được hưởng vốn vay ưu đãi nữa vì đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp thì buộc phải chuyển khoản vốn này cho những dự án khác (cũng tại VN).
Những dự án nằm trong danh sách rà soát như dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội; dự án giao thông đô thị Hải Phòng; dự án phát triển năng lượng tái tạo…
Một số dự án đã qua giai đoạn giữa kỳ nhưng giải ngân ít hơn 40%, gần đến hết thời gian thực hiện nhưng vẫn còn 30% lượng vốn chưa giải ngân... Đến nay, VN vay ưu đãi của WB 8,5 tỉ USD.

Tiếp tục công bố giá bán lẻ 6 sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi

Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính vừa công bố mức giá kê khai, giá bán lẻ khuyến nghị đối với 6 sản phẩm sữa của trẻ dưới 6 tuổi của hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam và Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến.
Theo đó, nhà phân phối Tiên Tiến bán các sản phẩm sữa Lactum 3 và 4, giá bán lẻ sau chiết khấu (bao gồm cả VAT) sẽ được áp dụng từ ngày 13.10 như sau: Lactum 3 loại 900 gr 280.000 đồng/ hộp, loại 1,8 kg giá 532.000 đồng/hộp. Lactum 4 giá 270.500 đồng/hộp 900 gr, 512.000 đồng/hộp 1,8 kg.
Tương tự, giá bán buôn tối đa của Mead Johnson Nutrition với sữa Lactum 3 là 243.595 đồng/hộp 900 gr, Lactum 4 là 235.400 đồng/hộp 900 gr và 445.500 đồng/hộp 1,8 kg...
Các mức giá bán buôn và lẻ được công bố công khai nhằm kiểm soát giá bán lẻ tại các cơ sở kinh doanh sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi tại các địa phương.
Trước đó, Cục Quản lý giá cũng đã công bố giá tối đa và kê khai 5 sản phẩm sữa mới dòng Enfa... của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam. Đồng thời, công bố giá kê khai, giá bán lẻ khuyến nghị của 5 sản phẩm trên do Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến phân phối. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, đã có 768 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục